22:39 EDT Thứ bảy, 04/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 73

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 70


Hôm nayHôm nay : 11494

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 41112

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23050145

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Sa Lầy

Sa Lầy

“Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, Chẳng đứng trong đường tội nhân, Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi Thiên 1:1).

Xem tiếp...

Như Hạt Mưa Sa

Thứ hai - 27/11/2017 20:18
Như Hạt Mưa Sa

Như Hạt Mưa Sa

Kính thưa quý độc giả, Chắc chắn quý vị vài đôi lần được nghe mẹ, dì, cô hay bà nội, bà ngoại hay những bà lớn tuổi trong họ hàng kể cho nghe về số phận hẩm hiu của họ, của những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời xưa.



               Kính thưa quý độc giả,

               Chắc chắn quý vị vài đôi lần được nghe mẹ, dì, cô hay bà nội, bà ngoại hay những bà lớn tuổi trong họ hàng kể cho nghe về số phận hẩm hiu của họ, của những người phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời xưa. Người đàn bà ngày xưa không được đi học đến nơi đến chốn như nam giới, vì bổn phận của họ bị trói buộc thật chặt chẽ trong gia đình, như luật “tam tòng” đã quy định là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

               “Tại gia tòng phụ” có nghĩa là sinh ra trong gia đình để hầu hạ và tuyệt đối phục tùng cha mẹ. Khi đến tuổi lập gia đình thì “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”; hôn nhân là do cha mẹ sắp xếp chứ không có quyền lựa chọn.

               “Tại gia tòng phu” là khi người con gái về làm dâu nhà chồng, thì nàng thuộc quyền quản trị của gia đình chồng, dẫu có thương cha nhớ mẹ ruột, dầu chẳng phải xa xôi, cách trở gì, đôi khi chỉ cách một cánh đồng hay con sông, mà cũng không sao về thăm được, cho nên mới có câu ca dao buồn não ruột:

               Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
               Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.

               Vì khi một người con gái lấy chồng là không còn thuộc về cha mẹ ruột nữa, mà thuộc về nhà chồng, nên người ta thường mai mỉa “nữ sanh ngoại tộc” là vậy.

               Còn “phu tử tòng tử” có nghĩa là nếu lỡ chồng qua đời sớm, thì người con gái phải ở vậy mà thờ chồng, nuôi con cho đến hết đời người.

               Mà thật vậy, xã hội Việt Nam ngày xưa “trọng nam khinh nữ”, cho nên chúng ta thường nghe nói “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, có nghĩa là sinh ra một đứa con trai còn đáng quý, còn đáng kể hơn là sinh ra mười đứa con gái. Cho dầu cô con gái có sinh ra trong gia đình quyền quý hay giàu có, ruộng đất nhiều đến “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” thì cô gái vẫn không được cho đi học hành đến nơi, đến chốn vì phụ nữ là để lo việc nữ công, gia chánh, còn chốn công đường, ngoài xã hội là chỗ để dành cho các bậc “nam nhi chi chí” mà thôi. Các cô khi gắng công đèn sách để sánh vai với nam giới, thì bị miệt thị là “học để đọc tiểu thuyết và viết thư tình cho trai, chứ có ích lợi gì”!

               Bị cấm đoán ngoài xã hội, người phụ nữ Việt Nam ngày xưa còn chịu đựng bao cảnh bất công trong đời sống vợ chồng, khi người chồng có quyền hành tuyệt đối trong gia đình, như người ta thường mô tả là “chồng chúa vợ tôi”. Lại nữa, xã hội cho phép tình trạng đa thê, như luật bất thành văn có nói “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” và tình trạng này đã đẩy người phụ nữ Việt Nam ngày xưa rơi vào những cảnh “chồng chung” thật phủ phàng và cay đắng.

               Người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không có quyền quyết định về cuộc đời, hôn nhân, tương lai và niềm hạnh phúc cho mình, nhưng chỉ trông chờ vào sự rủi may của số phận mà thôi, như ca dao có ghi lại:

               Thân em như hạt mưa sa,
               Hạt rơi giếng ngọc, hạt ra ngoài đồng.

               Quý độc giả thân mến,

               Xã hội Việt Nam ngày xưa “trọng nam khinh nữ” đã đành, nhưng thật là ngạc nhiên vì tình trạng này vẫn còn rất phổ biến ngay tại thời đại ngày nay ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

               Thứ nhất là tại Trung quốc, chính quyền hạn chế sinh đẻ, mỗi gia đình chỉ được có một đứa con mà thôi. Với truyền thống “trọng nam khinh nữ”, người ta vẫn chọn đẻ con trai hơn là con gái, khiến cho Trung quốc hiện nay bị lâm vào tình trạng “trai thừa gái thiếu” thật trầm trọng. Thống kê vào cuối năm 2007 cho biết tại đất nước đông dân nhất thế giới này, hiện nay có khoảng 50 triệu chàng trai đã đến tuổi lập gia đình sẽ không bao giờ kiếm được vợ, vì đàn ông nhiều hơn đàn bà tới 20%, hay nói một cách khác, thì cứ 120 chàng thì chỉ có 100 nàng mà thôi.

               Thứ nhì là tại các quốc gia thuộc vùng Trung Đông, với một tập tục còn rất phổ biến, đó là để bảo toàn danh dự cho gia đình, cha mẹ ruột có quyền giết con gái mình, nếu cô này lỡ mang thai ngoài hôn nhân. Điều đáng buồn là phụ nữ tại các quốc gia này bị xem rất rẻ, đời sống của họ nằm dưới quyền quản chế chặt chẽ của người cha, người anh, người chú trong gia đình hay gia tộc và những người hãm hiếp họ, thường không ai khác chính là những người đàn ông ngay trong gia đình của họ.

               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu trong thời đại này còn có rất nhiều nơi, người phụ nữ bị xem rẻ đến như vậy thì thân phận người phụ nữ cách đây vài ngàn năm thật rất hẩm hiu. Ông tổ y khoa Hippocrates, vào 337 trước Công Nguyên, đã cho rằng: “Đàn bà thì kém hoàn hảo hơn đàn ông”, hay như Aristotle, nhà triết học lừng danh của thế kỷ thứ 4 trước Chúa Giáng Sinh, đã đưa ra lời nhận định: “Phụ nữ cũng giống như một dạng thức bị méo mó của đàn ông”, còn hoàng đế Augustus của đế quốc La-mã đã công bố rằng, đàn bà không có quyền cáo buộc chồng khi phạm tội ngoại tình. Tuy vậy, trong đế quốc La-mã, người vợ sẽ bị trừng phạt nặng nề, thường là xử chết, dưới luật “patria potestas”, có nghĩa là đàn ông trong gia đình được trao trọn quyền xét xử, cho phép sống hay bắt phải chết. Xã hội Do Thái cũng trọng nam khinh nữ không kém, vì người đàn ông Do Thái thường cầu nguyện như sau “Lạy Thượng Đế, thứ nhất con cảm ơn Ngài vì con sinh ra là người Do Thái. Thứ nhì, cảm ơn Ngài vì con sinh ra là người đàn ông, chứ không phải đàn bà”.

               Chính trong bối cảnh xã hội thời xưa, khi người phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền tự do và nhân phẩm bị chà đạp trắng trợn, thì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hạ sinh làm người. Ngài đã phản ứng như thế nào trước thảm cảnh này? Chúa Giê-xu không hô hào cách mạng hay làm chính trị, nhưng qua cách giao thiệp và đối xử đầy nhân ái với những người phụ nữ trong đời sống mỗi ngày, Chúa Giê-xu đã bác bỏ tất cả những thành kiến cổ xưa và thay đổi hoàn toàn những thảm cảnh bất công trên người phụ nữ.

               Một ngày kia, khi dân chúng đang chen lấn chung quanh Ngài, thì có một người đàn bà bị bệnh băng huyết mười hai năm, rất khổ sở vì đã chạy lắm thầy thuốc, nhưng tiền mất mà tật vẫn còn mang, bèn chen đến để đụng vào áo Ngài, mong được chữa lành. Theo luật Do-Thái thời đó, người đàn bà này bị xem là ô uế và hành động của bà đã xúc phạm đến Chúa Giê-xu. Nhưng khi nhận ra người đàn bà bị bệnh này đụng vào áo của mình, Chúa Giê-xu đã quay lại và nói: “Con ơi, đức tin con đã chữa cho con lành. Con về nhà bình an, mạnh khỏe” (Mác 5:34)

               Sứ đồ Giăng có ký thuật lại rằng một ngày nọ, khi Chúa Giê-xu đang giảng dạy trong Đền Thờ, thì các thầy luật và tu sĩ Do-Thái đem đến trước Ngài một thiếu phụ bị bắt quả tang về tội ngoại tình. Theo luật thời bấy giờ, người ta chuẩn bị đem xử tử nàng bằng cách ném đá cho đến khi nàng chết. Thế nhưng Chúa Giê-xu đã biến phiên tòa xét xử người thiếu phụ thành phiên tòa xét xử lương tâm của mọi người, khi Ngài hỏi đám đông: “Trong các ông, người nào vô tội hãy ném đá chị ấy trước đi!” (Giăng 8:7). Mọi người sau khi nghe câu hỏi ấy, đã lần lượt bỏ đi, người thiếu phụ được cứu sống và đạ ăn năn vi phạm của mình sau đó. Đây là lần đầu tiên trong một xã hội cổ xưa khắt nghiệt với phụ nữ, một thiếu phụ bị bắt phạm tội ngoại tình mà lại thoát chết. Không những tình yêu của Chúa Giê-xu đã cứu nàng thoát chết nhưng cũng biến đổi nàng thành một con người mới nữa.

               Người phụ nữ được vinh dự góp phần quan trọng trong đời sống và chương trình cứu rỗi nhân loại của Cứu Chúa Giê-xu. Chính nàng trinh nữ Ma-ri được Thiên Chúa lựa chọn để mang trọng trách sinh hạ Cứu Chúa của nhân loại. Khi Chúa Giê-xu bị xử tử trên thập tự, các nam môn đệ lẫn trốn vì sợ hãi, chỉ còn lại nhóm phụ nữ chứng kiến việc chôn cất và chuẩn bị các hương liệu để ướp xác Ngài. Sau khi Chúa Giê-xu bị chôn trong mồ ba ngày, chính các phụ nữ là người đi thăm mộ đầu tiên và được thiên sứ báo tin về sự sống lại của Cứu Chúa Giê-xu. Sau khi phục sinh từ cõi chết, Ngài đã hiện ra với quý bà trước tiên. Chính các bà là những người đầu tiên loan tin và dẫn đường cho các nam môn đệ đi đến tìm Ngài tại ngôi mộ trống. Đây thật là một sự việc ly kỳ, một vinh dự lớn lao mà Chúa Cứu Thế ban cho quý bà, trong một xã hội Do-thái xem rẻ người phụ nữ biết là dường bao.

               Sau khi Cơ-đốc giáo được lan rộng, lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ được tham dự trong các vai trò lãnh đạo trong hội thánh, như Áp-bi tại hội thánh tư gia tại Cô-lô-se, Nim-pha tại Lao-đi-xê, Phê-bê làm nữ chấp sự của hội thánh Xen-cơ-rê, Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ làm nữ chấp sự hội thánh Phi-líp vv.

               Khác hẳn với cảnh “chồng chúa vợ tôi” hay “phu xướng phụ tùy”, sứ đồ Phao-lô đã đưa ra lời khuyên trong bổn phận của người chồng như sau: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Lời khuyên này đã nâng người phụ nữ trong gia đình lên địa vị thật cao quý, vì tình chồng yêu vợ phải bao la, đầy trọn, tận hiến như tình yêu của Đức Chúa Trời, đã hy sinh chính mạng sống của Con Một của Ngài, để cứu rỗi nhân loại.

               Kinh Thánh với lời ký thuật về cách sống và lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu, đã ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều nền văn hóa trong cách đối xử với phụ nữ. Vào năm 374, hoàng đế Valentinian Đệ Nhất, cũng là một Cơ-đốc nhân, đã hủy bỏ luật “patria potestas” là luật cổ xưa của đế quốc La-mã, cho phép người đàn ông toàn quyền sanh sát trên vợ con và nô lệ trong gia đình. Năm 1829, chính quyền Ấn-độ, dưới ảnh hưởng của Cơ-đốc giáo, đã hủy bỏ luật “suttee”, tức là “hỏa thiêu” người góa phụ trong lễ an táng của chồng. Vào đầu thế kỷ 19, dưới ảnh hưởng của các giáo sĩ phương Tây, tục lệ bó chân các cô gái trẻ tại Trung Hoa cũng được chấm dứt.

               Các quốc gia Tây phương như Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Thụy Sĩ, Pháp vv., là những quốc gia theo Cơ-đốc giáo, đã xây dựng luật pháp trên các điều răn của Kinh Thánh và một điểm nổi bật của các quốc gia này là phụ nữ được hoàn toàn bình đẳng với các ông trong mọi phương diện, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội và nhiều quý bà đã trở nên người lãnh đạo quốc gia. Nếu Chúa Cứu Thế Giê-xu không sanh ra, thân phận của quý bà sẽ cứ mãi tuyệt vọng trong đêm đen, chứ nói chi được làm lãnh đạo, so tài với nam giới. Tiếc thay, còn nhiều nơi trên thế giới ngày nay, khi người ta chưa được biết hay từ chối Chúa Cứu Thế Giê-xu, thân phận của người phụ nữ vẫn còn bó buộc trong luật tam tòng hay bị quản trị khắt khe dưới quyền sinh sát của đàn ông.

               Quý độc giả thân mến,

               Chúa Giê-xu chính là Thiên Chúa Ngôi Hai, hạ sinh để rồi chết thế, đền nợ tội thay cho nhân loại. Trước mặt Ngài, người nam hay nữ đều là những con người quý giá như nhau, do chính tay Ngài sáng tạo nên, như Kinh Thánh có khẳng định: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” (Sáng Thế Ký 1:27)

               Nếu quý vị là một người phụ nữ đang tận hưởng quyền tự do và bình đẳng của nữ giới, hãy cảm ơn con người mang tên Giê-xu, vì chính tình yêu và lối sống của Ngài, cách đây hơn 2000 năm, đã phá tan màn đêm tuyệt vọng, mang lại cho quý vị địa vị tốt đẹp ngày nay. Không những thế thôi, Ngài cũng muốn ban tặng cho quý vị và tôi món quà cứu rỗi, là sự tự do trọn vẹn và vĩnh viễn, tách ra khỏi mọi trói buộc của tội lỗi, khi quý vị bằng lòng mời Ngài bước vào đời sống của mình.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn