08:13 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 16


Hôm nayHôm nay : 4326

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270366

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999773

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Kẻ Lười Và Con Kiến

Thứ ba - 23/05/2017 20:53
Kẻ Lười Và Con Kiến

Kẻ Lười Và Con Kiến

Kính thưa quý độc giả, Một đứa trẻ nhỏ sau được sinh ra, trong một vài năm đầu đời, nó không phải làm một công việc nào cả. Nhưng khi đã đến tuổi đi vườn trẻ, nó phải bắt đầu đến lớp trong những ngày quy định trong tuần để bắt đầu quá trình học hỏi.



               Kính thưa quý độc giả,

               Một đứa trẻ nhỏ sau được sinh ra, trong một vài năm đầu đời, nó không phải làm một công việc nào cả. Nhưng khi đã đến tuổi đi vườn trẻ, nó phải bắt đầu đến lớp trong những ngày quy định trong tuần để bắt đầu quá trình học hỏi. Quá trình này tiếp diễn và ngày càng bận rộn hơn khi nó lên đến bậc tiểu học, rồi bước qua bậc trung học. Phải đến lớp mỗi ngày, học bài, làm bài, rồi về nhà làm bài tập, làm home work, thời giờ còn lại có thể giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà hay đi làm thêm để kiếm một tiền túi tiêu vặt. Lớn lên một chút, một người có thể theo đuổi bậc đại học, hay bắt đầu học nghề, để rồi bắt đầu làm việc, có thể là một công việc lâu dài cho đến khi về hưu, hoặc chuyển đổi từ việc này qua việc khác. Có người chỉ làm một việc. Có người làm nhiều việc khác nhau cùng một lúc.

               Việc làm là những điều mà bạn và tôi thực hiện để đạt được một mục tiêu nào đó. Có việc làm để kiếm ra tiền. Có công việc không kiếm ra tiền như đang đi học. Có công việc hy vọng sẽ kiếm ra tiền như các nghệ sĩ sáng tác. Có việc làm mà kết quả không trả bằng tiền như công việc nội trợ trong nhà.

               Hầu như ai ai cũng làm một việc gì đó trong mỗi giai đoạn của cuộc đời. Các việc làm chiếm nhiều thời giờ và năng lực của một người.

               Đứng trước công việc làm, thông thường người ta có hai thái cực khác nhau. Có người cảm thấy việc làm sao mà nặng nề, cực nhọc quá. Những người này chẳng cảm thấy mệt mỏi, chán chường, uể oải và lười biếng trong công việc. Trong một thái cực khác, có người xem công việc làm là quan trọng hơn hết những điều khác trong cuộc đời, đặt mọi giá trị và kỳ vọng to tát của mình vào nghề nghiệp. Những người này, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, theo đuổi việc làm và tôn cao nghề nghiệp trở thành thần tượng trong đời mình.

               Nếu để tự nhiên, bạn và tôi có thể rơi vào một trong hai thái cực, hoặc là trở nên một người chẳng mấy thích thú, chán nản và lười biếng trong việc làm, hoặc là trở nên một người “ghiền làm việc”, hăng say trong công ăn việc làm việc quá độ, đến nỗi quên nghỉ ngơi và bỏ mặc những điều quan trọng khác. Rơi vào một trong hai thái cực trên sẽ dẫn đến một đời sống thiếu quân bình với những hậu quả nguy hại.

               Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, có bày tỏ thật rõ ràng quan điểm về công việc làm và hiểu rõ quan điểm này sẽ giúp bạn và tôi khám phá ý nghĩa đích thực của các công việc và trách nhiệm mà chúng ta được giao phó.

               Thứ nhất, công việc làm đến từ Thượng Đế. Ngài là Đấng làm việc để sáng tạo nên cả vũ trụ và con người chúng ta. Ngài cũng sáng tạo nên con người giống như hình ảnh của chính Ngài, ban cho bạn và tôi những đặc tính giống như Ngài. Một trong những đặc tính đó là con người được tạo nên để làm việc, vì Ngài là Đấng làm việc. Như sau khi sáng tạo hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va, Ngài liền đưa họ vào vườn Ê-đen để làm việc, để trồng trọt và chăm sóc vườn. Công việc làm là lời kêu gọi cũng như là sự ban phước của Thượng Đế đến cho con người. Tiếc thay, từ khi con người phạm tội với Đấng Tối Cao, đất đã bị nguyền rủa, con người phải làm lụng vất vả mới có miếng ăn, phải đổ lấy mồ hôi mới đổi lấy được bát cơm mỗi ngày. Công việc làm, chính nó không phải là gánh nặng, không phải là điều rủa sả như một số người lầm tưởng, nhưng chính tội lỗi đã đem gai góc và gai độc vào công việc, khiến nó mang nhiều cam go thử thách.

               Thứ nhì, qua công việc, một người khám phá ra mình, nhận định ra mục đích mà mình được tạo dựng nên ra và nhận được sự vui thỏa trong khi thực hiện công việc để hoàn tất mục đích đó. Một nhạc sĩ hạnh phúc khi sáng tác một ca khúc làm xao xuyến lòng người. Một kiến trúc sư hoàn tất một công trình kiến trúc tuyệt vời. Một kỹ sư hoàn tất một đồ án kỹ thuật mỹ mãn. Một phát ngôn viên truyền thông một bản tin thật rõ ràng và thật sống động đến người nghe. Tất cả là những phước hạnh, là sự vui thỏa khi người làm công việc hoàn tất được mục đích mà Đấng Tạo Hóa đặt để trên cuộc đời người đó.

               Thứ ba, qua thành quả và sự sáng tạo của người làm việc, điều này phản ánh vinh quang của Đấng Tạo Hóa, là Đấng ban cho con người việc làm cùng óc sáng tạo, để chinh phục thiên nhiên và tận hưởng thế giới do Ngài tạo nên.

               Quý độc giả thân mến,

               Luận về thái độ làm việc, vua Sa-lô-môn có lời khuyên rằng:

               “Này kẻ lười biếng, hãy quan sát sinh hoạt loài kiến, để rút tỉa bài học khôn ngoan.Tuy không có lãnh tụ, giám thị hay chỉ huy, nhưng mùa hè chúng biết dự trữ lương thực, mùa gặt biết thu nhặt thóc lúa” (Châm Ngôn 6:7-8)

               Câu mở đầu của lời khuyên thật lạ lùng, vì con người được Thượng Đế dựng nên để quản trị muôn loài, thế nhưng con người phải nhìn loài kiến là loài côn trùng bé nhỏ tầm thường để rút tỉa được bài học khôn ngoan trong việc làm. Mà thật vậy, từ khi phạm tội, con người không còn nhớ mục đích của việc làm nữa. Loài kiến luôn luôn làm việc cần mẫn siêng năng và con nào cũng làm việc cả, cho dù chẳng có ai đôn đốc, chỉ huy hay giám sát. Loài kiến được dựng nên là để làm việc. Kết quả qua thái độ siêng năng của loài kiến là được dồi dào lương thực. Bạn và tôi cũng như thế. Chúng ta được Thượng Đế dựng nên để làm việc và làm việc siêng năng, hầu chu toàn mục đích nào đó được Ngài đặt để trong cuộc đời và qua sự siêng năng đó, đời sống được trở nên thỏa nguyện và sung mãn.

               Vua Sa-lô-môn có khuyên tiếp:

               “Kẻ lười kia nằm ngủ mãi sao? Đến bao giờ mới thức giấc?
               "Ngủ một chút thôi, lát nữa hẳn dậy!" Thế rồi cứ khoanh tay nằm tiếp.
               Cảnh nghèo khổ sẽ dần dần tới, cảnh thiếu thốn sẽ sấn đến” (Châm Ngôn 6:9-11)

               Người lười biếng ngủ xong, thức giấc, rồi nằm ngủ lại, không thể bước ra khỏi giường. Hậu quả của sự lười biếng là một đời sống nghèo nàn và thiếu thốn sự thỏa nguyện.

               Người lười biếng thường đặt ra nhiều lý do, cho dù là những lý do thật vô lý, để dối gạt những người chung quanh và dối gạt với chính lương tâm của mình, để trốn tránh sự khó nhọc trong công việc làm, như vua Sa-lô-môn có mô tả:

               “Kẻ lười chẳng chịu đi làm, sợ con sư tử vồ ta dọc đường” (Châm Ngôn 26:16)

               Một so sánh khác đầy dí dỏm về người lười biếng như vầy:

               “Lưng nó dính chặt vào giường, cũng như cánh cửa dính trên bản lề” (Châm Ngôn 26:14)

               Giống như một cánh cửa dính vào cái bản lề và cứ xoay đi xoay lại quanh cái bản lề đó, người lười biếng không thích đi ra khỏi sự quen thuộc và dễ chịu của mình, nhưng cứ trói buộc mình trong một vòng lẩn quẩn, chẳng học hỏi, mà cũng chẳng cầu tiến, chẳng khám phá mà cũng chẳng sáng tạo gì cả.

               Người lười biếng, có thể mất đi cả ý chí tối thiểu, không tự giúp mình trong những công việc căn bản nhất, không thể hoàn tất bất kỳ một công tác nhỏ mọn nào, như vua Sa-lô-môn có mô tả tiếp:

               “Như người mỏi mệt ê chề, tay thò vào đĩa, lười đưa lên mồm” (Châm Ngôn 26:15)

               Ấy vậy mà, người lười biếng thường rất tự hào về thái độ lười biếng của mình, như vua Sa-lô-môn có kết luận:

               “Tuy nhiên, hắn tự nhủ là: 'Bảy người khôn sánh đâu bằng mình ta!'” (Châm Ngôn 26:16)

               Người có thái độ lười biếng thường là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình trước, và xem những người siêng năng làm việc là những kẻ dại, là những người không biết khôn ngoan và không biết trốn trách gánh nặng như mình. Những người lười biếng thường tự tách mình ra khỏi trách nhiệm, xem thường chủ nhân, xem thường những người có thẩm quyền và những cá nhân siêng năng để đóng góp cho cộng đồng hay xã hội.

               Lười biếng, viện mọi lý do để trốn tránh công việc, chẳng học hỏi, chẳng cầu tiến, chẳng phát huy khả năng thiên phú, chẳng hoàn tất trách nhiệm, khinh dễ người có thẩm quyền là một trọng tội trước mặt Đấng Tạo Hóa, vì điều này đi ngược với mục đích sáng tạo của Ngài.

               Kính thưa quý độc giả,

               Ngược với người lười biếng là người làm việc hăng say quá độ và cả hai thái cực đều dẫn đến những nguy hại cả.

               Đúng là bạn và tôi được Thượng Đế dựng nên để làm việc, nhưng Ngài cũng kêu gọi chúng ta trở nên người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, người con trong gia đình, một công dân trong xã hội, một thành viên trong cộng đồng nữa. Trên hết, chúng ta cần có thời giờ nghỉ ngơi, cũng như để có thời giờ tưởng nhớ đến Đấng tạo ra mình. Do vậy, sự nghỉ ngơi sau khi làm việc là cần thiết và đã trở thành một điều răn trong Mười Điều Răn, như Kinh Thánh có ghi:

               "Phải giữ ngày Sa-bát làm ngày thánh. Ngươi có sáu ngày để làm công việc, nhưng ngày thứ bảy là ngày thánh dành cho Chúa Hằng Hữu, Thượng Đế ngươi. Trong ngày ấy, ngươi cũng như con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật, luôn cả khách trong nhà ngươi, đều không được làm việc gì cả. Vì trong sáu ngày, Chúa Hằng Hữu tạo dựng trời, đất, biển và muôn vật trong đó; đến ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Vậy, Chúa Hằng Hữu chúc phước cho ngày Sa-bát và làm nên ngày thánh” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:8-11)

               Chính Thượng Đế với năng lực tuyệt đối có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ ngơi, nhưng sau sáu ngày sáng tạo nên vũ trụ, qua ngày thứ bảy, Ngài nghỉ. Điều này nhắn nhủ thật rõ ràng cho những con người như bạn và tôi, rằng sau khi làm việc, sự nghỉ ngơi cần thiết đến dường nào.

               Thế giới ngày nay càng trở nên bận rộn, xua đẩy con người vào cái vòng 24/7, nhưng để giữ gìn một đời sống thăng bằng và tốt đẹp, từ thể xác, cho đến tinh thần và tâm linh, sau khi làm việc, bạn cần có thời giờ nghỉ ngơi đầy đủ tương xứng.

               Ngày nay, người ta có khuynh hướng lên án những người lười biếng, nhưng lại xem trọng những người làm việc hăng say quá độ. Tuy vậy, dưới sự soi dẫn của Kinh Thánh, cả người lười biếng và người làm việc hăng say quá độ đều phạm trọng tội như nhau trước mặt Thượng Đế.

               Trong khi người lười biếng thì tự tôn mình lên cao, xem mình là khôn hơn ai hết, còn người siêng năng quá độ thì tôn sùng công ăn việc làm lên quá cao, để trở thành thần tượng sai khiến người đó trong đời sống.

               Trong khi người lười biếng khiến cho khả năng của mình bị thui chột, làm cho đời sống của mình trở nên nghèo nàn và thiếu thốn, thì người siêng năng quá độ cũng là một kiểu “làm biếng” nữa. Vì một người có thể dồn hết thời giờ và năng lực vào trong công việc làm ăn, để trốn trách những trách nhiệm thiêng liêng khác, để “bê trễ lười biếng” trong những vai trò quan trọng khác mà Thượng Đế đặt để trên người đó, như vai trò làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ.

               Người lười biếng thường thiếu tiền, nhưng người làm việc quá độ thì thiếu đi những mối quan hệ tốt đẹp trong đời sống.

               Kính thưa quý độc giả,

               Thượng Đế là Đấng làm việc và Ngài vui thú trong công việc của Ngài. Như một họa sĩ say sưa với bức tranh mình đang vẽ, dừng lại từng chặng để đứng ra mà ngắm nghía, thì Kinh Thánh có ghi lại rằng, trong từng giai đoạn sáng tạo nên trời và đất, Ngài nhìn lại công trình sáng tạo và cảm thấy hài lòng.

               Chính Ngài đã ban cho bạn và tôi công việc, cũng như tài năng để chúng ta cũng làm việc và sáng tạo cũng giống như Ngài, để rồi tận hưởng niềm vui do kết quả của công việc mang đến.

               Như một họa sĩ hoàn tất một bức tranh tuyệt đẹp. Như một người mẹ nuôi con khôn lớn. Như một người thầy đào tạo những học trò giỏi giang. Như một giám đốc điều hành một công ty thành công. Như một luật sư bảo vệ được công nghĩa.

               Tuy thế giới không còn trọn vẹn nữa như những ngày đầu sáng tạo, khiến công việc làm có trở nên gai góc khó khăn, đôi khi cũng nhàm chán, khiến có những buổi sáng, khi chuông đồng hồ báo thức reo vang, bạn và tôi có lăn qua, trở lại như một cánh cửa xoay quanh một bản lề, nhưng hãy biết rằng công việc là món quà đến từ Thượng Đế, là sự ban phước đến từ Đấng Chí Cao, để bạn và tôi có thể kinh nghiệm giống như Ngài, đó là có cơ hội để làm, để sáng tạo và để rồi tận hưởng thành quả, như vua Sa-lô-môn có kết luận:

               “Vậy, tôi nghĩ tốt nhất là cứ ăn uống và hưởng thụ công khó mình. Vì Thượng Đế phải cho, mới có mà hưởng”.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn