08:29 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15


Hôm nayHôm nay : 3554

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278974

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008381

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công

Thứ hai - 21/09/2020 21:10
Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công

Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công

Kính thưa quý thính giả, Chúng ta đang ở chương thứ 2 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Tuần trước chúng ta đã xem xét tiểu đề Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi.


Phản Ứng Của Chúng Ta Trước Sự Không Ngay Thẳng Và Sự Bất Công


        Kính thưa quý thính giả,
 
        Chúng ta đang ở chương thứ 2 của quyển sách “Sự Giận Dữ - Xử Lý Một Cảm Xúc Mạnh Mẽ Bằng Một Cách Thức Lành Mạnh” của tiến sĩ Gary Chapman. Tuần trước chúng ta đã xem xét tiểu đề Khi Sự Giận Dữ Có Thể Đem Lại Ích Lợi.
 
        Khi chúng ta đang gây gỗ với người bạn đời của mình hoặc đang cằn nhằn vì chiếc máy vi tính không chịu hoạt động theo đúng chức năng của nó, thì đặt vấn đề về mục đích của Đức Chúa Trời trong sự giận dữ dường như là một lý thuyết suông và không thực tế. Trong đời sống thường nhật mỗi ngày, chúng ta có thể cho rằng sự giận dữ của con người sẽ làm cho Đức Chúa Trời không đẹp lòng. Nhưng tôi tin rằng sự giận dữ của con người được thiết kế bởi Đức Chúa Trời để thôi thúc chúng ta có hành vi xây dựng khi đối diện với việc làm sai quấy hoặc khi đối đầu với sự bất công.
 
        Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự giận dữ của con người là gì? Câu trả lời là: “Cơn giận được thiết kế để thôi thúc chúng ta có hành động tích cực khi chúng ta đối đầu với sự bất công”
 
        Tôi tin điều này được minh họa bởi chính mình Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nêu lên sự so sánh rõ rệt giữa cơn giận của Đức Chúa Trời với sự yêu thương của Ngài.
 
        Trong thời Cựu Ước, Ngài đặc biệt sai tiên tri đến để rao báo với dân sự rằng Ngài nổi giận trước những việc làm gian ác xấu xa của họ và kêu gọi họ ăn năn. Nếu dân sự ăn năn, cơn giận của Đức Chúa Trời nguôi đi và mọi việc đều tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu họ không ăn năn, Đức Chúa Trời tiếp tục hành động. Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ lẽ thật và đi theo những sự giả dối. Cơn giận của Đức Chúa Trời thôi thúc Ngài sai tiên tri Giê-rê-mi đến để kêu gọi dân sự ăn năn.
 
        Đức Chúa Trời cũng có hành động tương tự trong việc sai tiên tri Giô-na đến thành Ni-ni-ve. Dân chúng của thành Ni-ni-ve nghe biết danh của Đức Chúa Trời. Khi tiên tri Giô-na cảnh báo về sự hủy diệt thành trong 40 ngày, dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời, họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ.
Dân thành Ni-ni-ve biết rằng cơn giận của Đức Chúa Trời luôn được tác động bởi tình yêu thương của Ngài. Vì thế Thánh Kinh ghi lại rằng: “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xoay bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”.
 
        Cơn giận của Đức Chúa Trời được biểu lộ bằng hành động tích cực. Đó là rao báo cho kẻ làm ác rằng mọi việc ác sẽ bị hình phạt. Vì cớ tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho họ, Ngài không thể để cho sự bất công thoát khỏi hình phạt. Tuy nhiên, khi dân thành Ni-ni-ve ăn năn và xoay khỏi đường lối gian ác của họ, lòng thương xót của Đức Chúa Trời khiến Ngài tha thứ cho họ. Việc làm sai quấy đã được chỉnh sửa lại cho đúng đắn; cơn giận của Đức Chúa Trời đã đáp ứng yêu cầu tích cực của nó.
 
        Một số sinh viên nghiên cứu Kinh Thánh trong thời đại hiện nay, khi đọc đến những cơn giận và hành vi đoán phạt nghiêm khắc của Đức Chúa Trời trên dân tộc Y-sơ-ra-ên và các dân tộc láng giềng của họ, các sinh viên đã mường tượng về Ngài như một vị thần đầy căm thù và hủy diệt. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, người ta khám phá rằng khi Đức Chúa Trời dùng đến những biện pháp quyết liệt như thế đó là vì lợi ích cơ bản của tạo vật Ngài. Sự thánh khiết của Ngài sẽ không cho phép Đức Chúa Trời giữ yên lặng khi con cái Ngài bị dính líu vào hoạt động gian ác xấu xa, và tình yêu thương của Ngài luôn tìm cách để bộc lộ cơn giận Ngài vì lợi ích rộng lớn hơn của nhân loại.

        Khi chúng ta trở lại với Tân Ước và xem xét cuộc đời của Chúa Giê-xu, chúng ta thấy rằng Ngài cũng có hành động tích cực, đầy yêu thương và thái độ chống lại những điều xấu xa đã khuấy động cơn giận của Ngài. Có lẽ sự kiện được biết đến nhiều nhất trong những sự kiện này là Chúa Giê-xu trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem, khi Ngài nhìn thấy các thương buôn mua bán bò, chiên, và bồ câu. Ngài phán: “Có lời chép: ‘Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp”. Sứ đồ Giăng ghi lại rằng Chúa Giê-xu bện một cái roi bằng dây, đuổi họ ra khỏi khu vực đền thờ, và “vãi tiền người đổi bạc và đổ bàn của họ”.
 
        Một số người sẽ hỏi “Tinh thần tha thứ của Chúa Giê-xu ở đâu?” Hãy nhớ, sự tha thứ của Đức Chúa Trời luôn là sự đáp ứng lại trước sự ăn năn của con người. Hành động của Ngài không chỉ chứng minh với các thương buôn mà cả với các nhà lãnh đạo tôn giáo rằng những điều đang diễn ra là không xứng hiệp đối với đền thờ của Đức Chúa Trời. Các môn đồ nhìn thấy thật rõ ràng cơn giận của Chúa Giê-xu đang được bộc lộ, và họ cho rằng cơn giận đó xuất phát từ mối quan tâm sâu xa và đầy công chính của Ngài rằng nhà Cha Ngài phải là một nơi để cầu nguyện chứ không phải là một nơi để mua bán.
 
        Một dịp khác Chúa Giê-xu đang ở trong nhà hội vào ngày Sa-bát, và một người bị teo tay đến với Ngài. Những người Pha-ri-si đang tìm dịp để kiện cáo Chúa Giê-xu về việc vi phạm luật về ngày Sa-bát, vì thế Chúa Giê-xu hỏi họ: “Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người?”
 
        Những người Pha-ri-si đều nín lặng và Chúa Giê-xu “lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán cùng người nam bị teo tay rằng: ‘Hãy giơ tay ra.’ Người giơ ra, thì tay được lành” Chúa Giê-xu nổi giận bởi ý tưởng duy luật của những người Pha-ri-si, vốn đặt việc giữ các luật lệ về ngày Sa-bát lên trên việc giúp đỡ cho nhu cầu của con người. Hành động của Chúa Giê-xu là chữa lành người này tại trước mặt họ, bác bỏ ý tưởng xấu xa của họ và chứng minh cách sinh động trước mọi người rằng sự cứu giúp con người là quan trọng hơn các sự tuân giữ nghi thức tôn giáo.
 
        Bởi đó, mẫu mực thiên thượng rất rõ ràng: Phản ứng của Đức Chúa Trời trước cơn giận luôn là thực hiện hành động yêu thương, tìm cách ngăn chặn điều ác, và cứu chuộc kẻ làm ác.
 
        Quý thính giả thân mến,
 
        Còn chúng ta thì sao? Như chúng ta đã thấy, bởi vì chúng ta mang ảnh tượng của Đức Chúa Trời cho nên mỗi người trong chúng ta đều có một sự quan tâm đến sự công chính, ngay thẳng, và công bằng ở một mức độ nào đó. Bất cứ khi nào chúng ta đối diện với điều mà chúng ta tin là không ngay thẳng, không tử tế, hoặc không công bằng, thì chúng ta kinh nghiệm sự giận dữ.
 
        Tôi tin rằng trong ý định của Đức Chúa Trời sự giận dữ này nhằm để thôi thúc chúng ta có hành vi tích cực, đầy yêu thương để tìm cách làm cho những điều sai quấy trở nên đúng đắn; và cũng để phục hồi mối quan hệ với người làm điều sai quấy. Sự giận dữ không được dự định để khích động chúng ta làm những việc tiêu cực với những người có thể đã cư xử xấu, đối xử bất công với chúng ta, cũng không nhằm để cho phép chúng ta nói hay làm những việc tiêu cực, không xây dựng với kẻ lân cận mình.
 
        Mục đích chủ yếu của sự giận dữ là để thôi thúc chúng ta có hành vi tích cực, đầy yêu thương vốn sẽ khiến cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn so với lúc đầu chúng ta tìm thấy chúng.

        Trước tiên, chúng ta hãy xem xét điều này trong toàn bộ phạm vi của sự cải cách xã hội.
 
        Hầu hết độc giả sẽ quen thuộc với tổ chức MADD, viết tắt của “Mothers Against Drunk Drivers”, xin tạm dịch là “Các Bà Mẹ Chống Lại Các Tài Xế Say Rượu Khi Lái Xe”. Bạn có suy nghĩ vì sao tổ chức này được thành lập không? Tôi gợi ý với bạn rằng nó được ra đời từ sự giận dữ. Các bà mẹ nhìn thấy cảnh con cái họ bị giết chết trên đường phố bởi những tài xế say rượu khi lái xe. Khi những tài xế này ra trước tòa án, họ bị đánh mạnh vào cổ tay, có lẽ bị phạt chút ít tiền, và trở lại lái xe tiếp ngày hôm sau.
 
        Các bà mẹ đã nói, “Điều này không hợp lý.” Nhà sáng lập của tổ chức này, Candy Lightner, bị sốc khi một tài xế say rượu tông chiếc xe của anh ta vào đứa con gái 13 tuổi của bà, khiến cô bé Cari chết ngay tại chỗ. Sau đó cơn sốc và nỗi đau của bà biến thành sự giận dữ cực độ khi một quan tòa tại California tuyên án người tài xế say rượu này rất nhẹ khi anh ta phạm lỗi lần nữa. Bà và các bà mẹ bị tổn thương khác chẳng bao lâu đã hình thành tổ chức MADD. Chính sự giận dữ này, bị kích động bởi sự bất công mà họ nhìn thấy, đã thôi thúc bà Lightner và các bà mẹ bị tổn thương khác thành lập một tổ chức quốc gia mà sau đó đã phát triển thành hơn bốn trăm hiệp hội.
 
        Lúc đầu, phương pháp của họ là thay phiên nhau ngồi trong phòng xử án khi những người bị buộc tội “lái xe dưới ảnh hưởng của rượu” đang bị xét xử. Họ nhìn vào mắt của quan tòa, các luật sư, và các tài xế say rượu. Sự hiện diện của họ khiến cho các quan tòa phải suy xét cẩn thận trước khi trao trả bằng lái xe cho một tài xế say rượu. Họ cũng gây sức ép trên các nhà làm luật của tiểu bang để ban hành những đạo luật cứng rắn hơn chống lại việc lái xe khi say rượu.
 
        Tôi nghĩ là không cần phải cho bạn biết rằng tiền phạt cho việc lái xe dưới ảnh hưởng của rượu đã trở nên nghiêm khắc hơn trong vài năm qua, và số tài xế bị rút bằng lái vì lái xe dưới ảnh hưởng của rượu tăng lên nhiều hơn so với trước đây. Tất cả bởi vì một số bà mẹ đã tức giận. Tổ chức MADD tiếp tục tìm kiếm những sự cải cách của tòa án và pháp luật.
 
        Tổ chức SADD, viết tắt của chữ: “Students Against Driving Drunk”, xin tạm dịch là “Sinh Viên Chống Lại Việc Lái Xe Khi Đang Say Rượu” được hình thành theo một cách thức tương tự. Sinh viên không hài lòng về sự thiệt hại gây ra bởi các sinh viên say rượu khi lái xe. Họ bắt đầu lên tiếng: “Thật không hữu lý chút nào khi cho phép một sinh viên đồng bạn lái xe trong khi đang bị ảnh hưởng của rượu.” Những sinh viên này bắt đầu tổ chức, và cam kết nhờ một tài xế tỉnh táo, được chỉ định, sẽ tình nguyện lái xe đưa các sinh viên đã say rượu về nhà. Họ có hành động tích cực, đầy yêu thương để đối phó lại sự giận dữ của mình.
 
        Thưa quý thính giả,
 
        Tạp chí London Sunday Times đã có công bố các thống kê về tình trạng giận dữ tại Anh quốc như sau:

        53% người Anh đã từng là nạn nhân của việc ức hiếp tại nơi làm việc.
        71% gánh chịu “sự giận dữ trên mạng” do những việc tìm kiếm trên Internet khiến họ nản lòng, bực dọc.
        Trên 80% đã từng bị dính dáng tới những việc rắc rối trên đường phố khiến họ giận dữ.
        Hơn một nửa đã lao ra khỏi một cửa hàng do sự phục vụ tồi tệ và tâm trạng thất vọng.
 
        Kính thưa quý thính giả,
 
        Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Tuần tới, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá một số trường hợp khác khi cơn giận bộc phát trước những sự bất công đã đem nhiều lợi ích cho xã hội. Xin kính chúc quý thính giả thân yêu một cuối tuần thoải mái bên gia đình cùng bạn bè. Xin thân chào quý vị và các bạn.
 
Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com
 
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn