03:29 EDT Chủ nhật, 05/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 34


Hôm nayHôm nay : 7797

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 43348

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23052381

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Sa Lầy

Sa Lầy

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi Thiên 1:1).

Xem tiếp...

Chương 5: Sự Tự Nhủ Và Sự Giận Dữ

Thứ ba - 16/05/2017 21:08
Chương 5: Sự Tự Nhủ Và Sự Giận Dữ

Chương 5: Sự Tự Nhủ Và Sự Giận Dữ

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã chấm dứt chương thứ tư của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu Chương thứ năm với chương đề: Sự Tự Nhủ Và Sự Giận Dữ.



                 Kính thưa quý độc giả,

                 Tuần qua chúng ta đã chấm dứt chương thứ tư của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu Chương thứ năm với chương đề: Sự Tự Nhủ Và Sự Giận Dữ. Trong sách Tiên Tri Giô-na chương 4 câu 4, Đức Chúa Trời đã hỏi Giô-na rằng: “Con giận có đúng không?” Vậy thì chúng ta có được phép, hay có nên tức giận không?

                 Sự giận dữ có thể mang tính chất khôn ngoan tinh tế hay hoàn toàn lộ rõ sự nham hiểm của một người. Sự giận dữ có thể ở dưới dạng một lời nhận xét khôn ngoan hay cú đấm bằng lời trong bụng. Nhưng hình thức được nhận biết phổ biến nhất của sự giận dữ là sự bùng nổ của cơn nóng giận. Chúng ta tranh chiến với hình thức giận dữ đó bởi vì những hành động bộc phát khi tức giận dường như thật trẻ con. Xét cho cùng, người lớn thì tinh tế và khôn khéo hơn trẻ con trong việc biểu lộ sự giận dữ.

                 Có lẽ đó là lý do vì sao chúng ta gặp thật nhiều rắc rối với sự giận dữ. Nhiều người trong chúng ta đang hết sức tức giận nhưng chúng ta hầu như hoàn toàn không có chút ý thức gì về điều ấy. Một số người khác lại đang tức giận và biết rõ cơn giận trong lòng mình, nhưng họ lại cảm thấy bị mắc bẫy vì không biết làm sao để loại bỏ những cảm giác ấy đi. Họ cố gắng giả vờ là mình không hề giận dữ, nhưng trong lòng thì lại rối bời. Sự hỗn loạn dữ dội trong lòng những người này có nguy cơ bộc phát một khi có sự khiêu khích nhỏ nhất xảy ra.

                 Nhiều người trong chúng ta cảm thấy bối rối về sự giận dữ bởi vì chúng ta đã từng được dạy rằng sự giận dữ không nên tồn tại trong đời sống của mình. Chúng ta cần được đoan chắc lần nữa rằng giận dữ là một cảm xúc hoàn toàn hợp lệ và tự nhiên của con người. Có những lúc chúng ta có đủ mọi lý do để cảm thấy tức giận. Người khác hạ thấp chúng ta; ai đó cố tìm cách làm tổn thương chúng ta hay gia đình chúng ta; chúng ta nghe tin tức về một đứa bé bị cha hoặc mẹ nó đánh cho đến chết; hoặc chúng ta nhìn thấy một hình ảnh của trẻ em đang chết vì đói. Chúng ta cần cảm nhận sự giận dữ ấy. Hãy chấp nhận nó, vì nó là một phần của yếu tố tình cảm mà Đức Chúa Trời đặt để trong con người chúng ta.

                 Một số người trong các bạn có thể phản đối rằng, “Thế nhưng, tôi có từng nổi giận đâu!” Nếu bạn cảm thấy như thế, hãy tin chắc rằng tôi không có ý định biến bạn thành một người giận dữ. Tuy nhiên, nếu sự tức giận là một cảm xúc hợp lẽ của con người, và bạn lại nói bạn không từng nổi giận, thế thì bạn đang hụt mất một phần của cuộc sống. Sự dạy dỗ trong tôn giáo chúng ta thúc giục nhiều người trong chúng ta phủ nhận sự tồn tại của cơn giận. “Cơn thạnh nộ công chính” là điều có thể chấp nhận được đối với Chúa Giê-xu-và có lẽ đối với chúng ta trong những tình huống đặc biệt-chứ không phải là sự giận dữ! Vì thế để giúp bạn hiểu chương này và có lẽ hiểu rõ những cảm xúc của mình hơn, bạn có thể chỉ cần thay đổi từ sự giận dữ thành những cụm từ nhẹ nhàng hơn như sự bực mình, khó chịu, tâm trạng thất vọng, hoặc tình trạng bị chọc tức.

                 Hãy Tức Giận nhưng Đừng Phạm Tội

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Tôi nghĩ người đã tranh chiến với sự giận dữ thậm chí bội phần hơn chúng ta chính là sứ đồ Phao-lô. Tôi thấy Phao-lô thực sự vật lộn với sự giận dữ, bởi vì ông vốn là một người có tính nóng giận.

                 Khi chúng ta gặp gỡ Phao-lô lần đầu tiên với tên gọi Sau-lơ, chúng ta gặp gỡ một con người đang tức điên lên với hội thánh của những người tin Chúa Giê-xu. Điều đó có thể được gọi là cơn thạnh nộ công chính bởi một người anh em Do-thái; nhưng trên thực tế Phao-lô vô cùng nóng giận.

                 Khi cái người tên Sau-lơ ấy trở thành Phao-lô qua sự tái sanh trong Chúa Jesus, ông đối diện với sức tàn phá của sự giận dữ mình. Ông có những ký ức sống động về cách thức ông có thể mất kiểm soát đối với cơn giận của mình. Vì thế khi viết thư gửi cho các hội thánh trẻ, ông thường xuyên cảnh báo họ về những hiểm họa liên kết với sự giận dữ. Ông khuyên các tín hữu Cô-lô-se hãy “trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em” (Cô-lô-se 3:8).

                 Có lẽ bức thư gửi cho hội thánh Ga-la-ti sẽ giúp chúng ta hiểu thấu đáo Phao-lô đã cảm thấy thế nào về sự giận dữ. Xin lưu ý chỗ ông liệt kê sự giận dữ trong thơ Ga-la-ti chương 5:19-21: “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.” Theo sứ đồ Phao-lô thì chúng ta sẽ phải loại bỏ sự giận dữ! Mọi thứ khác trong bảng liệt kê này đều là những điều thuộc về hành vi cư xử hay là một thái độ; và sự giận dữ là cảm xúc duy nhất được kể ra trong danh sách ấy. Và chúng ta không được để cho bất cứ điều gì trong bảng liệt kê này là một phần của đời sống mình.

                 Phao-lô quan tâm sâu sắc tới cảm xúc này. Một phần trong sự tranh chiến của ông là do sự kiện ông là một người Do-thái sốt sắng vì Đức Chúa Trời, ông sùng kính Chúa và ông là một người Pha-ri-si. Với cương vị như thế, ông biết rõ Kinh thánh Cựu Ước. Tôi không biết liệu Phao-lô có từng đếm xem từ ngữ sự giận dữ đã được dùng bao nhiêu lần trong Cựu Ước hay chăng, nhưng có lẽ người nào đó mà ông biết đã đếm và nói với ông. Từ ngữ sự giận dữ được sử dụng hơn 450 lần trong Kinh Thánh Cựu Ước. Trên 75% của những lần nhắc đến từ ngữ này có liên quan tới cơn giận của Đức Chúa Trời. Những nơi khác thường bao hàm sự giận dữ của các anh hùng đức tin vĩ đại trong Cựu Ước.

                 Tính chất xác thực về sự giận dữ của Chúa Giê-xu làm cho sự tranh chiến của Phao-lô trở nên phức tạp. Chúa Giê-xu từng bày tỏ sự giận dữ trong một số lần. Ví dụ, trong Phúc Âm Mác chương 3, câu 1-5 cho thấy sự giận dữ của Ngài rất rõ rệt:

                 Lần khác, Đức Chúa Giê-xu vào nhà hội, ở đó có một người nam teo bàn tay. Chúng rình xem thử Ngài có chữa người đó trong ngày Sa-bát chăng, đặng cáo Ngài. Ngài phán cùng người teo tay rằng: "Hãy dậy, đứng chính giữa đây. Rồi Ngài hỏi họ rằng: Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành hay việc dữ, cứu người hay giết người? Nhưng họ đều nín lặng. Bấy giờ, Ngài lấy mắt liếc họ, vừa giận vừa buồn vì lòng họ cứng cỏi, rồi phán cùng người nam rằng: Hãy giơ tay ra. Người giơ tay ra, thì tay được lành."

                 Vậy thì Phao-lô điều hòa những ý tưởng của ông về sự giận dữ với những ví dụ này như thế nào? Ông nói rằng sự giận dữ là công việc của xác thịt, của tội lỗi. Thế nhưng Kinh Thánh Cựu Ước được kết thúc với lời phán về cơn giận của Đức Chúa Trời như có chép trong sách Tiên Tri Ma-la-chi 4:6, rằng: “Người sẽ hướng lòng cha về với con cái, và lòng con cái về với cha, kẻo Ta sẽ đến và sẽ giáng sự rủa sả trên đất này.” Chúa Giê-xu đôi lúc đã giận dữ rất rõ rệt. Phao-lô chắc hẳn đã tranh chiến với việc làm thế nào sự giận dữ lại có thể thật xấu xa trong ánh sáng của những thực tế này.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Hãy dùng trí tưởng tượng của bạn để hình dung Phao-lô chắc hẳn đã bối rối như thế nào trước tình trạng khó xử đó. Khi ấy Phao-lô đang ở trong tù và đang bận rộn viết thư gửi cho các tín hữu tại Ê-phê-sô. Có lẽ đã có một điều gì đó xảy ra trong ngày hôm ấy làm cho Phao-lô vô cùng tức giận. Tất cả những sự tranh chiến với sự giận dữ của ông nổi lên trong tâm trí ông, và khi ông cố gắng để ngủ, ông cứ lăn qua trở lại cách thất thường. Đột nhiên, ông ngồi dậy, hoàn toàn tỉnh táo.

                 Ông la lên, “A, ta đã hiểu ra rồi!” khi ông đánh thức mọi người dậy, kể cả người thư ký của ông là Ti-chi-cơ. Phao-lô thật phấn khích. Ông yêu cầu Ti-chi-cơ ghi xuống một điều gì đó. “Ta đã có một ý tưởng khác ta muốn ghi lại trong bức thư mà chúng ta đang viết.” Và ông bảo Ti-chi-cơ viết, “Hãy tức giận nhưng đừng phạm tội!” Đôi lúc tôi hình dung là Phao-lô nhanh chóng ngủ thiếp trở lại, trong khi viên thư ký của ông thì tỉnh thức trọn cả đêm cố tìm cho ra xem Phao-lô muốn nói gì.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn