00:15 EDT Thứ hai, 06/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 61


Hôm nayHôm nay : 6267

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 52887

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23061920

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Nan Đề

Thứ hai - 31/12/2018 19:39
Nan Đề

Nan Đề

Kính thưa quý thính giả, Trong tuần trước chúng tôi có giới thiệu với quý thính giả về quyển sách hữu ích “Cách Bày Tỏ Tình Thương Với Con Cái” với lời mở đầu của Ben Haden một Phát Ngôn Viên của chương trình Những Cuộc Đời Được Thay Đổi tại Chattanooga, Tennessee,



                    Kính thưa quý thính giả,

                    Trong tuần trước chúng tôi có giới thiệu với quý thính giả về quyển sách hữu ích “Cách Bày Tỏ Tình Thương Với Con Cái” với lời mở đầu của Ben Haden một Phát Ngôn Viên của chương trình Những Cuộc Đời Được Thay Đổi tại Chattanooga, Tennessee, cùng với lời tựa của chính tác giả. Hôm nay chúng tôi xin kính mời quý thính giả cùng chúng tôi theo dõi chương một của quyển sách này với đề tựa “Nan Đề”. Tiến sĩ Ross Campbell viết:

                    “Hồi Tom còn nhỏ, cháu rất ngoan và biết vâng lời”. Bà Esther Smith cùng người chồng ngồi bên cạnh, ông Jim, bắt đầu câu chuyện đau lòng của họ như bao bậc phụ huynh khác trong văn phòng tư vấn của tôi. “Quả thật, hồi đó dường như lúc nào cháu cũng tỏ ra hài lòng và chẳng bao giờ gây rắc rối cho chúng tôi cả. Vợ chồng tôi cũng đã tạo mọi điều kiện cho cháu: nào là cho cháu tham gia với nhóm hướng đạo sinh, nào là cho cháu chơi bóng rổ, đưa cháu đi nhà thờ…đủ mọi thứ. Bây giờ Tom được 14 tuổi rồi nhưng lúc nào nó cũng gây gổ, đánh nhau với anh chị em trong nhà. Đó nào phải là chuyện gây gổ thường tình của bọn trẻ thôi đâu. Còn hơn thế nữa! Tom bây giờ không còn là Tom nhỏ bé ngày nào của tôi nữa. Bây giờ, nó thật sự trở thành một nan đề đối với vợ chồng tôi.”

                    Bà Esther Smith nói tiếp “Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy cháu buồn buồn rồi bỏ vào phòng và ở lì trong đó. Nhưng hồi trước nó đã chẳng bao giờ hỗn hào, không vâng lời hay cãi lại chúng tôi cả. Ba cháu cũng thấy điều đó.”

                    “Có một điều chúng tôi tin chắc, đó là chúng tôi đã dạy dỗ cháu trong sự kỷ luật. Thật tình đây chính là điều làm chúng tôi khó hiểu nhất. Làm sao một đứa trẻ được dạy dỗ một cách kỷ luật như thế lại có thể tự nhiên trở thành đứa suốt ngày chạy rong ngoài đường với những bạn bè hư hỏng và học theo thói xấu của mấy đứa đó, rồi còn về nhà hỗn láo với cha mẹ và người lớn? Mấy đứa bạn của nó thậm chí còn nói dối, ăn cắp, uống rượu. Bây giờ, tôi chẳng thể nào tin con mình được nữa. Tôi cũng không thể nào nói chuyện được với nó. Lúc nào nó cũng tỏ ra ủ rũ và lầm lầm lì lì. Thậm chí nó cũng không nhìn mặt tôi. Dường như bây giờ nó chẳng muốn liên quan gì đến chúng tôi nữa. Năm nay, kết quả học tập của nó cũng rất là tệ.”

                    Tôi hỏi: “Anh chị có để ý cháu Tom thay đổi như thế từ bao giờ không?”

                    Ông Jim Smith ngước lên trần nhà và nói: “Để tôi nhớ xem. Bây giờ cháu Tom được 14 tuổi, mà cũng gần 15 rồi. Cách đây khoảng hai năm, điểm số của cháu là dấu hiệu đầu tiên chúng tôi để ý đến. Trong suốt những tháng đầu vào học lớp 6, tôi thấy cháu bắt đầu tỏ ra chán nản. Trước tiên là chán đi học rồi sau đó là chán những thứ khác. Cháu cũng chán đi nhà thờ luôn. Sau đó, Tom thậm chí cũng không thích chơi với bạn bè nữa mà chỉ thích ở một mình trong phòng. Càng ngày cháu càng ít nói.”

                    “Nhưng mọi thứ thật sự trở nên tệ hại là khi Tom vào trường trung học. Tom mất hẳn sự quan tâm đối với những hoạt động mà trước kia nó rất ưa thích, ngay cả những môn thể thao. Đó cũng là lúc Tom xa rời những người bạn thân cũ và bắt đầu chạy rong với những đứa trẻ hay gây rối. Tính tình Tom bắt đầu thay đổi và trở nên giống như mấy đứa bạn mới của nó. Nó chẳng thiết tha gì đến chuyện học và cũng chẳng còn muốn học. Mấy đứa bạn của nó thường lôi kéo nó vào những vụ rắc rối.”

                    Bà Smith kể tiếp “Chúng tôi đã thử đủ mọi cách. Trước tiên, chúng tôi phát vào mông nó mấy roi. Sau đó chúng tôi dẹp luôn ti-vi trong phòng riêng của nó không cho xem phim ảnh gì nữa…Có lần chúng tôi đã xử nó bằng biện pháp mạnh như thế trong suốt một tháng. Nhưng bù lại, chúng tôi cũng đã tìm cách để thưởng cho cháu mỗi khi nó biết ngoan ngoãn và vâng lời. Tôi thực sự cho rằng mình đã làm thử đủ mọi lời khuyên mà tôi được nghe hay đọc được ở đâu đó. Tôi thật tình không biết có ai giúp được vợ chồng tôi và cháu Tom không nữa?”

                    Ông Jim Smith nói thêm “Chúng tôi không biết mình đã làm sai điều gì? Hay tại chúng tôi không tốt? Chúa cũng biết chúng tôi đã phải khó nhọc như thế nào mà. Chẳng lẽ Tom bị như thế là do bẩm sinh? Hay là do di truyền? Hoặc cũng có thể là do thể trạng của cháu chăng? Chúng tôi có nên đem cháu đến những bác sĩ chuyên khoa nội tuyến không? Chúng tôi có cần cho cháu đo điện não đồ không? Chúng tôi cần được giúp đỡ. Tom cũng vậy. Vợ chồng tôi rất thương nó, tiến sĩ Campbell à. Chúng tôi phải làm gì để giúp con mình đây? Phải làm một điều gì đó chứ.”

                    Sau đó, ông bà Smith ra ngoài và Tom bước vào phòng tư vấn. Cháu làm cho tôi có cảm tình ngay với một vẻ mặt rất dễ thương và đẹp trai. Thế nhưng cái nhìn của cháu thoáng vẻ thất vọng và lẩn tránh. Rõ ràng, Tom là một đứa trẻ rất sáng dạ nhưng cháu lại nói chuyện bằng những câu cụt ngủn với giọng cáu kỉnh và gắt gỏng. Cuối cùng, khi Tom đã có vẻ đủ thoải mái để chia sẻ những tâm sự của mình, cháu bắt đầu kể cho tôi nghe những điều đã xảy ra như cách của cha mẹ cậu trước đó. Đến một lúc, Tom nói “Chẳng có ai quan tâm đến cháu trừ mấy đứa bạn”

                    Tôi hỏi “Không ai quan tâm đến cháu sao?”

                    “Không ai cả. Có lẽ cha mẹ cháu cũng có quan tâm. Cháu chẳng biết nữa. Hồi còn nhỏ, cháu nghĩ rằng họ cũng quan tâm đến mình. Nhưng bây giờ thì chuyện đó chẳng còn quan trọng nữa. Những thứ mà bố mẹ cháu thực sự quan tâm là bạn bè của họ, công việc của họ, những thú giải trí của họ và những thứ khác nữa. Họ đâu cần quan tâm đến việc cháu đang làm gì vì điều đó chẳng dính dáng gì tới công chuyện làm ăn của họ. Cháu chỉ muốn bỏ nhà đi và tự sống một mình. Bây giờ họ cần gì phải quan tấm đến cháu nhiều như thế? Hồi đó họ có thèm quan tâm gì tới đâu.”

                    Trong suốt cuộc nói chuyện, tôi dần dần thấy rõ rằng Tom đã rất buồn chán chứ chưa bao giờ có được sự hài lòng với chính bản thân và cuộc sống của mình. Bao nhiêu năm qua, Tom cũng từng mong muốn có được một mối quan hệ gần gũi và ấm áp bên cha mẹ mình, nhưng càng lúc, ước mơ ấy càng mất dần đi. Tom bắt đầu quay sang tìm kiếm những người bạn có thể chấp nhận em nhưng điều đó càng khiến nỗi buồn trong lòng cậu bé gia tăng.

                    Câu chuyện buồn nói trên chỉ là một trong số nhiều trường hợp mà tôi thường gặp. Một đứa trẻ ở tuổi tiền thiếu niên bề ngoài dường như luôn tỏ ra ngoan ngoãn trước những yêu cầu của cha mẹ. Cho đến lúc Tom được 12 hay 13 tuổi gì đó, không ai có thể đoán biết rằng em không hề có hạnh phúc. Trong độ tuổi này, Tom trở thành một đứa trẻ tự mãn và chỉ làm theo một số yêu cầu nào đó của cha mẹ, thầy cô và những người lớn khác. Không ai nhận ra việc Tom thấy mình không được hoàn toàn yêu thương và chấp nhận. Tom cảm thấy mình không thật sự được yêu thương mặc dù cha mẹ em hết sức yêu thương và quan tâm đến em. Vâng, Tom cũng biết rằng cha mẹ cũng yêu thương và quan tâm đến cậu. Tuy nhiên, cái cảm giác hạnh phúc không gì so sánh vì được cha mẹ yêu thương và chấp nhận một cách vô điều kiện hoàn toàn là điều xa lạ đối với Tom.

                    Điều này thật khó hiểu vì chúng ta biết cha mẹ của Tom thật sự là những người rất tốt. Họ rất thương con mình và quan tâm đến con bằng tất cả những kinh nghiệm họ biết. Để nuôi dạy Tom, ông Jim và bà Esther Smith đã làm theo tất cả những lời khuyên mà họ được nghe, được đọc và được học từ những người khác. Cuộc hôn nhân của họ cũng hoàn toàn hạnh phúc. Họ thật sự yêu thương và kính trọng lẫn nhau.

                    Nan đề của ông bà Jim và Esther Smith có phải là chuyện quá quen thuộc đối với các bậc phụ huynh hay không? và tại sao hai người sống trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc và thật sự thương yêu con cái lại phải dương đầu với hoàn cảnh như vừa kể? Trong tuần tới chúng ta sẽ cùng xem xét tiếp việc này. Xin hẹn gặp lại quý thính giả.
 

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn