13:03 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 0

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 279626

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23009040

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Đi Trước Thời Đại

Thứ năm - 17/08/2017 21:25
Đi Trước Thời Đại

Đi Trước Thời Đại

Kính thưa quý độc giả, Cho đến cuối thế kỷ 19, việc sinh nở cũng còn gặp nhiều may rủi lắm. Khi một đứa bé chào đời, dù cả hai mẹ con đều khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông”, tuy vậy người mẹ vẫn nằm trong tình trạng rủi ro rất cao vì có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản.



               Kính thưa quý độc giả,

               Cho đến cuối thế kỷ 19, việc sinh nở cũng còn gặp nhiều may rủi lắm. Khi một đứa bé chào đời, dù cả hai mẹ con đều khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông”, tuy vậy người mẹ vẫn nằm trong tình trạng rủi ro rất cao vì có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản. Mà lạ lùng là hình như tình trạng rủi ro bị nhiễm khuẩn lên cao nhất, không phải là khi người mẹ có một “bà mụ” hay một cô y tá kề cận chăm sóc, nhưng khi có một bác sĩ đến thăm. Trong cuối thế kỷ 19, trong một số bệnh viện, cứ hễ trong bốn bà mẹ là một người bị chết vì bị nhiễm khuẩn sau khi sinh con.

               Tuy vậy, trong khoảng thời gian này, tại Hung gia lợi, có một vị bác sĩ sản khoa tên là Philip Ignaz Semmelweis, mà các bà mẹ được ông chăm sóc, lại có xác suất khỏe mạnh và sống sót cao nhất. Bảng tổng kết cho biết chỉ có khoảng 8 bà mẹ trong 1000 bà mẹ được bác sĩ Philip chăm sóc là bị rủi ro chết vì nhiễm khuẩn hậu sản, tức là chỉ có 1% bị rủi ro, khi so với xác suất rất phổ biến thời bấy giờ là 25%.

               Như vậy, bí quyết của bác sĩ Philip là gì? Rất là đơn giản. Đó là bác sĩ Philip Ignaz Semmelweis thường xuyên rửa tay!

               Trong thế giới ngày nay, quý vị và tôi mặc nhiên nghĩ rằng các bác sĩ, y tá hay các nhân viên y tế phải rửa tay trước và sau khi khám nghiệm bệnh nhân. Các bác sĩ phẫu thuật thường kỳ cọ đôi bàn tay thật chu đáo và tận tình, trước khi đeo vào đôi găng tay đã được khử trùng thật cẩn thận.

               Nhưng trong thế kỷ thứ 19, các bác sĩ ra khỏi nhà xác sau khi khám nghiệm tử thi, hay vừa bước ra khỏi phòng mổ xẻ sau khi hướng dẫn các sinh viên y khoa về khoa giải phẫu, là họ đi thẳng đến bệnh viện để khám bệnh cho bệnh nhân và ít khi có thời giờ dừng lại mà lau đôi bàn tay vào những chiếc khăn hay những cái tạp dề thường cũng chẳng còn sạch sẽ gì.

               Bác sĩ Philip Ignaz Semmelweis khám phá ra rằng chính các vị bác sĩ đã gieo rắc bệnh tật từ các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn qua những người lành lặn. Do vậy, chỉ đơn giản là rửa tay sẽ làm giảm bớt việc lây lan của các chứng bệnh truyền nhiễm. Qua việc rửa tay, bác sĩ Philip đã giảm thiểu thật đáng kể nhiều trường hợp tử vong do chứng nhiễm khuẩn hậu sản.

               Khi bác sĩ Philip đề nghị sử dụng một loại dung dịch đặc biệt để rửa tay, mà ngày nay chúng ta thường gọi là “nước khử trùng”, kết quả còn tốt hơn khi chỉ rửa tay với xà-bông thông thường.

               Ấy vậy mà, có một khoảng thời gian dài, các chuyên gia y khoa không đồng ý với những nhận định của bác sĩ Philip và do vậy, ông đã bị khai trừ, thậm chí, ông phải rời thành phố Vienna của Áo quốc để trở về thành phố Pest thuộc Hung gia lợi để được tiếp tục hành nghề bác sĩ!

               Tuy vậy, thời gian đã chứng minh những nhận định của bác sĩ Philip là hoàn toàn đúng đắn. Bác sĩ Joseph Lister, người phát minh ra phương pháp khử trùng các vết thương, nhất là trong tiến trình phẫu thuật, đã thú nhận: “Nếu không có bác sĩ Philip Semmelweis, những thành tựu của tôi cũng hóa ra vô ích. Ngành phẫu thuật mang ơn người con vĩ đại này của đất nước Hung gia lợi”.

               Quý độc giả thân mến,

               Như vậy, việc đột phá quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan các bệnh truyền nhiễm trong cuối thế kỷ 19, thật là nhiêu khê, đầy trắc trở, chứ không dễ dàng như chúng ta tưởng.

               Ấy vậy mà, cách đây hơn 3500 năm, Kinh Thánh đã có ghi lại, Môi-se qua sự hướng dẫn của Thiên Chúa, đã dạy dân chúng một số luật lệ, mà nếu mọi người áp dụng triệt để, đã có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh tật, tránh được biết bao nhiêu cái chết thật oan uổng cho các bà mẹ.

               Như sách Lê-vi ký 15:1-11 có ghi lại rằng:

               “CHÚA phán dạy Môi-se và A-rôn: Các con truyền lại cho Y-sơ- ra-ên rằng:
               Khi có chất lỏng từ thân thể của một người đàn ông xuất ra, chất xuất ra đó là ô uế.
               Sau đây là các trường hợp ô uế vì chất từ thân thể xuất ra, dù cứ tiếp tục xuất ra, hay đã ngưng xuất ra, đương sự cũng bị ô uế:
               Giường người ấy nằm và bất cứ vật gì người ấy ngồi lên đều bị ô uế.
               Ai đụng đến giường người ấy phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối.
               Ai ngồi trên bất cứ vật gì người ấy ngồi, phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối.
               Ai đụng đến người có chất đó xuất ra phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối.
               Nếu người có chất lỏng xuất ra nhổ nhằm một người tinh sạch, người này phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối.
               Bất cứ vật gì người ấy cưỡi lên, vật ấy sẽ bị ô uế, và ai đụng đến những vật gì người ấy ngồi lên sẽ bị ô uế đến tối.
               Người bưng các vật này phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối.
               Nếu người ấy sờ ai khi chưa rửa tay bằng nước, người bị sờ phải giặt áo xống, tắm bằng nước và bị ô uế đến tối”

               Kính thưa quý độc giả,

               Kinh Thánh dùng từ “ô uế” chủ yếu là chỉ về tình trạng tội lỗi của một người, nhưng trong trường hợp này, từ “ô uế” còn có nghĩa là “bị nhiễm khuẩn”, “dễ lây lan vi trùng” qua người khác. Cách đây mấy ngàn năm trước, Thiên Chúa đã ban luật lệ cho dân chúng qua người lãnh đạo Môi-se của họ và Ngài đã cẩn thận dặn dò họ phải hạn chế tiếp xúc với người bệnh và nếu đã tiếp xúc, thì sau đó phải “tắm bằng nước” hay “rửa tay bằng nước”, để ngăn ngừa tình trạng lây lan của bệnh tật. Và đây là điều mà bác sĩ Philip Ognaz Semmeiweis chỉ mới khám phá cách nay chỉ khoảng 150 năm.

               Trong một nơi khác, sách Lê-vi ký 12:2 có ghi một luật thanh tẩy sau khi sanh con như sau:

               “Con bảo dân Y-sơ-ra-ên: khi một phụ nữ có thai và sinh con trai, người này sẽ bị ô uế bảy ngày”

               Theo như luật này, một người phụ nữ vừa mới sanh ra, cần được cách ly trong bảy ngày, vì rủi ro bị nhiễm khuẩn rất cao và bảy ngày cách ly là khoảng thời gian đủ để xác định là người phụ nữ đó có bị nhiễm khuẩn hay được khỏe mạnh bình thường.

               Trong sách Dân-số ký 19:11-12 có ghi về luật tẩy uế như sau:

               “Ai đụng vào xác người chết phải bị ô uế bảy ngày. Người ấy phải dùng nước tẩy uế tẩy sạch mình…”

               Nếu các bác sĩ, các y tá hay các nhân viên y khoa, theo đúng như luật lệ thanh tẩy này, được chính Đấng Tạo Hóa công bố cách đây khoảng 3500 năm, tức là sau khi khám nghiệm tử thi, hay sau khi mổ xẻ người bệnh, họ không đi thẳng đến bệnh viện để khám bệnh cho những bệnh nhân khác, thì việc lây lan các chứng bệnh truyền nhiễm trong mấy chục thế kỷ qua đã được giảm thiểu tối đa.

               Ngày nay, chúng ta đã hiểu được rằng các chứng bệnh truyền nhiễm là do vi trùng hay vi khuẩn gây nên và lây lan từ người này qua người khác qua những tiếp xúc.

               Thế nhưng tại sao dân Do-thái lại biết điều này cách đây mấy ngàn năm trước?

               Tại sao các luật thanh tẩy hay luật tẩy uế trong Kinh Thánh, công bố cách đây mấy ngàn năm trước, vẫn còn giá trị y nguyên trong thời đại y học hiện nay?

               Kinh Thánh là do ai viết? Lời Kinh Thánh đến từ đâu?

               Tại sao Kinh Thánh đã đi trước thời đại quá xa như vậy?

               Lời giải thích được tìm thấy ngay trong Kinh Thánh, trong lời tuyên bố của Môi-se, như sách sử Phục Truyền 4:5-9 có ghi:

               “Luật lệ tôi đang dạy đồng bào đây là luật Thượng Đế Hằng Hữu truyền cho tôi, cũng là luật áp dụng trong lãnh thổ đồng bào sẽ chiếm cứ.
               Sự áp dụng và tuân hành luật này làm cho đồng bào trở thành khôn ngoan, thấu đáo.
               Những dân tộc khác khi nghiên cứu luật này sẽ trầm trồ: "Đây là một dân tộc khôn ngoan, trí tuệ!"
               Vì làm gì có một nước nào - dù lớn đến đâu - có một vị thần ở gần bên dân, như Thượng Đế Hằng Hữu ở gần bên ta, nghe lời ta cầu khẩn?
               Có nước nào - dù lớn đến đâu - có được một bộ luật công minh như bộ luật ta ban hành hôm nay?
               Phải hết lòng thận trọng, ghi khắc những điều mình đã thấy vào tâm khảm, suốt đời đừng quên.
               Cũng kể lại cho con cháu mình những điều tai nghe mắt thấy Chúa đã làm”

               Quý độc giả thân mến,

               Sở dĩ Kinh Thánh đi trước thời đại, vì Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, là lời đến từ Đấng khôn ngoan vô cùng tận, là Đấng đã có từ trước và sẽ còn mãi mãi.

               Kinh Thánh không chỉ bao gồm luật lệ, nhưng Kinh Thánh chứa đựng bao lời hứa phước hạnh đến với quý vị và tôi.

               Kinh Thánh cho biết vì yêu thương loài người đang đắm chìm trong tội lỗi, phải chịu đoán phạt đời đời, nên Thượng Đế đã sai Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu giáng trần để rồi bị đóng đinh trên cây thập tự, chết thay cho tội lỗi của muôn người, hẫu cho hễ ai tin nhận sự chết thế đó của Con Trời, thì không bị đoán phạt nữa, nhưng sẽ nhận được sự sống vĩnh phúc đời đời.

               Kinh Thánh là bức thư tình cảm động nhất của Đấng Tạo Hóa gởi đến cho con người là tạo vật yêu dấu nhất của Ngài.

               Và Kinh Thánh cũng luôn luôn đúng khi xét về những phương diện khác như y học, khoa học, toán học vv.

               Kinh Thánh không những chỉ dẫn cách nào chúng ta sống lành mạnh, nhưng còn giúp ta nhận được món quà thiên đàng đời đời nữa.

               Vì thời giờ có hạn, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá trong những lần tới, sự khôn ngoan vô cùng tận chất chứa trong Kinh Thánh, khiến lời Kinh Thánh là lời quyền năng vô song, tuyệt đối đúng và luôn luôn đi trước thời đại.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn