03:47 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 39


Hôm nayHôm nay : 5818

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10893

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23019926

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Lời Chỉ Thị Trực Tiếp

Thứ hai - 07/10/2019 21:17
Lời Chỉ Thị Trực Tiếp

Lời Chỉ Thị Trực Tiếp

Trong tuần trước, chúng ta đã đề cập đến phương cách đầu tiên để uốn nắn con cái đi theo kỷ luật là đưa ra những lời yêu cầu, thay vì ra luôn luôn phải ra lệnh. Dù cha mẹ có ý rất tốt khi đưa ra những lời yêu cầu, tuy nhiên không phải lúc nào yêu cầu cũng là cách thích hợp. Đôi lúc, các bậc cha mẹ cần phải trở nên cứng rắn hơn và hướng dẫn trẻ không phải bằng những lời yêu cầu, mà thông qua những lời chỉ thị trực tiếp (mệnh lệnh).


Lời Chỉ Thị Trực Tiếp


         Kính thưa quý thính giả,
 

         Trong tuần trước, chúng ta đã đề cập đến phương cách đầu tiên để uốn nắn con cái đi theo kỷ luật là đưa ra những lời yêu cầu, thay vì ra luôn luôn phải ra lệnh. Dù cha mẹ có ý rất tốt khi đưa ra những lời yêu cầu, tuy nhiên không phải lúc nào yêu cầu cũng là cách thích hợp. Đôi lúc, các bậc cha mẹ cần phải trở nên cứng rắn hơn và hướng dẫn trẻ không phải bằng những lời yêu cầu, mà thông qua những lời chỉ thị trực tiếp (mệnh lệnh).
 

         Chúng ta thường phải sử dụng mệnh lệnh sau khi đã yêu cầu một điều gì đó mà trẻ vẫn không thực hiện. Trước khi dùng đến mệnh lệnh, cha mẹ cần xét lại xem những yêu cầu đó của họ có đúng đắn, có phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức và thực hiện của trẻ hay không. Một sai lầm thông thường ở đây là cha mẹ đôi khi đòi hỏi trẻ làm những việc dường như nằm trong khả năng của chúng nhưng thực tế trẻ lại không có khả năng để thực hiện điều đó.
 

         Một ví dụ tiêu biểu cho điều này đó là yêu cầu một đứa trẻ bốn tuổi tự nhặt lấy những món đồ của nó. Nếu chỉ có hai, ba món đồ chơi để nhặt thì yêu cầu này là hợp lý. Nhưng nếu có nhiều đồ đạc hơn, cha mẹ phải giúp con mình thực hiện công việc đó. Thông thường, cha mẹ hay lầm tưởng yêu cầu đó của họ là đúng nên hay tỏ ra giận dữ khi trẻ từ chối hoặc không thực hiện được yêu cầu của họ và thậm chí, phạt trẻ thay vì giúp chúng hoàn thành yêu cầu đó.
 

         Một giá trị thực tế khác của việc sử dụng những lời yêu cầu mỗi khi có thể đó là nó giúp bạn xác định được những yêu cầu của mình có hợp lý hay không. Bạn là người hiểu rõ con mình hơn bất cứ ai khác. Nếu trong nhiều lần trước đó, con bạn luôn tỏ ra sẵn sàng để thực hiện những lời yêu cầu của cha mẹ, nhưng đột nhiên có một lần, trẻ bất ngờ từ chối không hợp tác thì việc chúng ta giận dữ và trừng phạt trẻ sẽ rất tai hại. Rõ ràng, vì trước đây, trẻ không gặp khó khăn gì với lời yêu cầu đó, nên bây giờ chắc chắn phải có điều gì đó bất ổn đang xảy ra. Chẳng lẽ bạn không muốn tìm hiểu xem nguyên nhân là gì sao? Tôi tin là bạn muốn biết điều đó và bạn phải cố gắng hết sức để tìm hiểu vấn đề vì nó cực kỳ quan trọng. Bạn cần phải quan tâm hơn đến vấn đề ngăn trở con mình để giúp chúng tiếp tục sẵn lòng thực hiện yêu cầu của cha mẹ thay vì ép trẻ thực hiện điều đó và không chịu tìm hiểu vấn đề gì cả. Nếu nguyên nhân khiến trẻ từ chối thực hiện yêu cầu của cha mẹ là chính đáng thì chính bạn mới là người đáng bị phạt vì đã ép con thực hiện yêu cầu của mình.
 

         Là cha mẹ, chúng ta có trách nhiệm và thẩm quyền đảm bảo rằng con cái của mình cư xử đúng đắn, nhưng chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm về lợi ích của con mình nữa. Chúng ta cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng con mình không bị tổn thương vì chúng ta đã sử dụng uy quyền và sức mạnh để ngược đãi chúng. Hạnh phúc và lợi ích trong tương lai của con bạn phụ thuộc rất nhiều vào cách bạn sử dụng thẩm quyền của mình. Trẻ có trở thành một người biết tôn trọng đối với những người có thẩm quyền trên mình hay không, điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta bày tỏ thẩm quyền cha mẹ với chúng hôm nay.
 

         Ở đây, tôi cũng muốn đưa ra một lời khuyên và một lời khuyến cáo quan trọng. Những bậc cha mẹ càng hay sử dụng những cách thức nhằm thể hiện uy quyền của mình nhiều bao nhiêu, chẳng hạn như: ra lệnh, mắng mỏ, la rầy, quát tháo,… thì những biện pháp đó lại càng trở nên giảm tác dụng bấy nhiêu. Điều này cũng giống như cậu bé (trong câu chuyện chúng ta từng nghe) hay đùa giỡn la lớn “Sói! Sói!” đến nỗi lời cảnh báo này không còn tác dụng nữa. Nếu trước đó cha mẹ biết dùng những lời yêu cầu nhẹ nhàng thì việc thỉnh thoảng phải sử dụng những câu ra lệnh sẽ thật sự hiệu quả. Cha mẹ càng hay sử dụng những cách thức nhằm thể hiện uy quyền của mình, bắt con cái phải làm điều này, điều kia thì trẻ sẽ càng không muốn thực hiện điều đó. Phản ứng này đặc biệt đúng khi trẻ cũng đang có thái độ giận dỗi, cay cú và bị kích động mà phải thực hiện một mệnh lệnh nào đó. Chẳng hạn như bạn đã bao giờ ở trong một gia đình có không khí căng thẳng dữ dội chưa? Trong những gia đình như thế, cha mẹ thường sử dụng uy quyền và những mệnh lệnh, đặc biệt để kỷ luật (dạy dỗ) con cái của mình trong những hoạt động thường ngày. Đến lúc gặp phải những tình huống bất ngờ hay những giờ phút quan trọng nào đó đòi hỏi phải sử dùng đến những mệnh lệnh hoặc thẩm quyền của mình thì những ông bố bà mẹ tội nghiệp này lại chẳng biết phải làm gì để ứng phó trước những tình huống đó. Trong những tình huống cấp bách như thế, con cái của họ sẽ phản ứng y như cách chúng thường làm để đáp ứng mong muốn của cha mẹ. Chúng mất đi khả năng ứng phó trước những tình huống cấp bách, vì những tình huống cấp bách lúc này chẳng khác gì chuyện cột dây giày.
 

         Các bậc phụ huynh thân mến,
 

         Chúng ta cần phải dành những mệnh lệnh khẩn cấp cho những tình huống đặc biệt quan trọng. Chúng ta phải dành sẵn lời lẽ để có biện pháp xử lý trong những trường hợp như thế. Còn bình thường, điều cần thiết mà chúng ta phải làm đó là duy trì sự hứng khởi cho con cái bằng sự ân cần, bằng những lời đề nghị đúng đắn càng nhiều càng tốt.
 

         Có lần, tôi đã phạm phải một sai lầm khi sử dụng một lời ra lệnh lớn tiếng với các con, mà đúng ra chỉ cần sử dụng một lời yêu cầu là đủ. Hôm đó, tôi và hai đứa con trai đang ở nhà. Tôi muốn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước khi Pat, vợ tôi về sau cuộc hội nghị cuối tuần. Tôi đã bắt đầu công việc rất tốt. Tôi bảo các con lau dọn phòng ngủ của chúng trong khi tôi dọn giường trong các phòng. Ít phút sau, khi quay lại, tôi thấy chúng đang lo làm những việc lặt vặt của mình. Tôi cũng nhận thấy chúng vứt một số quần áo trên sàn nhà thay vì treo quần áo lên móc. Thường thì David và Dale luôn biết nghe lời, dễ bảo, chỉ cần một lời giải thích ngắn và một lời yêu cầu là chúng sẽ hiểu. Nhưng vì bực mình nên tôi đã phản ứng quá mạnh. Tôi nạt chúng bằng những lời ra lệnh và bắt chúng phải xếp gọn lại đống quần áo vương vãi. Bạn có nhận ra tôi phạm phải lỗi gì không? Lẽ ra tôi nên sử dụng những lời yêu cầu, những câu giải thích đơn giản và đúng đắn thay vì lớn tiếng ra lệnh.
 

         Lẽ ra, tôi nên dành những câu ra lệnh đó cho những trường hợp thật sự nguy hiểm khi mà tôi muốn con mình đáp ứng ngay lập tức. Chẳng hạn như vào một ngày Chúa Nhật nọ, sau khi chúng tôi đã đem xe vào bãi đậu của nhà thờ, Dale đang đi quanh xe thì một xe khác de ra. Đó là một tình huống hết sức nguy hiểm. Tôi hét lên với Dale để gọi nó chạy về phía mình. Cám ơn Chúa, cháu hiểu ra ngay sự khẩn cấp trong giọng nói của tôi và phản ứng kịp thời. Nếu trước đây, tôi hay la hét với Dale như thế chắc chắn cháu đã không thể có một phản xạ kịp thời như vậy.
 

         Một ví dụ khác nữa là khi tôi và David, con trai của mình đang chơi bóng rổ với mấy đứa bạn của cháu. Hai cha con chơi hăng say và rất lâu vì thấy vui quá. Kết quả là tất cả chúng tôi đều rất mệt. Sau đó, David bị ngã vì có một đứa bạn tông vào nó. Cháu chỉ bị thương nhẹ ở mắt cá chân, nhưng trong giây phút đó thì việc bị chấn thương là một vấn đề vượt quá sức chịu đựng của một cậu bé đang bị đuối sức. David trở nên tức giận và tỏ thái độ bực dọc đối với đứa bạn đã tông vào nó. Đương nhiên, tôi cũng nhìn thấy thái độ sai trái của David nhưng tôi thấy đó cũng giống như một bài học kinh nghiệm đối với cháu.
 

         Trước hết, tôi phải chắc chắn rằng bể chứa cảm xúc của David đã được đổ đầy. Tôi thấy mình đã dành đầy đủ tình thương, ánh mắt, cử chỉ và sự quan tâm chú ý cho cháu vào cuối tuần đó. Kế đó, tôi mới đưa ra lời yêu cầu với cháu. Tôi bảo David đi ra một chỗ riêng với mình để tôi có thể nói chuyện với con. David đang quá tức giận nên đã không đáp lời tôi. Đây chính là lúc tôi cần tăng thêm thẩm quyền để xử lý trước thái độ của nó. Mức độ thẩm quyền kế tiếp này là đưa ra những lời chỉ thị trực tiếp (mệnh lệnh). Tôi bảo David “David, đi với bố” bằng một giọng cương quyết và cháu lập tức làm theo. Khi chúng tôi đã ở riêng một chỗ thì thằng bé mới lấy lại bình tĩnh. Chúng tôi nói chuyện về việc khi một người quá nổi giận, người đó có thể mất hết sự tự chủ về hành động của mình và làm thế nào để ngăn chặn điều này. Đó là một khoảng thời gian hữu ích cho David vì cháu đã học được rất nhiều điều để biết cách kìm nén những cơn giận sai trái.
 

         Giả sử trong trường hợp nói trên, David vẫn không chịu đáp ứng, không chịu bình tĩnh hay kiềm chế cơn giận khi tôi ra lệnh, thì bước tiếp theo của tôi vẫn là đưa cháu đến một chỗ để cháu có thể một mình suy nghĩ. Nếu tôi không thể bảo cháu thực hiện những điều đó bằng lời nói của mình thì lúc đó, tôi mới tiến hành bước bắt buộc kế tiếp đó là sử dụng mệnh lệnh bằng tay chân. Nhưng ở đây, tôi đã sử dụng biện pháp ít thô bạo nhất. Tôi đã có thể dùng tay để bảo cháu đi, chẳng hạn như quàng vai David và dẫn cháu đến một chỗ yên tĩnh. Tôi gọi đây là “cách vận dụng những cử chỉ nhẹ nhàng”. Mục đích của nó là nhằm điều chỉnh thái độ cư xử của trẻ bằng cách thức mềm mại, ân cần và yêu thương nhất.
 

         Thế nhưng, nếu sau bao nhiêu cố gắng để đưa ra lời yêu cầu cũng như sử dụng những mệnh lệnh đúng nơi, đúng lúc, mà vẫn không ghép con vào lề lối và kỷ luật được, thì các bậc cha mẹ phải làm bước gì kế tiếp? Xin mời quý vị tiếp tục theo dõi vào tuần tới.
 

Dr. Ross Campbell

Nguồn: phatthanhhyvong.com

 

Từ khóa: những lời, yêu cầu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn