19:49 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 36


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16563

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025596

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Vi Phạm Ranh Giới

Thứ ba - 14/03/2017 20:50
Vi Phạm Ranh Giới

Vi Phạm Ranh Giới

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương 4 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta? Tuần qua chúng tôi đã nói về khái niệm gia đình và rằng tuy sống chung dưới một mái nhà nhưng trải nghiệm về gia đình của những thành viên trong gia đình ấy lại không hoàn toàn giống nhau.




               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đang ở chương 4 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta? Tuần qua chúng tôi đã nói về khái niệm gia đình và rằng tuy sống chung dưới một mái nhà nhưng trải nghiệm về gia đình của những thành viên trong gia đình ấy lại không hoàn toàn giống nhau. Thí dụ, với tư cách đứa con đầu lòng, thì trải nghiệm của tôi hoàn toàn khác hẳn với cái gia đình mà em gái tôi đã trải nghiệm với tư cách đứa nhỏ nhất trong nhà. Trong ký ức của tôi luôn luôn có ý thức về cái gia đình gồm ba người là ba, mẹ và tôi. Khi em gái tôi ra đời thì tôi đã có mặt trong cái gia đình đó rồi. Và thế là em tôi chỉ có trải nghiệm về gia đình bốn người mà thôi. Tuy vậy, anh em chúng tôi cùng chia sẻ nhiều thứ như cách thức ba mẹ dạy dỗ và kỷ luật chúng tôi, cách sinh hoạt trong gia đình, sự giáo dục về đức tin, v.v... Chính những khuôn mẫu cơ bản ấy có ảnh hưởng mạnh mẽ trên những tranh chiến mà chúng tôi đối diện khi lớn lên. Những khuôn mẫu cơ bản, không thay đổi này cung cấp cho chúng tôi các thông điệp vốn là nền tảng cho sự Tự-Nhủ của chúng tôi khi trưởng thành, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.

               Như tôi đã từng nói, cha mẹ chúng ta vốn là những con người không hoàn hảo. Rồi những biến cố trong đời sống của gia đình như bệnh hoạn, tàn tật, sự nghiện ngập, yếu đuối về cảm xúc của một thành viên nào đó trong gia đình, việc cha mẹ li dị và tái hôn, người thân trong gia đình qua đời, vân vân, lại còn góp phần làm cha mẹ lộ ra các thiếu sót hoặc khả năng hạn chế của họ. Bất cứ yếu tố nào trong những yếu tố này đều làm tăng thêm sự căng thẳng cho hệ thống gia đình và thêm vào những sự méo mó, lệch lạc trong niềm tin của chúng ta về bản thân mình, về người khác, về thế giới, và về Đức Chúa Trời nữa. Những điều này cho thấy việc bỏ bê, việc lạm dụng hay những thiếu sót của các thế hệ tổ tiên trong quá khứ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành sự Tự-Nhủ của thế hệ kế tiếp khi họ lớn lên.

               Nhằm hiểu được gia đình gốc của mình đã hình thành các mẫu Tự-Nhủ của chúng ta cùng những hệ thống niềm tin về cuộc sống của chúng ta ra sao, chúng ta hãy xem xét cách riêng biệt một số trong các khuôn mẫu chung của những kinh nghiệm tiêu cực chúng ta có thể có trong suốt những năm tháng chúng ta trưởng thành.

               Kính thưa quý độc giả,

               Các bạn có nhớ cô Becky không? Đó là cô gái mà tuần rồi tôi có nói đến. Hôm nay chúng ta sẽ nói về câu chuyện của Becky, người chị cả của tám đứa em trong nhà. Cô là trường hợp điển hình của người đã lớn lên trong một gia đình trống vắng vai trò lãnh đạo. Mẹ của Becky thường xuyên uống thuốc giảm đau và thuốc an thần. Bà nghiện các loại thuốc được kê toa. Trong khi đó, cha của Becky lại thường xuyên vắng nhà vì ông là một nhân viên bán hàng. Khi ông về nhà, thì thời gian và sức lực của ông lại dồn vào việc cãi nhau và tranh chiến với vợ mình. Cả hai ông bà chẳng dành chút năng lực nào vào việc nuôi dạy con. Thế là Becky đã lấp đầy chỗ trống vắng vai trò lãnh đạo trong căn nhà ấy. Vì chăm sóc mẹ và các em như người lãnh đạo trong gia đình, cô không có thời gian cho những hoạt động đặc trưng của tuổi thơ hay tuổi học trò.

               Becky lập gia đình với một người chồng phải đi đây đó nhiều vì công việc của anh. Họ có sáu đứa con, và giờ đây ở độ tuổi ngoài bốn mươi, Becky cảm thấy kiệt sức. “Tôi đã từng là một người mẹ trong suốt khoảng thời gian dài mà tôi có thể nhớ được. Cuộc sống chẳng còn điều gì khác sao?” cô tự hỏi. Khi chúng tôi trò chuyện, rõ ràng là sự Tự-Nhủ của cô cứ xoay quanh loại suy nghĩ lệch lạc nhằm bào chữa cho việc chồng cô không hề bận tâm gì tới các con và co còn khăng khăng cho rằng bất cứ một nhu cầu riêng tư nào của cô cũng đều là một sự “ích kỷ.” Sự Tự-Nhủ của cô bao gồm những suy nghĩ như:

  • Nếu mình giảm bớt hoặc dừng lại, thì ai sẽ chăm lo mọi thứ đây?
  • Mình phải có trách nhiệm chứ-mình không thể nào giống như mẹ của mình được.
  • Mình không thể giao bọn trẻ cho chồng mình trông nom được; anh ấy thậm chí còn không nhớ sinh nhật của các con. Anh ấy làm sao có thể nhớ mà chăm sóc tốt cho con được cơ chứ?
  • Công việc của mình là chăm lo mọi thứ trong nhà. Mình phải làm công việc của mình, nếu không mình chỉ là một kẻ thất bại và các con của mình phải gánh khổ mất thôi.
  • Bạn bè của mình thì làm sao mà hiểu được. Mình phải làm mọi sự thật tốt đẹp.

               Bất cứ một nỗ lực nào từ phía gia đình hay bạn bè để thuyết phục Becky giảm bớt công việc và dành một khoảng thời gian nào đó để tận hưởng cuộc sống đều được Becky đáp lại bằng những lý luận chống lại chính bản thân cô. Những gì Becky biết, chính là làm sao để trở thành một người cha, một người mẹ, bởi vì đó là tất cả những gì cô đã từng thực hiện trong suốt khoảng thời gian mà trí nhớ của cô có thể hồi tưởng lại.

               Những Xâm Phạm Về Ranh Giới

               Kính thưa quý độc giả,

               Các ranh giới xác định khoảng cách về thể chất và tình cảm giữa con người. Chúng là những gì cho phép tôi là chính tôi, và bạn là chính bạn. Một trong những ranh giới của chúng ta là màu da của mình, vốn xác định rõ rệt con người thuộc thể của chúng ta. Chúng ta học biết trước tiên về các ranh giới trong phạm vi các gia đình, và chính tại đó mà chúng ta có nhiệm vụ phải học biết là một cá nhân có nghĩa gì-riêng rẽ và khác biệt với mọi người khác trong gia đình và vì thế riêng rẽ và khác biệt với mọi người khác trên thế giới.

               Trong một số gia đình, các ranh giới giữa các thành viên là vững chắc. Những người trong gia đình ít chia sẻ với nhau, và hầu như không có điều gì được chia sẻ với những người bên ngoài gia đình. Khi lớn lên, những người xuất thân từ loại gia đình này thấy vô cùng khó khăn khi cho phép bất cứ ai đến gần với họ. Đôi khi, trong giai đoạn đầu của một mối quan hệ, họ cảm thấy thân thiết với một người khác. Nhưng cảm giác ấy nhanh chóng biến thành sự lo sợ. Nỗi lo sợ có thể là sợ bị khước từ, bị bỏ rơi, hoặc bị kiểm soát. Sự thân thiện nhanh chóng biến mất khi nỗi lo sợ bắt đầu thống trị đời sống họ.

               Những gia đình khác có những ranh giới mờ nhạt. Cha mẹ xâm phạm vào đời sống của con cái họ, và tính cách cá nhân không được tôn trọng giữa các anh chị em. Mọi thứ thuộc về mọi người, và đưa đến kết quả là không có điều gì thực sự thuộc về bất cứ người nào. Khi lớn lên, những người xuất thân từ loại gia đình này thường tranh chiến với những vấn đề về sự độc lập bản thân và sự tự trị, cảm thấy thoải mái hơn trong các mối quan hệ phụ thuộc vốn không để ý đến tính cách cá nhân nhiều. Đôi khi họ tin rằng người khác có thể đọc được tâm trí họ hoặc biết được những động cơ thầm kín của họ còn rõ hơn cả bản thân họ nữa. Họ không có chút tự tin nào để nói ra những suy nghĩ trong đầu mình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Cả hai vấn đề về ranh giới này, hoặc những ranh giới mờ nhạt hay những ranh giới vững chắc, đều ảnh hưởng sâu sắc đến việc am hiểu và niềm tin của chúng ta về mọi thứ trong đời sống mình-nhận thức của chúng ta về bản thân, về người khác, về thế giới, và thậm chí về Đức Chúa Trời. Những khuôn mẫu ranh giới này thường được nhìn thấy trước sau như một trải qua nhiều thế hệ và khó mà thay đổi. Nhiều khi thoạt nhìn thì những loại gia đình này trông có vẻ như đang đổi thay nhiều thứ, nhưng sự thật là những thay đổi ấy lại chỉ ở trên bề mặt-bởi vì phía bên dưới, mọi thứ vẫn y như cũ.

               Trong những gia đình với cả hai loại vấn đề về ranh giới này, những người làm cha làm mẹ có thể trực tiếp đối xử tàn nhẫn với con cái hoặc họ có thể thất bại không bảo vệ được con mình khỏi việc bị người khác lạm dụng trong một cách thức nào đó. Bởi vì những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình như thế không biết rõ về các ranh giới giữa bản thân chúng và những người khác, nên khi lớn lên chúng có thể thậm chí tự đặt mình vào sự tổn thương hoặc sự lợi dụng nhiều hơn nữa trong nỗ lực nhằm xây dựng các mối quan hệ.

               Những ví dụ khác về các vấn đề ranh giới vốn trực tiếp ảnh hưởng tới sự Tự-Nhủ của chúng ta bao gồm sự lạm dụng thể xác hoặc tình dục, sự xâm phạm thường xuyên đối với những điều riêng tư của con cái, cá nhân cha hay mẹ hoặc cả hai người cùng giãi bày tâm sự với con cái những điều vốn chỉ dành cho cha mẹ, và những hành vi cư xử khác vốn làm xáo trộn những ranh giới tự nhiên giữa các thế hệ.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Mong rằng những gì chúng tôi chia sẻ trong tiết mục này giúp quý thính giả hiểu thêm về bản thân mình, từ đó học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: gia đình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn