00:29 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 4448

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9523

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23018556

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Phá Vỡ Sự Ngã Lòng Bằng Sự Tự Nhủ (Bài 1)

Thứ ba - 03/10/2017 21:14
Phá Vỡ Sự Ngã Lòng Bằng Sự Tự Nhủ (Bài 1)

Phá Vỡ Sự Ngã Lòng Bằng Sự Tự Nhủ (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta sắp kết thúc Chương 6 dưới Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.


                 Kính thưa quý độc giả,

                 Chúng ta sắp kết thúc Chương 6 dưới Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hai tuần qua chúng ta đã nghe về Sáu Khuôn Mẫu của sự Tự-Nhủ Lệch Lạc mà Tiến sĩ Aaron Beck đã nhận diện, và cho rằng chúng thường là điểm khởi đầu của sự ngã lòng. Con người thường lấy sáu khuôn mẫu Tự-Nhủ Lệch Lạc ấy để áp dụng vào sự đánh giá bản thân và thế giới chung quanh, đánh giá những người khác, và ngay cả Đức Chúa Trời nữa. Lối suy nghĩ lệch lạc khiến họ nhìn thấy Đức Chúa Trời như một đấng hay đoán phạt. Họ than thở rằng “Đức Chúa Trời đang trừng phạt tôi vì một điều gì đó mà tôi đã làm.” Khi khuyên nhủ một người thân yêu bị ngã lòng, cho dù chúng ta có cố gắng chỉ cho họ thấy những điều tích cực đầy hy vọng đến đâu chăng nữa, thì họ vẫn nói hết lần này đến lần khác, rằng “Đúng vậy, nhưng mà... vân vân và vân vân.”

                 Khi chúng ta hiểu lối suy nghĩ lệch lạc này ảnh hưởng sự Tự-Nhủ của mình như thế nào, chúng ta có thể thấy vì sao thật hết sức khó khăn để thoát ra khỏi sự ngã lòng. Khi ngã lòng, suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi sự tiêu cực tràn ngập và tập trung vào nhận thức đó để hỗ trợ cho sự tiêu cực của mình. Khi chúng ta tin tưởng điều tồi tệ nhất, mọi sự sẽ thường thật sự trở nên tồi tệ hơn, là điều chỉ càng làm cho sự ngã lòng và tuyệt vọng của chúng ta gia tăng thêm.

                 Khi nhìn lại những gì đã trải qua trong quá khứ, chúng ta thấy mọi thất bại của bản thân và những điều khiến chúng ta có mặc cảm tội lỗi. Khi hướng về tương lai, chúng ta thấy trống vắng và vô vọng, rồi chúng ta nói với chính mình, rằng “Sẽ chẳng có điều gì thay đổi!” Khi nhìn vào hiện tại, chúng ta chỉ thấy những điều ưu phiền, nặng nề, tiêu cực vốn làm gia tăng thêm những ý tưởng khủng khiếp chúng ta đã tin là thật.

                 Tuy nhiên, chúng ta có thể phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ của mình. Qua việc xem xét kinh nghiệm mà tiên tri Ê-li đã từng trải qua, chúng ta có thể nhận ra sáu việc mình có thể làm để phá vỡ chu kỳ của sự ngã lòng. Khi chúng ta bị ngã lòng, sự tự nhủ lệch lạc trong suy nghĩ của chúng ta sẽ cầm giữ chúng ta khỏi việc thực hiện bất cứ một điều tích cực nào. Nhưng, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta có thể làm một bước nhỏ theo chiều hướng thực hiện từng bước một, chúng ta có khả năng khởi đầu một chu kỳ tích cực trong sự tự nhủ của mình.

                 Trước Tiên, Hãy Làm Một Điều Gì Đó

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Đúng vậy. Điều thứ nhất, là hãy làm một điều gì đó, cho dù nó là một bước nhỏ đến đâu đi nữa. Hãy làm bất cứ điều gì! Đúng đấy, gần như bất cứ điều gì. Đó là sự chọn lựa hành động có chủ ý vốn đột phá cảm giác bất lực của chúng ta. Tôi nhớ một phụ nữ đã từng bị ngã lòng một thời gian và không có điều gì dường như giúp đỡ bà ta phá vỡ chu kỳ này. Mọi việc tôi đề nghị đều được đáp ứng với hoặc là một câu “Đúng thế, nhưng mà...” hay đơn giản là bị phớt lờ đi. Cuối cùng tôi có được sự chú ý của bà ta. Vào cuối một buổi gặp gỡ tôi bảo bà ta rằng bài làm về nhà của bà cho tuần lễ đó là đi về nhà và chọn một ngày trong tuần đó và bà “sẽ tận hưởng việc ngã lòng” trong ngày hôm ấy. Lời chỉ dẫn dành cho bà là thậm chí bà sẽ không thay quần áo ngày hôm ấy, mà chỉ việc nằm trên giường cả ngày và “tận hưởng việc ngã lòng.” Bà có thể nằm trên giường và xem bất cứ chương trình nào trên ti-vi mà bà muốn xem, ăn bất cứ món gì bà muốn ăn. Mục đích duy nhất của điều này, đó là bà sẽ phải làm việc đó một cách có chủ ý và cố gắng tận hưởng khi thực hiện chúng. Thoạt đầu bà nghĩ là tôi mất trí, nhưng rồi bà suy nghĩ một lúc và chọn một ngày để làm điều này.

                 Vào buổi gặp gỡ kế tiếp của chúng tôi bà miêu tả sự ngạc nhiên và sửng sốt trên gương mặt con gái của bà khi cô ấy đi học về và thấy bà vẫn còn nằm trên giường trong bộ đồ ngủ đang ăn khoai tây chiên và xem ti-vi. Nhưng nó hiệu quả! Bởi vì bà đã thực hiện việc đó cách cố tình-có nghĩa là bà chọn làm điều đó-bà “đã làm một điều gì đó.” Việc đó đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mới khi sự tranh chiến của bà với sự ngã lòng chấm dứt.

                 Trong câu chuyện về Tiên Tri Ê-li, ông đã chạy trốn để cứu mạng sống mình. Ông chạy băng ngang qua Y-sơ-ra-ên và ngang qua Giu-đa. Khi ông ngừng chạy, Đức Chúa Trời lại bảo ông chạy thêm một quãng đường nữa. Thực ra, Đức Chúa Trời sai ông đến Núi Si-na-i, là nơi ở tận cùng của Bán Đảo Si-nai-một hành trình bốn mươi ngày đêm băng qua sa mạc. Ê-li bị ngã lòng. Đức Chúa Trời thêm vào một nhiệm vụ mới dường như chẳng có ý nghĩa gì đối với Ê-li, nhưng ông vẫn làm theo lời Ngài. Ông đã làm một điều gì đó. Và sự ngã lòng của ông đang trên đường lìa xa khỏi ông.

                 Bạn có thể làm gì? Điều đó thật sự không quan trọng lắm, bao lâu mà bạn chọn để làm một điều gì đó. Có lẽ bạn quyết định thức dậy sớm hơn một tiếng đồng hồ và thay quần áo ngay lập tức. Hoặc bạn quyết định chuẩn bị bữa điểm tâm cho gia đình, một điều gì đó bạn đã không thực hiện kể từ khi bạn bị ngã lòng. Quyết định làm một điều gì đó đem lại cho bạn một cảm giác trở lại trong sự kiểm soát, cho dù đó chỉ là một điều nhỏ nhặt. Khi Đức Chúa Trời bảo Ê-li cứ đi tiếp, Đức Chúa Trời đang trở lại điều khiển cuộc sống của Ê-li. Giê-sa-bên không còn sai khiến ông phải làm gì nữa. Giờ đây Đức Chúa Trời làm việc đó, và Ê-li đồng ý!

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Điều thứ hai là Chăm sóc cho Bản Thân mình

                 Khi bị ngã lòng chúng ta thường ngưng chăm sóc cho chính mình. Đối với một số người, sự ngã lòng là kết quả của việc trở nên cạn kiệt do chăm sóc cho mọi người khác mà thiếu chăm lo cho bản thân mình. Hãy lưu ý những gì Đức Chúa Trời làm cho Ê-li khi ông muốn chết dưới cây giếng giêng (xem I Vua 19:5). Sau khi để cho Ê-li ngủ, một thiên sứ đánh thức ông dậy và nói,“Hãy chỗi dậy và ăn.” Sau khi Ê-li ăn xong, Đức Chúa Trời để ông ngủ thêm một thời gian trước khi cho ông ăn lần nữa và sai ông đi tiếp trên đường mình.

                 Việc chăm sóc cho bản thân khi bạn bị ngã lòng có thể hàm ý một số điều. Chẳng hạn như, nó có thể hàm ý rằng bạn lên một cuộc hẹn để gặp bác sĩ của mình và được kiểm tra sức khỏe toàn diện. Việc đó đáp ứng cả hai bước một và hai-bạn đang làm một điều gì đó và cũng đang chăm sóc cho bản thân mình. Hoặc nó có thể hàm ý rằng bạn thay đổi cách thức ăn uống và bắt đầu ăn những bữa ăn ngon, bổ dưỡng. Đối với một người nào khác nó có thể hàm ý việc nhờ người chồng lo cho bọn trẻ trong một buổi tối để cô có thể ngâm mình trong nước nóng và thư giãn vài giờ. Bạn biết điều bạn mong muốn mình có thể làm là gì. Nếu đó là một việc tốt để thực hiện, hãy làm đi và cho phép bản thân mình tận hưởng nó.

                 Đôi lúc, khi bị ngã lòng, việc chăm sóc cho chính mình là điều khó nhất chúng ta có thể làm. Chúng ta thật thất vọng về bản thân mình đến mức ý tưởng làm một điều gì đó tốt đẹp khiến chúng ta lại bị chồng chất thêm mặc cảm định tội. Nhưng hãy dành một ít thời gian và suy gẫm về thái độ của Đức Chúa Trời đối với Ê-li, khi ông bị ngã lòng. Đức Chúa Trời không quở trách ông. Trên thực tế, Đức Chúa Trời không bao giờ làm điều đó với Ê-li. Thay vào đó, Đức Chúa Trời chăm sóc cho tiên tri của Ngài. Ngài cho ông ăn, để cho ông ngủ, và rồi nhắc Ê-li nhớ đến đặc tính và năng quyền của Ngài. Đức Chúa Trời ban cho Ê-li chính xác những gì ông cần, và Đức Chúa Trời cũng sẽ làm điều đó cho bạn nữa. Hãy để Ngài chăm sóc cho bạn, nhưng điều đó cũng có nghĩa là bạn phải chăm sóc cho chính mình.

                 Kính thưa quý độc giả,

                 Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn