02:54 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 16

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 15


Hôm nayHôm nay : 3187

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269227

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22998634

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Tóm Tắt Chương 6: Sự Tự Nhủ

Thứ ba - 24/10/2017 21:06
Tóm Tắt Chương 6: Sự Tự Nhủ

Tóm Tắt Chương 6: Sự Tự Nhủ

Kính thưa quý độc giả, Tuần vừa qua chúng ta đã chấm dứt Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.


               Kính thưa quý độc giả,

               Tuần vừa qua chúng ta đã chấm dứt Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chúng ta đã được cho biết rằng những nan đề chúng ta trải nghiệm với sự giận dữ và các đòi hỏi vô lý tương ứng mà chúng ta đưa ra trong sự Tự-Nhủ của mình, cuối cùng sẽ dẫn chúng ta vào sự tranh chiến với tình trạng ngã lòng, chán nản cùng cực đưa đến chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm. Con người thường không nhận biết khi nào họ bị suy nhược thần kinh hay bị bệnh trầm cảm bởi vì chúng ta có nhiều cách để né tránh thực tại về sự suy nhược thần kinh của chính mình. Một số người trốn chạy nó qua việc thường xuyên bận rộn. Họ cứ luôn tất bật từ lúc thức dậy cho đến giây phút họ gieo người xuống giường trong tình trạng kiệt sức vào buổi tối. Một số khác trốn chạy nó qua việc chỉ tập trung vào việc tìm các triệu chứng về thể chất mà thôi. Cho đến khi các bác sĩ bó tay trong việc tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thuộc thể thì họ mới chịu đối diện với sự khả thi của một vấn đề về cảm xúc của bản thân mình.

               Chúng ta đã làm một cuộc trắc nghiệm ngắn giúp chúng ta nhận ra mình đang ở đâu trong mối tương quan với sự suy nhược thần kinh. Nếu các câu trả lời là “đôi lúc” hoặc “thường xuyên hay luôn luôn” thì chúng ta cần chú ý đến mức độ suy nhược thần kinh của bản thân mình. Với số điểm từ:

Điểm tổng cộng Mức độ Suy nhược thần kinh
0-5 Không có vấn đề về suy nhược thần kinh
6-10 Suy nhược thần kinh nhẹ
11-15 Suy nhược thần kinh vừa phải
16-20 Suy nhược thần kinh trầm trọng
21-30 Suy nhược thần kinh cùng cực

               Nếu điểm của bạn là 11 trở lên, bạn cần tìm kiếm một sự điều trị chuyên môn nào đó cho sự suy nhược thần kinh của mình. Nếu bạn có đôi khi hoặc thường xuyên nghĩ bạn “có ý tưởng muốn tự sát” và “ước gì mình có thể chết đi”, thì khuynh hướng tự tử của bạn đã trầm trọng đến mức bạn phải khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn ngay lập tức. Vấn đề không phải chỉ là những ý tưởng tự tử bạn đang nhận diện, nhưng những ý tưởng đó cũng là những dấu hiệu chính yếu cho thấy những cảm giác vô vọng của bạn đã trở nên nghiêm trọng biết bao. Chính tình trạng tuyệt vọng này là điều cần được chữa trị.

               Nếu bạn thấy mình thường xuyên “lo lắng về những nan đề thuộc thể”, thì bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ của mình. Sự suy nhược thần kinh có thể gây nên một số triệu chứng về thể chất, nhưng các vấn đề về thể chất có thể đang cho thấy một căn bệnh có thể điều trị được vốn có một trong các triệu chứng của nó là cảm giác suy nhược thần kinh.

               Đối với một số loại suy nhược thần kinh thì điều cần phải làm là tập trung chính yếu vào việc điều trị. Ví dụ như, một số chứng suy nhược thần kinh hay trầm cảm có tính di truyền. Nếu bố hay mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ hay hai bên nội ngoại như ông bà, cô, dì, chú, bác đã có người từng tranh chiến với chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm, thì chúng ta cần được điều trị bằng thuốc men. Ngược lại, chúng ta cần chú ý những sự thay đổi trong tính chất hóa học của não bộ hay nỗi tuyệt vọng về mặt cảm xúc.

               Chúng ta đã nghe về cuộc thí nghiệm của Tiến Sĩ Aaron Beck, một trong những nhà lý luận gần đây chủ trương phép điều trị sự suy nhược thần kinh bằng cách thay đổi sự Tự-Nhủ của người bệnh. Trong hai nhóm bệnh nhân có mức độ suy nhược thần kinh như nhau thì một nhóm được điều trị trong mười hai tuần lễ với một loại thuốc giúp hó chống lại chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm; nhóm kia được điều trị trong mười hai tuần với liệu pháp chỉ tập trung vào sự Tự-Nhủ của họ mà thôi. Nhóm thứ nhì này không dùng thuốc men gì cả. Vào cuối mười hai tuần lễ, những kết quả hoàn toàn bất ngờ, đặc biệt là trong việc cho thấy số lượng khác biệt đáng kể giữa hai nhóm này. Trong nhóm thứ nhất là nhóm chỉ dùng thuốc thì có khoảng 20% cho thấy sự phục hồi hoàn toàn và gần 33% số bệnh nhân trong nhóm bỏ cuộc trước khi hoàn tất mười hai tuần lễ này. Trong nhóm thứ hai, tức là các bệnh nhân chỉ làm việc dựa trên sự Tự-Nhủ của họ, trên 75% cho thấy sự phục hồi trọn vẹn và chỉ 10% của nhóm thì hoặc là bỏ cuộc hoặc là không có sự tiến triển nào. Trong khi tiếp tục theo dõi những người tham gia suốt một năm sau đó, các kết quả ghi nhận vào cuối mười hai tuần lễ được duy trì bởi cả hai nhóm. Thuốc men đã giúp ích, và trong một số trường hợp thì hoàn toàn cần thiết, nhưng chỉ dùng thuốc men thôi thì đã không giúp ích được nhiều so với thái độ của người được chữa trị. Thái độ của bệnh nhân là tất cả, hay ít ra, trong trường hợp của sự suy nhược thần kinh, gần như là tất cả!

               Chúng ta đã nghe về sự ngã lòng của vài nhân vật điển hình trong Thánh Kinh. Giê-rê-mi và tác giả Thi-Thiên đã viết nên những xúc cảm của mình khi họ nản lòng và tranh chiến với những đau thương của đời mình. Ca-thương 3:1-20 cho thấy tiên tri Giê-rê-mi đã thở than rên siết bằng những lởi than vãn não nuột. Trong câu 17a ông đưa ra tiếng thở dài thê thảm rằng “…hồn ta xa sự bình an, ta đã quên phước lành." Rồi sang câu 20a, ông buồn bã kết luận: “Hồn ta còn nhớ đến, và hao mòn trong ta.

               Tác giả Thi Thiên trong Thi-thiên 42:5 đã tự hỏi, “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta?” Đây là điệp khúc ông lặp lại lần nữa trong câu 11, và rồi một lần nữa trong Thi-thiên 43:5. Ý nghĩa gốc của từ Hy-bá-lai này là “chìm xuống” hay “làm ngã lòng.” Giê-rê-mi và tác giả Thi Thiên không phải là những nhân vật duy nhất trong Thánh Kinh đã tranh chiến với sự ngã lòng. Giô-sép bị ngã lòng bởi vì ông đã từng bị mọi người trong đời sống ông bỏ rơi và phải ngồi tù trong một xứ xa lạ trong tình trạng bị cáo buộc cách bất công. Sự ngã lòng của Giô-sép được vẽ rõ nét khi ông đặt tên cho con trai thứ hai là Ép-ra-im, nghĩa là “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ” hay “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ của sự ngã lòng ta.” Vua Sau-lơ cũng đã đau khổ vì một sự ngã lòng lớn lao trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông.

               Sự ngã lòng của một số nhân vật điển hình vừa kể trên có liên hệ trực tiếp tới những biến cố bên ngoài đang diễn ra trong đời sống họ và tới sự đối thoại bên trong họ, hay sự Tự-Nhủ về những biến cố đó. Nhiều lần khi chúng ta thấy từ ngữ đau buồn, khốn khổ trong Cựu Ước, nó chứa đựng ý nghĩa của “sự ngã lòng.” Khi chúng ta phạm tội, chúng ta có thể từng trải sự ngã lòng. Khi có tội lỗi trong đời sống mình, chúng ta chắc chắn mở ngõ cho kẻ thù và những sự tấn công của hắn vào tấm lòng và tâm trí của mình. Vũ khí trong chiến trận thuộc linh của chúng ta là những vũ khí của tâm trí và những ý tưởng của chúng ta.

               Khi chúng ta có thể trực tiếp nối kết những cảm giác ngã lòng của chính mình với một biến cố bất công, đau đớn, gây tổn thương nào đó trong đời sống, ít ra chúng ta có thể hiểu được vì sao chúng ta cảm thấy ngã lòng.

               Nhưng sự ngã lòng không phải lúc nào cũng hợp lý hay lô-gíc như thế, mà trường hợp của tiên tri Ê-li là một chứng minh. Sự ngã lòng dường như khó lý giải của tiên tri Ê-li sau khi ông đã thành công trong cuộc chiến với 450 tiên tri giả của thần Ba-anh. Câu chuyện cho thấy một mình Tiên tri Ê-li can đảm nhận lời thách đố Vua A-háp, Hoàng Hậu Giê-sa-bên, 450 tiên tri giả của tà thần cùng dân Y-sơ-ra-ên. Trọn ngày dài, dù 450 tiên tri Ba-anh có la lớn, nhảy múa điên cuồng, thậm chí rạch mình cho chảy máu thì vẫn không có gì xảy ra trên tế lễ của họ.

               Rồi khi toàn dân Y-sơ-ra-ên đứng đó lặng yên theo dõi đến lượt Ê-li dâng tế lễ toàn thiêu cho Đức Chúa Trời, thì với một lời cầu nguyện đơn giản của đức tin, lửa từ trời đã giáng xuống thiêu đốt không chỉ của lễ mà còn rút hết nước trong mương nữa! Đó là một ngày toàn thắng cho Ê-li và Đức Chúa Trời. Ê-li sau đó cầu xin cho có mưa để kết thúc cơn hạn hán kéo dài ba năm, và một cơn mưa đã trút xuống theo lời cầu nguyện của ông.

               Điều khó hiểu là sau hai phép lạ diễn ra trong củng một ngày, tiên tri Ê-li lại hốt hoảng chạy trốn chỉ vì một lời nhắn từ Hoàng Hậu Giê-sa-bên, rằng bà sẽ lấy mạng sống ông trong vòng hai mươi bốn giờ để trả thù. Sau khi chạy trốn, trong lúc mệt mỏi và ngã lòng tột độ, ông ngã quỵ và cầu xin “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi. Tôi sẽ phải chết một lúc nào đó, và nó cũng có thể là ngay bây giờ.” Rõ ràng, sự ngã lòng của Ê-li xảy đến khi nhìn bề ngoài thì mọi thứ dường như đang diễn tiến tốt đẹp. Đây là một sự ngã lòng mà chúng ta dường như không thể lý giải nó.

               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đã nghe về Sáu Khuôn Mẫu của sự Tự-Nhủ Lệch Lạc mà Tiến sĩ Aaron Beck đã nhận diện, và cho rằng chúng thường là điểm khởi đầu của sự ngã lòng.

               Khuôn mẫu thứ nhất là Sự suy luận thất thường, độc đoán. Thường thì gia đình gốc của chúng ta đóng một vai trò trong việc khởi động khuôn mẫu này. Nếu cha mẹ thường nói chúng ta là ngu dốt, thì chúng ta luôn tranh đấu với ý tưởng rằng “Mình là một người ngu dốt” ngay cho dù chúng ta có mức thông minh trên trung bình, đã tốt nghiệp đại học và có khả năng trong công việc cũng như trong đời sống mình.

               Khuôn mẫu thứ hai là Sự rút ra có chọn lọc. Người có suy nghĩ theo khuôn mẫu này thường chỉ lấy một chi tiết nhỏ nhặt ra khỏi toàn thể bối cảnh và chỉ tập trung vào một chi tiết hay một điểm nhỏ, bỏ qua các chi tiết và mọi chứng cớ mạnh mẽ, quan trọng hơn. Thí dụ một phụ nữ thật xinh đẹp cứ săm soi, rầu rĩ về một vết trầy nhỏ không đáng chi trên da của mình, hoặc một bà nội trợ cho rằng căn nhà của bà rất bẩn bởi vì bà đã không hoàn tất việc­­­­ lau chùi các gờ chân tường.

               Khuôn mẫu thứ ba là Sự khái quát hóa quá mức. Điều này miêu tả loại người có khuynh hướng rút ra một số sự việc riêng rẽ tình cờ xảy ra, và rồi khăng khăng tin rằng những sự việc này tạo thành một khuôn mẫu chung. Ví dụ như một người sống trong một gia đình có sự ngược đãi thân thể và lăng nhục bằng lời nói. Khi lớn lên, người này tin rằng họ sẽ bị người khác làm thương tổn thân thể bất cứ khi nào có ai la hét vào họ.

               Khuôn mẫu thứ tư trong sự Tự Nhủ Lệch Lạc, là lối tự nhủ phóng đại và tối thiểu hóa. Người có lối suy nghĩ và tự nhủ theo dạng khuôn mẫu này thường giảm đến mức thấp nhất một phạm vi rộng lớn các chứng cớ và rồi thổi phồng một khía cạnh nhỏ của một sự kiện.

               Khuôn mẫu thứ năm trong khuôn mẫu tự nhủ lệch lạc là Sự cá nhân hóa. Một số người trong chúng ta, hoặc qua việc huấn luyện cá nhân hay của gia đình, có khuynh hướng liên hệ đủ mọi loại sự kiện bên ngoài với bản thân mình, ngay cả khi chúng ta biết không có bất cứ nền tảng nào cho một mối liên hệ như thế.

               Khuôn mẫu thứ sáu là Lối suy nghĩ chuyên chế, lưỡng phân hay lưỡng cực. Khuôn mẫu này là khởi nguồn của chủ nghĩa cầu toàn, và chủ nghĩa cầu toàn là một con đường chắc chắn dẫn tới sự ngã lòng, suy nhược thần kinh. Trong khuôn mẫu này chúng ta có khuynh hướng chia thế giới ra thành một trong hai phạm trù trái ngược nhau.

               Con người thường lấy sáu khuôn mẫu Tự-Nhủ Lệch Lạc ấy để áp dụng vào sự đánh giá bản thân và thế giới chung quanh, đánh giá những người khác, và ngay cả Đức Chúa Trời nữa. Lối suy nghĩ lệch lạc khiến họ nhìn thấy Đức Chúa Trời như một đấng hay đoán phạt. Họ than thở rằng “Đức Chúa Trời đang trừng phạt tôi vì một điều gì đó mà tôi đã làm.” Khi khuyên nhủ một người thân yêu bị ngã lòng, cho dù chúng ta có cố gắng chỉ cho họ thấy những điều tích cực đầy hy vọng đến đâu chăng nữa, thì họ vẫn nói hết lần này đến lần khác, rằng “Đúng vậy, nhưng mà... vân vân và vân vân.”

               Khi chúng ta hiểu lối suy nghĩ lệch lạc này ảnh hưởng sự Tự-Nhủ của mình như thế nào, chúng ta có thể thấy vì sao thật hết sức khó khăn để thoát ra khỏi sự ngã lòng. Khi ngã lòng, suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi sự tiêu cực tràn ngập và tập trung vào nhận thức đó để hỗ trợ cho sự tiêu cực của mình. Khi chúng ta tin tưởng điều tồi tệ nhất, mọi sự sẽ thường thật sự trở nên tồi tệ hơn, là điều chỉ càng làm cho sự ngã lòng và tuyệt vọng của chúng ta gia tăng thêm.

               Khi nhìn lại những gì đã trải qua trong quá khứ, chúng ta thấy mọi thất bại của bản thân và những điều khiến chúng ta có mặc cảm tội lỗi. Khi hướng về tương lai, chúng ta thấy trống vắng và vô vọng, rồi chúng ta nói với chính mình, rằng “Sẽ chẳng có điều gì thay đổi!” Khi nhìn vào hiện tại, chúng ta chỉ thấy những điều ưu phiền, nặng nề, tiêu cực vốn làm gia tăng thêm những ý tưởng khủng khiếp chúng ta đã tin là thật.

               Tuy nhiên, chúng ta có thể phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ của mình. Qua việc xem xét kinh nghiệm mà tiên tri Ê-li đã từng trải qua, chúng ta có thể nhận ra sáu việc mình có thể làm để phá vỡ chu kỳ của sự ngã lòng. Sáu cách đó là:

  1. Làm một điều gì đó
  2. Chăm sóc cho bản thân mình
  3. Thách thức những sự méo mó, lệch lạc trong sự tự-nhủ của bản thân
  4. Điều chỉnh lại, hay tập trung lại
  5. Hạn chế những triệu chứng ngã lòng
  6. Phá vỡ khuôn mẫu của sự cô lập

               Như vậy, trước hết chúng ta được khuyên là hãy làm một điều gì đó, cho dù nó là một bước nhỏ đến đâu đi nữa. Đó là sự chọn lựa hành động có chủ ý nhằm đột phá cảm giác bất lực của bản thân. Việc đó đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn mới khi sự tranh chiến của bạn với sự ngã lòng chấm dứt.

               Thứ đến, chúng ta cũng được khuyên hãy chăm sóc cho bản thân mình. Đối với một số người, sự ngã lòng là kết quả của việc trở nên cạn kiệt do chăm sóc cho mọi người khác mà thiếu chăm lo cho bản thân mình. Thông thường khi bị ngã lòng chúng ta thường ngưng chăm sóc cho chính mình bởi vì đó là điều khó nhất chúng ta có thể làm. Điều chúng ta cần nhớ, là Đức Chúa Trời luôn chăm sóc chúng ta, nhưng việc này không có nghĩa là chúng ta không chăm sóc cho chính mình.

               Điều thứ ba là chúng ta cần thách thức những sự bóp méo trong sự tự-nhủ của bản thân. Chúng ta cần cởi mở lòng mình để nhìn xem những phần của Đức Chúa Trời mà, trong những nhận thức bị bóp méo của mình, chúng ta đã tranh chiến không chịu tin rằng chúng có thể tồn tại. Đức Chúa Trời muốn bày tỏ chính mình Ngài cho mỗi chúng ta, và Ngài đặc biệt muốn chúng ta nhìn thấy và trải nghiệm những phần của Ngài vốn dường như quá tốt đẹp đến nỗi khó có thể thực hữu được. Khi bị ngã lòng, vì một lý do nào đó, tiên Tri Ê-li đã quên rằng Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va toàn năng, vì thế nên Đức Chúa Trời đã phô bày năng quyền của Ngài cho Ê-li một cách lạ thường qua những cơn gió mạnh đến nỗi xẻ được núi, rồi qua cơn động đất dữ dội và tiếp theo một đám lửa lớn. Nhưng rồi Chúa chỉ đến và phán với Ê-li bằng một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ, đầy yêu thương.

               Điều thứ tư chúng ta cần làm để phá vỡ sự ngã lòng là điều chỉnh lại. Khi chúng ta bị ngã lòng thì những nhận thức của chúng ta thường cũng cần được chỉnh sửa lại. Đức Chúa Trời vẫn đang tể trị, và không điều gì thoát khỏi mối quan tâm đầy yêu thương của Ngài, ngay cho dù chúng ta không thật chắc chắn về điều đó. Những người bị ngã lòng thường có nan đề với sự giận dữ. Không phải là họ không được tức giận, nhưng vấn đề là cơn giận ấy lại hoàn toàn nhắm vào bản thân họ hơn là nhắm vào người thật ra đáng phải gánh chịu cơn giận của họ. Sự giận dữ của bạn nhắm vào đâu? Phải chăng phần lớn là vào chính bạn? Hãy thử điều chỉnh lại cơn giận của mình vào nơi nó thật sự thuộc về, và xem thử điều đó tác động ra sao đến những cảm giác ngã lòng và tình trạng bất lực. Việc này không dễ thực hiện khi bạn bị ngã lòng, nhưng nó sẽ thay đổi cách bạn đang cảm nhận.

               Cách thứ năm để phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ là Hạn chế những Triệu chứng Ngã Lòng. Trong một cách thức, bước này là một sự mở rộng của bước cuối cùng, nơi chúng ta điều chỉnh lại sự chú ý của mình. Thật quan trọng là bạn hạn chế những triệu chứng mình đang trải nghiệm nếu như bạn bị ngã lòng. Điều đó không có nghĩa là bạn phủ nhận các triệu chứng; bạn chỉ cần đặt những giới hạn về thời gian bạn sẽ tập trung vào những cảm giác ấy. Chẳng hạn như, nếu bạn cảm thấy thích khóc và đôi lúc tự hỏi liệu bạn có thể dừng lại chăng, hãy đưa ra một giới hạn về thời gian cho phép bạn sẽ khóc bao lâu. Hãy cho phép mình khóc trong năm phút, và cuối năm phút ấy, hãy dừng lại. Việc tìm thấy sự quân bình giữa việc cho phép bản thân bạn trải nghiệm sự tổn thương, sự mất mát, và sự buồn rầu, tuy nhiên không để cho bản thân bạn bị nuốt mất bởi những cảm giác ấy, chính là điều được hàm ý bởi bước hạn chế các triệu chứng này.

               Cách thứ sáu, cũng là cách cuối cùng trong sáu cách mà chúng ta có thể làm để phá vỡ sự ngã lòng bằng sự tự nhủ là Phá vỡ Khuôn mẫu của sự Cô lập. Khi chúng ta bị ngã lòng, sự tuyệt vọng thường đưa chúng ta vào sự cô lập. Chúng ta cắt đứt các mối quan hệ với chính những người quan tâm đến chúng ta và mong muốn đứng với chúng ta khi chúng ta vượt qua nỗi đau. Điều đó có vẻ như là chính chúng ta chống lại cả thế giới, và chúng ta đang thua. Chúng ta muốn ở một mình với nỗi đau của chúng ta. Thế nhưng điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là ở một mình. Sự cô độc là một thái độ, giống y như sự ngã lòng có thể là một thái độ. Cuộc chiến chống lại cả hai bắt đầu trong tâm trí chúng ta, trong sự Tự-Nhủ của mình.

               Khi chúng ta bị ngã lòng, sự tự nhủ lệch lạc trong suy nghĩ của chúng ta sẽ cầm giữ chúng ta khỏi việc thực hiện bất cứ một điều tích cực nào. Nhưng, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta có thể làm một bước nhỏ theo chiều hướng thực hiện từng bước một, chúng ta có khả năng khởi đầu một chu kỳ tích cực trong sự tự nhủ của mình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ bắt đầu chương 7 trong quyển sách Nghĩ Sao, Thành Vậy. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn