09:18 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 17

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 16


Hôm nayHôm nay : 4558

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270598

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000005

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Chương 8: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu

Thứ ba - 05/12/2017 19:56
Chương 8: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu

Chương 8: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã chấm dứt Chương Bảy trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ tám dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu.

              
              Kính thưa quý độc giả,

              Tuần qua chúng ta đã chấm dứt Chương Bảy trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu chương thứ tám dưới Chương Đề: Sự Tự Nhủ - Nỗi Lo Lắng và Mối Lo Âu. Có thể khẳng định, rằng mỗi người chúng ta, đã từng ít nhất là một lần trong đời, lo lắng hay lo âu về một điều gì đó. Bạn có thể cho tôi biết bạn lo lắng về điều gì không? Bạn lo lắng về tiền bạc? Hay con cái trong gia đình? Hoặc lo lắng về cha mẹ? Sức khỏe hay vẻ bên ngoài của bạn? Bạn có đang lo lắng về tương lai của mình không? Hay bạn lo lắng về sự bấp bênh của công ăn việc làm hiện nay? Phải chăng đôi lúc bạn cũng lo lắng về việc bản thân mình chẳng có điều gì để phải lo lắng cả? Hoặc có thể bạn không phải là người vốn lo lắng trong gia đình — bạn giao hết mọi thứ lo lắng ấy cho người phối ngẫu của mình.

              Có người đã định nghĩa lo lắng là “lo âu mà không làm gì cả.” Đó là một định nghĩa khá hay, bởi vì thật ra chúng ta không thể làm gì về những nỗi lo lắng của mình, bởi chúng đều là những việc của tương lai. Và ngoài ra, hầu hết mọi thứ chúng ta lo lắng đều là những việc chúng ta không có khả năng kiểm soát được, hoặc, ít ra là những điều chưa chắc sẽ xảy ra.

              Bởi vì những việc chúng ta lo lắng thường không xảy ra, nên khuynh hướng suy nghĩ khá vô lý của chúng ta dẫn chúng ta đến chỗ tin rằng, bằng cách này hay cách khác, qua việc lo lắng của mình, chúng ta ngăn cản những sự kiện đó không xảy ra. Và rồi điều đó chỉ làm tăng thêm những nỗi lo sợ của chúng ta về điều “có thể” xảy ra, đặc biệt là nếu chúng ta sẽ phải thôi lo lắng. Chúng ta thật sự đang lo lắng về những việc chẳng có gì để phải lo lắng cả.

              Sự lo lắng có khuynh hướng làm tê liệt chúng ta. Chúng ta cảm thấy bất lực, nản lòng, không đủ khả năng để kháng cự lại một biến cố nào đó ở ngoài tầm kiểm soát. Khi tra ngữ nghĩa của từ ngữ “lo lắng” trong tự điển, tôi thấy rằng nó phát xuất ra từ một chữ trong tiếng Anh cổ xưa, có nghĩa là “bóp nghẹt, đè nén, hay làm chết ngạt.” Có lẽ đó là cách mà từ ngữ lo lắng được gắn chặt với cảm giác về tình trạng bất lực này. Khi chúng ta lo lắng, chúng ta đang đè nén hay bóp nghẹt những cảm xúc của mình, ngăn cản bất cứ sự tuôn tràn nào của tiềm năng sáng tạo trong đời sống mình.

              Sự lo âu cũng tương tự như lo lắng, ngoại trừ việc lo âu không có một đối tượng cụ thể. Chúng ta hầu như không phân biệt được giữa sự lo lắng hay lo âu. Ví dụ, đôi khi chúng ta nhìn thấy Linus, nhân vật trong cột tranh khôi hài của Peanuts, đang lang thang đây đó như thể cậu ta bị lạc. Cậu không đứng yên được. Cậu đang trải nghiệm sự lo âu. Khi cậu di chuyển tới lui không mục đích với vẻ ngây dại trên gương mặt, thình lình cậu trở nên có ý thức về lý do vì sao mình lo âu. Chiếc mền của cậu đang bị thất lạc! Với sự khám phá ấy, nỗi lo âu của cậu trở thành lo lắng. Những nỗi lo sợ của cậu giờ đây có một đối tượng. Vì thế cậu lo lắng về số phận chiếc mền của mình cho đến khi cậu lại tìm thấy nó.

              Kính thưa quý độc giả,

              Một trong những khó khăn chúng ta gặp phải trong sự lo lắng của mình, đó là việc tách biệt việc lo lắng ra khỏi mối quan tâm chân thật. Chúng ta thường biện hộ cho khuynh hướng lo lắng của mình như là một hình thức của việc chăm sóc. Chúng ta chăm lo quá nhiều cho con cái của mình đến độ chúng ta thấy việc lo lắng về chúng là điều tự nhiên. (Có lẽ đó là lý do vì sao phụ nữ có khuynh hướng là những người hay lo lắng, bởi vì vai trò của họ thường được định nghĩa là vai trò chăm sóc.)

              Nhưng việc chăm sóc và quan tâm lại rất dễ dàng chuyển thành sự lo lắng và lo âu. Ranh giới tách biệt hai điều này thường khó được xác định. Sự quan tâm có thể được định nghĩa như một cảm giác vốn thôi thúc chúng ta hành động. Mặt khác, sự lo lắng lại làm tê liệt chúng ta. Sự quan tâm tập trung vào hành vi cư xử và các sự kiện có thể kiểm soát được; trong khi đó sự lo lắng tập trung vào các sự kiện và hành vi cư xử vốn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta.

              Sự lo lắng thật ra là một nỗ lực để kiểm soát tương lai. Y hệt như mặc cảm tội lỗi là một nỗ lực để tạo hình lại quá khứ, sự lo lắng là sự thôi thúc mang tính thần thánh hướng tới tương lai, nỗ lực để hình thành nó theo cách chúng ta muốn. Dĩ nhiên, việc kiểm soát tương lai thì cũng không khả thi đối với chúng ta, y như việc tạo hình lại quá khứ. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục khư khư trong nỗ lực đó.

              Trong chương trước chúng ta đã vẽ một trục thời gian và cho thấy mặc cảm tội lỗi có liên hệ với quá khứ và ảnh hưởng tới hiện tại ra sao. Hôm nay, chúng tôi xin nhắc lại trục thời gian như sau. Bạn hãy vẽ một đường thẳng, với hiện tại là điểm giữa của đường thẳng. Quá khứ nằm bên trái của đường thắng, và tương lai nằm bên phải của đường thẳng ấy. Trong chương trước, chúng ta đã đề cập đến mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi thường gắn liền với những cảm giác giận dữ và ngã lòng và luôn liên hệ với quá khứ. Mọi ví dụ về mặc cảm tội lỗi đều chứa đựng một điều đòi hỏi nên hay không nên làm. Mặc cảm tội lỗi đưa chúng ta xa khỏi hiện tại, trở về với quá khứ, trong một nỗ lực để sửa đổi lại quá khứ. Chúng đẩy chúng ta ra khỏi hiện tại và giam giữ chúng ta trong quá khứ.

              Hôm nay, chúng ta có thể hoàn tất trục thời gian ấy ngay bây giờ bằng cách kéo dài mũi tên vào tương lai dưới hình thức của sự lo lắng và lo âu. Trên trục thời gian này, lo lắng và lo âu nằm giữa thời điểm hiện tại và tương lai.

              Kính thưa quý độc giả,

              Dĩ nhiên, đôi lúc những cảm giác của chúng ta bị lẫn lộn. Chúng ta có thể gán sự lo lắng cho những sự kiện trong quá khứ. Hoặc chúng ta cố gắng cảm thấy mặc cảm tội lỗi đối với một sự kiện nào đó có thể xảy ra trong tương lai. Kết quả của việc lẫn lộn này là sự lo âu—những nỗi lo sợ không phân biệt được. Nỗi lo âu gia tăng trừ khi chúng ta phân loại những cảm giác của mình và gán cảm giác thích hợp cho khoảng thời gian thích hợp.

              Chúng ta đã thấy trong chương nói về mặc cảm tội lỗi cách thức những cảm giác không kiểm soát được ấy trở về trong hiện tại, khiến chúng ta tạo nên những tiêu chuẩn hành vi cư xử mới và cao hơn. Chúng ta trở nên thận trọng, tỉ mỉ hơn và thêm vào bảng liệt kê những điều “nên làm” hay “cần phải làm” của mình. Rồi chúng ta lấy những ý tưởng này và mở rộng chúng vào tương lai, lo lắng về khả năng có thể vi phạm những tiêu chuẩn, những sự đắn đo, lưỡng lự, hay những điều “nên làm” hay “cần phải làm” này. Trong quá trình đó, chúng ta nghĩ đến quá khứ và tương lai quá mức, đến nỗi cuối cùng chúng ta thấy mình bị tê liệt trong thời điểm hiện tại.

              Chẳng hạn như, bạn thấy mình đang lo lắng về việc tìm được một việc làm. Trong sự Tự-Nhủ của mình, bạn nói một điều gì đó như thế này:

  • Nếu như mình không thể tìm được một việc làm thì sao?
  • Nếu như mình tiêu xài hết số tiền để dành của mình thì sao?
  • Mình phải tìm một việc gì đó để làm và kiếm ra tiền!
  • Thật không công bằng là mình đã mất việc làm!
  • Mình phải làm việc!

              Điều Tự-Nhủ đầy lo lắng này của bạn trong hiện tại đã đưa nhu cầu cần có một việc làm lên thành một điều tuyệt đối. “Mình phải tìm được một việc làm!” Bạn sẽ không chấp nhận bất cứ chọn lựa nào khác! Bạn bị rơi vào sự lo lắng đến nỗi cuối cùng bạn bị mắc bẫy trong hiện tại. Bạn hầu như không thể lê chân ra khỏi nhà để tìm một việc làm.

              Hoặc có thể bạn đang lo lắng về việc có đủ tiền. Sự Tự-Nhủ đầy lo lắng của bạn có thể sẽ là những câu nói như:

  • Nếu như mình không thể chi trả tất cả các hóa đơn của mình thì sao?
  • Nếu như mình ngã bệnh và không thể làm việc thì sao?
  • Việc lạm phát thật kinh khủng! Nó nuốt hết mọi tiền bạc của mình!
  • Mình phải có một việc làm lương cao hơn để tích lũy lại tiền tiết kiệm mới được!
  • Nếu như mình rơi vào một tình huống khẩn cấp thì sao?
  • Nếu như chủ nhà tăng tiền thuê nhà của mình lên thì sao? Làm sao mình có thể trả được tiền thuê nhà đây?

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục phân tích thêm về tình trạng bất lực của bản thân trong hiện tại, khi chúng ta quá lo lắng và lo âu về những điều hầu như ít có khả năng xảy ra trong tương lai, và làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi những nỗi lo âu đó. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn