10:43 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 91


Hôm nayHôm nay : 15657

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 264231

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22993638

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

ĐỜI SẼ VỀ ĐÂU…?

Thứ năm - 10/08/2017 21:36
ĐỜI SẼ VỀ ĐÂU…?

ĐỜI SẼ VỀ ĐÂU…?

Cái chết là có thật và mỗi người đều có sẵn một chương trình được hoạch định từ trước cho chính mình. Chính thông qua Chúa Cứu Thế Giê-xu mà chúng ta được cứu, được hưởng sự sống đời đời.

ĐỜI SẼ VỀ ĐÂU…?

          Kinh Thánh Luca 16:19-31            


                 Cái chết là có thật và mỗi người đều có sẵn một chương trình được hoạch định từ trước cho chính mình. Chính thông qua Chúa Cứu Thế Giê-xu mà chúng ta được cứu, được hưởng sự sống đời đời.
                 Dẫn nhập:
                 Nhạc sĩ Trịnh công Sơn qua đời ngày 01 tháng 04 năm 2001.
                 Trích phần phỏng vấn của nhà văn Văn cầm Hải, báo An ninh Thế giới cuối tuần số 44 tháng 03 năm 2005. Trong tác phẩm Một cõi đi về, bài hát rất là lạ, thật sự không dễ hiểu, vì chính những câu trong bài hát mà chính tác giả cũng không giải thích được. Một cõi đi về… là ý đồ chính của bài hát. Ai cũng có một cõi đi về, từ hư vô người ta đến với cuộc đời và từ cuộc đời rong chơi một thời gian người ta lại trở về với cõi hư vô.
                  Nhà văn Văn Cầm Hải hỏi:
                 -“...giữa cái sống và cái chết có một sự nối tiếp…?
                 Trịnh công Sơn trả lời:
                 -“...chắc có sự nối tiếp cách này hay cách khác hoặc nó là miên viễn trôi đi biền biệt giống như sông nước”.
                 Nhà văn Văn Cầm Hải hỏi:
                 -“...anh có hình dung ra thân xác và linh hồn mình về lúc ở bờ bên kia…?”. Trịnh công Sơn lại trả lời:
                 -“...chưa, tại tôi lười biếng mà ra, mình không bao giờ chuẩn bị trước cho mình cái gì cả cho những ngày sắp tới, như thế, nói về Huế là cứ bỏ đồ vô là đi ngay thôi”.
                 …Và rồi Trịnh công Sơn đã ra đi với một đám tang vô cùng long trọng, nhiều người đưa tiển, đa số trong giới văn nghệ sỹ, thậm chí Khánh Ly cũng từ Pháp bay về dự đám tang, hoa ở Đà Lạt đưa về không kịp, rất nhiều vòng hoa mang dòng chữ: “Một cõi đi về…Trở về cát bụi…”
                 Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi còn sống ông cũng không biết mình sẽ về đâu sau khi chết.
                 Với bác sĩ, bệnh nhân chết là khi tim ngừng đập, máu ngừng chảy, các bộ phận trong cơ thể ngừng hoạt động. Với người vô thần, con người chỉ có sự sống thể chất cho nên chết là hết là chấm dứt một đời người. Nhưng đối với quan điểm của Kinh Thánh thì sao? Mời bạn lần lượt suy ngẫm qua phân đoạn Kinh Thánh sách Tin Lành Lu ca: 16:19-31. Người giàu có và La-xa-rơ để rõ vấn đề bên kia phần mộ, bên kia cõi chết là gì?
 

                 1/SỰ CHẾT LÀ THỰC HỮU (có thật)
                 Trong cuộc sống chóng tàn, có ba điều mà con người lo sợ nhưng phải đối diện đó là sợ bệnh tật, sợ già và sợ chết. Một em bé mới chào đời… mới ngày nào đã trở thành thiếu niên xinh đẹp như đóa hoa hồng chớm nở dưới nắng rực rỡ của buổi ban mai, rồi thoạt đến tuổi thanh niên say sưa hướng về tương lai tươi đẹp, bận rộn trong giấc mơ xây dựng sự nghiệp và rồi một ngày soi mình dưới tấm gương thấy mái tóc bắt đầu điểm sương, da mặt nhăn nheo báo hiệu tuổi về chiều sắp đến, và rồi người ta chờ đợi sự chết đến dần. Cuộc đời này không thể có niềm vui thật, dù có nhiều thú vui do người ta đặt ra để giải sầu. Vì niềm vui thật không bắt nguồn từ bên ngoài,  nhưng đến từ trong tâm hồn. Tản Đà đã diễn tả rất đúng với nỗi buồn nhân thế nên ông phải kêu Trời:
                 “Trời hỡi Trời! hôm nay ta chán hết
                 Những sắc màu hình ảnh của thời gian”
                 Rồi ông muốn bỏ đời này để lên cung trăng với chị Hằng may chi có được vui chăng!
                 “Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
                 Trần thế em nay chán nữa rồi
                 Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
                 Cành đa xin chị nhắc lên chơi”
                 Người Mỹ có một thành ngữ rất là hay đó là không ai tránh được việc đóng thuế và sự chết. Thi nhân Cao bá Quát thấy đời quá ngắn ngủi nên đã phải thốt lên:
                 “Ba vạn sáu ngàn ngàn là mấy
                 Cõi phù du trông thấy cũng nực cười”.
                 Đời người ngắn ngũi chóng qua và đáp số cuối cùng là sự chết, cũng thi sĩ Tản Đà ghi lại mấy vần thơ đầy bi quan như sau:
 

                 “Hoa ơi! hoa hỡi hoa hời!
                 Đang ở trên cành bỗng chốc rơi
                 Nhị mềm cánh úa
                 Hương nhạt màu phai
                 Sống chữa bao lâu đã hết đời”.
 

                 Thi sĩ Đinh Hùng có những vần thơ khóc thương vợ người mà mình yêu quý giờ không biết ở đâu mỗi khi mùa thu sắp dần qua:
                 “Trời cuối thu rồi em ở đâu?
                 Nằm im đất lạnh chắc em sầu
                 Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy
                 Dắt em vào thăm nấm mộ sâu”.
 

                 Thật vậy, cảnh sinh, lão, bệnh, tử là một trong những bi thảm lớn nhất cho cuộc sống con người trong cõi thế, do vậy chết là vấn đề mà tất cả mọi người dù muốn hay không đều phải đương đầu. Câu chuyện Kinh Thánh cho ta biết một cách rõ ràng: Cả giàu và nghèo đều phải chết, Lu ca 16:22: "vả, người nghèo chết Thiên sứ để vào lòng Áp-ra-ham  và người giàu chết người ta đem đi chôn". Hê-bơ-rơ 9:27: “Theo thông lệ mỗi người chỉ chết một lần rồi chịu Chúa xét xử”.
                 Không phải đến già mới chết nhưng sự chết xảy ra với tất cả mọi người và bất cứ lúc nào. Người ta chết không phải vì thiếu thuốc men, chết vì thiếu thức ăn, nhưng tại sao người ta phải chết? Kinh Thánh tiết lộ cho chúng ta ở sách Rô ma 6:23: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết”. Tội lỗi bắt đầu từ sự sa ngã của tổ phụ loài người là ông A-Đam và bà Ê-Va và sự chết cứ như thế đến với mọi người. Rôma 5:12: “Cho nên như bởi một người mà tội lỗi đã vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, và sự chết đã trải qua hết thảy mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội”.
                 Mặc dầu y học ngày nay tiến bộ không ngừng hứa hẹn kéo dài cuộc sống cho con người bằng những phương pháp chữa trị tốt nhất, nhưng không vì thế mà giúp cho con người vượt khỏi sự chết. Những nghĩa trang, những bức tường ghi danh chiến sỹ hy sinh, những cuốn phả hệ của các Gia tộc và hằng ngày chúng ta đều chứng kiến những đám tang, những cái chết đó sao? Đó là những nhân chứng sừng sững hùng hồn, tất cả mọi người, mọi thời đại đều đã chết không ngoại lệ, giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay đau ốm, da đen hay da màu. Chúng ta tất cả đều chết. Billy Graham đã nói rằng “Sự chết là đáp số của mọi thế hệ”.
                 Có hai ý nghĩa rất sai lầm về đời này và đời sau, người thì cho rằng đời này là ảo ảnh mà đời sau mới là thật sự, khuynh hướng kia thì ngược lại. Nhưng qua Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ có đời này và cũng có đời sau. Đời này là đời tạm và chóng qua, La-xa-rơ sống rất là cực khổ, người giàu có ăn sung mặc sướng, nhưng rồi đời tạm chấm dứt và cả hai đều chết, đều đem đi chôn, và rồi Kinh Thánh nói rõ đời sau: Cả hai người đang hưởng, người nghèo Thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham, người giàu ở nơi âm phủ rất là đau đớn.
                 Có nhiều quan điểm triết học Tôn giáo đề cập đến đời sau, Platon cho rằng “Linh hồn vĩnh cửu trong quá khứ và tương lai”. Cả Nho giáo và Phật giáo gọi là “phách” thể phách và Phật giáo gọi là “thân” bản thân sẽ tiêu tán, nhưng linh hồn  vẫn còn và trở về chỗ “thượng vi chiêu minh”. Sách Truyền đạo 12:7 có chép : “bụi tro trở về đất y nguyên cũ và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. Truyền đạo 12:7 “Vậy linh hồn không hề chết mà tồn tại mãi mãi”.
 

                 2/SỰ NHẬN BIẾT SAU KHI CHẾT
                  Cả La-xa-rơ và người giàu đều chết, nhưng đều tỉnh ngộ sau khi chết, người giàu đang ở nơi âm phủ đau đớn, người nghèo đang hưởng thụ sự sung sướng: Câu 23 chịu khổ hình nơi hỏa ngục và câu 25 được an ủi nơi đây, như vậy chết không phải là hết mà là sự bất diệt của linh hồn, bên kia sự chết là cánh cửa hé mở cho thấy sự thực hữu của đời sau.
                 Người giàu có khả năng cầu xin Chúa cho La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước làm cho mát lưỡi ông, vì ông đang bị đốt nóng cháy, và câu 27 lời cầu xin sai La-xa-rơ lên trần gian này báo cho năm anh em ông biết để những người ấy tin và không bị xuống nơi đây như ông mặc dù đã bị Chúa từ chối. Người giàu mong muốn thèm khát, ông ta muốn có nước để uống và ông ta muốn có người lên làm giáo sĩ đến để giảng cho năm anh em ông. Trong câu 25 La-xa-rơ được an ủi, người giàu bị khổ hình. Kinh Thánh sách Gióp 7:9-10 cho biết là không có sự trở về của người chết:
                 “Mây tan ra và đi mất thể nào,
                 kẻ xuống âm phủ không hề trở lên, cũng thể ấy.
                 Họ không hề trở về nhà mình nữa,
                 Và xứ sở người chẳng còn biết người”.


                 Bản diễn ý của Cố Mục sư Lê Hoàng Phu như sau:
                 “Người nhìn tôi rồi đây không thấy nữa
                 Trong phút giây, đời tôi đã qua rồi
                 Như mây tan và đi mất thể nào
                 Người đã chết không bao giờ trở lại
                 Chẳng bao giờ người lai vãng nhà xưa
                 Nơi cố hương nào ai còn biết đến”.
 

                 Theo sự bày tỏ của Kinh Thánh, đời sau là vĩnh cửu, mọi người phải ứng hầu trước mặt Đức Chúa Trời để khai trình công việc của mình đang làm ở trên cõi đời nầy. Câu 25 Con ơi! Chúa phán với người giàu lúc còn sống, con không nhớ là con đã sống ích kỷ hưởng thụ sung sướng cả đời sao…? Còn La-xa-rơ phải khổ sở, sự lành của người giàu là ăn sung mặc sướng, mặc áo tía và áo vải gai mịn, đây là loại quần áo đắt tiền mà chỉ những người giàu có như ông mới mua mặc được. Hằng ngày ăn uống rất là sung sướng nhưng rồi ông chẳng bố thí cho người nghèo ngồi xin ăn trước cửa nhà.
                  Kinh Thánh chép: “người nghèo ước ao ăn những đồ ăn thừa trên bàn kẻ giàu đổ xuống nhưng vẫn không được chỉ có những con chó đến liếm ghẻ mà thôi, người nghèo đói khổ bệnh tật ghẻ lở rất là tội nghiệp, nhưng nào có được người giàu bố thí đâu? và rồi công việc mỗi người đều phải khai trình trước mặt Đức Chúa Trời để xử đoán”.
                 Qua câu chuyện Kinh Thánh bày tỏ chúng ta thấy rõ ràng có đời nầy và có đời sau. Đời nầy và đời sau có liên quan mật thiết với nhau, có nghĩa là có gieo thì có gặt, hễ ai gieo giống chi thì gặt lại giống ấy. Truyền đạo 12:14 “Thượng Đế sẽ xử đoán mỗi người căn cứ trên việc họ làm hoặc thiện hoặc ác kể cả những việc âm thầm kín giấu”.
                 Nho giáo có câu: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, hoặc Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu” tạm dịch: Thiện ác cũng có ngày báo đáp, lưới Trời lồng lộng nhưng một việc nhỏ cũng không lọt qua được. Thế nhưng vẫn có người ngày nay vô tín cho rằng chết là hết không có đời sau, tử giả biệt luận mà.. hãy trở về với cuộc sống hiện tại, hãy ăn đi uống đi và vui chơi cho thỏa thích vì ngày mai không có, vì ngày mai chúng ta sẽ chết và chết là hết, là chấm dứt một cuộc đời vậy thôi.
 

                 3/MỖI NGƯỜI MỘT SỐ PHẬN
                 Cả hai đều chết và đi xuống mộ phần, chôn cất phần xác nhưng nơi ở của hai linh hồn nầy hoàn toàn khác nhau. Một người đang ở một nơi mà Kinh Thánh nói là nơi sung sướng để được an ủi đó là lòng Áp-ra-ham còn người kia đang ở nơi đau khổ và hai người bị chia cách bằng một vực sâu không đáy câu 26, ai muốn từ đây qua đó và muốn từ đó lại đây cũng không được. Như vậy, chúng ta thấy tương quan giữa đời này và đời sau, đời này tuy ngắn ngũi nhưng vô cùng quan trọng, thời gian sống trên đất là quý báu vô cùng. Mọi người sinh ra trên đời này đều được Thượng Đế ban cho số ngày để sống, Thi thiên 139:16 “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy”. Tuy nhiên chúng ta không biết số ngày ấy là bao nhiêu, cho nên trong cõi hiện tại tôi và Quý vị đang sống đây là cơ hội quý báu vô cùng, đừng bê trễ, đừng đánh mất mọi cơ hội. Kẻ giàu đã đánh mất cơ hội, chỉ biết ăn sung mặc sướng, hưởng thụ mà không quan tâm đến người nghèo. Luật pháp Môi-Se đã ghi rõ, là phải yêu kẻ lân cận như mình, ông là người Do Thái mà không làm theo luật pháp Chúa, không làm theo điều răn của Đức Chúa Trời.
 Mọi việc làm của chúng ta ở trong cõi đời nầy đều được định giá ở cõi đời sau, khi đã đi đến cõi đời đời rồi thì không không ai có thể thay đổi số phận mình được. Không có chuyện cầu nguyện cho người chết siêu thoát, không có cầu siêu, cầu hồn nào mà hiệu quả được, như một số Tôn giáo vẫn thường làm, vì đây là chân lý. Linh hồn không trở về, không có quyền ban phước giáng họa cho bất cứ một ai, linh hồn cũng chẳng hưởng hơi mỗi khi con người cúng giỗ… có chăng là sự trá hình của ma quỷ Sa tan mà thôi. Tin Lành Giăng 5:28-29 chép: “Chớ lấy điều đó làm lạ, vì giờ đến khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài mà ra khỏi, ai làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ sẽ sống lai chịu xử đoán” và Ma-thi-ơ 25:46 “Rồi những người nầy vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống vĩnh cửu”.

                 Đời này ngắn ngũi chóng qua nhưng vô cùng quan trọng vì nó quyết định cho số phận đời đời của mỗi một chúng ta, tùy thuộc vào thái độ chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Lời Chúa Tin Lành Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” và Tin Lành Giăng 3:36 “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh cửu, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy”.
                 Thiên đàng hay địa ngục là tùy mỗi chúng ta lựa chọn khi còn sống trên đất này, chúng ta tin hay khước từ con Thượng Đế. Tóm lại, sự chết cho người không tin Chúa là một thảm họa, là một án phạt, sự chết thể xác dẫn đến sự chết tâm linh và sự chết đời đời phân rẽ với Đấng Tạo Hóa mãi mãi ở nơi cực hình. Sự chết của người tin Chúa là một giấc ngủ chờ đợi sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu để bước vào sự sống vĩnh cửu, khi ngày Chúa Giê-xu tái lâm chung kết cõi đời.
                 Trong trích đoạn một bài thơ Huy Xuân mà Huy Cận viết tặng Xuân Diệu khi mà Xuân Diệu đã qua đời trước đó đã lâu tức là lúc 7 giờ 40 phút tháng 12 năn 1985 như sau:
                 Biển lớn băng qua ấy biển đời
                 Biển vào vũ trụ ánh sao mời
                 Diệu dò thế giới bên kia trước
                 Khỏi lạ đường đi Cận tới nơi.
                 Sầm Sơn 27/07/1986.
                 Người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu thì không phải tìm đường dò lối mới biết mình sẽ về đâu sau khi qua đời, nhưng họ biết ngay vì là Chúa cất họ đi thì lập tức họ gặp được Ngài ở nơi Thiên đàng đầy phước hạnh.
                 Có một câu chuyện như sau:
                 ...Một cụ già nằm trên giường bệnh được chuyển đi trên hành lang trong một nhà thương, bà ngoáy cổ lên và nói với cô y tá “...Các cô ơi! thông cảm nhé! vì tôi đã ngoài 93 tuổi rồi…” theo sau là lời nói êm dịu như có tiếng nức nỡ rằng: “Tôi không trẻ lại được nữa, vì đời người là một con đường một chiều đi từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trên con đường đó không ai có thể trở lại được”.
                 Nhưng con đường một chiều không phải là một con đường cụt không lối thoát, mà là con đường dẫn đến một hướng nhất định. Chúng ta được mời bước vào con đường ấy khi mà Chúa Giê-xu đã phán: “Chính Ta là đường đi chân lý và sự sống, ai đến với Thượng Đế mà không qua Ta” Tin Lành Giăng 14:6.
                 Vậy ai đã nghe lời này mà bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu thì Ngài sẽ ban cho chúng ta sự sống đời đời. Mời bạn bước vào cuộc sống mới như lời Ngài đã hứa: “Nhưng hễ ai đã tiếp nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép để trở nên con cái Đức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin danh Ngài”. Tin Lành Giăng 1:12
                 Muốn thật hết lòng! Amen.

 
Hồ Galilê
Đà Nẵng Tháng 08 Năm 2017.
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn