01:44 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 42


Hôm nayHôm nay : 5012

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10087

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23019120

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Sự Ngã Lòng và Sự Tự Nhủ Của Ê-li

Thứ ba - 05/09/2017 20:52
Sự Ngã Lòng và Sự Tự Nhủ Của Ê-li

Sự Ngã Lòng và Sự Tự Nhủ Của Ê-li

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.


                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK, tạm dịch là NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Tuần qua chúng ta đã nghe về sự ngã lòng của vài nhân vật điển hình trong Thánh Kinh. Giê-rê-mi và tác giả Thi-Thiên đã viết nên những xúc cảm của mình khi họ nản lòng và tranh chiến với những đau thương của đời mình. Ca-thương 3:1-20 cho thấy tiên tri Giê-rê-mi đã thở than rên siết bằng những lởi than vãn não nuột. Trong câu 17a ông đưa ra tiếng thở dài thê thảm rằng “… hồn ta xa sự bình an, ta đã quên phước lành." Rồi sang câu 20a, ông buồn bã kết luận: “Hồn ta còn nhớ đến, và hao mòn trong ta.”

                Tác giả Thi Thiên trong Thi-thiên 42:5 đã tự hỏi, “Hỡi linh hồn ta, vì sao ngươi sờn ngã và bồn chồn trong mình ta?” Đây là điệp khúc ông lặp lại lần nữa trong câu 11, và rồi một lần nữa trong Thi-thiên 43:5. Ý nghĩa gốc của từ Hy-bá-lai này là “chìm xuống” hay “làm ngã lòng.” Giê-rê-mi và tác giả Thi Thiên không phải là những nhân vật duy nhất trong Thánh Kinh đã tranh chiến với sự ngã lòng. Giô-sép bị ngã lòng bởi vì ông đã từng bị mọi người trong đời sống ông bỏ rơi và phải ngồi tù trong một xứ xa lạ trong tình trạng bị cáo buộc cách bất công. Sự ngã lòng của Giô-sép được vẽ rõ nét khi ông đặt tên cho con trai thứ hai là Ép-ra-im, nghĩa là “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ mà ta bị khốn khổ” hay “Đức Chúa Trời làm cho ta được hưng vượng trong xứ của sự ngã lòng ta.” Vua Sau-lơ cũng đã đau khổ vì một sự ngã lòng lớn lao trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của ông.

                Sự ngã lòng của một số nhân vật điển hình vừa kể trên có liên hệ trực tiếp tới những biến cố bên ngoài đang diễn ra trong đời sống họ và tới sự đối thoại bên trong họ, hay sự Tự-Nhủ về những biến cố đó. Nhiều lần khi chúng ta thấy từ ngữ đau buồn, khốn khổ trong Cựu Ước, nó chứa đựng ý nghĩa của “sự ngã lòng.” Khi chúng ta phạm tội, chúng ta có thể từng trải sự ngã lòng. Khi có tội lỗi trong đời sống mình, chúng ta chắc chắn mở ngõ cho kẻ thù và những sự tấn công của hắn vào tấm lòng và tâm trí của mình. Vũ khí trong chiến trận thuộc linh của chúng ta là những vũ khí của tâm trí và những ý tưởng của chúng ta.

                Khi chúng ta có thể trực tiếp nối kết những cảm giác ngã lòng của chính mình với một biến cố bất công, đau đớn, gây tổn thương nào đó trong đời sống, ít ra chúng ta có thể hiểu được vì sao chúng ta cảm thấy ngã lòng. Nhưng sự ngã lòng không phải lúc nào cũng hợp lý hay lô-gíc như thế. Hôm nay chúng ta sẽ nghe về sự ngã lòng và sự tự nhủ của tiên tri Ê-li.

                Kính thưa quý độc giả,

                Trong Các Vua thứ nhất chương 18 chúng ta đọc về một trong những biến cố gây ấn tượng sâu sắc nhất trong lịch sử Thánh Kinh. Một mình Tiên tri Ê-li đã nhận lời thách đố với Vua Israel lúc ấy là Vua A-háp, Hoàng Hậu Giê-sa-bên, và 450 tiên tri Ba-anh của bà ta. Trong nhiều cách thức Tiên tri Ê-li cũng đang thách đố cả nước Israel, vì dân sự đã xoay lưng lại với Đức Chúa Trời và đi theo sự thờ lạy tà thần Ba-anh. Trọn ngày dài, Tiên tri Ê-li can đảm và mạnh dạn đứng một mình, đối đầu với 450 tiên tri kia, cả dân sự, và tà thần của họ. Ông thách thức họ hãy “đánh thức thần của họ dậy,” rồi quở trách họ bằng cách nhạo cười nói rằng thần của họ hẳn là quá bận rộn, hoặc có lẽ thần của họ đang đi xa hoặc đang ngồi trong phòng tắm. Ông bảo họ, “Khá la lớn hơn đi để Ba-anh có thể nghe các ngươi và ăn nuốt tế lễ dâng cho hắn.” Nhưng dù 450 tiên tri Ba-anh có la lớn, nhảy múa điên cuồng, thậm chí rạch mình cho chảy máu thì vẫn không có gì xảy ra trên tế lễ của họ.

                Kế đó, khi chiều xuống, Ê-li trước tiên truyền cho dân sự sửa lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va, rồi ông chuẩn bị củi và sinh tế của mình. Cuối cùng, ông làm một điều có vẻ như là một hành động buồn cười và lố bịch, bằng cách múc nước đổ trên của lễ, củi và bàn thờ đến ba lần. Khi toàn dân Israel đứng đó lặng yên theo dõi, thì với một lời cầu nguyện đơn giản của đức tin, tiên tri Ê-li đã gọi lửa từ trời giáng xuống thiêu đốt không chỉ của lễ mà còn rút hết nước trong mương nữa! Đó là một ngày toàn thắng cho Ê-li và Đức Chúa Trời, là chân thần duy nhất. Như một sự tái diễn của phép lạ, Ê-li sau đó cầu xin cho có mưa để kết thúc cơn hạn hán kéo dài ba năm, và khi người đầy tớ của ông nhìn thấy một “cụm mây nhỏ như lòng bàn tay ở phía biển lên,” Ê-li bảo Vua A-háp hãy thắng xe trở về cung vua trước khi cơn mưa trút xuống.

                Dường như hợp lý khi tin rằng sau một chiến thắng vĩ đại trên các tiên tri giả như thế, Ê-li rất có thể thậm chí sẽ càng tin quyết hơn nơi quyền năng và sự bảo vệ của Chúa. Nhưng tiếc thay, lại không phải như vậy. Chỉ một lời nhắn từ Hoàng Hậu Giê-sa-bên, rằng bà ta sẽ lấy mạng sống ông trong vòng hai mươi bốn giờ để trả thù đã khiến tiên tri Ê-li hốt hoảng chạy trốn. Trước tiên, ông chạy từ Núi Cạt-mên, ở tận góc phía tây-bắc của Israel, trọn con đường tới Bê-e-sê-ba, ở về phía nam xa nhất mà một người có thể đi được và vẫn còn trong xứ Giu-đa. Nhưng đó chưa phải là xa đủ cho Ê-li. Ông để người đầy tớ của mình lại đó, rồi tiếp tục chạy về phía nam thêm một ngày trọn nữa.

                Tại đó, mệt mỏi và ngã lòng tột độ, ông ngã quỵ dưới một cây giếng giêng và cầu xin “rằng ông có thể chết đi” (1 Các Vua 19:4). Ông thưa với Chúa, “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi. Tôi sẽ phải chết một lúc nào đó, và nó cũng có thể là ngay bây giờ.” Ê-li vừa mới trải nghiệm hai chiến thắng thuộc linh vĩ đại nhất của mình, và lập tức ngay sau đó, ông hoàn toàn ngã lòng đến nỗi ông mong muốn chết đi. Đó là ví dụ về một sự ngã lòng bất hợp lý. Đối với người quan sát bên ngoài, điều Ê-li đang trải nghiệm chẳng hợp lý gì cả. Chúng ta có thể hiểu sự ngã lòng mà Vua Sau-lơ, Giô-sép, hay ngay cả tiên tri Giê-rê-mi từng trải qua, nhưng còn sự ngã lòng của tiên tri Ê-li thì chúng ta khó mà hiểu được. Có lẽ đó là lý do vì sao những gì Ê-li đang trải nghiệm có thể giúp chúng ta hiểu thấu được một số trong những phần phức tạp hơn của sự tranh chiến với sự ngã lòng của chính mình-sự ngã lòng xảy đến khi nhìn bề ngoài thì mọi thứ dường như đang diễn tiến tốt đẹp.

                Sự Tự-Nhủ của Ê-li

                Kính thưa quý độc giả,

                Điều gì làm nổi bật lên những cảm xúc tuyệt vọng và sợ hãi trong Ê-li? Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy trong Thánh Kinh rằng Hoàng Hậu Giê-sa-bên đã đe dọa lấy mạng sống ông, nhưng theo biểu hiện bên ngoài thì lời đe dọa ấy chẳng là gì so với sự mạo hiểm ông vừa mới trải qua trong việc thách đố 450 tiên tri của tà thần Ba-anh. Lý trí sẽ nói, “Nếu Đức Chúa Trời đã có thể đem lại một chiến thắng gây ấn tượng sâu sắc như thế đối với A-háp, Giê-sa-bên, và 450 tiên tri giả, thì tại sao Đức Chúa Trời lại sẽ bỏ rơi Ê-li lúc này?”

                Nhưng lý trí không phải là một phần của sự ngã lòng nơi Ê-li. Có lẽ đó là sự xấc láo trong lời Hoàng hậu Giê-sa-bên nói; hoặc đó là sự thất vọng tự nhiên tiếp nối theo sau một chiến công đầy nhọc nhằn khiến ông kiệt sức; hay có lẽ đó là cảm giác thiếu tự tin của chính Ê-li trong ý nghĩ cho rằng có thể Đức Chúa Trời không cần đến ông nữa-chúng ta không thể chắc chắn về điều khơi dậy nỗi sợ hãi nơi Ê-li. Nhưng một khi đã được khơi dậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một số trong những khuôn mẫu của sự Tự-Nhủ trong Ê-li, cuộc đối thoại bên trong vốn diễn ra trong nơi riêng tư của các ý tưởng của chính ông. Những ý tưởng như:

  •                 Điều gì xảy ra nếu như Giê-sa-bên có ý định như vậy? Rốt cuộc thì, sứ giả của bà ta đã tìm thấy mình rồi.
  •                 Điều gì xảy ra nếu như Đức Chúa Trời đã kết thúc với mình?
  •                 Có lẽ là mình không thật sự quan trọng nhiều như thế đối với Đức Chúa Trời.
  •                 Xét cho cùng, mình thật sự là ai trong mắt Đức Chúa Trời-mình chỉ là đồ giun dế!
  •                 Tốt hơn mình phải tự lo cho bản thân.

                Với những ý tưởng như thế, Ê-li khởi động một chu kỳ của sự Tự-Nhủ tiêu cực đưa ông vào những vực thẳm của sự ngã lòng, tuyệt vọng, và mờ mịt về tương lai. Là người đang đứng bên ngoài những hoàn cảnh đó, chúng ta có thể nhìn thấy những lời mà ông đang chọn để tin tưởng thật không đúng và phi lý biết bao. Nhưng nếu chúng ta đã từng ở trong chỗ của Ê-li thì rất có thể chúng ta cũng đã suy nghĩ những điều tương tự, cảm thấy theo cách tương tự, và làm điều tương tự. Đó là cách những con người tội lỗi như chúng ta dường như hành động khi chúng ta cố gắng tìm hiểu nó dựa vào sức riêng của mình.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn