09:16 EDT Thứ sáu, 03/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 53

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 52


Hôm nayHôm nay : 8662

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 22701

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23031734

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nỗi Lòng Cha Mẹ

Nỗi Lòng Cha Mẹ

“Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (II Cô-rinh-tô 6:14).

Xem tiếp...

Chương 4: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?

Thứ ba - 28/02/2017 20:01
Chương 4: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?

Chương 4: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?

Kính thưa quý độc giả, Những tuần qua chúng ta đã nghe về cách lời nói phóng thích đức tin là thể nào, và rằng đức tin là một tiến trình của đời sống vì mọi người đều có niềm tin.




                   Kính thưa quý độc giả,

                   Những tuần qua chúng ta đã nghe về cách lời nói phóng thích đức tin là thể nào, và rằng đức tin là một tiến trình của đời sống vì mọi người đều có niềm tin. Chúng ta cũng đã nghe về sức mạnh của lời nói và ý tưởng, mà minh chứng cụ thể là nhiều lãnh tụ tài năng đã dùng những bài nói chuyện của mình để khích lệ, để làm sôi sục bầu nhiệt huyết của những người yêu nước, ý chí chiến đấu của binh sĩ, xây dựng và tập hợp tinh thần quốc gia của người dân để tái thiết đất nước sau những đổ nát hoang tàn bởi chiến tranh hay sự trì trệ của nền kinh tế thế giới. Chúng ta cũng đã ôn lại ba phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm cho những người cầu xin Ngài theo ba cách thức khác nhau, tùy theo sự họ cầu xin bằng môi miệng hay tin tưởng trong tâm trí như Thầy Đội La Mã xin Chúa “phán một lời” để tôi tớ của ông được lành bệnh, người Cai Nhà Hội xin Chúa “đến và đặt tay” trên con gái ông để nó sống lại, và người phụ nữ bị mất huyết trong 12 năm đã tự nhủ “Nếu ta chỉ rờ trôn áo Ngài, thì cũng sẽ được lành”.

                   Không những thế, bằng chứng hùng hồn về sức mạnh của lời nói và ý tưởng còn được minh chứng trên cơ sở khoa học qua việc điều trị các bệnh nhân bị ung thư thời kỳ cuối, bệnh nhân bị các chứng đau mãn tính, trẻ em bị chứng hiếu động thái quá hoặc bệnh nhân tâm thần bị bệnh tâm thần phân liệt tại một số bệnh viện và dưỡng đường. Những công trình nghiên cứu tại bệnh viện hay viện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ nổi tiếng như Tiến Sĩ Simonton, Tiến Sĩ David Bressler, Tiến sĩ Donald Meichenbaum, cho thấy song song với việc điều trị bằng thuốc men và kỹ thuật khoa học, phương pháp sử dụng sự Tự Nhủ qua hình ảnh hay ngôn ngữ nhằm phát huy sức mạnh niềm tin của ý chí có hiệu quả tốt đẹp trên nhiều bệnh nhân.

                   Kết quả cụ thể là các bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối có thể sống lâu hơn thời gian bác sĩ tiên đoán, các bệnh nhân bị chứng đau mãn tính bớt đau đớn, thậm chí có nhiều bệnh nhân đã trở lại sinh hoạt đời sống bình thường. Các trẻ em bị chứng hiếu động thái quá và các bệnh nhân bị tâm thần phân liệt cũng được tập luyện cách sử dụng ngôn ngữ theo hình thức tự kỷ ám thị để kiểm soát hành vi của mình cách hữu hiệu, giúp họ thay đổi nhận thức về triệu chứng của mình và học cách tự chăm sóc bản thân.

                   Những điều cụ thể được trình bày trong Chương Ba cho thấy tầm quan trọng về sự Tự-Nhủ của chúng ta. Dù chúng ta nói ra miệng cách lớn tiếng rõ ràng hay thì thầm với chính mình, hoặc bằng ý nghĩ thầm kín nơi riêng tư, thì kết quả luôn giống nhau, nghĩa là những việc chúng ta nói quyết định cách thức chúng ta sống cuộc sống của mình.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Tuần trước chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi để bạn suy nghĩ về bản thân mình. Bạn là người thế nào trong thói quen nói năng? Người thân trong gia đình hay bạn bè của bạn sẽ nhận ra những loại biểu hiện nào là đặc trưng của bạn? Bạn có thể dễ dàng bỏ qua một số trong những nhận xét này, xem chúng không nghiêm trọng hoặc thậm chí xem lời nhận xét ấy như là những lời nói đùa. Nhưng thật ra thì những gì bạn nói và suy nghĩ là một dấu chỉ vô cùng quan trọng cho thấy bạn đang đặt đức tin của mình nơi đâu.

                   Để kết thúc Chương Ba, quý thính giả có thể dành một ít thời gian để liệt kê ra một danh sách những loại Tự-Nhủ bạn thường làm. Những loại sự việc nào khiến bạn bật lên thành lời nói? Những loại câu nào bạn nói về chính mình trong ý nghĩ của bạn? Ví dụ, bạn có nói hay nghĩ những việc như:

  • Mình không thể làm công việc này; nó khó quá.
  • Mình luôn luôn trễ nãi. Thậm chí, mình chắc sẽ bị trễ giờ trong lễ cưới của mình mất thôi.
  • Mình thật là nhút nhát, mình đã không thể nói chuyện với anh ấy, với cô ấy.

                   Hãy viết xuống một số những câu bạn thường nói với chính mình hay người khác. Sau khi đã viết những ̣điều này, bạn hãy làm một danh sách khác, ghi xuống những câu nói hay suy nghĩ mà bạn muốn bắt đầu thực hiện sự thay đổi của bản thân mình. Ví dụ, bạn đã có thể thay đổi những câu bên trên thành những câu như:

  • Mình không thích công việc này nhưng, từng bước từng bước một, mình có thể thực hiện nó.
  • Mình đã có thói quen bị trễ, nhưng mình có thể thay đổi thời gian biểu của mình để đúng giờ, đúng hẹn.
  • Mình cảm thấy bối rối, lo lắng về việc trò chuyện với anh ấy hay cô ấy, nhưng mình nhất định sẽ nói.

                   Cuối cùng, bạn hãy ghi xuống một số những câu Tự-Nhủ mới của bạn và thực tập chúng.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Trước khi chấm dứt Chương Ba của sách, chúng tôi xin nêu vài Câu Hỏi để Tăng Trưởng Cá Nhân, giúp quý thính giả suy nghĩ thêm về chính mình và thực hiện sự thay đổi bản thân.

  1. Khi so sánh hai danh sách mà bạn liệt kê ra, bạn trải nghiệm những sự khác biệt nào trong cảm nhận hay cảm xúc của mình với mỗi danh sách? Xin giải thích những sự khác biệt ấy.
  2. Lời nói của bạn trong tuần này có ảnh hưởng như thế nào trên những sự việc xảy ra trong đời sống bạn suốt tuần lễ này?
  3. Khi nhìn vào danh sách bạn vừa liệt kê về những câu mà bạn thường hay nói, bạn thấy mình dường như đặt đức tin nơi điều gì?

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Chúng ta vừa chấm dứt chương thứ ba trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hôm nay chúng ta hãy cùng bước sang Chương Bốn với Chương Đề: Điều Gì Hình Thành Sự Tự Nhủ Của Chúng Ta?

                   Kinh Thánh trong sách Ê-sai 51:1-2 có chép rằng: “Khá nhìn xem vầng đá mà các ngươi đã được đục ra, và cái lỗ của hang mà các ngươi đã được đào lên! Đúng vậy, hãy nghĩ đến tổ phụ các ngươi.” Việc phải lớn lên và trưởng thành là một nhiệm vụ đòi hỏi khắt khe, phức tạp nhất mà bất cứ ai trong chúng ta cũng phải trải nghiệm trong cuộc đời mình. Khi ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu trên bình diện rộng lớn hơn được thực hiện trong lãnh vực phát triển của trẻ con, thì danh sách về những điều con trẻ cần nơi môi trường nuôi dạy của cha mẹ để trở nên những người trưởng thành tương đối lành mạnh ngày càng dài thậm thượt.

                   Các bậc cha mẹ thường thực hiện vai trò phụ huynh của mình một cách không hoàn hảo trong việc nuôi dạy con. Và đó là một định hướng chung, bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới tội lỗi đầy những con người tội lỗi, bất toàn. Và vì thế, tất cả mọi người trong thế giới đó đều bị ảnh hưởng bởi sự không hoàn hảo này. Vậy nếu chúng ta muốn hiểu vì sao chúng ta phải đối diện và tranh chiến với những nan đề trong đời sống cá nhân, chúng ta cần nhìn lại ba mẹ của mình. Có lẽ nó có liên hệ tới một sự không thỏa đáng nào đó trong cách cha mẹ đã nuôi dạy chúng ta, tạo nên bởi sự bất toàn của chính bản thân họ.

                   Nhưng tại sao cha mẹ của chúng ta lại làm những điều họ đã làm trong lúc dưỡng dục chúng ta? Có lẽ bởi vì những khiếm khuyết của chính cha mẹ họ, tức ông bà của chúng ta. Và tại sao ông bà chúng ta lại làm điều đó? Bởi vì cha mẹ của ông bà, tức tổ tiên của chúng ta, đã làm như vậy. Chúng ta có thể tiếp tục truy ngược về quá khứ và nêu cùng câu hỏi “tại sao” cho tới khi cuối cùng chúng ta trở lại với A-đam và Ê-va.

                   Giả sử chúng ta mặt giáp mặt với A-đam và hỏi ông tại sao ông lại làm những điều ông đã làm. Ông không có cha mẹ để đổ lỗi, vì thế ông đổ lỗi cho Ê-va, con người duy nhất ở gần ông, và nói, “Chính (bởi vì) người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi! Cô ta đã làm điều đó.” Khi chúng ta xoay qua và hỏi Ê-va tại sao bà lại làm những điều bà đã làm, bà không còn con người nào khác để đổ lỗi, vì vậy bà suy nghĩ thật nhanh và nói, “Con rắn đã lừa gạt tôi” (chúng ta có thể xem trong Kinh thánh, Sáng Thế ký 3:12-13). Khi chúng ta trở lại với con rắn, chúng ta trở lại với căn nguyên của thực tại về tội lỗi, và lúc đó chúng ta có được một sự định giá chính xác về tình huống.

                   Một người có thể nói cách chính xác rằng những khoảng trống, những nơi chốn trong quá trình tăng trưởng và phát triển của con người đã có một điều gì đó bị hụt mất, là kết quả của việc được sinh ra từ dòng giống của con người tội lỗi, và vì thế sẽ không có ai được miễn trừ. Nhưng những khoảng trống trong kinh nghiệm của tôi, hoặc là về những hành động đã từng được thực hiện hoặc không hề được thực hiện trong suốt những năm tôi lớn lên, là trải nghiệm của cá nhân tôi, và đó là điều làm cho những tranh chiến của tôi duy nhất là của riêng một mình tôi mà thôi.

                   Kính thưa quý độc giả,

                   Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Những điều chúng tôi vừa trình bày sẽ được tiếp tục làm sáng tỏ vào tuần sau, mong quý thính giả tiếp tục đón nghe. Hy vọng những gì chúng tôi chia sẻ trong tiết mục này giúp quý thính giả hiểu thêm về bản thân mình, từ đó học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn