19:15 EDT Thứ ba, 07/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 31

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 30


Hôm nayHôm nay : 7345

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 66511

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23075544

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Lún Sâu

Lún Sâu

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi” (Giăng 8:34).

Xem tiếp...

Sự Khinh Lờn

Thứ hai - 14/10/2019 21:18
Sự Khinh Lờn

Sự Khinh Lờn

Trong hai tuần qua, chúng ta đã đề cập đến hai cách thức đầu tiên để hướng dẫn con cái vào lề lối kỷ luật. Cách thứ nhất là đưa ra những lời yêu cầu. Cách thứ nhì là khi cần thiết, đưa ra những mệnh lệnh. Tuy vậy, nếu con bạn không chịu đáp ứng với bất kỳ phương cách nào của bạn, thì bạn sẽ phải làm sao? Nếu sau khi chúng ta đã kiên nhẫn đề nghị, thậm chí thẳng thắn ra lệnh mà chúng vẫn khư khư từ chối, thì những tình huống này có thể biến thành một trận chiến của ý chí. Chúng ta gọi đó là sự khinh lờn.


Sự Khinh Lờn


        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trong hai tuần qua, chúng ta đã đề cập đến hai cách thức đầu tiên để hướng dẫn con cái vào lề lối kỷ luật. Cách thứ nhất là đưa ra những lời yêu cầu. Cách thứ nhì là khi cần thiết, đưa ra những mệnh lệnh. Tuy vậy, nếu con bạn không chịu đáp ứng với bất kỳ phương cách nào của bạn, thì bạn sẽ phải làm sao? Nếu sau khi chúng ta đã kiên nhẫn đề nghị, thậm chí thẳng thắn ra lệnh mà chúng vẫn khư khư từ chối, thì những tình huống này có thể biến thành một trận chiến của ý chí. Chúng ta gọi đó là sự khinh lờn.
 

        Sự khinh lờn là công khai chống lại (phản kháng) và thách thức trước thẩm quyền, đặc biệt là thẩm quyền của cha mẹ. Đó là thái độ bướng bỉnh không chịu vâng lời. Cũng giống như những hành vi sai quấy khác, sự khinh lờn là điều không thể chấp nhận được. Trong những lúc như thế thì biện pháp có thể làm là sử dụng hình phạt. Dù chúng ta có làm gì chăng nữa thì những tình huống như thế vẫn xảy ra. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ phải cố gắng hạn chế những xung đột đáng tiếc. Cha mẹ có thể làm được điều này bằng cách xem xét và đảm bảo những mong đợi của mình đối với con cái phải hợp lý, phù hợp với lứa tuổi, với độ phát triển và khả năng đáp ứng của trẻ, chứ không phải chìu theo tính khí hoặc ý muốn thất thường của con cái. Vâng, có những lúc chúng ta sẽ phải dùng đến hình phạt, nhưng nếu các bậc cha mẹ vốn là những người thường xuyên tìm đến biện pháp đó thì tốt hơn họ nên xem lại mối quan hệ của mình với con cái và những gì họ mong đợi trong trường hợp như đã nêu trên.
 

        Khi trẻ tỏ ra khinh lờn thì không có nghĩa là cha mẹ phải tất yếu sử dụng đến hình phạt. Thật vậy, việc sử dụng hình phạt không đúng thời điểm sẽ làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Chẳng hạn, nếu lối cư xử của trẻ mang tính chống đối ngầm, thì việc sửa phạt của cha mẹ có thể khiến chúng càng làm như thế nhiều hơn để khiến cha mẹ phải thất vọng. Hành vi của trẻ sẽ càng lúc càng tệ hơn nếu chúng cứ bị phạt nhiều lần như thế. Xin hãy đọc lại chương 8 “Khi Trẻ Nổi Giận” nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ điều này. Nếu cha mẹ áp dụng hình phạt sai mục đích, nhất là dùng cách đánh đập con mình càng nhiều thì họ sẽ càng nhanh chóng sa vào “cái bẫy hình phạt.” Lúc đó, họ càng phạt nặng con mình bao nhiêu, thì chúng càng hành xử tồi tệ bấy nhiêu.
 

        Những bậc cha mẹ khôn ngoan có thể tránh được “cái bẫy hình phạt” khi chỉ xem đó như một phương án cuối cùng. Những bậc cha mẹ thực sự yêu thương con sẽ sử dụng những cách nhẹ nhàng để điều chỉnh hành vi của trẻ, trước hết là bằng lời yêu cầu, giải thích, “vận dụng những cử chỉ nhẹ nhàng” rồi mới đến việc sử dụng mệnh lệnh bằng một giọng dễ nghe. Nếu không thành công, cha mẹ nên dùng cách ngồi riêng với con mình, tìm một nơi để giúp trẻ có thời gian để lấy lại bình tĩnh và hiểu ra mọi chuyện. Biện pháp này hầu như luôn hữu hiệu. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trẻ vẫn có thể tỏ thái độ khinh lờn. Nếu như cha mẹ chịu khó kiên nhẫn và vẫn vui lòng thực hiện những cách nêu trên để điều chỉnh cách cư xử của con mình thì họ sẽ giúp chúng không còn cư xử theo lối chống đối ngầm nữa. Họ sẽ tránh được cái bẫy hình phạt và biết thận trọng sử dụng hình phạt hơn.
 

        Bạn hãy tưởng tượng một trường hợp trẻ thực sự tỏ ra khinh lờn và thái độ khinh lờn của trẻ lại không liên quan đến tình trạng của bể chứa cảm xúc, cũng không phải là do vấn đề về sức khỏe. Sau khi cha mẹ đã vận dụng “những thao tác nhẹ nhàng”, những lời giải thích, và cả mệnh lệnh (những lời chỉ thị cương quyết) mà trẻ vẫn tiếp tục khinh lờn (tôi xin nhắc lại một lần nữa là trường hợp này khá hiếm, nhưng nếu nó có xảy ra, bạn hãy xem lại để chắc chắn rằng mình đã thử làm tất cả cách khác trước khi quyết định sử dụng hình phạt). Trong trường hợp như thế chúng ta phải phạt trẻ, nhưng phạt thế nào mới là đúng, mà tôi gọi là sửa phạt thích hợp?
 

        Quý thính giả thân mến,
 

        Không dễ để tìm được một cách sửa phạt thích hợp. Tại sao vậy? Bởi vì hình phạt phải tương xứng với mức độ phạm lỗi của trẻ. Trẻ em rất nhạy cảm khi cha mẹ sửa phạt không công bằng hoặc khắt khe. Trẻ có thể nhận ra những lúc cha mẹ cư xử quá đáng hoặc quá khắt khe với chúng. Trẻ cũng có thể nhận ra những lúc cha mẹ quá dễ dãi trước những việc làm sai quấy của chúng. Chúng cũng có đủ khả năng để nhận ra thái độ đối xử thiếu công bằng của cha mẹ đối với chúng và những người khác trong nhà, nhất là với anh chị em ruột. Chính vì vậy, cha mẹ phải cương quyết với con cái của mình, luôn đòi hỏi phải có những hành vi đúng mực và đừng ngại bày tỏ tình thương đồng thời với sự kỷ luật (dạy dỗ). Tuy nhiên, cha mẹ cũng phải biết linh động, nhất là những lúc phải dùng đến hình phạt.
 

        Cha mẹ cũng có lúc phạm phải sai lầm. Nếu bạn cho rằng cha mẹ không được thay đổi những hình thức kỷ luật của mình một khi đã đưa ra quyết định thì bạn đã tự đưa mình vào ngõ cụt. Cha mẹ hoàn toàn có thể thay đổi quyết định của mình, có thể tăng hoặc giảm bớt mức độ hình phạt (nhưng nên nhớ rằng biện pháp đánh đập có một đặc điểm rất bất lợi là khi đã sử dụng cách này, bạn sẽ không thay đổi gì được nữa).
 

        Thông thường, cha mẹ sẽ không muốn thay đổi quyết định quá mau chóng, để họ không trở thành người hay thay đổi và khiến con cái phải hoang mang. Chẳng hạn như khi cha mẹ đã quyết định sẽ phạt nhốt con vào phòng ngủ một giờ đồng hồ, rồi sau đó mới thấy rằng có những cách xử lý khác nhẹ nhàng, họ vẫn có thể giải thích cho con hiểu và giảm nhẹ hình phạt cho nó. Nếu đã lỡ phạt con bằng những hình phạt quá đáng thì tốt nhất là cha mẹ nói lời xin lỗi con mình và cố gắng tìm cách giải quyết tình huống cho đúng.
 

        Cha mẹ cần phải linh hoạt trong việc thay đổi những biện pháp xử lý với con mình cũng như nói lời xin lỗi con trẻ khi cần. Việc thỉnh thoảng phải thay đổi quyết định và xin lỗi lẫn nhau là một việc làm cần thiết trong mỗi gia đình.
 

        Linh hoạt trong việc thay đổi biện pháp kỷ luật (dạy dỗ) cho thích hợp và có sự cương quyết là hai vấn đề khác nhau. Cả hai điều đó đều cần thiết. Trước hết, chúng ta cần thể hiện sự cương quyết của mình qua việc trông đợi sự đáp ứng con cái trước những yêu cầu của chúng ta. Nếu những mong đợi của chúng ta quá cứng nhắc (chẳng hạn như muốn một đứa trẻ hai tuổi phải đáp ứng ngay từ lần yêu cầu đầu tiên) thì đó là một sự mong đợi hết sức vô lý. Một đứa trẻ hai tuổi bình thường tất yếu sẽ không thể cư xử đúng mực mà chỉ có thể cãi lời hoặc tỏ ra bướng bỉnh. Đó là một điều hết sức bình thường trong quá trình phát triển của chúng. Hãy gọi đó là “sự tiêu cực của tuổi lên hai”. Ở đây, chúng ta không cần dùng đến hình phạt. Nếu cha mẹ của trẻ thật sự yêu thương con mình, họ vẫn có thể tỏ ra cương quyết trong một giới hạn nào đó nhưng nhất thiết không được dùng đến hình phạt. Thay vì sử dụng hình phạt, các phụ huynh này có thể điều chỉnh thái độ cư xử của trẻ một cách nhẹ nhàng bằng vài động tác, ví dụ như nhấc bổng trẻ lên xoay nó một vòng, hướng dẫn hoặc đặt trẻ ở một vị trí thích hợp khác. Đó là cách “vận dụng những thao tác nhẹ nhàng”.
 

        “Sự tiêu cực của tuổi lên hai” là một vấn đề rất quan trọng đối với quá trình phát triển bình thường của một đứa trẻ. Trước hết, trẻ sẽ nói “không” với những yêu cầu của chúng ta rồi cuối cùng, mới chịu thực hiện những gì chúng ta yêu cầu. Đây cũng là một trong những cách chúng ta tự tách mình ra khỏi cha mẹ về mặt tâm lý khi còn nhỏ. Thái độ này có vẻ giống như sự khinh lờn nhưng thật ra nó hoàn toàn khác biệt. Điểm khác biệt giữa “sự tiêu cực của tuổi lên hai” và sự khinh lờn là thái độ gây gổ, nổi loạn. Trẻ hay cãi lời ở tuổi lên hai là chuyện bình thường và không đáng bị sửa phạt. Nhưng thái độ khinh lờn gây gổ là điều cha mẹ không được chấp nhận mà phải nhanh chóng giải quyết điều đó. Ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ cũng có thể mắc phải “sự tiêu cực của tuổi lên hai.”
 

        Khi lớn thêm một chút, trẻ sẽ đáp ứng tốt hơn với những lời yêu cầu của cha mẹ. Đến khi trẻ được bốn tuổi rưỡi trở lên, cha mẹ mới mong nhận được sự đáp ứng của trẻ ngay từ lời yêu cầu đầu tiên (mốc thời gian này khác nhau tùy thuộc vào từng đứa trẻ). Tôi hết sức mong muốn con mình sẽ chịu nghe lời ngay trong lần đầu tiên tôi yêu cầu. Nếu các con tôi không đáp ứng, thì chúng biết là tôi vẫn sẽ có cách để bắt chúng thực hiện yêu cầu đó. Dĩ nhiên, con cái vẫn được quyền đưa ra những ý kiến của mình liên quan đến lời yêu cầu khi chúng có thắc mắc. Tuy nhiên, nếu tôi vẫn giữ nguyên lời yêu cầu, thì các con tôi phải hiểu rằng đó là việc chúng phải thực hiện theo.
 

        Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ ở đây là sự cương quyết không đồng nghĩa với sự khắt khe. Chúng ta phải cương quyết trong những mệnh lệnh để nói lên ước muốn của mình và trong cách thể hiện những mong muốn đó. Tuy nhiên, mọi việc sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta thực hiện điều đó bằng một thái độ vui vẻ. Sự cương quyết cộng với tình yêu thương không bao hàm sự nóng giận, to tiếng, chuyên quyền hay khắt khe.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Trẻ cần được yêu thương theo nhiều cách cùng một lúc. Chúng cần có những ánh mắt, những cử chỉ, sự quan tâm chú ý và cả sự kỷ luật. Trẻ cần nhận được sự yêu thương bên cạnh sự cương quyết của cha mẹ. Chúng ta không nên tách biệt hai điều nói trên. Trở nên cương quyết không có nghĩa là phủ nhận tình thương và việc bày tỏ tình thương đối với con cái không làm mất đi tính cương quyết của bố mẹ hoặc khiến họ trở nên những người dễ dãi với con cái. Tình thương không phải là nguyên nhân làm cho chúng ta mất đi sự cương quyết hoặc trở nên dễ dãi.
 

        Khi các bậc cha mẹ đã cẩn thận dùng đủ mọi cách để thể hiện tình thương trước khi kỷ luật con cái mà chúng vẫn ngoan cố khinh lờn thì chắc chắn họ phải dùng đến hình phạt. Cha mẹ phải loại bỏ thái độ khinh lờn của trẻ. Việc sửa phạt phải đủ nghiêm khắc để loại trừ thái độ khinh lờn nhưng cũng phải đủ mềm mỏng để ngăn ngừa những vấn đề mà chúng ta đã nhắc đến ở các phần trước. Nếu chỉ cần đưa ra một mệnh lệnh hay một lời giải thích là đủ để loại trừ thái độ khinh lờn thì tại sao chúng ta lại cần phải quá mạnh tay với con cái mình? Nếu chỉ cần bảo chúng vào phòng riêng một lúc hoặc lấy đi một số quyền lợi nào đó của chúng là đủ để dập tắt sự khinh lờn thì chúng ta hãy làm như vậy. Nên nhớ rằng việc đánh phạt đôi khi cũng cần để loại trừ thái độ khinh lờn của trẻ nhưng đó chỉ là phương án cuối cùng.
 

        Một vấn đề nữa trong việc sửa phạt là hình phạt dành cho đứa trẻ này có thể là nhẹ đối với đứa trẻ khác. Ví dụ như một trong hai đứa con trai của tôi nhạy cảm hơn đứa còn lại. Hình phạt nghiêm khắc nhất đối với nó là bị bắt ở trong phòng. Đối với nó hình phạt này còn nặng nề hơn việc đánh đập. Trong khi đứa con trai còn lại của tôi thì lại xem hình phạt đó là rất nhẹ nhàng. Mỗi đứa một cách.
 

        Một vấn đề nữa là cách cha mẹ sửa phạt con cái và mức độ nghiêm khắc của hình phạt thường phụ thuộc vào cảm xúc của các bậc cha mẹ tại thời điểm đó. Khi cha mẹ đang vui vẻ, phấn chấn, đầy sự yêu thương thì dường như cách họ sửa phạt con cái hoàn toàn khác và ít nghiêm khắc hơn những lúc họ đang gặp buồn phiền, bực dọc. Tất nhiên điều này sẽ dẫn đến cách kỷ luật không nhất quán và đem đến những hậu quả không tốt cho trẻ. Vì vậy, tôi khuyên các bậc cha mẹ nên hội ý với nhau hoặc với bạn bè để tìm ra cách sửa phạt thích hợp cho mỗi đứa trẻ khi chúng phạm lỗi. Khi cha mẹ thật bình tĩnh, sáng suốt và hiểu được vấn đề thì hãy đưa ra quyết định.
 

        Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện sửa phạt con cái trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Dr. Ross Campbell

Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn