09:32 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 4605

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270645

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000052

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Phép Lịch Sự

Thứ hai - 04/09/2017 21:39
Phép Lịch Sự

Phép Lịch Sự

Kính thưa quý độc giả, Có bao giờ chúng ta suy nghĩ hay nhìn xem ở nơi chúng ta đang sống - đó có thể là một thành phố lớn, hay một khu ven ô ngoại thành, một thị trấn tỉnh lẻ hay một ngôi làng miền quê - để coi cư dân ở nơi này có đối xử với nhau một cách lịch sự không?



                Kính thưa quý độc giả,

                Có bao giờ chúng ta suy nghĩ hay nhìn xem ở nơi chúng ta đang sống - đó có thể là một thành phố lớn, hay một khu ven ô ngoại thành, một thị trấn tỉnh lẻ hay một ngôi làng miền quê - để coi cư dân ở nơi này có đối xử với nhau một cách lịch sự không?

                Trong tiết mục “Đời Sống Phước Hạnh” của Phát Thanh Hy Vọng tuần này, chúng tôi xin mời quý vị đến viếng thăm một vài nơi trên thế giới, để xem người ta đối xử với nhau ra sao ở những chỗ khác biệt này.

                Thành phố đầu tiên chúng ta dừng lại là Mexico, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới. Thành phố Mexico đang vào giờ ăn trưa. Một chàng thanh niên theo chân một cô gái mảnh mai, đeo kiếng mát, đang bước vào một nhà hàng. Không thèm để ý đến phía sau, cô gái mở cửa đẩy vào và rồi thả cái cánh cửa nặng quay ngược đóng về phía sau, suýt chút nữa là dập mặt cái anh chàng đang đi theo sau.

                Thành phố thứ nhì chúng ta viếng thăm là Hán Thành, thuộc Nam Hàn. Một phụ nữ đang bước để kiếm mua một cây bút trong một tiệm tạp hóa. Đây chỉ là chuyện mua đồ lẻ tẻ, chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng ông chủ tiệm 56 tuổi lại đon đả đón mời, cũng như dành thời giờ để hướng dẫn người phụ nữ lượt qua tất cả những loại bút viết bày bán trong tiệm. Sau khi người khách hàng mua và trả tiền, ông mở lời cảm ơn một cách tử tế.

                Thành phố tiếp theo chúng ta xem qua là Bá Linh. Mưa gió đang tuôn đổ xuống vùng Nollendorfplatz ngay trung tâm thành phố. Nữ nhân viên địa ốc Nicole Hatzijordanou, khoảng 34 tuổi, vất vả với một cánh tay gãy còn đang bó bột vì bị trượt chân trên tuyết tối hôm qua, đang chen chúc đi tới sở làm sáng nay trong giờ cao điểm. Chợt phía trước cô, một phụ nữ khác đang lỡ tay rớt tập hồ sơ, giấy tờ bay tứ tung trên mặt đường. Hàng chục khách bộ hành đi qua, nhưng chỉ có mình Nicole là chạy tới, nhặt lên và nhẹ nhàng rủ nước khỏi các giấy tờ này. Khi được cảm ơn, cô Nicole nói đùa là “Không sao. Tôi vẫn còn được một cánh tay còn nguyên vẹn mà!”

                Kính thưa quý độc giả,

                Chàng trai suýt bị dập mũi tại Mexico, người phụ nữ mua bút tại Hán Thành, và người phụ nữ lỡ tay đánh rớt tập hồ sơ giấy tờ trên con đường tấp nập của Bá-linh, chính là ba nhân viên của tạp chí Reader’s Digest, đang tham dự trong một cuộc thăm dò toàn cầu, độc nhất vô nhị, do tạp chí này tổ chức, để xem người ta tử tế với nhau đến mức nào ở những nơi khác nhau trên thế giới.

                Từ Phần lan cho đến Thái Lan, từ Paris cho đến Sydney, người ta đang lo ngại là tác phong lịch sự đang trên đà xuống dốc. Trong các hàng quán, nơi công cộng, tuổi trẻ bây giờ không còn biết đến câu “kính lão đắc thọ” như hồi xưa nữa. Nhà văn người Anh, bà Lynn Truss, trong tác phẩm “Talk To The Hand” bán chạy nhất của mình, đã phàn nàn rằng chúng ta đang sống trong “một thời đại lười biếng về đạo đức, cộng với những hành vi xấc xược và hung tợn và những phép lịch sự thông thường dường như đã vắng bóng từ lâu”.

                Nhà văn Lynn Truss có quá bi quan không? Có bằng chứng rõ rệt nào chứng minh người ta đã kém lịch sự đi rồi không?

                Tạp chí Reader’s Digest đã gởi một số phóng viên ngầm, trong đó có mấy chàng và mấy cô, đi tới 35 quốc gia, để xem xét tình hình “lịch sự” tại mỗi quốc gia ra sao. Tại mỗi nơi, các phóng viên này thực hiện ba cuộc trắc nghiệm sau đây:

                - Theo người ta đi vào một tòa nhà công cộng 20 lần, xem thử có ai mở và giữ cửa mở, chờ mình cùng đi vào không.

                - Mua một món đồ vặt, chẳng đáng giá bao nhiêu trong 20 tiệm khác nhau, để xem người bán hàng có mở lời “cảm ơn” khi mình trả tiền không.

                - Làm rớt tập hồ sơ đầy giấy tờ tại 20 địa điểm bận rộn để xem có ai dừng chân lại giúp nhặt lên không.

                Sau khi thực hiện trên 2000 cuộc trắc nghiệm, với thang điểm tối đa là 60 cho mỗi nơi trắc nghiệm, ba thành phố đứng đầu về phong cách lịch sự là New York của Hoa Kỳ, Zurich của Thụy Sĩ và Toronto của Gia Nã Đại. New York là trung tâm đầu não về thương mại và dịch vụ của Hoa Kỳ và cả thế giới, người dân New York bên cạnh cái đầu vĩ đại về thương vụ, họ cũng có trái tim quảng đại. Thành phố New York đứng đầu trong phong cách tử tế, mở và giữ cửa cho người đi sau. Khi phỏng vấn về phong cách lịch sự này, một người New York cho biết là đó thói quen tự nhiên của người ở thành phố này. Riêng ngài cựu thị trưởng New York, ông Ed Koch, không hề ngạc nhiên với kết quả thăm dò trên, khi ông cho biết người dân New York ngày càng tử tế hơn sau biến cố khủng bố 11 tháng 9, cách đây hơn 5 năm. Ông nói “Sau biến cố 11 tháng 9, người dân New York tỏ ra ân cần hơn. Chính dân New York, hơn ai hết, hiểu rằng, đời sống ngắn ngủi là dường bao”

                Thành phố lịch sự thứ nhì là Zurich thịnh vượng của Thụy sĩ. Những người bán hàng ở đây cảm ơn, dầu khách chỉ mua một món đồ chẳng đáng giá bao nhiêu. Cung cách phục vụ khách hàng theo kiểu cổ vẫn còn duy trì ở đây. “Tôi thân thiện với mọi người, bất kể người đó ăn mặc lôi thôi hay khoác áo lông sang trọng” một người bán hàng trả lời phóng viên tạp chí Reader’s Digest sau khi người phóng viên này mua một thỏi chocolate với giá $2. “Tôi phục vụ mọi người tận tình như nhau”.

                Thành phố lịch sự thứ ba là Toronto của Canada. Ở đây, mặc dầu người qua kẻ lại bận rộn, nhưng người ta vẫn dừng lại để nhặt giùm những giấy tờ rớt vung vãi trên đường.

                Bên cạnh ba thành phố trên, những thành phố sau đây được xếp trong 15 thành phố đứng đầu về phong cách lịch sự. Đó là Berlin ở Đức, Sao Paulo ở Ba tây, Zagreb ở Croatia, Aukland ở Tân Tây Lan, Mexico của Mễ Tây Cơ, Stockholm của Thụy Điển, Budapest của Hungary, Madrid của Tây Ban Nha, Prague của Tiệp Khắc, Vienna của Áo Quốc, Buenos Aires của Argentina, Lisbone của Bồ Đào Nha, Luân Đôn của Anh Quốc và Paris của Pháp.

                Kính thưa quý độc giả,

                Cuộc trắc nghiệm của tờ tạp chí Reader’s Digest cũng cho thấy các quốc gia Á Châu là kém lịch sự nhất, với 8 nước đứng cuối bảng đều thuộc về Á Châu. Thành phố Mumbai của Ấn Độ đứng chót, nhất là cách cư xử với khách hàng trong các cửa tiệm rất thiếu lịch sự. Một nữ phóng viên của tờ Reader’s Digest mua một cái kẹp tóc và trả tiền, người bán hàng xoay lưng hẳn đi mà không thèm nói một tiếng sau khi người nữ phóng viên trả tiền. Khi người nữ phóng viên làm rớt giấy trên đường, chẳng ai dừng lại nhặt giùm. Khi phỏng vấn một người qua đường, anh ta cho biết “Đó chẳng là gì cả. Ở Mumbai, người ta còn đạp trên người nào lỡ té xuống đường nữa kìa”. Một điều kinh ngạc mà cuộc trắc nghiệm cho thấy, ở các nước Á Châu, ngoại trừ Hồng Kông, người ta không có thói quen mở và giữ cửa cho nhau, như một phép lịch sự thông thường. Nhưng không chỉ các nước Châu Á, nhưng tại Moscow và Bucharest là những thành phố Âu Châu mà cũng kém lịch sự.

                Là một người Việt định cư tại Úc, dĩ nhiên là tôi rất tò mò muốn biết kết quả dân Úc lịch sự đến cỡ nào. Nước Úc hồi nào đến giờ có tiếng là thân thiện và hay giúp đỡ, vậy mà qua cuộc trắc nghiệm, nước Úc đứng thứ 23 trong 35 nước về phong cách lịch sự. Thật là một kết quả đáng buồn. Chỉ có 65% người Úc mở và giữ cửa cho nhau, 55% người bán hàng tỏ ra tử tế với khách hàng và chỉ có 20% khách bộ hành dừng chân lại để nhặt giùm giấy tờ bị rớt trên đường. Khi người ta phỏng vấn David Meagher, là tác giả của quyển sách “It’s Not Etiquette: A Guide To Modern Manners” (tạm dịch là “Đó Không Chỉ Là Phép Xã Giao: Hướng Dẫn Về Phong Cách Lịch Sự Hiện Đại”), David cho biết “Người Úc rất tà tà. Chính cái tinh thần “không sao đâu, rồi đâu cũng vào đấy cả” đã gây nên sự thiếu nhiệt tâm về lịch sự thông thường, dẫn đến kết quả thật kém trong cuộc thăm dò trên”.

                Là một người Việt, thì bạn cho các thành phố lớn ở Việt Nam bao nhiêu điểm về phép lịch sự, trong thang điểm 60? Còn các khu vực đông người Việt tại hải ngoại thì theo ý bạn được bao nhiêu điểm?

                Kính thưa quý độc giả,

                Phép lịch sự không chỉ dừng lại ở việc giữ cửa cho nhau, nói lời cảm ơn hay nhặt giấy giùm trên đường phố, nhưng đó có thể là giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác, không khạc nhổ bừa bãi, tôn trọng trật tự khi xếp hàng, không chen lấn, không lái xe qua mặt ẩu, không làm ồn ào nơi công cộng, không để điện thoại di động của mình làm phiền người khác trong rạp hát, nhà thờ vv. Phép lịch sự là bao gồm tất cả những hành vi, cử chỉ mà chúng ta tỏ ra tôn trọng và quan tâm đến người khác. Một chuyên gia về xã hội học đã nói như sau: “Phép lịch sự là chất dầu để giúp cho guồng máy xã hội có thể vận hành”. Mà quả đúng như vậy, nơi nào người dân lịch sự, tử tế với nhau, thì nơi đó, xã hội được an ninh và thịnh vượng.

                Khi bàn về cách giao tế mỗi ngày giữa chúng ta và người chung quanh, thì Khổng Tử có nói: “Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác”, còn Ấn Độ giáo có dạy rằng: “Nếu điều chi gây đau khổ cho bạn thì đừng làm cho kẻ khác”. Trong kinh Phật có chép “Đừng làm đau khổ người khác bằng những gì làm bạn đau khổ”, còn ngạn ngữ Ba Tư có ghi “Điều gì gây khó chịu cho bạn, thì đừng làm cho người khác”. Nhà hùng biện Hy lạp Isocrates đã nói: “Điều mà người khác làm cho bạn tức giận thì đừng làm cho người khác”.

                Trong khi những lời khuyên trên thật quý giá, dầu các lời khuyên đó cũng chỉ ở một mức độ tiêu cực là “đừng làm điều này, tránh làm điều kia”, thì Chúa Giê-xu có khuyên một lời thật tích cực như sau: “Các con muốn người ta làm điều gì cho mình, thì hãy làm điều đó cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Hãy nở một nụ cười thân thiện với người khác, người khác sẽ nở lại nụ cười với bạn. Hãy lượm giùm mớ giấy tờ vung vãi cho người khác, rồi có lúc, có người sẽ giúp lại bạn. Hãy nhường đường cho người khác, vì có những lúc khác, bạn cũng cần người khác nhường đường. Thực ra lời khuyên trên của Chúa Giê-xu là một lời tóm tắt quan trọng trong toàn bộ luật tình thương của Thiên Chúa, đó là “tin kính Thiên Chúa và thương mến tha nhân”.

                Kính thưa quý độc giả,

                Không làm tổn hại cho người khác đã là khó rồi, bởi vì bản tính tự nhiên của mỗi con người chúng ta là ích kỷ và chỉ lo nghĩ đến mình trước nhất, chứ đừng mong chi đến việc tự nguyện làm trước một việc nào để giúp đỡ tha nhân. Bạn và tôi chỉ có thể thật sự lịch sự, hào hiệp với người khác, khi bạn bằng lòng mời Chúa Giê-xu đến với tâm hồn và hướng dẫn đời sống bạn. Chúa Giê-xu là con người hào hiệp và lịch sự nhất trong cả lịch sử nhân loại, vì chính Ngài là Thiên Chúa, đã từ bỏ thiên đàng cao trọng, tự nguyện giáng trần để chết thế, đền nợ tội giùm cho bạn và tôi. Cả đời sống và sự chết đau đớn của Ngài đã mang lại những lợi ích thật lớn lao cho tất cả chúng ta. Quý vị có muốn tìm hiểu và làm bạn với con người lịch sự nhất, mang tên Giê-xu này không?

                Xin kính chúc quý vị luôn được đối xử một cách lịch sự và chính mình cũng sẵn lòng hào hiệp với tha nhân.
 

Theo “Reader’s Digest”, số tháng bảy 2006 – Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn