10:27 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 4773

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 270813

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000220

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự Nhủ Lệch Lạc (Bài 1)

Thứ hai - 18/09/2017 21:13
Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự Nhủ Lệch Lạc (Bài 1)

Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự Nhủ Lệch Lạc (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.



                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Sự ngã lòng, lo âu phiền muộn, suy nhược thần kinh của con người thường có liên hệ trực tiếp tới những biến cố bên ngoài đang diễn ra trong đời sống họ và tới sự đối thoại bên trong, tức sự tự nhủ của họ về những biến cố đó. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta cũng có thể kinh nghiệm sự ngã lòng, lo âu phiền muộn, bởi vì khi có tội lỗi trong đời sống mình, chúng ta chắc chắn mở ngõ cho kẻ thù tấn công vào lòng và trí của chúng ta. Khi chúng ta có thể trực tiếp nối kết cảm giác ngã lòng, lo âu phiền muộn, suy nhược thần kinh với một biến cố bất công, đau đớn, gây tổn thương nào đó trong đời sống, ít ra chúng ta có thể hiểu được vì sao chúng ta có những cảm xúc ấy.

                Nhưng sự ngã lòng không phải lúc nào cũng hợp lý hay lô-gíc như thế, mà trường hợp của tiên tri Ê-li là một chứng minh. Tuần qua chúng ta đã nghe về sự ngã lòng dường như khó lý giải của tiên tri Ê-li sau khi ông đã thành công trong cuộc chiến với 450 tiên tri giả của thần Ba-anh. Câu chuyện cho thấy một mình Tiên tri Ê-li can đảm nhận lời thách đố Vua A-háp, Hoàng Hậu Giê-sa-bên, 450 tiên tri giả của tà thần cùng dân Y-sơ-ra-ên. Trọn ngày dài, dù 450 tiên tri Ba-anh có la lớn, nhảy múa điên cuồng, thậm chí rạch mình cho chảy máu thì vẫn không có gì xảy ra trên tế lễ của họ.

                Rồi khi toàn dân Y-sơ-ra-ên đứng đó lặng yên theo dõi đến lượt Ê-li dâng tế lễ toàn thiêu cho Đức Chúa Trời, thì với một lời cầu nguyện đơn giản của đức tin, lửa từ trời đã giáng xuống thiêu đốt không chỉ của lễ mà còn rút hết nước trong mương nữa! Đó là một ngày toàn thắng cho Ê-li và Đức Chúa Trời. Ê-li sau đó cầu xin cho có mưa để kết thúc cơn hạn hán kéo dài ba năm, và một cơn mưa đã trút xuống theo lời cầu nguyện của ông.

                Điều khó hiểu là sau hai phép lạ diễn ra trong củng một ngày, tiên tri Ê-li lại hốt hoảng chạy trốn chỉ vì một lời nhắn từ Hoàng Hậu Giê-sa-bên, rằng bà sẽ lấy mạng sống ông trong vòng hai mươi bốn giờ để trả thù. Sau khi chạy trốn, trong lúc mệt mỏi và ngã lòng tột độ, ông ngã quỵ và cầu xin “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi. Tôi sẽ phải chết một lúc nào đó, và nó cũng có thể là ngay bây giờ.” Rõ ràng, sự ngã lòng của Ê-li xảy đến khi nhìn bề ngoài thì mọi thứ dường như đang diễn tiến tốt đẹp. Đây là một sự ngã lòng mà chúng ta dường như không thể lý giải nó.

                Kính thưa quý độc giả,

                Điều gì làm nổi bật lên những cảm xúc tuyệt vọng và sợ hãi trong Ê-li? Lý trí sẽ nói, “Nếu Đức Chúa Trời đã có thể đem lại một chiến thắng gây ấn tượng sâu sắc như thế đối với A-háp, Giê-sa-bên, và 450 tiên tri giả, thì tại sao Đức Chúa Trời lại sẽ bỏ rơi Ê-li lúc này?” Nhưng lý trí không phải là một phần của sự ngã lòng nơi Ê-li. Có lẽ trong lòng ông đã có những ý tưởng tiêu cực như:

  • Điều gì xảy ra nếu như Giê-sa-bên có ý định như vậy? Rốt cuộc thì, sứ giả của bà ta đã tìm thấy mình rồi.
  • Điều gì xảy ra nếu như Đức Chúa Trời đã kết thúc với mình?
  • Có lẽ là mình không thật sự quan trọng nhiều như thế đối với Đức Chúa Trời.
  • Xét cho cùng, mình thật sự là ai trong mắt Đức Chúa Trời-mình chỉ là đồ giun dế!
  • Tốt hơn mình phải tự lo cho bản thân.

                Với những ý tưởng như thế, Ê-li khởi động một chu kỳ của sự Tự-Nhủ tiêu cực đưa ông vào những vực thẳm của sự ngã lòng, tuyệt vọng, và mờ mịt về tương lai. Là người ngoài cuộc, chúng ta có thể thấy những lời mà ông đang chọn để tin tưởng là phi lý biết bao. Nhưng nếu chúng ta đã từng ở trong chỗ của Ê-li thì rất có thể chúng ta cũng đã suy nghĩ, cảm nhận và làm điều tương tự. Đó là cách những con người tội lỗi như chúng ta dường như hành động khi chúng ta cố gắng tìm hiểu nó dựa vào sức riêng của mình.

                Kính thưa quý độc giả, hôm nay chúng ta sẽ nghe về Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự-Nhủ Lệch Lạc

                Tiến sĩ Aaron Beck đã nhận ra sáu khuôn mẫu tự nhủ lệch lạc mà người ta thường vấp phải. Những sai lầm trong lối suy nghĩ có tính cách hệ thống này của chúng ta là điểm khởi đầu của sự ngã lòng. Bất chấp chứng cớ, hay ngay cả những lý luận hợp lý mà bạn bè và người thân cố gắng dùng để giúp đỡ chúng ta vượt qua sự ngã lòng của mình, sáu khuôn mẫu này cho thấy cách chúng ta duy trì mẫu suy nghĩ tiêu cực. Sáu khuôn mẫu tự nhủ lệch lạc đó là:

                1. Sự suy luận thất thường, độc đoán
                2. Sự rút ra có chọn lọc
                3. Sự khái quát hóa quá mức 
                4. Sự phóng đại và tối thiểu hóa 
                5. Sự cá nhân hóa
                6. Lối suy nghĩ chuyên chế, lưỡng phân.

                Trước hết, chúng ta hãy nghe về khuôn mẫu thứ nhất, đó là sự suy luận thất thường, độc đoán. Sự sai lầm này trong sự Tự-Nhủ của chúng ta ám chỉ khuynh hướng rút ra những kết luận khi thiếu vắng bất cứ chứng cớ nào. Chúng ta sẽ rút ra những kết luận của mình ngay cả khi mọi chứng cớ hướng tới điều ngược lại. Ê-li dùng tiến trình sai trật này khi ông giả định rằng Giê-sa-bên thật sự có thể theo đuổi tới cùng để thực hiện lời đe dọa của bà ta là sẽ giết ông và rằng Đức Chúa Trời không thể bảo vệ ông. Ê-li tin điều này, bất chấp chứng cớ mạnh mẽ ông vừa trải nghiệm cho thấy quyền năng và sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.

                Thông thường, gia đình gốc của chúng ta đã đóng một vai trò trong việc khởi động khuôn mẫu này. Chúng ta có thể có một bằng tốt nghiệp đại học và rất có khả năng trong công việc của mình cũng như trong đời sống mình. Nhưng bởi vì cha hay mẹ đã tạo ra thói quen gọi chúng ta là ngu dốt, nên chúng ta luôn tranh đấu với ý tưởng rằng “Mình là một người ngu dốt.” Trong một số cách thức nào đó, chúng ta thật sự rằng tin mình ngu dốt, bất chấp chứng cớ cho thấy sự thông minh của chúng ta vượt trên mức trung bình rất nhiều.

                Khuôn mẫu thứ hai là Sự rút ra có chọn lọc. Khuôn mẫu này sẽ lấy một chi tiết nhỏ nhặt ra khỏi toàn thể bối cảnh và chỉ tập trung vào một chi tiết hay một điểm nhỏ, bỏ qua các chi tiết hay chứng cớ khác mạnh mẽ và quan trọng hơn. Ê-li cũng dùng khuôn mẫu này. Khi ông than phiền với Đức Chúa Trời rằng ông là người duy nhất còn sót lại trong cả Y-sơ-ra-ên trung tín với Đức Chúa Trời, ông vừa mới trải qua sự đơn độc một mình khi đối đầu với các tiên tri của thần Ba-anh. Ê-li lấy kinh nghiệm đó và tạo nên một điều tuyệt đối từ nó. Nhưng Đức Chúa Trời đã nhắc nhở ông rằng vẫn còn bảy ngàn người khác trong nước Y-sơ-ra-ên trung tín với Ngài.

                Chúng ta thấy sự rút ra có chọn lọc hoạt động khi chúng ta nghe một phụ nữ xinh đẹp cứ săm soi, rầu rĩ về một vết trầy nhỏ không đáng chi trên da của mình, hay một cô gái xinh đẹp tin là cô hết sức xấu xí bởi vì chiếc mũi của cô hơi bị cong một chút. Hay chúng ta nghe một bà nội trợ cho rằng căn nhà của bà dơ bẩn biết dường nào, bởi vì bà đã không hoàn tất việc lau chùi các gờ chân tường. Mọi chứng cớ đều cho thấy căn nhà của bà đang sạch sẽ, nhưng đối với bà thì nó lại rất dơ bẩn.

                Khuôn mẫu thứ ba là Sự khái quát hóa quá mức. Điều này miêu tả khuynh hướng rút ra một số sự việc riêng rẽ tình cờ xảy ra, và rồi tin rằng những sự việc này tạo thành một khuôn mẫu chung. Ví dụ, có thể là một người nào đó lớn lên trong một gia đình có sự đối xử ngược đãi. Nhiều lần người cha trong gia đình đánh đập người nhà mình, và sự ngược đãi thân thể nối tiếp bằng những lời lẽ lăng nhục. Giờ đây, bất cứ khi nào có ai la hét vào người đó thì người đó tin rằng sự làm thương tổn thân thể sẽ nối tiếp theo đó, ngay cho dù có vô số bằng chứng cho thấy tuy người này bị la mắng nhưng lại không phải bị đánh đập gì cả.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục nói đến ba khuôn mẫu của sự tự nhủ lệch lạc khác. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn