00:29 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 36


Hôm nayHôm nay : 4445

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9520

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23018553

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Chương 7: Sự Tự Nhủ Và Mặc Cảm Tội Lỗi

Thứ ba - 31/10/2017 21:25
Chương 7: Sự Tự Nhủ Và Mặc Cảm Tội Lỗi

Chương 7: Sự Tự Nhủ Và Mặc Cảm Tội Lỗi

Kính thưa quý độc giả, Tuần vừa qua chúng ta đã chấm dứt Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.


             Kính thưa quý độc giả,

             Tuần vừa qua chúng ta đã chấm dứt Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chúng ta đã được cho biết rằng những nan đề chúng ta trải nghiệm với sự giận dữ và các đòi hỏi vô lý tương ứng mà chúng ta đưa ra trong sự Tự-Nhủ của mình, cuối cùng sẽ dẫn chúng ta vào sự tranh chiến với tình trạng ngã lòng, chán nản cùng cực đưa đến chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bước vào chương 7 với chương đề

             SỰ TỰ-NHỦ VÀ MẶC CẢM TỘI LỖI

             Cho nên hiện nay chẳng còn sự đoán phạt nào cho những kẻ “ở trong” Đức Chúa Jesus Christ. (Rô-ma 8:1)

             Vài năm trước tôi đi đây đó và hướng dẫn các buổi hội thảo với một nhóm nam giới, một trong số họ đã sử dụng một lối nói khó hiểu với người nữ phục vụ khi chúng tôi đang ăn. Gần cuối bữa ăn, khi cô ta tiến tới để hỏi về món tráng miệng, ông ta hỏi, “Cô có scruples nào không?” [dịch thoát là ‘Cô có đắn đo ngại ngần gì không?’] Và hầu hết các cô phục vụ đều không hoàn toàn chắc chắn scruples là gì, vì thế họ sẽ đưa ra một câu trả lời nào đó để lảng tránh. Kế đó ông ta yêu cầu cô kiểm tra với người đầu bếp hoặc viên quản lý. Một lúc sau, cô ấy trở lại với gương mặt ửng đỏ và một nụ cười hóm hỉnh, biết là ông ta đã chơi khăm mình. Thường thì, một người nào đó trong nhà bếp biết rằng một scruple có liên hệ tới những tiêu chuẩn đạo đức hay phẩm hạnh.

             Trong quyển sách tựa đề Why Am I Afraid to Love? [tạm dịch là Tại Sao Tôi Sợ Yêu?] của mình, John Powell vạch ra rằng scruple ra từ chữ La-tinh chỉ về một viên đá nhỏ sắc nhọn. Những viên đá nhỏ ấy rõ ràng được dùng làm các đơn vị cân trọng lượng và vẫn còn được các dược sĩ sử dụng. Powell liên hệ các viên đá nhỏ sắc nhọn với mặc cảm tội lỗi và nói rằng, “khi tình cờ một hòn sỏi nhỏ lọt vào trong chiếc giày của mình, thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy đau nhói dưới chân khi bước đi trên đường. Vì thế khi tiến bước trong cuộc đời, người đắn đo ngại ngần [scrupulous person] đôi lúc cảm thấy đau đớn vì tội lỗi do mình tưởng tượng ra.” Các viên đá nhỏ sắc nhọn đem đến một điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi về chúng.

             Mặc cảm tội lỗi thường gắn liền với những cảm giác giận dữ và ngã lòng và luôn liên hệ với quá khứ. Chúng ta không thể cảm thấy mặc cảm tội lỗi về tương lai—điều đó thực ra chẳng có ý nghĩa gì. Mặc cảm tội lỗi đưa chúng ta xa khỏi hiện tại, trở về với quá khứ, trong một nỗ lực để sửa đổi lại quá khứ. Ts. Thomas Oden, tác giả của quyển Structure of Awareness [tạm dịch là Cấu Trúc của sự Nhận Thức], miêu tả điều này trên một trục thời gian trông giống như dưới đây:

             Quá khứ __________________________Hiện tại_____________________________ Tương lai

             Trong ký ức của mình, chúng ta đi ngược về quá khứ với nỗ lực làm lại quá khứ ấy để rồi sẽ không cảm thấy mặc cảm tội lỗi như vậy. Chúng ta mong muốn loại bỏ hòn sỏi ấy trong chiếc giày của mình. Nhưng kinh nghiệm thì cũng như nhau thôi. Chúng ta không thể tách rời bất cứ biến cố nào trong quá khứ ra khỏi kinh nghiệm của mình—tất cả đều lưu giữ tại đó. Vì thế thay vào đó chúng ta cố gắng tạo lại hình dạng ký ức của mình về biến cố ấy hầu cho chúng ta đi ra trông có vẻ tốt đẹp hơn.

             Chúng ta thực sự không cần phải nhìn rất xa để thấy mình đã phát triển khả năng cảm thấy mặc cảm tội lỗi ra sao trong sự Tự-Nhủ của mình. Những người làm cha mẹ là các bậc thầy vĩ đại về mặc cảm tội lỗi. Họ không dạy chúng ta phải cảm thấy mặc cảm tội lỗi ra sao khi họ đánh đòn chúng ta. Sự sửa phạt đó loại trừ cách hữu hiệu nhu cầu cảm thấy mặc cảm tội lỗi—thay vào đó chúng ta bị tổn thương. Nhưng khi cha mẹ chúng ta yên lặng lướt mắt nhìn khắp căn phòng với ngụ ý, “Nếu con không xếp đặt phòng ngăn nắp, con sẽ bị trách phạt ở nhà!” chúng ta trải nghiệm cảm giác phạm tội.

             Người phối ngẫu và con cái chúng ta tiếp tục công việc làm cho chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Các thầy cô giáo và các nhà giảng đạo cũng biết cách để khơi dậy cảm giác phạm tội. Tôi có một giáo viên dạy lớp một đã làm một việc thật “hống hách mà điêu luyện” với tôi. Cô luôn bảo tôi là tôi không làm việc hết sức mình. Giọng nói của cô nghe như thể đó là một loại hành vi cư xử kinh khủng nào đó, vì thế tôi cảm thấy mặc cảm phạm tội.

             Những người bạn, những người chủ, nhân viên làm việc chung—danh sách của những người tạo ra mặc cảm phạm tội là bất tận. Dường như thể người ta hiện hữu vì mục đích để làm cho người khác cảm thấy mặc cảm tội lỗi.

             Giờ thì vấn đề lại phức tạp thêm bởi sự Tự-Nhủ của chúng ta. Ký ức của chúng ta đưa chúng ta trở lại với một từng trải tạo nên mặc cảm phạm tội. Kế đó chúng ta nhớ các sự kiện khác xa hơn trong ký ức của mình vốn chỉ nhằm chứng minh những cảm giác phạm tội chúng ta đang tranh chiến với trong sự Tự-Nhủ của mình. Điều này có thể được thấy trên trục thời gian như dưới đây:

             Quá khứ______________________Hiện tại_________________________ Tương lai

             Hãy lấy ví dụ về việc tôi không làm việc hết khả năng của mình. Khi cô giáo nói với tôi điều đó, sự Tự-Nhủ của tôi đồng ý với cô ta và nhanh chóng quay trở lại với những ví dụ khác vốn chứng minh tôi đã không làm việc hết khả năng mình. Ba mẹ tôi đứng về phe thắng thế, và khi các điểm số của tôi không cao đủ, họ nói, “Con không đang nỗ lực hết sức mình.” Vì vậy lúc đó sự Tự-Nhủ của tôi sẽ nhìn vào các điểm số của tôi và tôi sẽ cảm thấy phạm tội. Sự Tự-Nhủ của tôi cũng có thể quay nhìn vào những điểm thi khác và những sự kiện khác có liên hệ tới việc tôi bị nói là đã không nỗ lực hết sức mình. Và mặc cảm tội lỗi của tôi được coi là có giá trị. “Mình có tội!” Và bởi sự Tự-Nhủ của mình tôi đã thêm vào trong chiếc giày của tôi một viên đá nhỏ sắc nhọn bên cạnh những viên đã có ở đó.

             Giờ đây một mặc cảm tội lỗi nào đó là có căn cứ. Rõ ràng, khi chúng ta đã làm một điều gì đó vốn sai trật rõ rệt, mặc cảm phạm tội mà mình cảm thấy là đúng và nhằm để thúc đẩy chúng ta chỉnh lại điều sai quấy ấy. Đây là điều sứ đồ Phao-lô gọi là một “sự buồn rầu tin kính [theo ý Đức Chúa Trời]” trong 2 Cô-rinh-tô 7:9-10:

             Nay tôi lại mừng, không phải mừng vì anh em đã phải buồn rầu, song mừng vì sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải. Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, đến nỗi chưa chịu thiệt hại bởi chúng tôi chút nào. Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.

             Mặc cảm tội lỗi chúng ta đang đề cập đến trong chương này là mặc cảm tội lỗi thuộc về tâm thần, hay mặc cảm tội lỗi giả tạo. Đó là loại mặc cảm tội lỗi vốn đẩy chúng ta ra khỏi hiện tại và giam giữ chúng ta trong quá khứ. Và mọi ví dụ về mặc cảm tội lỗi đều chứa đựng một điều đòi hỏi nên hay không nên làm.

             Lẽ ra tôi không nên làm điều đó!
             Đáng lẽ ra tôi đã phải làm điều đó!

             Vậy thì bạn làm gì? Bạn cố gắng nhiều hơn! Ít ra đó là điều bạn làm vào lúc đầu. Nếu bạn đang cảm thấy mặc cảm phạm tội do chồng bạn nổi giận với bạn vì đã không dọn sẵn bữa ăn tối trên bàn khi anh ta về đến nhà, bạn cố gắng nhiều hơn để đáp ứng những sự trông mong của anh ấy. Nhưng rồi anh ta về nhà sớm hơn vài phút, và bạn lại mệt nhoài lần nữa. Nhưng bạn tiếp tục cố gắng nhiều hơn.

             Hoặc bạn nổi nóng với anh ấy và cố gắng đưa ra một số tiêu chuẩn nào đó để anh ấy đáp ứng. “Nếu anh muốn bữa tối có sẵn trên bàn khi anh về đến nhà, thì tốt hơn anh nên về nhà đúng giờ mỗi tối, và tốt hơn anh nên giúp đỡ thêm những việc vặt trong nhà để em có thời gian chuẩn bị bữa tối sẵn sàng, và...”

             Nhưng mỗi lần bạn đưa ra một tiêu chuẩn mới vốn phát sinh từ mặc cảm phạm tội, nó chỉ đem lại cho bạn thêm một điều gì đó nữa để cảm thấy mặc cảm phạm tội thôi. Và càng cố gắng nhiều hơn, bạn càng thấy rằng mình thất bại. Tôi nghĩ đó là bản chất của tội lỗi.

             Phao-lô vật lộn với điều này trong Rô-ma 7. Phao-lô đã cố gắng ngày càng nhiều hơn để đáp ứng những đòi hỏi của luật pháp. Ông đề ra những tiêu chuẩn mới và chặt chẽ hơn cho bản thân mình và tìm thấy rằng tất cả những gì ông đang làm đều khiến ông thất vọng não nề và tạo nên mặc cảm tội lỗi càng hơn. Kinh nghiệm ông miêu tả trong chương này là bằng chứng cho thấy tính chuyên chế của những sự đòi buộc!

             Chúng ta có thể tóm tắt sự tranh chiến của Phao-lô trong Rô-ma 7 theo cách sau: “Những điều tôi cần phải làm, tôi lại không làm. Và những điều tôi không nên làm, tôi lại làm! Ôi, thật khốn nạn cho tôi! Ai sẽ phá vỡ khuôn mẫu này?”

             Ông biết điều mình muốn làm, nhưng ông không làm điều đó. Và ông biết điều chẳng nên làm, nhưng ông thấy bản thân mình lại đang làm điều đó. Kết quả là, ông bị ngã lòng cùng cực! Trong ký ức của mình, Phao-lô đã quay trở lại với những từng trải vốn khơi dậy cảm giác về mặc cảm phạm tội. Những ký ức này, đến lượt chúng, khơi dậy những cảm giác về mặc cảm phạm tội khác. Lúc đó Phao-lô trở lại với hiện tại, không chỉ với cảm giác về mặc cảm phạm tội của mình mà cả với những tiêu chuẩn mới và những đòi buộc mà ông đã đề ra cho chính mình. Và những tiêu chuẩn mới cùng những đòi buộc này chỉ đem lại cho ông một điều gì đó mới mẻ để cảm thấy mặc cảm phạm tội về nó. Và ông càng cố gắng để thay đổi (ông càng cố gắng để đáp ứng những tiêu chuẩn mới này), ông lại càng cảm thấy mặc cảm tội lỗi hơn. Chẳng ngạc nhiên khi cuối cùng ông rơi vào tình trạng ngã lòng! Sử dụng trục thời gian, chúng ta có thể minh họa sự tranh chiến của Phao-lô như sau:

             Kính thưa quý độc giả,

             Chúng ta tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ tiếp tục chương bảy trong quyển sách Nghĩ Sao, Thành Vậy. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều phước hạnh.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn