23:31 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 28


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 18195

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23027228

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Công Thành Danh Toại

Thứ hai - 02/10/2017 21:13
Công Thành Danh Toại

Công Thành Danh Toại

Kính thưa quý độc giả, Trong xã hội truyền thống ngày xưa, giá trị của một cá nhân được đánh giá qua danh dự người đó.



                Kính thưa quý độc giả,

                Trong xã hội truyền thống ngày xưa, giá trị của một cá nhân được đánh giá qua danh dự người đó. Khi một cá nhân chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình, trong bất cứ vai trò gì, như vai trò làm cha, làm mẹ, làm chồng, làm vợ, làm con cái, làm thầy cô giáo, làm người chiến binh vv., thì xã hội truyền thống ngày xưa tôn trọng và kính nể những con người như vậy.

                Trong thế giới ngày nay, danh dự không còn được tôn trọng nữa, nhưng thành công mới là yếu tố quyết định để người đó được mọi người trọng vọng nể vì hay không. Trong xã hội ngày nay, danh dự được đưa xuống hàng thứ yếu, nhưng thành công mới định đoạt toàn bộ giá trị của con người đó.

                Cho dầu cho quý vị và tôi có là một công dân tốt, một láng giềng tốt, một người bạn tốt, một người con hiếu thảo trong gia đình, hay là một người cha hay một người mẹ tốt, biết thương yêu và tận tâm hướng dẫn giáo dục con cái, nhưng bản thân mình không đứng đầu trong nghề nghiệp, không nổi bật trong thương trường, không vẻ vang thành tích, nghĩa là không thành công trong xã hội, thì vẫn không được mọi người đáng giá cao hay nể trọng.

                Do vậy, thế giới ngày nay, người người chạy đua để cốt sao cho mình thành công, để làm sao cho mình trở nên là người đứng đầu hay nổi bật nhất so với những người chung quanh, trong công ăn việc làm hay trong nghề nghiệp của mình.

                Sự chạy đua này ngày càng căng thẳng, bắt đầu từ trong gia đình, khi cha mẹ đặt áp lực trên con cái, bắt buộc chúng phải học sao để đạt điểm xuất sắc trong tất cả các môn học. Gia đình ngày nay, thay vì là mái ấm, đang có nguy cơ trở thành những lò rèn, chuyên thúc dục nung nấu ý chí cho con cái, để làm sao cho chúng đạt đến đỉnh cao chót vót thành công trong đường đời.

                Các trường đại học khắp nơi trên thế giới, chứng kiến càng ngày càng nhiều học sinh cố công chen chân sao cho lọt một vào vài ngành học như luật sư, bác sĩ y khoa, kinh tế thương mại, mà xã hội ngày nay xem đây là những nghề nghiệp bảo đảm đem đến sự thành công rực rỡ trong tương lai.

                Quý độc giả thân mến,

                Ca sĩ nổi tiếng Madonna có lần đã thổ lộ như sau: “Động cơ của cuộc đời tôi xuất phát từ nỗi sợ hãi mình chỉ là một ca sĩ hạng thường mà thôi. Động cơ này cứ luôn luôn thúc dục tôi. Mặc dù đã được nổi tiếng, nhưng tôi lại phải cứ tiếp tục chứng tỏ rằng tôi vẫn là một ca sĩ có hạng. Cuộc chiến đấu của tôi cứ thế mà tiếp tục mãi, chẳng bao giờ chấm dứt”.

                Đối với ca sĩ Madonna, thành công cũng giống rượu hay các chất thuốc gây nghiền, đem lại cảm giác sung sướng khoái lạc cũng như khẳng định tài năng của cô, nhưng cảm giác này chỉ tạm thời và ngắn ngủi, kéo dài chỉ một ít lâu, rồi cũng tan biến. Do vậy, sau một thành công, Madonna lại phải tiếp tục tạo nên một thành công khác, nếu không thì cô bị rơi vào cảm giác trống rỗng với nỗi sợ hãi rằng mình chẳng còn là một ca sĩ thượng hạng nữa. Cứ như vậy, mà cả cuộc đời của cô là những nỗ lực để thành công liên tục, để trốn tránh nỗi sợ hãi lớn nhất của đời mình.

                Nhà đạo diễn điện ảnh Sydney Pollack, trong những năm tháng cuối của đời, mặc dù sức khỏe đã suy yếu, nhưng ông vẫn không thể từ giã công việc nặng nhọc trong phim trường, hầu có thể tận hưởng được những giây phút an nhàn bên người thân yêu. Lý do là ông xem thành công trong công việc là toàn bộ ý nghĩa và lẽ sống của đời ông.

                Chris Evert trở thành nhà vô địch quần vợt quốc tế trong thập niên 1970. Thành tích của cô là vẻ vang nhất khi so với bất cứ các tay đánh quần vợt nào từ trước đến nay. Nhưng khi bước vào thời điểm phải giã từ môn quần vợt, tinh thần của Chris đã rơi vào sự khủng hoảng trầm trọng, như cô có trả lời các cuộc phỏng vấn như sau:

                “Tôi không còn có thể xác định mình là ai nữa, nếu tôi phải giã từ sân quần vợt. Tôi cảm thấy vô cùng bất an và sợ hãi, bởi vì từ trước đến nay, tôi chỉ xác định mình là nhà vô địch quần vợt. Bây giờ tôi cảm thấy mất phương hướng hoàn toàn. Chiến thắng giúp tôi xác định giá trị con người của tôi. Tôi nghiền cảm giác chiến thắng như nghiền ma túy vậy. Tôi cần phải thắng giải, cần tiếng vỗ tay tán thưởng của công chúng, để xác định lý lịch của chính mình”.

                Kính thưa quý độc giả,

                Sự thành công đang trở nên thần tượng của rất nhiều người trong thế giới ngày nay. Sự thành công cá nhân và những thành tích đạt được, có thể khiến người đó nghĩ rằng họ chính là Thượng Đế cho cuộc đời của họ. Phải làm sao là để trở nên người hay nhất, người giỏi nhất, đứng đầu hơn ai hết. Và khi đạt được như vậy, người đó thấy mình thực là siêu đẳng, có dư tài trí và khả năng, có dư tầm ảnh hưởng, để kiểm soát, để lèo lái, để định đoạt cuộc đời theo ý muốn riêng của mình.

                Có thật là sự thành công khiến cho cuộc đời và tương lai của bạn và tôi được hoàn toàn bảo đảm hay không?

                Kinh Thánh có ký thuật lại câu chuyện của Na-a-man, một danh tướng của xứ Sy-ri. Ông là một vị tổng tư lệnh tài ba lỗi lạc, đã từng lập nên nhiều chiến công hiển hách cho quốc gia, đến nỗi nhà vua quý mến, chỉ nương tựa vào sự khôn ngoan của Na-a-man và trọng vọng ông như thủ tướng quốc gia. Na-a-man vừa giàu có, vừa mưu lược, là người uy tín nhất triều đình và ông đúng là một biểu tượng cao nhất của sự thành công. Nhưng rủi ro thay, tướng Na-a-man mắc phải một căn bệnh nan y, như sách II Các Vua, chương 5 có mở đầu như sau:

                “Thượng Đế dùng tướng Na-a-man, là tư lệnh quân đội Sy-ri, để giải cứu dân tộc này. Ông đã lập được nhiều chiến công nên rất được nhà vua quý chuộng. Tuy là một chiến sĩ dũng cảm, nhưng chẳng may Na-a-man lại mắc bệnh phung”

                Chắc chắn là Na-a-man đã sử dụng tiền bạc cũng như ảnh hưởng to lớn của mình để ráo riết tìm thầy chạy thuốc, nhưng căn bệnh phung quái ác vẫn không ra đi. Da của Na-a-man ngày càng lở lói, thân thể ngày càng tàn lụi. Thế mới biết sự thành công tột đỉnh, danh dự tột bực, tài trí mưu lược hơn người, của cải giàu có nhất nước, cũng vẫn không bảo đảm được điều gì, nếu không nói là hoàn toàn vô dụng trong trường hợp của Na-a-man.

                May mắn thay cho ông, trong nhà có một cô bé gái, gốc người Do-thái, bị quân Sy-ri bắt cóc trong cuộc tấn công vào xứ này, đem về để hầu hạ vợ của tướng Na-a-man. Kinh Thánh ký thuật tiếp như sau:

                “Vợ Na-a-man có nuôi một cô bé gái giúp việc người Y-sơ-ra-ên. Cô bé này đã bị quân Sy-ri bắt cóc trong một cuộc đột kích vào đất Y-sơ-ra-ên.
                Cô nói với bà chủ: "Nếu ông chủ đến gặp vị tiên tri ở Sa-ma-ri, tiên tri sẽ chữa sạch bệnh cho ông liền."
                Na-a-man đem lời cô nói tâu với vua. Vua Sy-ri bảo: "Thế thì ông nên đi và ta sẽ viết thư cho vua Y-sơ-ra-ên."
                Vậy, Na-a-man lên đường, mang theo 10 ta-lâng bạc, 6,000 đồng vàng, và mười bộ áo. (II Các Vua 5:2-5)

                Khi được báo cho biết có vị tiên tri ở xứ Do-thái có thể chữa mình hết bệnh, tướng Na-a-man vội chầu vua Sy-ri để xin vua viết cho lá thư giới thiệu, đồng thời đem theo thật nhiều châu báu, để xin được yết kiến vua Do-thái.

                Tướng Na-a-man cho đến lúc ấy, vẫn còn thói quen suy luận rằng của một người thành công rằng, uy quyền qua bức thư giới thiệu của vua Sy-ri, cộng với món quà châu báu vô cùng giá trị của mình, sẽ giúp mình giải quyết nan đề bệnh tật. Những người theo đuổi và tôn sùng sự thành công như thần tượng, thường cũng dễ rơi một ảo tường tương tự như vậy, vì họ cho rằng, sự thành công đem lại nhiều thế lực và thuận lợi, là chìa khóa để san bằng mọi trở ngại và giải quyết mọi nan đề trong cuộc sống.

                Câu chuyện được tiếp tục như vầy:

                “Ông đến trình vua Y-sơ-ra-ên lá thư của vua Sy-ri, viết như sau: "Người cầm thư này là Na-a-man, cận thần tôi. Xin vua chữa cho người khỏi bệnh phung." Đọc xong thư, vua Y-sơ-ra-ên xé áo, nói: "Ta có phải Thượng Đế đâu để định việc sống chết? Thế mà vua ấy bảo ta chữa cho người phung này! Đúng là chỉ muốn kiếm cớ để gây hấn." (II Các Vua 5:6-7)

                Đến đây, thì tướng Na-a-man rất ngỡ ngàng, vì hồi nào giờ ông vẫn nghĩ rằng, tặng nhiều quà cáp quý giá, chắc sẽ làm các vị thần vui lòng, để mà phù hộ và chữa bệnh cho ông. Tiếc thay, câu trả lời của vua dân Do-thái cho biết, quyền uy tuyệt đối thuộc về Thượng Đế Chân Thần. Sự thành công, cộng với thế lực và của cải của con người không thể lung lạc, không thể ảnh hưởng, cũng không thể mua chuộc hay hối lộ Ngài được.

                Sự kiện này thấu đến tai tiên tri Ê-li-sê, như câu chuyện có tiếp theo:

                “Khi Ê-li-sê, người của Thượng Đế, nghe vua Y-sơ-ra-ên xé áo, liền sai người đến tâu với vua: "Tại sao bệ hạ phải xé áo? Bảo người ấy đến gặp tôi, rồi sẽ biết trong Y-sơ-ra-ên có một tiên tri." Vậy Na-a-man đến nhà Ê-li-sê, xe ngựa dừng lại trước cửa. Ê-li-sê cho người ra bảo Na-a-man: "Xuống sông Giô-đan tắm bảy lần thì các vết phung sẽ lành." Na-a-man nổi giận bỏ đi, sừng sộ: "Ta nghĩ ông ấy phải ra đón ta, đứng đó kêu cầu Danh Thượng Đế Hằng Hữu, đưa tay qua lại trên vết phung và chữa cho ta. Hai con sông A-ba-na và Bạt-ba ở Đa-mách không hơn các sông ở Y-sơ-ra-ên sao? Tắm sông nhà không sạch được hay sao?" Vậy, ông bỏ đi, tức giận lắm.” (II Các Vua 5:8-12)

                Vào lúc đó, nhân sinh quan của tướng Na-a-man đã bị thử thách đến tột độ. Ông cứ tưởng tiên tri Ê-li-sê sẽ cung kính đón tiếp ông, nhận lễ vật của ông với thái độ hoan hỉ, cũng như thực hiện những nghi thức tôn giáo thật long trọng để chữa bệnh cho ông. Đằng này, tiên tri Ê-li-sê cũng không ra tiếp đón, cũng chẳng màng gì đến lễ vậy, cũng chẳng ra tay làm điều gì ngoạn mục, nhưng chỉ sai đày tớ bảo tướng Na-a-man phải xuống sông Giô-đanh và tắm bảy lần. Một người như Na-a-ma đã quá quen suy nghĩ như một người thành công tột bực, đã quá quen với việc dùng ảnh hưởng để mua chuộc, lúc nào cũng “muốn gì được nấy”, đã bị sửng sốt đến tột độ, cho đến độ nổi nóng muốn bỏ về.

                Tuy nhiên, các đầy tớ tới khuyên lơn, với phần cuối của câu chuyện như sau:

                “Các đầy tớ đến bên ông, nói: "Nếu tiên tri bảo cha làm việc gì khó khăn to tát, cha còn có thể làm thay, huống hồ ông ấy chỉ bảo: Tắm thì được sạch." Nghe thế, Na-a-man xuống sông Giô-đan, hụp xuống nước bảy lần, theo lời người của Thượng Đế. Thịt ông trở thành lành lặn, mịn màng như da thịt một em bé, và bệnh phung lành hẳn” (II Các Vua 5:13-14)

                Quý độc giả thân mến,

                Tiền bạc là phương tiện cần có. Tình yêu là món quà quý giá đến từ Đấng Tạo Hóa. Thành đạt cũng là ý muốn của Thượng Đế, vì Ngài không muốn chúng ta lười biếng, bê trễ nhưng phải siêng năng, cần mẫn để rồi tận hưởng thành quả của mình.

                Tuy vậy, khi bạn và tôi đặt tiền bạc, hay tình yêu, hay sự thành công trở nên thần tượng của đời mình, cao hơn cả vị trí của Thượng Đế, thì điều đó sẽ dẫn đến một ảo tưởng vô cùng nguy hiểm.

                Trong câu chuyện vừa rồi, Thượng Đế đã dùng đứa bé gái giúp việc, cũng như những đầy tớ khác, là những người rất bình thường, để đem con người thành công, quyền uy tột bậc như tướng Na-a-man đến với Ngài.

                Thượng Đế không những đã đập tan thần tượng giả dối trong lòng tướng Na-a-man, nhưng cũng hoàn toàn chiếm ngự lòng ông, vì qua phép lạ được chữa lành, ông đã công khai xưng nhận rằng :

                “Bây giờ tôi nhận biết rằng trừ Y-sơ-ra-ên, thế gian không có Thượng Đế” (II Các Vua 5:15)

                Thế mới biết, ân sủng của Thượng Đế là món quà vô giá và tặng không, chẳng dính líu gì đến sự thành công chói sáng của một người, cũng chẳng do phẩm giá, mức độ đạo đức, công đức tu hành, cũng chẳng bởi của cải cúng kiến mà ra.

                Chính Thượng Đế đã sai Con Một của Ngài giáng sinh trong một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu lớn lên trong cảnh nghèo khó, bị người đời khinh bỉ và chà đạp, cuối cùng bị người ta đóng đinh xử chết trên cây thập tự. Thực ra, đây là chương trình cứu chuộc nhân loại của Thượng Đế, vì khi bị chết treo thật thảm thương như vậy, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã lãnh bản án tội thế cho quý vị và tôi, hầu cho hề ai tin nhận vào sự chết thế đó, thì không còn bị kết tội nữa, nhưng được Đấng Tạo Hóa tha bỗng, được phục hòa mối liên hệ với Ngài và được hưởng nước Thiên Đàng phước hạnh muôn đời.

                Cũng giống như tướng Na-a-man đã đến với Thượng Đế qua các đầy tớ bình thường, thì sự cứu chuộc của Đấng Tạo Hóa, cũng không do thành công chói sáng đâu, mà cũng không qua công đức tu tập cao vời vợi nữa, nhưng qua một hình ảnh hoàn toàn trái ngược, để thể hiện quyền uy tuyệt đối và ân sủng vô biên của Đấng Tạo Hóa, cho những ai khiêm nhường trước mặt Ngài và thật lòng ăn năn tội, như Kinh Thánh có bày tỏ:

                “Thượng Đế đã lựa chọn người bị coi như khờ dại để làm cho người khôn ngoan hổ thẹn. Thượng Đế đã lựa chọn người yếu ớt để làm cho người mạnh mẽ phải bó tay. Thượng Đế đã chọn những người bị thế gian khinh bỉ, coi là hèn hạ, không đáng kể, để san bằng mọi giá trị trong thế gian” (I Cô-rinh-tô 1:27-28)

                Ước mong sự thành công, cho dù là thành công trong sự nghiệp, hay thành công trong tôn giáo hay tu hành, sẽ không còn là thần tượng nữa trong mỗi chúng ta.

                Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn