20:21 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 29

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 28


Hôm nayHôm nay : 8964

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 16773

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23025806

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 1)

Thứ tư - 24/05/2017 20:57
Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 1)

Điều Gì Xảy Ra Khi Ta Nổi Giận? (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Tuần qua chúng ta đã bắt đầu Chương thứ năm với chương đề: Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ. Nhiều người mang sự tức giận trong lòng nhưng lại hoàn toàn không có chút ý thức gì về điều ấy.



              Kính thưa quý độc giả,

              Tuần qua chúng ta đã bắt đầu Chương thứ năm với chương đề: Sự Tự Nhủ và Sự Giận Dữ. Nhiều người mang sự tức giận trong lòng nhưng lại hoàn toàn không có chút ý thức gì về điều ấy. Một số người khác tuy biết rõ cơn giận trong lòng mình, nhưng họ lại cảm thấy bị mắc bẫy vì không biết làm sao để loại bỏ những cảm giác ấy đi. Họ cố gắng giả vờ là mình không hề giận dữ, nhưng trong lòng thì lại rối bời. Sự hỗn loạn dữ dội trong lòng những người này có nguy cơ bộc phát một khi có sự khiêu khích nhỏ nhất xảy ra.

              Nhiều người thấy bối rối về sự giận dữ bởi vì chúng ta đã từng được dạy rằng sự giận dữ không nên tồn tại trong đời sống của mình. Tuy nhiên, giận dữ chính là một cảm xúc hoàn toàn hợp lệ và tự nhiên của con người. Nếu có người khác hạ thấp chúng ta, cố tìm cách làm tổn thương chúng ta hay gia đình chúng ta; hoặc khi nghe tin một đứa bé bị cha mẹ bạc đãi, thậm chí đánh chết; hoặc nhìn thấy hình ảnh của trẻ em đang chết đói mà chúng ta không nổi giận thì quả thật là cảm xúc của chúng ta đang có vấn đề. Chúng ta cần cảm nhận sự giận dữ ấy vì nó là một phần của yếu tố tình cảm mà Đức Chúa Trời đặt để trong mỗi người. Nói cách khác, nếu sự tức giận là một cảm xúc hợp lẽ của con người, và bạn lại nói bạn không từng nổi giận, thế thì bạn đang hụt mất một phần của cuộc sống.

              Như đã có nhắc đến trong bài nói chuyện tuần trước, từ ngữ sự giận dữ được sử dụng hơn 450 lần trong Kinh Thánh Cựu Ước. Trên 75% của những lần nhắc đến từ ngữ này có liên quan tới cơn giận của Đức Chúa Trời. Những nơi khác thường bao hàm sự giận dữ của các anh hùng đức tin vĩ đại trong Cựu Ước. Chúa Jesus cũng từng nổi giận khi thấy người Pharisi thiếu mất lòng yêu thương đồng loại bởi họ chỉ khăng khăng tuân theo những giáo điều cứng ngắc của luật lệ và kết án Chúa Jesus khi Ngài chữa lành kẻ bại, người mù, người teo tay, người bệnh trong ngày Sa-bát. Khi còn là chàng thanh niên mang tên Sau-lơ, Sứ đồ Phao-lô đã từng tức điên lên với hội thánh của những người tin Chúa Giê-xu. Điều đó có thể được gọi là cơn thạnh nộ công chính bởi một người anh em Do-thái; nhưng trên thực tế Phao-lô vốn là một người có tính nóng giận. Thế rồi khi trở thành Phao-lô qua sự tái sanh trong Chúa Jesus, ông đối diện với sức tàn phá của sự giận dữ mình. Khi viết thư gửi cho các hội thánh trẻ, ông thường xuyên cảnh báo họ về những hiểm họa liên kết với sự giận dữ.

              Trong thơ gởi cho Hội Thánh tại thành Ê-phê-sô, Phao-lô khuyên tín hữu “Hãy tức giận nhưng đừng phạm tội!” Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào tôi có thể tức giận và không phạm tội được? Khi giận dữ, chúng ta cảm thấy thoải mái, bởi vì nó là một cảm xúc thật của con người. Nhưng những hậu quả của việc tức giận thường đẩy chúng ta vào sự bối rối tương tự như chúng ta đã từng trải trước đây khi chúng ta nghĩ rằng mọi sự giận dữ đều sai trật.

              Kính thưa quý độc giả,

              Bây giờ chúng ta hãy vẽ hai đường kẻ cắt nhau theo hình chữ thập, bằng cách vẽ một đường nằm ngang và một đường thẳng đứng cắt ngang. Phía trên cùng của đường thẳng đứng được đặt tên là CHẤP NHẬN CƠN GIẬN, phía đối diện nó tức là phía cuối cùng của đường thẳng đứng sẽ được đặt tên là PHỦ NHẬN CƠN GIẬN. Phía bên trái của đường thẳng nằm ngang được đặt tên là KHÔNG NHẬN BIẾT CƠN GIẬN. Phía đối diện, tức phía bên phải của đường thằng nằm ngang được đặt tên là NHẬN BIẾT CƠN GIẬN.

              Nếu bạn nhận biết mình đang tức giận nhưng bạn nhất định phủ nhận cơn giận của mình, bạn sẽ rơi vào tình trạng kiểm soát quá mức. Phao-lô có vẻ là người sẽ rơi vào tình trạng kiểm soát quá mức cơn giận của mình. Nếu chúng ta dùng đường kẻ chữ thập như tôi vừa miêu tả, chúng ta có thể đặt Phao-lô trong phần phía tay phải, bên dưới của đường kẻ nằm ngang. Chắc hẳn Phao-lô đã ý thức được những cảm xúc giận dữ của mình, nhưng dựa trên những kinh nghiệm trước đó của ông, Phao-lô đã cố gắng phủ nhận sự tồn tại của sự giận dữ trong đời sống mình.

              Khi chúng ta bị rơi vào phản ứng kiểm soát quá mức ấy trước sự giận dữ, chúng ta thấy bản thân mình trong cùng chỗ như Phao-lô-nhận biết cảm xúc giận dữ nhưng lại hết sức phủ nhận nó. Khi chúng ta thấy mình trong chỗ này, chúng ta gượng nở một nụ cười trên gương mặt, nghiến răng, và nói những lời như, “Ai giận dữ? Không phải tôi!” mà trong lòng lại bị những cảm xúc làm chúng ta đau đớn tột cùng.

              Mặt khác, chúng ta có thể thấy rằng, nếu chúng ta chấp nhận sự giận dữ của mình mà không nhận biết sự hiện diện của nó cho đến khi quá trễ, chúng ta có thể dễ dàng bị rơi vào một khuôn mẫu của việc bị lấn át bởi cơn giận ấy. Khi bị rơi vào tình cảnh này, chúng ta sẽ có thể mất bình tĩnh, la hét con cái, hay đóng sầm cửa lại. Việc trút giận này có thể ngăn giữ chúng ta khỏi bị những vết loét hay ung nhọt trong cơ thể, nhưng chắc chắn là nó chuyển khả năng đó sang cho những người phải đón nhận sự giận dữ của chúng ta.

              Khi chúng ta có thể chấp nhận sự giận dữ của mình và ý thức được nguồn gốc gây ra cơn giận đó khi nó phát triển bên trong mình, chúng ta có thể xử lý cách hiệu quả với cơn giận của mình lẫn nguyên nhân tạo ra nó. Lúc đó chúng ta ở trong góc tư của sự tăng trưởng, phía bên phải và trên đường kẻ nằm ngang.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hãy hình dung bạn đang ở đâu trên đường kẻ này. Bạn có gặp khó khăn trong việc chấp nhận cảm xúc giận dữ chăng? Bạn có gặp khó khăn trong việc nhận ra cơn giận của mình trước khi quá trễ chăng? Nếu bạn tranh chiến với cả việc chấp nhận lẫn việc nhận biết cơn giận của mình, bạn đang thiết lập một khuôn mẫu vốn có thể tạo ra đủ loại nan đề về thể chất. Giận dữ là cảm xúc giết người. Việc không nhận biết sự giận dữ của mình hay phủ nhận nó sẽ chỉ làm chúng ta hao mòn về mặt cảm xúc và vắt kiệt sức lực, đẩy chúng ta đến chỗ có thể bị tấn công bởi mọi thứ tật bệnh.

              Điều gì thật sự xảy ra khi chúng ta nổi giận? Điều gì diễn ra bên trong cơ thể chúng ta? Khi xem xét Tự Điển New World của Webster chúng ta có một điểm khởi đầu và một số am hiểu thấu đáo thú vị. Từ ngữ anger (tức là cơn giận hay sự giận dữ) có nguồn gốc từ chữ angh-, có nghĩa là “bị siết chặt lại, chật hẹp, tính chất căng thẳng, và tình trạng kiệt quệ.” Nếu dò xuống cùng trang đó thì sẽ thấy từ angina được định nghĩa là bất cứ cơn đau thắt nào được định vị. Từ ngữ angina phát xuất từ chữ angh-, y như chữ giận dữ, vốn nối kết sự giận dữ với cơn đau thắt. Điều này cho thấy rằng ngay cả trong thời cổ xưa, khi ngôn ngữ vẫn đang còn được phát triển, người ta đã thấy một mối liên hệ giữa những gì họ đang trải nghiệm về mặt thể chất với cảm xúc giận dữ.

              Sự nghiên cứu gần đây về cơn giận dữ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thể chất này. Một trong những sự nghiên cứu đầu tiên cho thấy các triệu chứng về thể chất vô cùng đa dạng. Người ta nói rằng họ cảm thấy hoặc nóng hoặc lạnh, tay nắm chặt lại, và trải nghiệm việc đổ mồ hôi, nghẹt thở, chết điếng, hay co rút chân tay. Một số người nói họ cảm thấy mặt đỏ bừng, trong khi những người khác nói họ cảm thấy mặt mình nhạt nhợt. Một số cho biết rằng cơn giận của họ khiến họ cảm thấy sinh động và nhanh nhẹn hơn, trong khi những người khác nói nó làm cho họ cảm thấy sợ hãi và thậm chí khiến họ đau đầu hay chảy nước mũi.

              Một sự nghiên cứu khác gần đây quan sát những phản ứng vật lý nơi các con vật khi chúng trở nên sợ hãi hoặc giận dữ. Cả hai cảm xúc đều gây ra những sự thay đổi về thể chất. Sự tiêu hóa, sự đồng hóa, và sự bài tiết dừng lại khi các mạch máu dẫn đến dạ dày và ruột thắt lại, cắt đứt lượng máu chảy đến các vùng này. Lượng máu gia tăng trong những vùng quan trọng trong việc tiến hành bất cứ quyết định nào đã được thực hiện như là kết quả của sự giận dữ là: não bộ, tim, phổi, và các bắp cơ lớn trong hai cánh tay và hai chân.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một cuối tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn