12:35 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 15


Hôm nayHôm nay : 5210

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271250

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000657

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Bảng Trắc Nghiệm

Thứ ba - 22/08/2017 21:01
Bảng Trắc Nghiệm

Bảng Trắc Nghiệm

Kính thưa quý độc giả, Tuần vừa qua chúng ta đã bắt đầu Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.


                Kính thưa quý độc giả,

                Tuần vừa qua chúng ta đã bắt đầu Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bị Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chúng ta đã được cho biết rằng những nan đề chúng ta trải nghiệm với sự giận dữ và các đòi hỏi vô lý tương ứng mà chúng ta đưa ra trong sự Tự-Nhủ của mình, cuối cùng sẽ dẫn chúng ta vào sự tranh chiến với tình trạng ngã lòng, chán nản cùng cực đưa đến chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm. Con người thường không nhận biết khi nào họ bị suy nhược thần kinh hay bị bệnh trầm cảm bởi vì chúng ta có nhiều cách để né tránh thực tại về sự suy nhược thần kinh của chính mình. Một số người trốn chạy nó qua việc thường xuyên bận rộn. Họ cứ luôn tất bật từ lúc thức dậy cho đến giây phút họ gieo người xuống giường trong tình trạng kiệt sức vào buổi tối. Một số khác trốn chạy nó qua việc chỉ tập trung vào việc tìm các triệu chứng về thể chất mà thôi. Cho đến khi các bác sĩ bó tay trong việc tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thuộc thể thì họ mới chịu đối diện với sự khả thi của một vấn đề về cảm xúc của bản thân mình.

                Sau đây, chúng tôi xin mời quý độc giả làm một cuộc trắc nghiệm ngắn. Đây là một trắc nghiệm giúp bạn nhận ra mình đang ở đâu trong mối tương quan với sự suy nhược thần kinh. Khi bạn làm trắc nghiệm này, hãy theo dõi kỹ từng mục và đánh dấu chéo vào cột thích hợp nhất với cách bạn cảm nhận trong suốt vài ngày qua. Nếu không chắc chắn, hãy làm theo sự phỏng đoán tốt nhất của bạn. Nếu bạn không thể quyết định được, hãy đánh dấu chéo vào khung phản ảnh cách bạn cảm nhận thường xuyên hơn là không cảm nhận.

                Cột thứ nhất có nghĩa là “Hiếm khi, hoặc nếu từng có”. Cột thứ hai có nghĩa là “Đôi lúc”. Cột thứ ba có nghĩa là “Thường xuyên hay luôn luôn”.

                Trắc nghiệm về sự suy nhược thần kinh hay bị trầm cảm

  Hiếm khi, 
nếu từng có
Đôi lúc Thường xuyên, 
hay luôn luôn
1. Tôi nổi cáu hoặc bực mình.
2. Tôi cảm thấy buồn.
3. Cuộc đời tôi chẳng có gì là vui thú cả.
4. Tôi tự lên án bản thân về những khiếm khuyết 
hay lỗi lầm của mình.
5. Sự thèm ăn của tôi đã thay đổi.
6. Tôi không ngủ ngon lắm.
7. Tôi ít thấy hứng thú về tình dục hơn trước kia.
8. Tôi có mặc cảm tội lỗi.
9. Tôi có ý tưởng muốn tự sát.
10. Tôi lo lắng về các nan đề thuộc thể.
11. Tôi thấy mình khó tập trung.
12. Tôi gặp khó khăn khi phải đưa ra những quyết định.
13. Tôi ước gì mình có thể chết đi.
14. Tôi cảm thấy mình chẳng có gì để trông mong cả.
15. Lúc nào tôi cảm thấy cũng mệt mỏi.

                Giải thích bài Trắc nghiệm về việc suy nhược thần kinh hay bị trầm cảm

                Kính thưa quý độc giả,

                Giờ thì bạn đã làm xong bài trắc nghiệm, hãy đếm số câu trả lời bạn có trong mỗi cột. Các câu trả lời trong cột đầu tiên có giá trị là zero điểm, vì vậy chúng sẽ không ảnh hưởng điểm tổng cộng của bạn. Các câu trả lời trong cột thứ nhì mỗi câu được một điểm, và các câu trả lời trong cột thứ ba mỗi câu được hai điểm. Cộng các điểm cho mỗi cột lại và rồi cộng tất cả điểm trong hai cột lại với nhau để có điểm tổng cộng của bạn. Điểm của bạn càng thấp, thì bạn càng ít suy nhược thần kinh hơn. Số điểm của bạn càng cao, thì sự suy nhược thần kinh của bạn càng trầm trọng hơn. Bạn có thể đánh giá điểm của mình bằng cách sử dụng bảng dưới đây:

Điểm tổng cộng Mức độ Suy nhược thần kinh
0-5 Không có vấn đề về suy nhược thần kinh
6-10 Suy nhược thần kinh nhẹ
11-15 Suy nhược thần kinh vừa phải
16-20 Suy nhược thần kinh trầm trọng
21-30 Suy nhược thần kinh cùng cực

                Nếu điểm của bạn là 11 trở lên, bạn cần tìm kiếm một sự điều trị chuyên môn nào đó cho sự suy nhược thần kinh của mình. Điểm của bạn càng cao, thì bạn càng phải khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ nhiều hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu câu trả lời của bạn cho các câu hỏi sẽ y như nhau trong suốt một thời gian khoảng vài tháng.

                Bạn cũng cần chú ý kỹ đến câu hỏi 9 là “Tôi có ý tưởng muốn tự sát” và câu 13 là “Tôi ước gì mình có thể chết đi”, đặc biệt là nếu một trong hai câu trả lời của bạn cho những câu hỏi này nằm trong cột thứ ba, tức là “thường xuyên, hay luôn luôn”. Những câu hỏi này có liên quan tới bất cứ khuynh hướng tự tử nào bạn có thể đang trải qua và đủ trầm trọng đến mức nếu điểm của bạn là 2 điểm cho một trong hai câu hỏi này, thì bạn phải khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn ngay lập tức. Nếu bạn không thể làm điều đó, bạn cần chia sẻ những ý nghĩ và cảm xúc này với vị mục sư của mình. Vấn đề không phải chỉ là những ý tưởng tự tử bạn đang nhận diện, nhưng những ý tưởng đó cũng là những dấu hiệu chính yếu cho thấy những cảm giác vô vọng của bạn đã trở nên nghiêm trọng biết bao. Chính tình trạng tuyệt vọng này là điều cần được chữa trị.

                Cũng vậy, trong câu hỏi 10 là “Tôi lo lắng về những nan đề thuộc thể”, nếu câu trả lời của bạn nằm trong cột thứ nhì là “Đôi lúc”, hoặc cột thứ ba, tức là “thường xuyên, hay luôn luôn”, thì có lẽ điều quan trọng là bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ y khoa của mình. Sự suy nhược thần kinh có thể gây nên một số triệu chứng về thể chất, nhưng các vấn đề về thể chất có thể đang cho thấy một căn bệnh có thể điều trị được vốn có một trong các triệu chứng của nó là cảm giác suy nhược thần kinh.

                Kính thưa quý độc giả,

                Sự tác động lẫn nhau giữa các khía cạnh thể chất và cảm xúc của sự suy nhược thần kinh luôn gây bối rối. Một số người giải quyết sự suy nhược thần kinh như thể câu trả lời nằm hoàn toàn nơi thuốc men. Đối với một số loại suy nhược thần kinh thì điều cần phải làm là tập trung chính yếu vào việc điều trị. Ví dụ như, một số chứng suy nhược thần kinh hay trầm cảm có tính di truyền. Khi chúng ta nhìn lại phổ hệ của gia đình mình và thấy rằng bố hay mẹ, hoặc cả bố lẫn mẹ đều tranh chiến với chứng suy nhược thần kinh hay bệnh trầm cảm, và có thể là ông bà nội, ông bà ngoại cùng cô, dì, chú, bác cũng đã từng tranh chiến với chứng bệnh này, thì chúng ta có thể thấy chứng cớ rõ ràng của một nền tảng thuộc lãnh vực hóa sinh cho tình trạng suy nhược thần kinh này. Loại suy nhược thần kinh hay bị trầm cảm theo dạng này phải được điều trị bằng thuốc men, giống y như việc bị yếu thị lực thì phải được điều trị bằng cách đeo mắt kính hay kính sát tròng cho các người bị cận thị, viễn thị hay loạn thị.

                Tính chất hóa học của não bộ thật sự thay đổi khi chúng ta suy nhược thần kinh, nhưng đối với hầu hết chúng ta thì vấn đề là điều nào đến trước-những sự thay đổi trong tính chất hóa học của não bộ chúng ta hay nỗi tuyệt vọng về mặt cảm xúc. Tiến Sĩ Aaron Beck, một trong những nhà lý luận gần đây chủ trương phép điều trị sự suy nhược thần kinh bằng cách thay đổi sự Tự-Nhủ của một người, đã phát triển một thí nghiệm thú vị. Ông tuyển chọn một số người đang trải nghiệm những mức độ suy nhược thần kinh như nhau và chia họ ra thành hai nhóm. Một nhóm được điều trị trong mười hai tuần lễ với một loại thuốc chống suy nhược; nhóm kia được điều trị trong mười hai tuần với liệu pháp chỉ tập trung vào sự Tự-Nhủ của họ mà thôi. Nhóm thứ nhì này không dùng thuốc men gì cả. Kết quả của hai cách trị liệu này ra sao sau 12 tuần lễ? Cách trị liệu nào có kết quả khả quan hơn?

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng ta sẽ nghe kết quả của hai cách trị liệu này vào chương trình phát thanh tuần tới. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè.


Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn