08:58 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37


Hôm nayHôm nay : 8523

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 22562

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23031595

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Kẻ Khủng Bố Trở Nên Thánh Nhân

Thứ hai - 24/04/2017 20:31
Kẻ Khủng Bố Trở Nên Thánh Nhân

Kẻ Khủng Bố Trở Nên Thánh Nhân

Kính thưa quý độc giả, Trong những tuần vừa qua, chúng ta có dịp tìm hiểu một số bằng chứng lịch sử, ghi đậm dấu ấn sự kiện phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu.



                 Kính thưa quý độc giả,

                 Trong những tuần vừa qua, chúng ta có dịp tìm hiểu một số bằng chứng lịch sử, ghi đậm dấu ấn sự kiện phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                 Thánh sử có ký thuật lại, Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người, sau khi bị đóng đinh cho đến chết trên cây thập tự, đền nợ tội thay cho muôn người, Ngài đã bị chôn vào trong mộ đá. Chúa Cứu Thế đã không chết luôn, nhưng sau ba ngày, Ngài đã phục sinh sống lại và đi đến với rất nhiều người.

                 Sự kiện phục sinh của con người mang tên Giê-xu đã gây ra những chấn động dữ dội trong lịch sử. Những môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-xu, khi thấy Thầy mình bị người ta xử tử thật thê lương, rất sợ hãi và vô cùng hoang mang, nhưng sau khi tận mặt gặp lại Cứu Chúa phục sinh, đã trở lại tin tưởng trọn vẹn. Từ khiếp sợ và lẫn trốn, các môn đệ này đã trở nên vô cùng can đảm, công khai loan báo cho cả thế giới về tin vui phục sinh này, cho dù họ phải chịu hiểm nguy, bị bắt bớ, bị đòn roi, bị tra tấn và bị xử tử thật dã man.

                 Thủ đô Giê-ru-sa-lem cách đây khoảng 2000 năm, nơi các thế lực tôn giáo đã đóng đinh con người Giê-xu trên cây thập tự một cách công khai, tưởng rằng như vậy có thể dập tắt được phong trào Giê-xu. Thế nhưng sau biến cố phục sinh, tin vui Chúa Cứu Thế đã sống lại, cứ tiếp tục loan nhanh ra các nước trong vùng Tiểu Á, trong cả đế quốc La-mã và cho cả thế giới cho đến ngày nay. Đứng trước sự lan rộng của tin vui phục sinh này, bao thế lực thù nghịch đã phải im lặng, đã đành câm nín và hoàn toàn bất lực, vì có quá nhiều nhân chứng sống đã chứng kiến sự phục sinh, đã gặp lại Chúa Giê-xu sống lại, khiến không ai có thể phủ nhận hay bẻ cong được sự thật lạ lùng này.

                 Sự sống lại từ cõi chết của Cứu Chúa Giê-xu, không chỉ là niềm vui khi các môn đệ gặp lại được thầy mình, không chỉ là niềm hân hoan khi người thân trong gia đình gặp lại nhau, nhưng còn chứng tỏ rằng, con người mang tên Giê-xu chính là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người. Vì Chúa Cứu Thế chính là Con Trời, cho nên sự chết thế của Ngài là của lễ chuộc tội trọn vẹn cho cả dòng nhân loại, xóa sạch tội cho những ai bằng lòng ăn năn và tin vào sự chết thế đó. Sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng là một bằng chứng hùng hồn, một bảo đảm chắc chắn cho những ai tin nhận vào chết thế đó, sẽ không còn bị buộc tội nữa, sẽ không còn bị âm phủ giam giữ đời đời nữa, nhưng người đó sẽ được phục sinh, sẽ được sống lại, như chính Con Trời có tuyên hứa: “Chính Ta là sự sống lại và sự sống, người nào tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống” (Giăng 11:25)

                 Tiếp theo những loạt bài trình bày về những chứng cớ phục sinh, trong tuần này, chúng ta sẽ cùng khám phá về một con người, mà sự thay đổi lớn lao của người đó là một minh chứng mạnh mẽ về sự kiện Cứu Chúa Giê-xu đã sống lại từ cõi chết. Người đó chính là sứ đồ Phao-lô, một nhân vật then chốt của lịch sử, mà tầm ảnh hưởng của ông trên cả thế giới, từ thế kỷ đầu tiên cho đến nay, chỉ đứng sau Cứu Chúa Giê-xu mà thôi.

                 Tên thời trẻ của ông là Sau-lơ, một người Do-thái chính gốc, nhưng sinh trưởng tại thành phố Tạt-sơ, thủ đô xứ Si-li-ci, trong vùng Tiểu Á, thuộc đế quốc La-mã, nay thuộc về Thổ nhĩ kỳ. Thủ đô Tạt-sơ được đế quốc La-mã ban cho quyền tự trị, là một thành phố lớn, nổi tiếng là một trung tâm văn hóa và triết học thời bấy giờ. Chàng Sau-lơ trẻ tuổi, do lớn lên trong một môi trường như vậy, được sớm tiếp xúc với một nền học vấn thượng hạng, cho nên ông rất thông thạo triết học, văn chương và ngoại ngữ. Gia đình của Sau-lơ quyền quý, giàu có và đầy thế lực, và Sau-lơ có quyền công dân La-mã, không bị xem là người nô lệ hay bị trị như những người Do-thái khác.

                 Trong tuổi thiếu niên, Sau-lơ đến thủ đô Giê-ru-sa-lem để học về Do-thái giáo. Chàng Sau-lơ theo học trường phái Biệt-lập, là một trường phái nổi tiếng với nhiều luật lệ nghiêm khắc nhất của Do-thái giáo. Sau-lơ theo học trực tiếp với vị luật gia Ga-ma-liên, là người luật sư được tôn trọng nhất trong trường phái Biệt-lập và trong hàng giáo phẩm Do-thái giáo vào thời đó.

                 Nhóm Biệt-lập chủ trương nhờ vâng giữ mọi luật lệ mà một người sẽ được cứu rỗi, sẽ vào được nước thiên đàng. Nhóm này đặt ra vô số những luật lệ khắt khe và bắt buộc người khác phải vâng giữ. Chàng Sau-lơ, sau khi học hỏi và hấp thụ giáo lý của phái Biệt-lập, đã trở nên người nhiệt huyết nhất, chân thành tin tưởng và làm theo lý tưởng này, như ông đã từng tự hào: “Tôi sinh trưởng trong một gia đình Y-sơ-ra-ên chính gốc, thuộc đại tộc Bên-gia-min; tôi là người Do-thái thuần túy; giữ giáo luật rất nghiêm khắc vì tôi thuộc dòng Biệt-lập; xét theo tiêu chuẩn thánh thiện của luật pháp Mai-sen, nếp sống của tôi hoàn toàn không ai chê trách được” (Phi-lip 3:5-6)

                 Quý độc giả thân mến,

                 Nhưng kể từ khi có nhóm người xưng mình là môn đồ của một con người mang tên Giê-xu đã khiến Sau-lơ để ý đến và vô cùng bực tức. Nhóm người này tuyên bố rằng, con người Giê-xu chính là Thượng Đế đã giáng trần làm người, chịu hy sinh mạng sống, bị đóng đinh trên cây thập tự để chết thay, đền nợ thế cho loài người, hầu cho bất kỳ ai biết ăn năn tội, chấp nhận sự chết thế đó, thì người đó được Thượng Đế xóa sạch mọi tội, được thoát khỏi bản án chết đời đời và được hưởng đời sống vĩnh phúc. Những lời tuyên bố này của nhóm người theo Giê-xu này, hoàn toàn đối nghịch với tất cả những sự dạy dỗ, hoài bão, tâm huyết và lý tưởng của Sau-lơ. Đã vậy mà chưa hết đâu, nhóm người theo Giê-xu này còn tuyên bố, con người Giê-xu sau khi bị đóng đinh, bị chết, bị chôn trong mộ đá, sau ba ngày đã phục sinh sống lại. Căm phẫn trước những lời tuyên bố “hoang đường” như vậy, chàng Sau-lơ quyết chí ra tay hành động để triệt hạ nhóm người theo Giê-xu này.

                 Sau-lơ, với uy quyền và địa vị trong tay, say sưa với lý tưởng của mình, đã cuồng nhiệt khủng bố và phá hoại Hội Thánh không thương tiếc, kể cả việc đồng mưu để ném đá chết một người, như Thánh sử có ghi lại: “Sau-lơ là người đồng mưu giết Ê-tiên. Lúc ấy, Hội thánh tại Giê-ru-sa-lem bị khủng bố dữ dội. Trừ các sứ đồ, mọi người đều đi tản mác các nơi trong xứ Giu-đê và Sa-ma-ri. Tuy nhiên, có mấy người mộ đạo lo chôn cất Ê-tiên và than khóc ông rất nhiều. Còn Sau-lơ phá hoại Hội thánh, đi từng nhà lùng bắt các tín đồ nam nữ, dùng bạo lực giam vào ngục.” (Công Vụ 8:1-3)

                 Một ngày kia, Sau-lơ xin được giấy phép từ thầy tế lễ tối cao, để đích thân đến thành phố Đa-mách, lùng bắt cho hết đám người theo Giê-xu đang lẫn trốn. Thế nhưng trên con đường đi đến thành phố Đa-mách, một sự kiện thật diệu kỳ đã biến đổi Sau-lơ trở nên một con người hoàn toàn mới. Thánh sử ký thuật sự kiện này như sau:

                 “Sau-lơ vẫn tiếp tục đe dọa giết hại các tín đồ của Chúa. Ông đến xin thầy Tế lễ tối cao viết thư gửi cho các hội trường thành phố Đa-mách, yêu cầu giúp ông lùng bắt tất cả tín đồ nam nữ, trói lại giải về Giê-ru-sa-lem. Trên đường gần đến thành Đa-mách, thình lình có ánh sáng từ trời chiếu rọi chung quanh Sau-lơ. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng gọi: “Sau-lơ, Sau-lơ, sao con bức hại Ta?” Sau-lơ sợ hãi: “Chúa là ai?” Chúa đáp: “Ta là Giê-xu, mà con đang bức hại! Con hãy đứng dậy đi vào thành, người ta sẽ chỉ dẫn cho con điều phải làm.” Những bạn đồng hành của Sau-lơ đứng lặng yên kinh ngạc, vì nghe tiếng vang nhưng chẳng thấy ai. Sau-lơ đứng dậy, mắt vẫn mở nhưng không thấy được. Người ta nắm tay dắt ông vào thành Đa-mách. Suốt ba ngày, Sau-lơ mù hẳn, cũng chẳng ăn uống được” (Công Vụ 9:1-9)

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Sau biến cố trên con đường đến thành Đa-mách, Sau-lơ từ một người chống đối Chúa Cứu Thế Giê-xu và cuồng nhiệt bắt bớ những người theo Ngài, đã đổi tên là Phao-lô. Ông đã trở nên một người nhiệt thành, tận tâm, dùng suốt quãng đời còn lại, đi nhiều nơi trên thế giới, cho dầu chịu nhiều thử thách bắt bớ, cuối cùng đã tử vì đạo, để loan báo rằng Chúa Giê-xu chính là Con Trời, Đấng đã chết thay cho tội lỗi của loài người và đã phục sinh sống lại. Ông cũng là sứ đồ có tầm ảnh hưởng lớn nhất, tác giả của ít nhất 13 sách trong Kinh Thánh Tân Uớc, trình bày tin vui phục sinh và ân sủng tuyệt vời của Cứu Chúa Giê-xu.

                 Tại sao một người đang say đắm trong lý tưởng tôn giáo của mình, đã chợt thay đổi nhân sinh quan thật đột ngột?

                 Tại sao một người đầy quyền uy, trong địa vị kẻ cai trị, đi bắt bớ tống giam người khác lại phải chịu hạ mình, phải chịu bắt bớ, phải chịu tống giam tù đày?

                 Tại sao một người đang say sưa tự hào về những thành tích tôn giáo của mình, lại trở nên hổ thẹn và khiêm nhường, đổi tên mình là “Phao-lô”, có nghĩa là “hèn mọn”?

                 Sự thay đổi đột ngột và lớn lao của sứ đồ Phao-lô được chính ông giải thích như sau:

                 “Trước hết tôi truyền lại cho anh em những chân lý tôi đã tin nhận: Chúa Cứu Thế chịu chết vì tội chúng ta theo lời Thánh Kinh. Chúa được mai táng, qua ngày thứ ba Ngài sống lại theo lời Thánh Kinh. Chúa hiện ra cho thánh Phê-rơ, rồi cho các sứ đồ. Ngài lại hiện ra cho hơn 500 anh em xem thấy cùng một lúc, phần đông vẫn còn sống, nhưng một vài người đã qua đời. Sau đó Chúa hiện ra cho Gia-cơ, rồi cho tất cả các sứ đồ. Sau hết, Ngài cũng hiện ra cho tôi, như cho một hài nhi sinh non. Tôi là người hèn mọn hơn hết trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, vì tôi đã khủng bố Hội thánh của Thượng Đế. Nhưng nhờ ân phúc Thượng Đế, tôi được đổi mới như ngày nay, và ân Ngài ban cho tôi không đến nỗi vô ích” (1 Cô-rinh-tô 15:3-10)

                 Quý độc giả thân mến,

                 Chúa Giê-xu đã chết để đền nợ tội thế cho nhân loại, trong đó có quý vị và tôi, nhưng Ngài cũng đã sống lại và đây là một sự kiện lịch sử với vô số những nhân chứng và bằng chứng thật hiển nhiên.

                 Các dân tộc và các tôn giáo có rất nhiều ngày lễ hội. Nào là lễ đầu năm, lễ được mùa, lễ cảm tạ, lễ sinh nhật, lễ tưởng niệm người chết, nhưng không có dân tộc nào, hay tôn giáo này có ngày lễ mừng người chết sống lại.

                 Nhưng chỉ có những người tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu mới có ngày lễ Phục Sinh, để kỷ niệm Chúa Cứu Thế đã chết nhưng đã sống lại.

                 Vì các giáo chủ của các tôn giáo, các bậc hiền triết đã chết và không hề sống lại. Do vậy, tôn giáo, triết lý có thể giúp chúng ta sống đạo đức hơn trong cuộc đời này, nhưng không thể giúp quý vị và tôi thoát được bản án chết đời đời.

                 Chỉ duy niềm tin vào sự chết thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu, khiến chúng ta được trở nên vô tội trước Đấng Tạo hóa, giúp quý vị và tôi được thoát khỏi bản án chết đời đời, được phục sinh sống lại, như sứ đồ Phao-lô có giải thích: “Đã liên hiệp với Chúa trong sự chết, chúng ta cũng liên hiệp với Ngài trong sự sống lại. Đã cùng chết với Chúa Cứu Thế, chắc chắn chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Chúng ta biết Chúa Cứu Thế đã sống lại từ cõi chết, Ngài không bao giờ chết nữa, vì sự chết chẳng còn quyền lực gì trên Ngài” (Rô-ma 6:5-9)

                 Ước mong quý vị sớm tiếp nhận Chúa Giê-xu phục sinh vào trong đời sống.

                 Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn