10:39 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 35


Hôm nayHôm nay : 9187

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 23226

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23032259

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

KHÔNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG

Thứ ba - 31/03/2020 21:00
KHÔNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG

KHÔNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG

Buổi sáng, khi đọc bài viết của bác sĩ Trinh Trang Yarett, Tháng 3 Trong Tâm Bão trên facebook, tôi đã chảy nước mắt. Những con người còn có một trái tim nhạy cảm chắc không thể cầm giữ được nước mắt.

KHÔNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG
 
           Buổi sáng, khi đọc bài viết của bác sĩ Trinh Trang Yarett, Tháng 3 Trong Tâm Bão trên facebook, tôi đã chảy nước mắt. Những con người còn có một trái tim nhạy cảm chắc không thể cầm giữ được nước mắt. Bài viết không cố gắng khơi dậy cảm xúc, khích động cảm xúc, chỉ trình bày rất đơn giản về cuộc sống và công việc  hiện tại của mình trong cương vị là một bác sĩ, cùng với chồng cũng là một bác sĩ, đang đứng ở tuyến đầu của trận chiến khốc liệt chống lại cơn đại dịch thế kỷ coronavirus, lại là tuyến đầu khốc liệt nhất của nước Mỹ, tiểu bang New York. Tác giả không phải là một nhà văn, hay một cây viết tài tử, chỉ là một bác sĩ, dù cho biết mình từng là một nhà báo, viết ra những gì mình đã và đang trải qua, kinh nghiệm nó.

           Đây là một đoạn, viết rất bình thường, mà không hề bình thường. Nó lấy nước mắt ra từ khóe mắt đang khô, nó để nước mắt tự nhiên rơi trên má không thể giữ lại, không muốn lau đi:

           Là khi mình và bạn bè trong ngành đều không dám về nhà hay gặp người nhà, vì bọn mình đã mặc định là chắc chắn đã bị hoặc sẽ bị nhiễm bệnh, chỉ là sớm hay muộn, và không đứa nào muốn để lây cho ba mẹ và ông bà. Cả tuần nay mẹ chồng mình đều tới nhà, nhưng chỉ được đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn và nói chuyện với hai đứa mình qua cửa sổ. Hôm qua bà lại đòi vào nhà, và Ian phải nói, “Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, thì mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, thì chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được”. Thế là bà lại phải quay ra.

           Tôi đã share bài viết này cho những người mà tôi quan tâm, mong đợi một cảm xúc, và hơn thế nữa, một lời cầu nguyện cho những người đang phải hy sinh mình cho mạng sống của người khác, ngay trong tâm bão, ngay trên tuyến đầu của cuộc chiến không khoan nhượng. Nhưng tôi không thấy một đáp ứng nào, vì họ đang cố gắng chia xẻ cho nhau những thông tin về con số người bị lây nhiễm, số người chết tại Hoa Kỳ, tại Ý, hàng ngày, họ đang cố gắng lợi dụng trận dịch để bày tỏ quan điểm chính trị của mình, họ đang quan tâm đến những bài viết châm chọc, mỉa mai, rằng thì là Hoa Kỳ ơi, cường quốc số 1 thế giới ơi, Donald Trump ơi, sao vậy, sao con số người bị lây nhiễm cao ngất ngưỡng như vậy, làm gì đi chứ. Họ đang cố gắng viết những lời vô nghĩa, vô bổ, đùa giỡn cách vô ý thức trên facebook, một cách vô tâm và nhẫn tâm, làm như những lời chọc cười vô duyên đó có thể làm xoa dịu nỗi đau mà thế giới đang gánh chịu. Tôi cảm thấy bất nhẫn.

           Trước khi  tự hỏi từ bao giờ, trái tim của nhân loại đã khô hạn như vậy. Tôi đã hỏi tôi trước. Tôi thế nào, tôi quan tâm gì đến? Tôi không biết làm gì hết, ngoài sự cầu nguyện mỗi ngày, mỗi buổi sáng khi thức dậy, và buổi tối trước khi ngủ, khi thức giấc giữa đêm, tôi cứ bị ám ảnh bởi khuôn mặt của những bệnh nhân coronavirus mà tôi thấy trên TV. Tôi thú tội với Chúa rằng tôi không thể làm gì hết ngoài việc cầu nguyện. Tôi, một người đàn ông trên 60 tuổi, lại còn nhiều tiền sử bệnh tật, là đối tượng của coronavirus, chỉ biết ở nhà, vào phòng, đóng cửa lại, ẩn mình nhiều hơn một lát, chờ cho cơn giận đi qua. Tôi, một người không thể đứng ở nơi tuyến đầu, sẽ cố gắng làm một người tốt ở hậu phương, tôi sẽ vâng lời hướng dẫn của chính quyền để tránh nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Trên cương vị của một Cơ-đốc-nhân, tôi sẽ cố gắng làm theo lời của Chúa dạy: Hỡi dân ta, hãy đến, vào phòng và đóng cửa lại. Hãy ẩn mình một lát, cho đến chừng nào cơn giận đã qua. Ê-sai 26:20.

           Nhiệm vụ của tôi bây giờ là cầu nguyện.

           Tôi chỉ đơn giản tin rằng những lời cầu nguyện hết sức bé nhỏ của tôi, cũng góp phần vào trong những lời cầu nguyện của các thánh đồ trên toàn thế giới, như một giọt nước nhỏ nhoi, hy vọng nó làm tràn ly nước, lay động cánh tay toàn năng của Chúa, sự nhân từ của Ngài. Trong thời gian này, tôi cứ nắm lấy những lời này của Chúa mà cầu nguyện: Ta đã bỏ ngươi trong một lát; nhưng ta sẽ lấy lòng thương xót cả thể mà thâu ngươi lại.  Trong cơn nóng giận, ta ẩn mặt với ngươi một lúc, nhưng vì lòng nhân từ vô cùng, ta sẽ thương đến ngươi, Đấng Cứu chuộc ngươi là Đức Giê-hô-va phán vậy.  Điều đó cũng như nước lụt về đời Nô-ê, như khi ta thề rằng nước lụt của Nô-ê sẽ không tràn ra trên đất nữa; thì ta cũng thề rằng ta sẽ không giận ngươi nữa, và cũng không trách phạt ngươi.  Dầu núi dời, dầu đồi chuyển, nhưng lòng nhân từ ta đối với ngươi chẳng dời khỏi ngươi, lời giao ước bình an của ta chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, là Đấng thương xót ngươi, phán vậy.

           Xin đừng giận chúng con nữa Chúa ơi. Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác. Thì, Chúa ôi, ai sẽ còn sống?

           Hôm qua, trước giờ nhóm online của Hội Thánh, tôi xem được một video clip hình ảnh của dân chúng Hoa Kỳ lái xe đến parking lot của một bệnh viện, giơ tay lên cầu nguyện cho các bác sĩ, y tá, nhân viên của bệnh viện, tôi cũng chảy nước mắt. Tôi nghĩ rằng đây là những điều mà chúng ta, trước hết, là Cơ-đốc-nhân, hãy làm, thay vì cứ chia xẻ những thông tin vô bổ, không ích lợi, có khi là những thông tin giả chưa được kiểm chứng, làm cho người khác hoang mang thêm, thay vì nhởn nhơ đùa giỡn như thể nỗi đau này không dính líu đến mình. Đừng xỉa xói, lên án, hãy hợp tác, dù là một người đang ở cuối tuyến đầu. Tôi đang cố gắng tập trung vào Đức Chúa Trời, Chúa Jesus đang ở trên thập tự giá, để không phải hoang mang, như điều tôi đã giảng. Tôi biết rằng nếu tôi tập trung vào trận dịch, tôi sẽ lọt xuống nước, như Phi-e-rơ ngày nào xưa. Nếu tôi nhìn lên Chúa, Ngài sẽ nắm lấy tay tôi và bảo, đừng sợ, có ta đây.

           Sáng nay, tôi chia xẻ bài viết Chàng Quá Cần Thiết Cho Tôi mới đăng trên tạp chí văn chương Da Màu, trước khi share, tôi đã tự hỏi, có vô bổ, vô ích, vô duyên, không cần thiết, trong đại dịch này chăng. Tôi dường như nghe Chúa nói không, con share đi. Người đặc trách ban biên tập Da Màu, khi nhận được bài viết này tuần trước, đã viết cho tôi: thưa anh, Da Màu sẽ đăng bài này, với cả bài hát, tuần sau. Cám ơn anh đã góp một bài viết tích cực về coronavirus trong hoàn cảnh nhiễu loạn hiện nay. Trong bài viết tôi muốn đưa đi một sứ điệp tích cực: trong khi thế giới đang mòn mỏi chờ đợi sự giải cứu từ Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ trông chờ sự giải cứu từ Đức Chúa Trời. Nhiều người không hiểu Chàng là ai, bây giờ cần hiểu, phải hiểu. Tôi làm nhiệm vụ của một người đi vẽ lại Chân Dung Chúa Jesus trên tấm ảnh của Ngài đã bị người ta làm hoen ố.

           Tôi cũng vào lại trang facebook của Greenville Church, thấy có gần 500 views bài giảng hôm qua. Tôi vui vì có gần 500 người nghe sứ điệp của hy vọng và họ sẽ có hy vọng. Trong Chúa Có Hy Vọng. Dân sự của Đức Chúa Trời, cầu nguyện và hy vọng. Hy vọng là một điều quan trọng trong 3 điều quan trọng nhất của Kinh Thánh. Dân sự của Chúa, hãy nói A-men.

 
Mục sư Lữ Thành Kiến
Nguồn: songdaoonline.com
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn