18:26 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 35

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 34


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16066

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025099

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 3)

Thứ ba - 06/06/2017 21:02
Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 3)

Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 3)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop với chương đề: "Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ". Hai tuần qua chúng ta đã cùng nhau phân tích xem điều gì thật sự xảy ra bên trong cơ thể khi chúng ta nổi giận.



               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đang ở chương thứ năm trong quyển sách “Nghĩ Sao, Thành Vậy” của Tiến Sĩ David Stoop với chương đề: "Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ". Hai tuần qua chúng ta đã cùng nhau phân tích xem điều gì thật sự xảy ra bên trong cơ thể khi chúng ta nổi giận. Trước hết, chúng ta biết rằng các triệu chứng và phản ứng cơ thể khi tức giận của con người không giống nhau. Có người thấy nóng bừng cả người và mặt mũi, có người lại thấy lạnh đến nỗi mặt nhợt nhạt đi, có người nắm chặt tay lại, có người đổ mồ hôi, bị nghẹt thở, chết điếng, co rút chân tay hay cảm thấy sợ hãi, đau đầu, chảy nước mũi. Tất cả, hoặc một phần, của các phản ứng cơ thể có thể là kết quả của cơn giận bị kiềm nén. Nếu chúng ta tiếp tục chôn giấu sự giận dữ của mình, những phản ứng vật lý của cơn giận kéo dài sẽ khiến cơ thể chúng ta suy sụp. Tùy vào cấu trúc của cơ thể mỗi người, họ có thể bị những loại bệnh tật khác nhau như rối loạn bài tiết nhẹ, tăng huyết áp, thậm chí là bị ung thư nữa, chứ không đơn giản chỉ là những cơn đau đầu hay bị lở loét, ung nhọt.

               Bài viết được đăng trên Tạp chí Changing Times, Tháng Sáu 1979, mà chúng ta đã nghe trong bài nói chuyện tuần qua cho thấy những khám phá rất thú vị về các phản ứng của cơ thể khi đối diện với sự nguy hiểm. Dù là một người thời thượng cổ sống trong hang động hay một người sống trong thời đại văn minh, khi đối diện với mối nguy hiểm cơ thể con người đều phản ứng cách tương tự như nhau. Trong thời hiện đại này, mối đe dọa không cần phải là một sự nguy hiểm trực tiếp mới gây ra sự kích động. Chỉ cần dự đoán bất cứ điều gì bực dọc, bối rối hoặc bấp bênh, thế là bạn có thể cảm thấy phản ứng căng thẳng dâng trào trong cơ thể mình.

               Giận dữ hay lo sợ đều là những cảm xúc lành mạnh và được dùng như hệ thống báo động nhằm bảo vệ chúng ta khỏi mối hiểm nguy đang đe dọa. Nhưng khi hai cảm xúc này bị bỏ trong tình trạng không được giải quyết, chúng có khả năng gây ra sự tổn hại cho cơ thể chúng ta và phát triển bệnh tật. 
               Trong bài nói chuyện tuần trước, chúng tôi đã đề cập đến hành vi cư xử Kiểu A trong cuộc nghiên cứu của Ts. Meyer Friedman và một số thính giả đã nêu thắc mắc điều này nghĩa là gì. Hôm nay chúng tôi xin giải thích thêm. Hành vi cư xử Kiểu A, hoặc cá tính loại A, xuất phát từ tựa đề của quyển sách "Type A Behavior and Your Heart", tạm dịch là “Hành vi cư xử Kiểu A và trái tim của bạn.” Quyển sách này là kết quả công trình nghiên cứu sâu rộng của Ts Meyer Friedman và đồng nghiệp của ông là Ts. Ray Rosenman, cho thấy mối liên hệ giữa hành vi cư xử và bệnh tim như đã từng được nhắc đến trong các bài báo khoa học suốt thập niên 50. Sau khi quyển sách “Type A Behaviour and Your Heart” xuất bản năm 1974, từ ngữ "Cá tính Loại A", tiếng Anh là “Type A personality” đã nhanh chóng trở thành một từ ngữ thông dụng trong vốn từ của quốc gia. Type A personality hay cá tính loại A nhằm chỉ các loại cá tính của người luôn cảm thấy bị áp lực gấp rút của thời gian. Họ là loại người nóng nảy bóp kèn xe inh ỏi và nhả khói xe mù mịt trên đường phố vì nhấn ga liên tục, họ thường bực bội hay cằn nhằn vì cho rằng mình được phục vụ quá chậm, và họ thường cảm thấy mình bắt buộc phải làm nhiều việc cùng một lúc, thí dụ như vừa cạo râu vừa thanh toán hóa đơn và quay số điện thoại.

               Kính thưa quý độc giả,

               Các cuộc nghiên cứu của Ts. Meyer Friedman về nguyên nhân của bệnh tim và của Ts. Carl Simonton về ung thư cho thấy cơn giận và nỗi sợ hãi không được giải quyết đã đóng một vai trò quan trọng trong cả hai loại bệnh giết người nhiều nhất này. Các cuộc nghiên cứu khác cũng chứng thực ngoài sự chấn thương vì đụng xe hay bị thương vì tai nạn, thì sự giận dữ và nỗi sợ hãi đóng một vai trò trong phần lớn những tổn hại trên cơ thể chúng ta. Ngoài các công trình nghiên cứu như vừa kể trên của Ts Meyer Friedman, Ts Carl Simonton, thì Ts. Silverman, một chuyên gia về các loại bệnh tâm thần, đồng thời là Bác Sĩ Về Tâm Thần Học của Trường Đại Học Harvard, cũng đã nhấn mạnh rằng một người không thể nào ngã bệnh mà không có dính líu tới một nhân tố căng thẳng nào đó. Ông nhận ra những cảm xúc được che giấu của sự giận dữ và sợ hãi như là những nhân tố căng thẳng quan trọng nhất trong bệnh tật về mặt thể xác.

               Tuần qua chúng ta đã nêu câu hỏi rằng, nếu nói như thế, vậy thì vi trùng đóng vai trò gì trong các căn bệnh thuộc thể? Chúng không phải là nguyên nhân đích thực của bệnh tật sao? Còn về những tác động của môi trường, sự ô nhiễm không khí và các phân tử sinh ung thư được cho là nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư thì sao-chúng khớp vào chỗ nào? Và chế độ ăn uống nữa, ảnh hưởng của nó ra sao-đó chẳng phải là một nhân tố quan trọng sao?

               Kính thưa quý độc giả,

               Tất cả những điều này vẫn còn là những nhân tố quan trọng trong bệnh tật, nhưng chúng không phải là những nhân tố có tính quyết định. Trong những cuộc nghiên cứu từng được thực hiện với các cặp sinh đôi giống nhau có cùng khuynh hướng di truyền tương tự đối với một căn bệnh, hoặc với những người hít thở cùng bầu không khí hay nhận vào cơ thể họ cùng các phân tử sinh ung thư hay có cùng chế độ ăn uống - thì một người có thể bị mắc bệnh trong khi người kia lại chẳng sao cả. Người mắc bệnh thường là người bị đặt vào một tình huống căng thẳng về mặt cảm xúc, trong đó cảm giác áp đảo của sự giận dữ và sợ hãi bị phớt lờ đi.

               Bởi vì chúng ta dồn hết mọi tình cảm cá nhân của mình trong hôn nhân, nên những cảm xúc không được giải quyết của sự giận dữ và sợ hãi trong mối quan hệ đó có thể khiến nó trở nên một trong những tình huống căng thẳng nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm. Trừ khi chúng ta tìm thấy một cách thức nào đó để giải quyết những cảm xúc này cách hiệu quả, chúng có thể trở nên những xúc cảm mãnh liệt đến mức có thể gây ra hành vi cư xử Kiểu A cho bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy. Với hành vi cư xử Kiểu A, bệnh tim mạch vành có thể dễ dàng xuất hiện vào độ tuổi ba mươi hoặc bốn mươi. Một số người gọi hành vi cư xử Kiểu A là “căn bệnh gấp rút” và cảm thấy rằng để tránh việc xử lý những cảm xúc giận dữ và sợ hãi của mình, chúng ta lao vào những công việc thường nhật của đời sống. Nếu có thể đi nhanh hơn, thì chúng ta sẽ không phải giải quyết bất cứ điều gì. Bởi vì xu hướng muốn nhanh chóng làm mọi việc cho xong này, hoặc những áp lực về thời gian liên tục do chúng ta tạo ra, chúng ta chỉ cần thêm vào vài việc nữa để tức giận về chúng-thế là chu kỳ được hoàn tất. Càng đi nhanh hơn, chúng ta càng phải phớt lờ nhiều điều hơn. Càng phớt lờ nhiều điều hơn, chúng ta càng kinh nghiệm sự giận dữ hoặc sợ hãi hơn, và chúng ta lại càng phải đi nhanh hơn để tránh những cảm xúc này. Các nhà nghiên cứu y khoa hiện nay nhận diện chu kỳ này như là một phần của hành vi cư xử Kiểu A và thấy rằng bất cứ kế hoạch điều trị nào cũng phải bao gồm việc xử lý cơn giận và nỗi sợ hãi nếu muốn tiến trình chữa lành được hoàn tất.

               Kính thưa quý độc giả,

               Những gì Ts. Friedman khám phá về mối liên hệ giữa hành vi cư xử Kiểu A và bệnh về tim mạch thì Ts. Carl Simonton cũng nhận thấy đúng như thế với các bệnh nhân ung thư. Đặc điểm đầu tiên mà Ts. Carl Simonton và nhóm nghiên cứu của mình tìm thấy là, căn nguyên của ung thư phần lớn có xu hướng xuất phát từ việc kìm nén sự oán ghét và giận dữ trong lòng. Khi điều trị cho các bệnh nhân bị ung thư, Ts. Simonton kết hợp song giữa việc điều trị bằng thuốc men với tâm lý trị liệu. Ông cùng các cộng tác viên của mình nhấn mạnh việc dùng tâm lý trị liệu để xử lý những cơn giận được chôn giấu trong lòng bệnh nhân. Thường thì họ nhìn thấy sự thuyên giảm đáng kinh ngạc của căn bệnh một khi bệnh nhân bắt đầu xử lý cách hữu hiệu những cơn giận trong lòng mình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: chúng ta

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn