05:16 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 80

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 79


Hôm nayHôm nay : 12585

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261159

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22990566

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Cách Thức Xử Lý Cơn Giận “Tồi Tệ”

Thứ hai - 28/12/2020 19:52
Cách Thức Xử Lý Cơn Giận “Tồi Tệ”

Cách Thức Xử Lý Cơn Giận “Tồi Tệ”

Cách đây vài tuần qua chúng ta đã kết thúc chương thứ tư: Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật. Có những lúc ta lên cơn giận vì lý do chính đáng, nhưng cũng nhiều khi chúng ta có những cơn giận vì lý do sai trật.

 

Cách Thức Xử Lý Cơn Giận “Tồi Tệ”

 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Cách đây vài tuần qua chúng ta đã kết thúc chương thứ tư: Khi Sự Giận Dữ Là Sai Trật. Có những lúc ta lên cơn giận vì lý do chính đáng, nhưng cũng nhiều khi chúng ta có những cơn giận vì lý do sai trật. Cơn giận bị bóp méo dựa vào một sự nhận thức về hành vi sai trái, trong khi cơn giận tích cực dựa vào hành vi sai trái đích thực. Dù là giận dữ vì lý do chính đáng hay vì lý do sai trật, thì những biểu hiện và phản ứng về mặt sinh lý, cảm xúc cũng giống như nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần kiềm chế các phản ứng tức khắc để xét xem cơn giận của mình có cơ sở vững chắc hay không. Chúng ta cần nêu lên những câu hỏi về bản thân mình và về phía đối phương nữa, rồi suy xét chứng cứ và cân nhắc hành động cần phải làm trong bước kế tiếp. Đôi khi việc xem xét chứng cứ và nguyên nhân cơn giận sẽ đưa chúng ta đến chỗ chất vấn người mà mình tức giận. Nếu hiểu rằng mình không thể có tất cả sự thật, thì chúng ta cần dành thời gian tìm kiếm sự thật trước khi vội đi tới những kết luận sai trật.
 

        Khi bắt đầu xem xét cơn giận, chúng ta sẽ tìm thấy rằng phần lớn cơn giận rơi vào phạm trù của cơn giận bị bóp méo. Nếu cơn giận của bạn được gây ra bởi một sự mong đợi không thực tế nào đó bên trong bạn, thì nó phải được xử lý như là cơn giận bị bóp méo. Cơn giận bị bóp méo không phải là ít gây phiền phức hơn cơn giận tích cực, nhưng nó cần được xử lý trong một cách thức khác biệt. Phần lớn cơn giận của chúng ta gia tăng bởi những suy nghĩ và cảm xúc bên trong đã được phát triển qua nhiều năm tháng. Cũng có khi chúng ta nổi giận vì không đạt được sự mong đợi mà mình muốn có.
 

        Một trong những ví dụ điển hình là cặp vợ chồng Jeff và Jill. Jill thích sự ngăn nắp, gọn gàng trong khi Jack chẳng hề có chút khái niệm gì về điều này cả. Jill thật sự cảm thấy buồn lòng; cô tin rằng Jeff sai trật khi không ngăn nắp gọn gàng. Nhưng nếu cô cởi mở với sự thật, cô có thể nhìn thấy thực chất của nó. Cơn giận của cô không do hành vi sai trái của Jeff gây ra nhưng do sự thúc ép của chính cô là phải luôn gọn gàng và ngăn nắp. Nếu cô có thể nhìn thấy nó như cơn giận bị bóp méo cô có khả năng xử lý nó trong một cách thức tích cực.
 

        Chúng ta cũng đã khởi đầu chương 5 của sách, nói về cách thức xử lý một cơn giận tồi tệ. Chúng ta đã nói đến sự tức giận của Lynn khi nghe cô con gái Emily thú nhận rằng cô bé đang bị nhiều điểm C và thậm chí một điểm D tại trường. Lynn cho rằng con gái đã cư xử thật tồi tệ và bất công với vợ chồng cô, vì họ đã có những hy sinh lớn lao cho việc học của con. Đa số chúng ta cũng tranh chiến với những sự mong đợi sai trật này vốn làm cho sự oán giận của chúng ta càng tăng thêm. Cơn giận bị bóp méo này được khuấy động bởi những yếu tố như chứng cớ gián tiếp, những sự giả định sai lầm, sự suy đoán, mong đợi hay những sở thích cá nhân của chúng ta, thậm chí sự mệt mỏi rõ rệt - và đôi lúc một sự kết hợp của những yếu tố này. Cho dù nguyên nhân là gì đi nữa, chúng ta kết luận không đúng rằng mình đã bị người khác đối xử bất công. Chúng ta có một sự giận dữ vốn không phải là cơn giận tích cực, có cơ sở vững chắc; đó là cơn giận không đúng chỗ, bị bóp méo. Vậy thì chúng ta xử lý một cơn giận như thế và biến nó thành ra điều ích lợi bằng cách nào?
 

        “TÔI CẦN SỰ GIÚP ĐỠ CỦA BẠN”: CHIA SẺ THÔNG TIN
 

        Chúng ta bắt đầu bằng cách nói cho người kia biết điểm quan tâm của mình. Điều này phải luôn được thực hiện trong một cách thức không phê phán. Đó là lý do vì sao tôi đang gọi nó là “việc chia sẻ thông tin.” Chúng ta không đang chia sẻ một lời phán quyết: “Anh hạ thấp tôi”; “Anh đã làm tôi thất vọng”; “Anh đã không thực hiện những gì anh hứa.” Tất cả những lời này là những câu định tội, phê phán có khuynh hướng gây hấn. Ngược lại, câu nói, “Tôi đang cảm thấy nản lòng (thất vọng, tổn thương, tức giận, hay bất kỳ cảm xúc nào khác), và tôi cần anh giúp đỡ” là một câu để thông tin. Nó đang cho người kia biết điều đang diễn ra bên trong con người bạn, và nó đang đề nghị một cơ hội để nói chuyện.
 

        Việc chia sẻ thông tin hơn là sự phê phán là bước đầu tiên trong việc xử lý cơn giận bị bóp méo. Trong việc chia sẻ thông tin, bạn đang tập trung vào việc làm cho người kia ý thức được những cảm xúc, những suy nghĩ và những mối quan tâm của bạn. Bạn đang tập trung vào sự kiện đã khơi dậy những cảm xúc của bạn, chứ không tập trung vào người kia. Rất có khả năng hơn là bạn có thể làm điều này nếu như trước tiên bạn đã xác định rằng người kia đã không làm gì sai trái với bạn. Người ấy có thể đã làm cho đời sống bạn khó khăn; người ấy có thể đã gây cho bạn sự nản lòng, nhưng anh ta đã không phạm một hành vi vô đạo đức nào.
 

        “ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA?”: THÂU THẬP THÔNG TIN
 

        Trước đây chúng ta đã nhận thấy rằng vào một số trường hợp, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta không có tất cả sự thật. Vì vậy, thật khó để chúng ta xác định là cơn giận của chúng ta tích cực hay không. Câu chuyện của Meredith và Jason lả một thí dụ cụ thể trong trường hợp này. Hai vợ chồng dùng bữa tối vội vàng, và Meredith lao ra cửa để tham dự lớp thể dục nhịp điệu. Ba giờ sau, cô trở về nhà và thấy Jason, chồng cô, đang ngồi trên ghế dài xem ti-vi trong khi chén bát dơ vẫn còn nguyên trên chiếc bàn mà họ đã ăn xong. Meredith bị “tức giận điên người”. Các ý tưởng lướt nhanh qua tâm trí cô, Mình không thể tin được-xem ti-vi hàng mấy giờ liền, và mọi thứ vẫn ngổn ngang khắp nơi. Tới giờ này thì có lẽ lũ kiến cũng đã dọn sạch hết bát đĩa rồi. Mình cảm thấy muốn chạy vô trong đó và đá văng cái ti-vi đi.
 

        Meredith có một vài sự chọn lựa. Cô có thể kết luận rằng cơn giận của cô là chính đáng, rằng chồng cô là một kẻ nhếch nhát lười biếng, vô tích sự, và cô có thể phản ứng lại anh ta với những lời lẽ cay đắng; cô có thể rút lui trong im lặng và không đáp ứng trước những nỗ lực để có sự thân mật trong quan hệ vợ chồng tối hôm ấy; hoặc cô có thể cố gắng xử lý cơn giận của mình trong một cách thức có trách nhiệm hơn. Nếu cô hiểu sự khác biệt giữa cơn giận tích cực và cơn giận bị bóp méo thì cô có thể bắt đầu bằng cách tự hỏi, Anh ấy đã phạm điều sai trái gì? Cô có thể cố hết sức trong tâm trí mình để cho là bộ tịch (hay sự thiếu hoạt động) của anh ấy như là một tội lỗi nào đó. Nếu cô thành công, cô có thể kết luận rằng tội của anh nằm trong việc anh không yêu thương cô ấy. Rốt lại, không phải là những người làm chồng phải yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu hội thánh sao? Thế thì, đây chắc hẳn không phải là một biểu hiện của tình yêu thương.
 

        Nếu cô ấy khôn ngoan, cô cũng sẽ tự hỏi, Mình có tất cả sự thật không? Nếu cô khôn ngoan đủ để hỏi câu này, có lẽ cô sẽ khôn ngoan đủ để kết luận rằng câu trả lời là KHÔNG, cô không có tất cả sự thật. Vì vậy, một bước quan trọng là lấy thông tin từ Jason để biết điều gì đã xảy ra và tại sao.
 

        Bước vào căn phòng nhỏ bề bộn, Meredith tiến tới cái ghế dài, ngồi xuống, choàng tay ôm Jason, và nói, “Em có một câu hỏi nhỏ trước khi tặng anh một nụ hôn. Vì sao bát đĩa dơ vẫn còn nằm trên bàn vậy?”
 

        “Ồ, em yêu, anh xin lỗi,” Jason đáp. “Anh ngồi xuống đây để xem tin tức. Anh định sẽ rửa chén bát ngay sau phần tin tức, nhưng rồi trận đấu bắt đầu, và điều kế tiếp anh nhận biết, đó là anh nghe tiếng cửa nhà xe mở ra. Anh không biết mình đã ngủ thiếp đi bao lâu. Thậm chí anh chẳng nhớ giờ giải lao sau hiệp một. Chắc hẳn anh đã ngủ được hai giờ rồi.
 

        “Anh sẽ rửa chén bát; anh xin lỗi. Hẳn là anh đã mệt hơn là anh tưởng.” Anh ấy đi xuống bếp để bắt đầu lau dọn bàn ăn. “Buổi tối của em thế nào?” anh nói.
 

        May mắn là cơn giận của Meredith bắt đầu dịu đi khi cô nhận thức rõ rằng việc Jason không dọn bàn ăn không phải là một hành động tội lỗi. Việc ngủ hai giờ liền trên ghế dài không phải là vô đạo đức; đó chỉ là một dấu hiệu của nhân tính một người. Việc thâu thập thông tin giúp cho Meredith nguôi đi cơn giận và có lẽ thậm chí vui mừng vì Jason đã có thể ngủ thêm một chút.
 

        Khi chúng ta nhận ra rằng sự nhận thức của mình về tình huống nào đó bị bóp méo, chúng ta có thể giải tỏa cơn giận đó và tiếp tục chấp nhận người bạn đời của mình như là một con người với những hạn chế tất yếu.
 

        Kính thưa quý thính giả,
 

        Phát Thanh Hy vọng xin tạm ngưng phần đọc sách hôm nay tại đây. Kính mời quý thính giả trong tuần tới cùng chúng tôi tiếp tục khám phá những phương cách xử lý cơn giận bị bóp méo và biến chúng trở thành điều tích cực chứ không hủy diệt hạnh phúc và niềm vui của chúng ta. Phát Thanh Hy Vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Mong gặp lại quý thính giả vào tuần sau.


Tiến sĩ Gary Chapman
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn