05:19 EDT Thứ ba, 07/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 43

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 42


Hôm nayHôm nay : 5056

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 61795

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23070828

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Lún Sâu

Lún Sâu

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi” (Giăng 8:34).

Xem tiếp...

Điều Gì Tạo Nên Con Người?

Thứ ba - 21/11/2017 19:48
Điều Gì Tạo Nên Con Người?

Điều Gì Tạo Nên Con Người?

Kính thưa quý độc giả, Nếu có ai hỏi “Điều gì tạo nên con người chúng ta?” hay “Con người là ai?” thì quý vị sẽ trả lời như thế nào? Thật ra, đây là một thắc mắc lớn của cả nhân loại qua nhiều thời đại, với những câu trả lời khác nhau.



              Kính thưa quý độc giả,

              Nếu có ai hỏi “Điều gì tạo nên con người chúng ta?” hay “Con người là ai?” thì quý vị sẽ trả lời như thế nào? Thật ra, đây là một thắc mắc lớn của cả nhân loại qua nhiều thời đại, với những câu trả lời khác nhau. Con người chúng ta, xét về phương diện sinh học hay xã hội học, có khác tất cả các loài khác không? Có những đặc tính rõ ràng nào tách biệt con người ra khỏi các vật thể sống khác không? Có những đặc tính nổi bật nào khiến con người khác hẳn những động vật khác, cho dù các động vật như con vượn, con khỉ có trông giống như con người? Hay con người đơn giản chỉ là một hình thái tiến hóa từ các loài động vật khác, chỉ là kết quả của một quá trình tương tác tình cờ ngẫu nhiên kéo dài qua hàng tỷ năm? Đứng trước câu hỏi “Điều gì tạo nên con người chúng ta?” thì sinh học, vật lý học, toán học hay có một ngành khoa học nào có thể đem đến câu trả lời thật thỏa đáng không?

              Quý độc giả thân mến,

              Từ rất lâu, con người đã dồn nhiều công sức để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi vô cùng quan trọng này. Các nhà cổ sinh vật học (paleontologist) khẳng định một số đặc điểm duy nhất của các bộ xương người, khác biệt hẳn với bộ xương của loài vượn hay loài khỉ. Thí dụ như cả người và vượn, nói về hàm răng nằm giữa hai quai hàm, đều có chung một mô hình, đó là bắt đầu với hai răng cửa, rồi đến răng nanh, hai răng kế răng hàm rồi đến ba chiếc răng hàm. Tuy vậy, xương hàm dưới để mang các chân răng của con người thì nhỏ hơn của vượn và có dạng hình chữ V, trong khi xương hàm dưới của vượn có hình chữ U. Một đặc tính khác biệt nữa là xương chậu của người có hình chậu rõ ràng hơn là của vượn, và như vậy mới có thể nâng đỡ các bộ phận ở bụng, để phù hợp với dáng đi thẳng của con người. Tuy vậy, các đặc điểm về bộ xương người chỉ mô tả sự khác biệt bề ngoài giữa con người và các loài động vật khác, nhưng không thể trả lời một cách đầy đủ cho câu hỏi “Điều gì tạo nên con người chúng ta?”

              Còn các nhà nhân chủng học ra sức tìm kiếm các bằng chứng trong đời sống văn hóa của con người qua các di tích được khai quật, nhằm xác định điều gì tách biệt con người ra khỏi các loài sống khác. Đã có một thời, theo các nhà nhân chủng học, thì con người là động vật duy nhất biết sử dụng các dụng cụ. Tuy vậy, qua nhiều nghiên cứu sâu rộng nhiều năm sau đó, đã xác định là loài khỉ đột (chimpanzees) và kể cả khỉ dã nhân (gorillas) cũng biết sử dụng những dụng cụ thô sơ. Thậm chí cả loài rái cá sống ở dưới biển cũng biết sử dụng các cục đá để đập vỡ các các sò hến để ăn. Người ta cũng nêu ra là chỉ có con người mới biết sử dụng lửa và có tục lệ chôn xác chết. Tuy vậy, điều này cũng chỉ mô tả bên ngoài về sự khác biệt của con người, nhưng không chỉ rõ được nguyên nhân.

              Gần đây, các nhà di truyền học cũng nhảy vào “vòng chiến”, dựa vào những kiến thức sâu rộng về chuỗi di truyền DNA, nhằm kiếm ra cho được câu trả lời xác đáng về điều gì tách biệt con người với các loài vượn khỉ. Sự sắp xếp với trật tự và mức độ tinh vi thật cao của các chuỗi di truyền DNA của người mang đến những thông tin thật giá trị về sự cấu tạo thật độc đáo của thân thể người ta và kể cả tính tình và thái độ chỉ có ở con người. Tuy vậy, cũng giống như ngành cổ sinh vật học hay nhân chủng học, các nhà di truyền học cũng chỉ mô tả thêm hơn về những khác biệt, nhưng vẫn không giải thích được sự khác biệt này bắt nguồn từ đâu.

              Kính thưa quý độc giả,

              Chương đầu tiên của Sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh, đã mô tả thật rõ ràng về cách Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người như sau:

              “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.

              Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
              Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Sáng Thế Ký 1:26-27)

              Lời Kinh Thánh cho biết, duy chỉ có con người chúng ta, được Thiên Chúa tạo dựng theo như hình ảnh của Ngài. Điều này có nghĩa là duy chỉ con người mới có những bản chất giống như Thiên Chúa. Chúng ta thường gọi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo với công trình sáng tạo vô cùng phong phú với bao sắc màu, hình thái, chủng loại. Vì loài người giống như Đấng Sáng Tạo trong bản chất, cho nên chỉ duy loài người là có óc sáng tạo thật diệu kỳ. Loài ong, loài chim biết xây tổ, loài kiến, loài mối biết xây hang, nhưng các tổ ong, tổ chim, các hang kiến, hang mối vẫn không hề thay đổi từ lúc khai thiên lập địa đến nay, nhưng chỉ riêng con người đã sáng tạo không biết bao nhiêu là dụng cụ, máy móc, công trình kiến trúc, các sáng tác nghệ thuật tuyệt vời. Con người với những cảm xúc, tình cảm, có khả năng yêu, ghét, giận, hờn, có khả năng tha thứ, là vì con người mang bản chất của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, những đặc điểm sau đây là duy nhất, chỉ có nơi con người, và khiến chúng ta là con người, hoàn toàn tách biệt với tất cả các loài thọ tạo khác.

              Thứ nhất, loài người được sáng tạo nên là để phục vụ. Những con người, nếu chỉ đeo đuổi theo những tham vọng cá nhân, ích kỷ, cho dù có trở nên giàu có và nổi tiếng đi chăng nữa, vẫn không có được sự thỏa nguyện trong lòng. Con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên là để phục vụ và nếu không làm đúng theo như mục đích được tạo dựng nên, thì cuộc đời sẽ trở nên vô nghĩa và trống rỗng. Do vậy, mà vua Sa-lô-môn đã mô tả những cuộc đời không ngừng chạy theo những mục đích cho chính mình mà thôi thì “chỉ là hư không, mộng ảo”. Ngay sau khi tạo nên A-đam là người đầu tiên, Thiên Chúa đã đặt A-đam vào vườn địa đàng và giao cho công việc trông coi vườn như Kinh Thánh có chép “Thượng Đế Hằng Hữu đưa A-đam vào vườn Ê-đen để trồng trọt và chăm sóc vườn” (Sáng Thế Ký 2:15). Công việc đầu tiên mà Thiên Chúa giao phó cho A-đam, đó là phục vụ Ngài qua công việc quản lý vườn Ê-đen mà Ngài đã dựng nên. Chúa Giê-xu, là Thiên Chúa Ngôi Hai trong thân xác con người, luôn luôn nhắc nhở về mục đích quan trọng của đời người, đó là “Phải yêu thương Thượng Đế với cả tấm lòng, linh hồn và trí óc! Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Điều răn thứ nhì cũng giống như thế: ‘Phải yêu thương người đồng loại như chính bản thân!” (Ma-thi-ơ 22:37-39). Chúa Giê-xu đã dùng câu chuyện “người Sa-ma-ri nhân từ” sau đây để minh họa thế nào là “yêu người đồng loại như chính bản thân mình”: “Một người Do-thái đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, giữa đường bị cướp. Chúng lột hết quần áo, tiền bạc, đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Tình cờ, một thầy tế lễ đi ngang qua, thấy nạn nhân liền tránh sang bên kia đường, đi luôn. Một thầy Lê-vi đi qua trông thấy, cũng bỏ đi. Đến lượt một người Sa-ma-ri qua đường nhìn thấy nạn nhân thì động lòng trắc ẩn, nên lại gần, lấy thuốc thoa bóp và băng bó các vết thương, rồi đỡ nạn nhân lên lưng lừa mình chở đến quán trọ cấp cứu. Hôm sau, người ấy trao cho chủ quán một số tiền bảo săn sóc nạn nhân và dặn: ‘Nếu còn thiếu, khi trở về tôi sẽ trả thêm” (Lu-ca 10:30-35).

              Quý độc giả thân mến,

              Khác hẳn với bản tính vị tha và sẵn sàng phục vụ tha nhân, các công trình nghiên cứu cho biết loài khỉ đột (chimpanzee) không hề quan tâm đến những nhu cầu của con khỉ đột khác không liên hệ đến mình và các loài dã thú thường xâu xé lẫn nhau. Cho nên, chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng, con người văn minh hơn hết các loài, vì con người có ý hướng phục vụ người khác và đây là một yếu tố “khiến chúng ta là con người.”

              Yếu tố thứ nhì, đó là giá trị vô cùng cao quý và bất biến của mỗi cá nhân trước mặt Thiên Chúa. Trong thời buôn bán nô lệ, người ta đánh giá một nô lệ, dựa theo sức khỏe, sức chịu đựng và khả năng làm việc cho người chủ, cũng giống như đánh giá trâu bò hay súc vật là những công cụ của chủ. Ngày nay, xã hội thường đánh giá con người qua khả năng đóng góp và vì vậy mà người già cả, người bệnh tật dễ bị xã hội khinh rẻ và bỏ rơi. Những tệ nạn như phá thai, nan y tử quyền phản ánh cái nhìn sai lệch về giá trị thật của con người. Chúng ta, thường dễ mang phải một ít thành kiến trong việc nhận xét hay đánh giá một con người, mà sứ đồ Gia-cơ đã nhắc nhở như sau: “Nếu có một người ăn mặc sang trọng, đeo nhẫn vàng, cùng đi với một người nghèo, quần áo tồi tàn, bước vào nhà thờ, anh em chỉ lăng xăng chào đón người giàu, mời ngồi chỗ tốt, lại bảo người nghèo đứng hay ngồi dưới đất. Kỳ thị như thế là xét người theo thành kiến xấu xa” (Gia-cơ 2:2-4).

              Trong khi đó, Kinh Thánh khẳng định mỗi con người là tạo vật quý giá nhất, được Thiên Chúa ưu ái nhất và mỗi cá nhân là bình đẳng trước mặt Ngài. Vua Đa-vít đã sửng sốt vì địa vị cao quý mà Thiên Chúa dành cho người, qua vầng thơ Thi Thiên của ông như sau:

              “Con cũng không thể nào hiểu thấu,
              Thế nhân là gì mà Chúa bận tâm?
              Tại sao Ngài đến viếng thăm con người?
              Chúa tạo người chỉ kém Ngài vài phân,
              Đội lên đầu danh dự vinh quang,
              Cho người cai quản toàn vũ trụ,
              Khiến muôn loài đều phải phục tùng.
              Tất cả gia súc và thú rừng,
              Đến các loại chim trời, cá biển,
              Và mọi sinh vật dưới đại dương” (Thi Thiên 8:4–8)

              Địa vị vô cùng cao quý của con người, được xác định thật rõ ràng, qua sự kiện Chúa Giê-xu, chính là Thiên Chúa Ngôi Hai, đã phải giáng thế làm người cách đây hơn 2000 năm, rồi sau đó đã chịu hy sinh, chết đớn đau trên cây thập tự, đền tội thế cho nhân loại. Sự hy sinh của Con Độc Sanh của Thiên Chúa, đã xác quyết tình yêu vô biên của Ngài dành cho mỗi chúng ta, như sứ đồ Phao-lô đã khẳng định “Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi.” (Rô-ma 5:8).

              Như vậy, điều khiến chúng ta là con người, ấy là giá trị cao quý, cao hơn tất cả hoàn vũ gộp lại, của mỗi cá nhân trước mặt Đấng đã dựng nên loài người chúng ta.

              Thứ ba, con người là tạo vật duy nhất được dựng nên để liên hệ, để giao thông, để thân thiết với Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng “Đức Chúa Trời nắn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống” (Sáng Thế Ký 2:7), tức là chỉ con người mới có linh hồn, là linh chất đến từ Thiên Chúa. Nhờ linh hồn mà con người mới có thể cảm nhận và giao thông với Thiên Chúa là Đấng Thần Linh. Linh hồn là bất diệt, vì con người chúng ta được dựng cho đời đời và để giao thông với Thiên Chúa là Đấng còn đến đời đời. Thiên Chúa cũng ban cho con người ý chí và quyền lựa chọn, là sống trong sự hiện diện đời đời với Ngài hay sống xa cách Ngài vĩnh viễn. Tiếc thay, A-đam và Ê-va là hai người đầu tiên, là thủy tổ của loài người, đã phạm tội với Thiên Chúa và tội lỗi đã ngăn cách giữa con người bất khiết và Thiên Chúa chí thánh. Từ đó, trong tâm hồn của mỗi con người là một khoảng trống tâm linh, mà không có gì có thể lấp đầy được. Do vậy, chỉ có con người mới có tôn giáo, là những phương tiện để con người khỏa lấp sự trống vắng trong tâm linh, chứ loài vượn, loài khỉ thì đâu có bao giờ biết tìm đến những nơi thờ phượng. Một số người khác thì đặt ra những mục tiêu để thật bận rộn hay những cuộc vui nối tiếp, để lãng quên đi những trống vắng trong tâm hồn. Nhưng dầu cho con người có ra sức tu hành, đi theo một tôn giáo nào đó, hay mãi mê bận rộn với những tham vọng của cuộc đời, thì khoảng trống tâm linh vẫn không thể lấp đầy, cho đến khi con người được nối kết lại với Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, như thi sĩ Đa-vít đã diễn tả:

              Đức Chúa Trời ôi! Linh hồn tôi mơ ước Chúa,
              Như con nai cái thèm khát khe nước.
              Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống:
              Tôi sẽ đến ra mắt Đức Chúa Trời chừng nào? (Thi Thiên 42:1–2)

              Kính thưa quý độc giả,

              Điều gì khiến con người chúng ta hoàn toàn khác biệt các loài thọ tạo khác? Đó là vì chúng ta được dựng nên giống như ảnh tượng của Thiên Chúa, là tạo vật được Chúa ưa ái và yêu thương nhất, là đối tượng của tình yêu vô đối của Ngài. Chúng ta chỉ tìm lại chân dung thật của chính mình khi được nối kết lại với Đấng tạo dựng ra mình. Tôn giáo, triết lý, làm công đức, tu hành hay những công việc tương tự, chỉ là những bậc thang ngắn ngủi, không sao nối kết chúng ta là những tội nhân trở lại với Thiên Chúa thánh khiết trọn vẹn. Chính vì vậy, mà cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã giáng thế, trong con người mang tên Giê-xu và sau đó, đã chết đau đớn trên thập tự, đền nợ thế cho chúng ta. Chỉ qua niềm tin vào tình thương và sự chết thế của Cứu Chúa Giê-su, chúng ta mới được tha thứ và được trở lại với Đấng tạo dựng ra mình, như lời Chúa Giê-su đã khẳng định:

              “Ta là đường đi, chân lý, và sự sống. Ta là Con đường duy nhất dẫn đến Cha” (Giăng 4:16).

              Ước mong quý vị sớm nối kết lại với Đấng tạo ra mình để mỗi ngày quý vị khám phá càng nhiều hơn về những điều thật diệu kỳ đã tạo nên mỗi con người chúng ta. Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn