07:56 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 24

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 23


Hôm nayHôm nay : 7504

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 12579

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23021612

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Người Trong Chuồng Khỉ

Thứ hai - 20/03/2017 20:35
Người Trong Chuồng Khỉ

Người Trong Chuồng Khỉ

Kính thưa quý độc giả, Một trong những câu chuyện thương tâm, minh chứng ảnh hưởng nguy hại của giả thuyết tiến hóa, trong quan hệ giữa con người với nhau, là câu chuyện thật nói về một người tên Ota Benga, một người đàn ông thuộc nhóm người pygmy nhỏ con ở Phi-châu, bị bắt và bị đem ra chưng bày tại một sở thú như một loại người rừng còn sơ khai trong quá trình tiến hóa.



                Kính thưa quý độc giả,

                Một trong những câu chuyện thương tâm, minh chứng ảnh hưởng nguy hại của giả thuyết tiến hóa, trong quan hệ giữa con người với nhau, là câu chuyện thật nói về một người tên Ota Benga, một người đàn ông thuộc nhóm người pygmy nhỏ con ở Phi-châu, bị bắt và bị đem ra chưng bày tại một sở thú như một loại người rừng còn sơ khai trong quá trình tiến hóa. Câu chuyện đau lòng này vạch trần triết lý kỳ thị chủng tộc của giả thuyết tiến hóa, đã làm điên đầu các nhà khoa học chân chính, khiến bao trái tim còn có tình người cảm thấy thật xót xa.

                Vào năm 1904, nhà thám hiểm nổi tiếng Samuel Verner, mang về Hoa-kỳ một người đàn ông từ xứ Belgian Congo. Người đàn ông này tên là Ota Benga, thuộc một bộ lạc gồm những người có tầm vóc nhỏ thó. Sau đó, Ota Benga được nhà thám hiểm Verner đem đến cho ông William Hornaday là giám đốc của sở thú Bronx tại Nữu Ước.

                Vào ngày Chúa Nhật, 9 tháng 9 năm 1906, tại khu nhà lồng giam khỉ của sở thú Bronx, các du khách đọc một bảng quảng cáo còn ướt nước sơn như sau:

                “Người lùn Phi châu, “Ota Benga”, 23 tuổi, cao 4 feet 11 inches, nặng 103 pounds. Tiến sĩ Samuel Verner mang về từ sông Kasai, Congo, Phi Châu. Triển lãm mỗi chiều trong tháng chín này”

                Đằng sau tấm bảng quảng cáo là một cái nhà lồng khỉ thật lớn, mà trên nền nhà, người ta vãi rắc ra một ít xương, như để nhấn mạnh tình trạng còn man rợ của một người đàn ông bé xíu, đang ngồi trên võng, mặc một cái áo khoác và một cái quần, nhưng chân không có giày, đang bện một tấm chiếu, thỉnh thoảng đứng lên để bắn vài mũi tên vào một đống rơm bên cạnh. Một con đười ươi cũng được nhốt chung chuồng với người đàn ông bé xíu này. Khi người này và con đười ươi chơi đùa, đuổi bắt nhau là lúc đám đông đứng ngoài thưởng ngoạn và reo hò vỗ tay thích thú.

                Tờ Nữu Ước Thời Báo tường thuật lại sự kiện này như sau:

                “Người lùn pygmy Phi-châu chẳng cao hơn con đười ươi bao nhiêu và đây là cơ hội tốt để nghiên cứu những điểm tương tự giữa người và đười ươi. Hai cái đầu nhìn tương tự như nhau và cả hai nhe răng cười cũng thật là giống nhau”.

                Kính thưa quý độc giả,

                Đã từ lâu, người ta đã từng tranh cãi, tại sao trên thế giới có những nhóm người khác nhau về hình dáng, kích thước và các thức sống. Cuộc tranh luận này đi tới cực điểm kể từ khi Charles Darwin công bố tác phẩm “Nguồn Gốc Các Loài” vào năm 1859, mà trong đó ông cho rằng sở dĩ có các loài khác nhau, hay có những nhóm chủng tộc khác nhau, là do kết quả của quá trình chọn lọc trong tự nhiên hay quá trình đấu tranh để sinh tồn.

                Theo lập luận của giả thuyết tiến hóa, sở dĩ có những nhóm chủng tộc khác nhau, là vì những nhóm chủng tộc tiến hóa ở những thời điểm khác nhau với mức độ tiến hóa cũng khác nhau. Giả thuyết tiến hóa mang nặng tính kỳ thị chủng tộc, từng đưa ra nhận định rằng các sắc dân như người thổ dân Aborigines tại Úc đại lợi, người Polynesians sống trên các hải đảo của Thái bình dương, các bộ lạc tại Phi châu, trong đó có người lùn pygmy, là những sắc dân chậm tiến hóa hơn những dân tộc khác trong quá trình tiến hóa, cho nên hình dáng của họ còn trông giống như người vượn thời sơ khai, trí tuệ họ còn thô thiển và những sinh hoạt của họ còn man rợ.

                Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc triển lãm quốc tế vào năm 1904 tại St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ, bên cạnh những món hàng thương mại thông thường, người ta quyết định tổ chức thêm một gian hàng “nhân chủng học” để minh họa quá trình tiến hóa từ vượn thành người, theo như lập luận của giả thuyết tiến hóa. Ban tổ chức cuộc triển lãm đã giao trọng trách cho nhà thám hiểm Samuel Verner để đem về cho gian hàng “nhân chủng học” mười hai người lùn pygmy từ các bộ lạc khác nhau ở Phi châu, cũng những vật dụng hằng ngày của họ để làm cho gian hàng triển lãm thật sống động và trung thực.

                Ota Benga là một trong mười hai người pygmy mà Verner mang về cho cuộc triển lãm, sau khi đã mua những người này với một ít muối ăn và vải vóc. Ota Benga cùng những người pygmy khác được trưng bày tại cuộc triển lãm, chung với một số người thổ dân khác đến từ Nam Mỹ và Á châu. Tuy vậy, trong gian hàng “nhân chủng học” của cuộc triển lãm quốc tế đồ sộ này, bên cạnh hàng loạt những mẫu người “hoang sơ” từ nhiều nơi trên thế giới, người pygmy từ Phi châu gây nhiều chú ý nhất. Họ bị buộc phải làm nhiều trò để mua vui cho người thưởng ngoạn, như múa theo các kiểu truyền thống ở bộ lạc, nhăn răng để lộ hàm răng đã được mài giũa thật nhọn, vật lộn trong bùn vv. Một người pygmy sau này đã thổ lộ như sau: “Những người da trắng đến quốc gia của chúng tôi. Họ cho chúng tôi quà. Họ đối xử với chúng tôi giống như chúng tôi đối xử với bầy khỉ giữ nhà cho chúng tôi. Họ cười nhạo báng chúng tôi, cầm dù chỉ chỏ vào mặt chúng tôi”

                Sau cuộc triển lãm quốc tế tại St. Louis, Missouri, Ota Benga được giao cho sở thú Bronx tại Nữu Ước. Mới đầu, người ta để cho anh Ota Benga ăn mặc bình thường, đi lại trong sở thú với trách nhiệm đem đồ ăn cho các con thú. Tuy vậy, giám đốc sở thú Bronx, ông William Hornaday, chợt nảy ra một ý lạ, để biến con người bé nhỏ này trở thành một mối thu hút lớn cho vườn sở thú của mình. Do vậy, người ta đã nhốt Ota Benga chung trong nhà chuồng với bầy khỉ và để làm bạn với một con đười ươi. Sau khi tờ Nữu Ước Thời Báo đăng hàng tít lớn: “Người Rừng Ở Chung Với Khỉ Trong Sở Thú Bronx”, đã khiến khoảng 40,000 du khách đổ xô đến vườn sở thú chỉ trong một buổi chiều để được mục kích con người “hoang dã” này.

                Khi bị một số người mà đa số là Cơ-đốc nhân phản đối hành động vô lương tâm và xem thường phẩm giá con người, giám đốc sở thú Bronx bắt buộc phải thả Ota Benga ra khỏi chuồng khỉ. Tuy vậy, kể từ đó, lúc nào cũng có một đám đông theo sát Ota Benga, la ó, chế giễu và cười nhạo báng anh. Tờ Nữu Ước Thời Báo có đăng như sau:

                “Có nhiều người chọt vào hông sườn của anh ấy. Có người ngoéo chân cho anh ấy té chơi rồi bật cười hô hố. Những nhân viên sở thú cũng trêu chọc anh ấy. Vào một buổi chiều nóng nực, khi bị người ta xịt nước, Ota Benga tức giận, cầm dao tính hành hung một người và vì việc này mà anh ấy bị giam trở lại vào chuồng khỉ”.

                Sau nhiều phản đối, cũng như gặp nhiều bất lợi, cuối cùng sở thú Bronx đã thả anh Ota Benga được tự do. Anh được một số cơ quan từ thiện của Cơ-đốc giáo nuôi nấng và chăm sóc một thời gian, tuy vậy anh không sao xóa được cái nhãn hiệu là một con người “kỳ quặc” sau những thời gian bị đem triển lãm trong hội chợ và bị trưng bày trong sở thú với bầy khỉ.

                Một nông trại thuốc lá tại Lynchburg, thuộc bang Virginia đã nhận anh vào làm việc. Ota Benga sau đó ngày càng trở nên trầm cảm, dễ giận dữ và rút vào vỏ ốc cô độc của mình. Một ngày vào năm 1916, sau khi biết mình không thể trở về quê quán nữa, Ota Benga đã tự tử bằng một khẩu súng anh mượn được.

                Kính thưa quý độc giả,

                Giả thuyết tiến hóa cho phép một số dân tộc có quyền chà đạp nhân phẩm, danh dự và giá trị làm người của những dân tộc khác. Thực ra, câu chuyện thật thương tâm của Ota Benga, chỉ là một trong hàng triệu triệu câu chuyện đáng thương tâm hơn, đã và đang tiếp tục xảy ra khắp nơi trên thế giới, kể từ khi cái giả thuyết tiến hóa chào đời, gieo rắc và đẩy mạnh sự phân chia và kỳ thị giữa nhiều dân tộc khác nhau.

                Mặc dầu lịch sử đã chứng minh và sự thật đang phơi bày ra trước mặt về những tàn phá do giả thuyết tiến hóa gây nên, thế nhưng tại sao nhiều người vẫn còn tin vào cái giả thuyết tiến hóa này?

                Vì những người hô hào giả thuyết tiến hóa đã khôn khéo che đậy giả thuyết này dưới một cái danh hiệu rất đáng tin cậy, đó là danh hiệu “khoa học”. Các sách báo trình bày giả thuyết tiến hóa như một môn khoa học, làm như nó đã được kiểm chứng với đầy đủ các dữ kiện.

                Vì khoa học đang mang cho con người một đời sống thật hiện đại và tiện nghi, cho nên ai ai cũng tin vào khoa học. Vì giả thuyết tiến hóa được mang nhãn hiệu “khoa học”, cho nên chẳng ai còn thắc mắc hay nghi ngờ về sự thật của cái giả thuyết này.

                Thực ra, đây là một trò lọc lừa rất tinh vi, vì những tiện nghi hiện đại mà quý vị và tôi đang tận hưởng là thành quả của ngành khoa học thực nghiệm, một ngành khoa học chuyên nghiên cứu những sự kiện ngay trước mắt và trong hiện tại. Trong khi đó, giả thuyết tiến hóa lại liên quan đến một lãnh vực khác, là ngành khoa học khởi nguyên, chuyên nghiên cứu nguồn gốc phát sinh các vật và các loài là những sự kiện đã xảy trong quá khứ.

                Quý độc giả thân mến,

                Trái ngược với giả thuyết tiến hóa, Kinh Thánh khẳng định chỉ có một chủng tộc con người, vì tất cả mọi dân tộc đều bắt nguồn từ hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, như sứ đồ Phao-lô có viết: “Chúa tạo nên loài người, sinh thành mọi chủng tộc khắp mặt đất cùng một giòng máu, ấn định thời gian và ranh giới lãnh thổ cho họ sinh hoạt” (I Cô-rinh-tô 17:26)

                Kinh Thánh cũng khẳng định mọi người, không phân biệt dân tộc nào, đều là tạo vật dấu yêu, mang ảnh tượng của Đấng Tối Cao, như Sáng Thế Ký 1:26-7 có ghi: “Thượng Đế phán: "Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để quản trị các loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các loài gia súc, dã thú và bò sát trên mặt đất. Vậy Thượng Đế sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Dựa theo hình ảnh Thượng Đế, Ngài dựng nên loài người”

                Vào năm 1859, Charles Darwin công bố giả thuyết tiến hóa của mình, dựa vào những quan sát trên rất nhiều thực vật và động vật; tuy vậy những quan sát này dầu tinh tế đến đâu, cũng chỉ là bề ngoài mà thôi. Chỉ đến năm 1953, sau khi mã di truyền DNA được khám phá, khoa học mới có một chìa khóa diệu kỳ để tìm hiểu cấu trúc bên trong của nhiều giống, nhiều loài.

                Trải qua hơn gần 150 năm kể từ ngày Darwin tuyên bố giả thuyết tiến hóa, khoa học đã tiến một bước thật dài để tìm hiểu sự khác nhau giữa các giống, các loài và các dân tộc khác nhau.

                Liệu giả thuyết tiến hóa có còn giá trị không ?

                Liệu thái độ kỳ thị chủng tộc, cho rằng có những chủng tộc chậm tiến hóa, còn sơ khai, có còn chỗ đứng không?

                Hay những khám phá mới nhất của khoa học chỉ ra rằng chỉ có một chủng tộc loài người, như Kinh Thánh luôn luôn khẳng định?

                Kính mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu sự thật khoa học và chân lý Kinh Thánh về chủng tộc loài người với chúng tôi vào tuần tới.

                Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri - dựa theo “The Man In The Zoo” by Geoffrey Ward & “Ota Benga, The Man Who Was Put On Display In The Zoo” by Dr. Jerry Bergman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn