18:33 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16106

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025139

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Sự Khước Từ Thường Xuyên (Bài 1)

Thứ ba - 21/03/2017 21:00
Sự Khước Từ Thường Xuyên (Bài 1)

Sự Khước Từ Thường Xuyên (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ tư trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?



               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đang ở chương thứ tư trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta? Chúng ta đã nghe câu chuyện của Becky, một ví dụ điển hình của người đã lớn lên trong một gia đình trống vắng vai trò lãnh đạo, vì cha mẹ cô chẳng dành chút năng lực nào vào việc nuôi dạy con. Becky đã lấp đầy chỗ trống vắng vai trò lãnh đạo trong căn nhà ấy một cách bất đắc dĩ như là người cha, người mẹ của các em mình. Khi lớn lên, Becky lập gia đình và có sáu đứa con. Ở độ tuổi ngoài bốn mươi, Becky cảm thấy khủng hoảng, kiệt sức và cô tự hỏi: “Tôi đã từng là một người mẹ trong suốt khoảng thời gian dài mà tôi có thể nhớ được. Cuộc sống chẳng còn điều gì khác sao?” Những gì Becky biết, chính là làm sao để trở thành một người cha, một người mẹ, bởi vì đó là tất cả những gì cô đã từng thực hiện trong suốt khoảng thời gian mà trí nhớ của cô có thể hồi tưởng lại. Vì thế, sự Tự-Nhủ của cô cứ xoay quanh loại suy nghĩ lệch lạc nhằm bào chữa cho việc chồng cô không hề bận tâm gì tới các con và rằng bất cứ một nhu cầu riêng tư nào của cô cũng đều là một sự “ích kỷ.”

               Tuần qua chúng ta cũng đã nghe về việc vi phạm các ranh giới trong mối quan hệ. Con người học biết về các ranh giới đầu tiên là trong phạm vi gia đình, nhận thức được một cá nhân có nghĩa là gì, biết mình riêng rẽ và khác biệt với mọi người khác trong nhà, và vì thế cá nhân mình cũng riêng rẽ và khác biệt với mọi người khác trên thế giới. Trong một số gia đình thì ranh giới giữa mọi người trong nhà hết sức nghiêm khắc và cứng nhắc khiến họ ít chia sẻ điều gì với nhau, cũng không chia sẻ điều gì với người ngoài. Khi lớn lên, những người trong loại gia đình này gặp khó khăn trong việc gần gũi người khác vì sợ bị khước từ, bị bỏ rơi, sợ bị người khác kiểm soát, chế ngự mình.

               Một số gia đình khác lại có những ranh giới mờ nhạt, trong đó mọi thứ đều là của chung và thuộc về mọi người, không có một sự riêng tư cá nhân nào. Cha mẹ xâm phạm vào đời sống con cái, và tính cách cá nhân không được tôn trọng giữa các anh chị em. Khi lớn lên, những người xuất thân từ loại gia đình này thường tranh chiến với những vấn đề về sự độc lập bản thân và sự tự trị. Họ không có chút tự tin nào để nói ra những suy nghĩ trong đầu mình và tin rằng người khác luôn đọc được ý nghĩ thầm kín của mình.

               Trải qua nhiều thế hệ, các vấn đề về ranh giới kể trên rất khó thay đổi. Chúng ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của chúng ta về bản thân, về người khác, về thế giới, niềm tin về Đức Chúa Trời. Trong những gia đình với cả hai loại vấn đề về ranh giới như vừa đề cập trên, cha mẹ hoặc là trực tiếp đối xử tàn nhẫn với con hoặc họ thất bại trong việc bảo vệ con khỏi việc bị người khác lạm dụng. Lý do đơn giản, chỉ bởi vì những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình như thế không biết rõ về các ranh giới giữa bản thân mình và người khác, nên khi lớn lên chúng có nguy cơ tự đặt mình vào sự tổn thương hoặc sự lạm dụng trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ với người khác.

               Một loạt các ví dụ khác về các vấn đề ranh giới vốn trực tiếp ảnh hưởng tới sự Tự-Nhủ của chúng ta bao gồm cả sự lạm dụng thân thể, lạm dụng về tình dục, xâm phạm những điều riêng tư của con cái, cha mẹ giãi bày tâm sự, chia sẻ với con những điều vốn chỉ nên dành riêng giữa cha mẹ, cha mẹ có hành vi hay lối cư xử vốn làm xáo trộn những ranh giới tự nhiên giữa các thế hệ trong gia đình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Những khuôn mẫu hiện tại trong sự Tự-Nhủ của chúng ta tập trung vào các vấn đề về sự hổ thẹn bản thân và bất xứng thường được dựa trên hành vi xâm phạm ranh giới mà chúng ta đã trải nghiệm trong suốt quá trình trưởng thành. Những sự xâm phạm này sẽ nuôi dưỡng hệ thống niềm tin bị bóp méo, lệch lạc của chúng ta, và vấn đề không chỉ có thế mà thôi. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy rằng nếu chúng ta lớn lên trong loại gia đình có các nan đề về sự xâm phạm ranh giới, thì thể chất chúng ta càng ngày càng bị ảnh hưởng của những nỗi lo lắng, bất an. Những triệu chứng về thể chất này có thể xuất hiện trong thời thơ ấu nhưng thường thì chúng có khả năng xuất hiện khi chúng ta đến tuổi trưởng thành.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng tôi xin nói về Sự Khước Từ Thường Xuyên. Kinh nghiệm về cảm giác bị khước từ là một trong những trải nghiệm đắt giá nhất trong sự Tự-Nhủ của con người. Bất kỳ một trải nghiệm về sự thường xuyên bị khước từ nào cũng có sức hủy phá và tác động vô cùng sâu sắc. Sự Tự-Nhủ của chúng ta sẽ tràn ngập những cảm giác hổ thẹn về chính bản thân mình, phản ảnh việc chúng ta bị khước từ, không được người khác chấp nhận.

               Chúng ta biết rằng những đứa trẻ bị lạm dụng, bị hành hạ, thường thèm khát sự chú ý, quan tâm của người khác nhiều đến nỗi chúng sẽ đón nhận sự lạm dụng của họ, bởi vì ít ra thì chúng đang có được một loại quan tâm, để ý nào đó từ cha hay mẹ. Nhưng đó là kiểu để ý đến vốn dựa trên sự khước từ. Cho dù bạn nhìn lại những kinh nghiệm của sự lạm dụng dưới góc độ nào chăng nữa, nó sẽ luôn kết thúc như là sự khước từ.

               Tuy nhiên, cũng có những lý do khác giải thích vì sao một số trẻ em lớn lên với ý thức về sự thường xuyên bị khước từ. Ví dụ, trong một số gia đình, con trai bị xem nhẹ và bỏ bê còn con gái thì được xem trọng và tôn cao. Trong một số gia đình khác thì chính con gái lại là những người bị khước từ, bị xem nhẹ, còn con trai được xem như những người không bao giờ làm điều gì sai trái theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nghĩa có một đứa con trai tức là đã có con rồi, nhưng dù đã có mười đứa con gái thì cũng xem như là chưa có đứa con nào. Đôi khi sự khước từ và sự thiên vị là một phần của những mẫu thế hệ trong phạm vi gia đình đó. Chúng ta thấy điều này trong gia đình của vị tộc trưởng Áp-ra-ham trong Kinh Thánh.

               Kính thưa quý độc giả,

               Khi con trai của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên được sinh ra, cậu bé được xem là con trai của bà Sa-ra, là người vợ chính, ngay cho dù cậu ta đã được sinh theo luật tự nhiên bởi người nữ nô lệ tên là A-ga của bà Sa-ra. Cuối cùng, sau tất cả những năm son sẻ đó, Sa-ra xem như đã có đứa con trai bà hằng mong ước.

               Thoạt đầu thì không có vấn đề gì khi người mẹ ruột, tức A-ga, luôn có mặt ở đó. Xét cho cùng, nàng là nô lệ của Sa-ra, và là một nô lệ nàng thậm chí không thể nào tuyên bố là có quyền sở hữu trên đứa con của chính mình. Và khi hàng xóm láng giềng của Áp-ra-ham và Sa-ra đến thăm, họ không hỏi, “Cậu bé con của A-ga thế nào?” Họ hỏi, “Bà Sa-ra ơi, cho tôi xem con trai của bà đi.”

               Trong suốt mười lăm năm Áp-ra-ham và Sa-ra tận hưởng sự vui vẻ bên con trai của họ. Nhưng rồi một vài sứ giả từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã đến và bảo Áp-ra-ham rằng việc có một đứa con trai do A-ga sinh ra không phải là điều Đức Chúa Trời đã hứa-Sa-ra sẽ sinh một con trai của chính bà! Và chín tháng sau khi Y-sác được sinh ra, một mẫu thế hệ của sự thiên vị và khước từ bắt đầu xuất hiện.

               Chẳng bao lâu Sa-ra đã chuyển sự yêu thương và lòng trung thành sang đứa con trai “đích thực” do chính bà sinh ra là Y-sác. Chẳng lâu sau khi Y-sác dứt sữa, Sa-ra nhìn Ích-ma-ên liền thấy chướng mắt và bảo Áp-ra-ham hãy đuổi cậu bé và mẹ ruột của cậu đi! Việc này khiến Áp-ra-ham vô cùng buồn rầu bởi vì Ích-ma-ên cũng chính là con trai của ông (xin xem Sáng Thế ký 21:11). Đối với Áp-ra-ham, cả Ích-ma-ên lẫn Y-sác đều là con trai của ông y như nhau. Thật khó khăn để ông đuổi Ích-ma-ên đi. Nhưng ông đã làm điều đó. Vì thế trong thế hệ đầu tiên này của gia đình Áp-ra-ham, có một đứa con trai bị khước từ và có một đứa con trai được yêu mến. Kết quả là một trong hai đứa con trai bị đuổi đi.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta cùng nhau phân tích khuôn mẫu gia đình của Áp-ra-ham để xem những điều xảy ra trong quá khứ với thế hệ trước có ảnh hưởng thế nào đến cách hành xử và sự tự nhủ của thế hệ sau. Chúng tôi ước mong những gì được chia sẻ trong tiết mục này sẽ giúp quý thính giả hiểu thêm về bản thân mình, từ đó học cách chuyển đổi tư duy nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn