21:16 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 41

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 40


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8047

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23017080

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Kết Thúc Chương 6: Sự Tự Nhủ và Sự Ngã Lòng

Thứ ba - 17/10/2017 21:18
Kết Thúc Chương 6: Sự Tự Nhủ và Sự Ngã Lòng

Kết Thúc Chương 6: Sự Tự Nhủ và Sự Ngã Lòng

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc Chương 6 trong Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.



                   Kính thưa quý độc giả,

                   Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc Chương 6 trong Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” của quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Trong những tuần lễ vừa qua, chúng ta đã nghe về bốn cách đầu tiên trong sáu cách mà chúng ta có thể làm để phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ của mình. Sáu cách đó là:

  1. Làm một điều gì đó
  2. Chăm sóc cho bản thân mình
  3. Thách thức những sự méo mó, lệch lạc trong sự tự-nhủ của bản thân
  4. Điều chỉnh lại, hay tập trung lại
  5. Hạn chế những triệu chứng ngã lòng
  6. Phá vỡ khuôn mẫu của sự cô lập

                   Như vậy, trước hết chúng ta được khuyên là hãy làm một điều gì đó, cho dù nó là một bước nhỏ đến đâu đi nữa. Đó là sự chọn lựa hành động có chủ ý nhằm đột phá cảm giác bất lực của bản thân. Việc đó đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mới khi sự tranh chiến của bạn với sự ngã lòng chấm dứt.

                   Thứ đến, chúng ta cũng được khuyên hãy chăm sóc cho bản thân mình. Đối với một số người, sự ngã lòng là kết quả của việc trở nên cạn kiệt do chăm sóc cho mọi người khác mà thiếu chăm lo cho bản thân mình. Thông thường khi bị ngã lòng chúng ta thường ngưng chăm sóc cho chính mình bởi vì đó là điều khó nhất chúng ta có thể làm. Điều chúng ta cần nhớ, là Đức Chúa Trời luôn chăm sóc chúng ta, nhưng việc này không có nghĩa là chúng ta không chăm sóc cho chính mình.

                   Điều thứ ba là chúng ta cần thách thức những sự bóp méo trong sự tự-nhủ của bản thân. Chúng ta cần cởi mở lòng mình để nhìn xem những phần của Đức Chúa Trời mà, trong những nhận thức bị bóp méo của mình, chúng ta đã tranh chiến không chịu tin rằng chúng có thể tồn tại. Đức Chúa Trời muốn bày tỏ chính mình Ngài cho mỗi chúng ta, và Ngài đặc biệt muốn chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm những phần của Ngài vốn dường như quá tốt đẹp đến nỗi khó có thể thực hữu được. Khi bị ngã lòng, vì một lý do nào đó, tiên Tri Ê-li đã quên rằng Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va toàn năng, vì thế nên Đức Chúa Trời đã phô bày năng quyền của Ngài cho Ê-li một cách lạ thường qua những cơn gió mạnh đến nỗi xẻ được núi, rồi qua cơn động đất dữ dội và tiếp theo một đám lửa lớn. Nhưng rồi Chúa chỉ đến và phán với Ê-li bằng một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ, đầy yêu thương.

                   Điều thứ tư chúng ta cần làm để phá vỡ sự ngã lòng là điều chỉnh lại. Khi chúng ta bị ngã lòng thì những nhận thức của chúng ta thường cũng cần được chỉnh sửa lại. Đức Chúa Trời vẫn đang tể trị, và không điều gì thoát khỏi mối quan tâm đầy yêu thương của Ngài, ngay cho dù chúng ta không thật chắc chắn về điều đó. Những người bị ngã lòng thường có nan đề với sự giận dữ. Không phải là họ không được tức giận, nhưng vấn đề là cơn giận ấy lại hoàn toàn nhắm vào bản thân họ hơn là nhắm vào người thật ra đáng phải gánh chịu cơn giận của họ. Sự giận dữ của bạn nhắm vào đâu? Phải chăng phần lớn là vào chính bạn? Hãy thử điều chỉnh lại cơn giận của mình vào nơi nó thật sự thuộc về, và xem thử điều đó tác động ra sao đến những cảm giác ngã lòng và tình trạng bất lực. Việc này không dễ thực hiện khi bạn bị ngã lòng, nhưng nó sẽ thay đổi cách bạn đang cảm nhận.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Cách thứ năm để phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ là Hạn chế những Triệu chứng Ngã Lòng. Khi đọc chương 19 trong sách I Các Vua, thật thú vị khi nhận thấy rằng Đức Chúa Trời không tranh luận với Ê-li về nguyên nhân khiến ông ngã lòng. Cả hai lần Đức Chúa Trời đặt câu hỏi, “Hỡi Ê-li, ngươi ở đây làm chi?” nhưng không lần nào Đức Chúa Trời bảo ông phải giải thích, và không lần nào Đức Chúa Trời bày tỏ bất cứ sự cảm thông nào đối với những gì Ê-li đang nói. Trái lại, Đức Chúa Trời làm hai việc. Ngài bày tỏ nhiều hơn về chính mình Ngài cho Ê-li, và Ngài giao cho Ê-li một điều gì đó để thực hiện.

                   Trong một cách thức, bước này là một sự mở rộng của bước cuối cùng, nơi chúng ta điều chỉnh lại sự chú ý của mình. Đức Chúa Trời giao cho Ê-li một việc gì đó cần được thực hiện vốn sẽ giữ ông bận rộn với công tác hầu việc Ngài. Ông sẽ phải xức dầu cho Ha-xa-ên làm vua Sy-ri, và ông sẽ phải xức dầu cho Ê-li-sê làm người kế tục và bạn đồng hành của mình.

                   Đây là một cách để trải nghiệm điều Đức Chúa Trời đang làm với Ê-li. Khi bạn đọc xong đoạn này, hãy dừng lại và để ý bất cứ cảm giác nào bạn có thể có về sự ngã lòng. Sau khi bạn đã lưu ý mình cảm thấy ra sao, hãy nhặt một đồ vật nào đó ở trong phòng lên và bắt đầu xem xét nó. Hãy lưu ý mọi chi tiết bạn có thể nhận thấy về đồ vật ấy từ càng nhiều góc cạnh khác nhau càng tốt. Khi bạn đã xem xét xong đồ vật ấy, hãy dừng lại lần nữa và để ý xem bạn đang cảm thấy thế nào. Hầu hết mọi người đều cảm thấy tốt hơn sau khi xem xét đồ vật ấy so với trước đó. Lý do là vì họ đã tập trung vào một điều gì đó bên ngoài bản thân họ, vào một điều gì đó hơn là việc họ đang cảm thấy ra sao.

                   Thật quan trọng là bạn hạn chế những triệu chứng mình đang trải nghiệm nếu như bạn bị ngã lòng. Điều đó không có nghĩa là bạn phủ nhận các triệu chứng; bạn chỉ cần đặt những giới hạn về thời gian bạn sẽ tập trung vào những cảm giác ấy. Chẳng hạn như, nếu bạn cảm thấy thích khóc và đôi lúc tự hỏi liệu bạn có thể dừng lại chăng, hãy đưa ra một giới hạn về thời gian cho phép bạn sẽ khóc bao lâu. Hãy cho phép mình khóc trong năm phút, và cuối năm phút ấy, hãy dừng lại. Nếu bạn thấy bản thân mình đang ngẫm đi ngẫm lại về một số tổn thương hay mất mát bạn đã từng trải qua, hãy đưa ra một thời điểm khi bạn sẽ ngồi xuống và ghi lại một số trong các cảm giác ấy. Kế đó đừng cho phép bạn nấn ná với những cảm giác ấy vào những lúc khác. Việc tìm thấy sự quân bình giữa việc cho phép bản thân bạn trải nghiệm sự tổn thương, sự mất mát, và sự buồn rầu, tuy nhiên không để cho bản thân bạn bị nuốt mất bởi những cảm giác ấy, chính là điều được hàm ý bởi bước hạn chế các triệu chứng này.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Cách thứ sáu, cũng là cách cuối cùng trong sáu cách mà chúng ta có thể làm để phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ là Phá vỡ Khuôn mẫu của sự Cô lập. Khi chúng ta bị ngã lòng, sự tuyệt vọng thường đưa chúng ta vào sự cô lập. Chúng ta cắt đứt các mối quan hệ với chính những người quan tâm đến chúng ta và mong muốn đứng với chúng ta khi chúng ta vượt qua nỗi đau. Điều đó có vẻ như là chính chúng ta chống lại cả thế giới, và chúng ta đang thua. Khi Ê-li bị ngã lòng dưới cây giếng giêng, ông chỉ có một mình. Ông đã để tôi tớ mình ở lại Bê-e-sê-ba và một mình đi tiếp. Đó hầu như là một phần của chính bản chất của sự ngã lòng-chúng ta muốn ở một mình với nỗi đau của chúng ta. Thế nhưng điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là ở một mình.

                   Cả hai lần Ê-li đều đáp lại câu hỏi của Đức Chúa Trời. Ê-li vạch ra rằng mình là người duy nhất còn lại trung tín với Đức Giê-hô-va. Ông đang đứng một mình chống lại cả thế giới. Giải pháp của Đức Chúa Trời cho việc tự cô lập của Ê-li là truyền cho ông xức dầu cho Ê-li-sê để kế tục ông làm tiên tri và để cho Ê-li-sê dành thời gian ở với ông. Khi Ê-li xức dầu cho Ê-li-sê, Ê-li-sê xin Ê-li chờ đợi để ông chào tạm biệt cha mẹ mình. Ê-li vẫn còn kháng cự lại việc có ai đó dành thời gian ở với mình. Rõ ràng là ông vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi ở trong sự cô lập, vì thế ông nói với Ê-li-sê, “Hãy đi và trở lại; vì ta nào có làm gì cho ngươi đâu! [Tại sao phải nôn nóng làm chi?]” (I Các Vua 19:20). Điều đó như thể ông đang nói, “Đừng vội vã-ngươi không cần phải dành thời gian ở với ta đâu.” Nhưng Ê-li-sê mong muốn ở với Ê-li, vì vậy sau khi dâng của lễ và nói lời tạm biệt cha mẹ, ông chạy theo kịp Ê-li và hầu việc người.

                   Xin cũng hãy lưu ý lời Đức Chúa Trời phán riêng với Ê-li tại trên Núi Si-na-i. Sau khi Đức Chúa Trời đã truyền xong các chỉ thị cho Ê-li, Ngài phán thêm, “Nhưng ta đã để dành lại cho ta trong Y-sơ-ra-ên bảy ngàn người không có quỳ gối xuống trước mặt Ba-anh, và môi họ chưa hôn nó!” (câu.18). “Hỡi Ê-li,” Đức Chúa Trời phán, “ngươi không chỉ có một mình!”

                   Và chúng ta cũng vậy. Thật thú vị là những người nói rằng họ cô đơn đã được tìm thấy là có nhiều sự tiếp xúc với người khác hơn là những người không thấy phiền lòng bởi sự cô độc. Chúng ta thường cảm thấy cô độc bởi vì trong một cách thức nào đó chúng ta muốn làm việc đó một mình. Sự cô độc là một thái độ, giống y như sự ngã lòng có thể là một thái độ. Cuộc chiến chống lại cả hai bắt đầu trong tâm trí chúng ta, trong sự Tự-Nhủ của mình.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Chúng ta vừa chấm dứt chương sáu của sách. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn