07:07 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 3365

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278785

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008192

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Tóm Tắt Chương 1 “Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu?”​​

Thứ hai - 07/09/2020 21:15
Tóm Tắt Chương 1 “Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu?”​​

Tóm Tắt Chương 1 “Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu?”​​

Kính thưa quý thính giả, Tuần trước chúng ta đã theo dõi xong phần cuối của Chương 1 của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.


Tóm Tắt Chương 1 “Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu?”​​


         Kính thưa quý thính giả,
 

         Tuần trước chúng ta đã theo dõi xong phần cuối của Chương 1 của quyển sách Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh của Tiến Sĩ Gary Chapman.
 

         Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tóm tắt lại cả chương này để có một cái nhìn tổng quát về những gì chúng ta đã nghe trong những tuần vừa qua.
 

         Tựa đề của chương 1 là “Sự Giận Dữ Đến Từ Đâu?”
 

         Sự giận dữ có mặt khắp mọi nơi.
 

         Vợ chồng tức giận nhau. Nhân viên tức giận chủ. Các bạn thiếu niên tức giận cha mẹ, và ngược lại. Người dân tức giận nhà cầm quyền của họ. Chúng ta tức giận bản thân mình và con cái mình đang biểu hiện sự giận dữ cách không thích đáng. Rõ ràng, nhiều người trong chúng ta có “vấn đề” với sự giận dữ. Còn Cơ Đốc nhân, thì liệu đã có một biểu hiện thích hợp khi giận dữ chăng?
 

         Việc am hiểu nguồn gốc của sự giận dữ là quan trọng để am hiểu tại sao lại giận dữ, và việc am hiểu tại sao giận dữ là thiết yếu cho việc học biết làm thế nào để xử lý cơn giận trong một cách thức xây dựng.
 

         Các sách báo thường hay nhìn sự giận dữ như là một phương cách để sinh tồn trong quá trình tiến hóa trong buổi ban sơ của con người, là “cách thức của thiên nhiên” để chuẩn bị cho con người phản ứng lại trong những lúc hiểm nguy. Quan điểm này không giải thích thỏa đáng được các khía cạnh tâm lý của sự giận dữ.
 

         Khi không biết xử lý cơn giận, kết quả thường là sự rối loạn trong hôn nhân và gia đình, đôi lúc lại lan tràn ra nơi làm việc hoặc các hoàn cảnh khác.
 

         Tất cả chúng ta đều có thể học biết thật nhiều điều về sự giận dữ để có thể xử lý cơn giận của mình hiệu quả hơn. Quyển sách này sẽ giúp bạn có được một cái nhìn tươi mới và phù hợp với tinh thần Cơ Đốc về sự giận dữ, và bạn sẽ được trang bị để am hiểu và xử lý cơn giận của mình hoặc cơn giận của một người thân theo một cách thức khôn ngoan và xây dựng.
 

         Khi chúng ta học biết nguồn gốc của sự giận dữ phát xuất từ bản tánh thánh khiết và yêu thương của Đức Chúa Trời, học biết được mục đích của cảm giác giận dữ là để làm gì, cũng như chúng ta biết đem cơn giận của mình đặt dưới quyền cai trị của Đấng Christ, chúng ta có thể chữa lành lại các mối quan hệ. Quan trọng nhất là chúng ta có thể hoàn tất các mục đích tốt đẹp của Đức Chúa Trời.
 

         Chúng ta đã nghe câu chuyện của Brooke, là một nhân viên kế toán được công nhận bằng cấp hẳn hoi nhưng vì thương chồng con, đã chọn tạm gác lại nghề nghiệp của mình cho đến khi bọn trẻ bắt đầu đến trường. Cô luôn mong có con, nhưng khi đã có con rồi, thường hay “nổi cáu” với các con của mình, la hét chúng nó, có lúc đánh chúng thật mạnh. Hôm nọ cô nhấc con gái lên và giằng mạnh cháu. Điều đó thật sự làm cô hoảng sợ. Trên ti-vi đã từng có tường thuật về một bà mẹ đã lỡ tay giết con mình khi giằng mạnh nó. Cô giận dữ với bản thân vì đã tự chọn trở thành một bà mẹ ở nhà trọn thời gian, và cuối cùng cô tức giận Đức Chúa Trời vì đã để cho cô trở thành một bà mẹ.
 

         Kế tiếp là Bill, anh ta tâm sự: “Trong mười lăm phút, tôi đã cố gắng khởi động máy cắt cỏ của mình. Tôi kiểm tra xăng, tôi kiểm tra dầu, tôi thay một bu-ji mới, nhưng nó chẳng chịu hoạt động. Cuối cùng, vì quá bực tức, tôi lùi lại và đá vào nó. Tôi bị gãy hai ngón chân và cắt đứt một ngón khác. Tôi không thể kể cho ai nghe điều gì đã thật sự xảy ra, vì thế tôi cứ phải nói, “Tôi bị tai nạn với cái máy cắt cỏ.”
 

         “Đây không phải là lần đầu tiên tôi nổi nóng,” anh ta nói tiếp. “Tôi đã từng nói một số điều khá cay độc với vợ và các con tôi trong quá khứ. Tôi chưa từng đánh đập vợ con trong lúc nổi nóng, nhưng đã mấy lần suýt tôi làm như vậy.”
 

         Bill có học vấn cao, có học vị Cao Học Quản Trị Kinh Doanh, là một thành viên tích cực của hội thánh anh và rất được tôn trọng trong cộng đồng. Thế nhưng Bill có thói quen “dễ nổi nóng, mất bình tĩnh.” Hàng ngàn người đàn ông không may có tính ưa nổi nóng, nhưng lại không chân thành như anh, và thậm chí chẳng có mấy người lại giơ tay ra để cầu xin được giúp đỡ.
 

         Cả hai Brooke và Bill đều biết rằng sự giận dữ của họ đã đưa họ đến hành vi cư xử không thích hợp, nhưng cả hai đều không biết phải làm gì về điều đó. Họ đều đau khổ về thể xác lẫn tình cảm do những phản ứng tiêu cực của mình trước cơn giận, và những người thân yêu của họ cũng đang đau khổ nữa.
 

         Tự điển mô tả sự giận dữ là “một trạng thái tâm lý mãnh liệt, một cảm xúc mạnh mẽ khi bất mãn, thường là do bị phản đối, bị kích động do bị tổn thương, bị nhục mạ hay bị xúc phạm”. Trong thực tế nó là một chuỗi các cảm xúc liên quan đến thân thể, tâm trí, và ý chí.
 

         Sự giận dữ là một phản ứng trước một biến cố hoặc tình huống nào đó trong đời sống khiến chúng ta bực tức, thất vọng, đau đớn, hoặc không hài lòng. Hàng ngàn biến cố hoặc tình huống có tiềm năng khơi dậy cơn giận. Sự giận dữ được nuôi dưỡng bởi những cảm giác thất vọng, tổn thương, khước từ, và bối rối. Sự giận dữ khiến bạn ở trong thế đối địch lại với con người, nơi chốn, hoặc vật thể vốn khuấy động cảm xúc này. Đó là điều đối lập với cảm giác yêu thương. Tình yêu thương kéo bạn về phía người đó; sự giận dữ đặt bạn trong chỗ chống nghịch lại người đó.
 

         Cơ thể cũng bị tác động bởi kinh nghiệm của sự giận dữ. Hệ thống thần kinh tự động của cơ thể “tuôn trào chất adrenaline.” Tùy vào mức độ giận dữ, một vài hoặc tất cả những yếu tố sau có thể xảy ra cho cơ thể. Tuyến thượng thận tiết ra hai kích thích tố: epinephrine (adrenaline) và norepinephrine (noradrenaline). Hai hóa chất này dường như tạo cho con người bị khuấy động, căng thẳng, hầm hầm nóng giận, và lần lượt các kích thích tố này ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, chức năng của phổi, và hoạt động của bộ máy tiêu hóa.
 

         Chúng ta không thể kiểm soát những tác động của cơn nóng giận lên cơ thể, nhưng chúng ta có thể kiểm soát những phản ứng trong suy nghĩ và sự đáp trả bằng hành động trong cơn giận.
 

         Sự giận dữ đến từ đâu và vì sao chúng ta kinh nghiệm nó?
 

         Khả năng giận dữ của con người đã bắt nguồn từ bản tánh của Đức Chúa Trời. Sự giận dữ xuất phát từ hai khía cạnh của bản tánh thiên thượng của Đức Chúa Trời: tính thánh khiết của Đức Chúa Trời và tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chính từ hai đặc tính thiên thượng này mà cơn giận của Đức Chúa Trời được thể hiện. Kinh Thánh thường cho thấy rằng Đức Chúa Trời từng trải sự giận dữ, như tác giả Thi Thiên có nói: “Thật là Đức Chúa Trời hằng ngày nổi giận cùng kẻ ác” (Thi thiên 7:11b).
 

         Hãy đọc cuộc đời của Chúa Jesus, bạn sẽ thấy vô số tình huống qua đó Chúa Jesus đã bày tỏ sự giận dữ. Bởi vì Đức Chúa Trời là thánh và bởi vì Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nên tất yếu là Đức Chúa Trời trải qua sự giận dữ. Tất cả các luật lệ đạo đức của Đức Chúa Trời đều luôn đứng với điều phải, điều đúng, và chúng luôn vì lợi ích của các tạo vật Ngài. Đức Chúa Trời ao ước con người làm những điều phải lẽ và tận hưởng những lợi ích của việc làm này. Ngài phán với dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, “Hãy xem, ngày nay ta đặt trước mặt ngươi sự sống và phước lành, sự chết và tai họa, vì ngày nay, ta bảo ngươi thương mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đi trong các đường lối Ngài, và gìn giữ những điều răn luật lệ và mạng lịnh Ngài, để ngươi sống, gia thêm, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi trong xứ mà ngươi sẽ vào nhận lấy”
 

         Cơn giận của Đức Chúa Trời bị khuấy động lên vì Ngài nhận biết những hậu quả tai hại của tội lỗi con người. Chính sự quan tâm đối với sự công bằng và sự công chính của Đức Chúa Trời đã khơi dậy cơn giận của Đức Chúa Trời. Vì lẽ đó, khi Đức Chúa Trời nhìn thấy điều ác, Ngài cảm thấy giận dữ. Sự giận dữ là phản ứng hợp lý của Ngài trước sự bất công hay sự không công chính.
 

         Tất cả những điều này có liên quan gì với cơn giận của con người? Thánh Kinh chép rằng chúng ta được dựng nên “theo hình ảnh của Đức Chúa Trời”. Mặc dầu hình ảnh ấy đã bị làm cho hư hỏng bởi sự sa ngã, song nó không bị xóa bỏ hoàn toàn. Con người vẫn còn mang dấu vết của hình ảnh Đức Chúa Trời sâu trong tâm hồn họ. Vì thế, chúng ta vẫn có một sự quan tâm nào đó đối với sự công bằng và sự đúng đắn.
 

         Hãy tìm một người vô thần nhất mà bạn biết và theo dõi người ấy trong một tuần lễ, rồi bạn sẽ nghe anh ta phát biểu những câu như: “Điều đó không đúng. Anh ấy không nên làm điều đó với cô ta. Cô ta đã đối xử sai trật với anh ấy.”
 

         Hãy ăn cắp chiếc xe hơi của anh ấy và xem thử anh ta có bộc lộ sự giận dữ chăng. Hãy nói xấu con gái hay vợ hoặc bạn gái của anh ta thì bạn sẽ thấy rằng đột nhiên anh ta là một tạo vật vô cùng đạo đức, lên án hành động của bạn cách công khai.
 

         Hãy lắng nghe đứa bé đang bắt đầu tập nói, và chẳng bao lâu bạn sẽ nghe đứa bé nói, “Mẹ ơi, điều đó không công bằng.” Đứa bé đã có được sự phán đoán về đạo đức từ đâu? Điều này được in sâu trong bản tánh của đứa bé, được tôi luyện bởi sự dạy dỗ của cha mẹ bé, và đứa bé biết khi nào mình đã bị người khác đối xử bất công và sẽ bày tỏ điều đó cách tự do không chút ngần ngại.
 

         Vậy thì, sự giận dữ là cảm xúc nổi dậy bất cứ khi nào chúng ta đối diện với những gì mình nhận thấy là sai trật. Các phản ứng cảm xúc, sinh lý và giác quan sẽ bừng bừng nổi lửa khi chúng ta đối diện với sự bất công.
 

         Vì sao một người vợ cảm thấy giận dữ đối với chồng mình? Bởi vì trong tâm trí của bà, ông ấy đã làm cho bà thất vọng, bối rối, nhục nhã, hay bị khước từ, ông ấy đã “đối xử bất công với bà.”
 

         Vì sao các bạn thiếu niên tức giận cha mẹ? Bởi vì thiếu niên ấy nhận thấy rằng cha mẹ đã không công bằng, không yêu thương, không tử tế, đã đối xử bất công.
 

         Vì sao Bill đá vào chiếc máy cắt cỏ của mình? Bởi vì chiếc máy không “hoạt động đúng đắn.” Chiếc máy, hay người chế tạo ra nó, đã làm cho anh ta bị tổn hại.
 

         Vì sao mình nổi giận? Có thể là câu trả lời của bạn sẽ nêu lên một sự bất công nào đó. Ai đó hoặc một điều gì đó đã đối xử không công bằng với bạn. Một điều gì đó sai trật. Sự giận dữ của bạn có thể đã nhắm vào một người, một đồ vật, một tình huống, bản thân bạn, hay Đức Chúa Trời, nhưng trong mọi trường hợp, đều là ai đó hay một điều gì đó đã đối xử bất công với bạn.
 

         Điều chúng ta đang thiết lập, đó là sự giận dữ bắt nguồn khi bạn thấy một điều gì đó sai quấy và cảm quan đạo đức này bắt nguồn từ sự kiện là chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của một Đức Chúa Trời thánh khiết, cũng là Đấng đã thiết lập quy luật đạo đức để mang lợi ích cho các tạo vật của Ngài.
 

         Sự giận dữ không phải là xấu; sự giận dữ không phải là tội lỗi. Sự giận dữ là chứng cớ cho thấy rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời; nó thể hiện rằng chúng ta vẫn còn có một sự quan tâm nào đó đối với công lý và sự công chính bất chấp tình trạng sa ngã của chúng ta. Khả năng trải qua sự giận dữ là chứng cớ mạnh mẽ rằng chúng ta vượt hơn loài vật tầm thường. Nó bộc lộ sự quan tâm của chúng ta đối với sự đúng đắn, công lý, và sự công bằng. Từng trải giận dữ là chứng cớ của bản tính cao quý của con người, chứ không phải sự đồi bại của chúng ta đâu.
 

         Chúng ta cần cảm tạ Đức Chúa Trời đã cho chúng ta về khả năng có thể giận dữ. Khi một người không còn có thể giận dữ được nữa, người ấy đang mất đi cảm quan, hay bị lãnh cảm với những vấn đề liên quan đến đạo đức. Thiếu mối quan tâm về đạo đức này, thế giới sẽ là một nơi thật sự đáng sợ!
 

         Chương 1 được kết thúc với nhận xét rất hay của thủ tướng Anh Winston Churchill như sau: “Tầm vóc của một người lớn đến mức nào, phụ thuộc vào tầm cỡ các sự việc khiến người đó nổi nóng”
 

         Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây và ước mong sẽ cùng quý thính giả bắt đầu khám phá chương 2 với tựa đề: “Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi” vào tuần sau.
 

         Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả thân yêu một tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè. Xin thân chào quý vị và các bạn.
 

Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn