20:01 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 45

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 7494

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23016527

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

Nuôi Dạy Con Cho Đức Chúa Trời

“Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng” (câu 3).

Xem tiếp...

Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự-Nhủ Lệch Lạc (Bài 2)

Thứ ba - 26/09/2017 21:21
Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự-Nhủ Lệch Lạc (Bài 2)

Những Khuôn Mẫu Của Sự Tự-Nhủ Lệch Lạc (Bài 2)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop.



                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta đang ở Chương 6 với Chương Đề “Sự Tự Nhủ và Chứng Suy Nhược Thần Kinh hay Bệnh Trầm Cảm” trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Tuần qua chúng ta đã nghe về 3 trong số Sáu Khuôn Mẫu của sự Tự-Nhủ Lệch Lạc mà Tiến sĩ Aaron Beck đã nhận diện, và cho rằng chúng thường là điểm khởi đầu của sự ngã lòng. Chúng ta có thể tóm tắt ba khuôn mẫu đầu trong số 6 khuôn mẫu của sự tự nhủ lệch lạc như sau:

                Khuôn mẫu thứ nhất là Sự suy luận thất thường, độc đoán. Thường thì gia đình gốc của chúng ta đóng một vai trò trong việc khởi động khuôn mẫu này. Nếu cha mẹ thường nói chúng ta là ngu dốt, thì chúng ta luôn tranh đấu với ý tưởng rằng “Mình là một người ngu dốt” ngay cho dù chúng ta có mức thông minh trên trung bình, đã tốt nghiệp đại học và có khả năng trong công việc cũng như trong đời sống mình.

                Khuôn mẫu thứ hai là Sự rút ra có chọn lọc. Người có suy nghĩ theo khuôn mẫu này thường chỉ lấy một chi tiết nhỏ nhặt ra khỏi toàn thể bối cảnh và chỉ tập trung vào một chi tiết hay một điểm nhỏ, bỏ qua các chi tiết và mọi chứng cớ mạnh mẽ, quan trọng hơn. Thí dụ một phụ nữ thật xinh đẹp cứ săm soi, rầu rĩ về một vết trầy nhỏ không đáng chi trên da của mình, hoặc một bà nội trợ cho rằng căn nhà của bà rất bẩn bởi vì bà đã không hoàn tất việc­­­­ lau chùi các gờ chân tường.

                Khuôn mẫu thứ ba là Sự khái quát hóa quá mức. Điều này miêu tả loại người có khuynh hướng rút ra một số sự việc riêng rẽ tình cờ xảy ra, và rồi khăng khăng tin rằng những sự việc này tạo thành một khuôn mẫu chung. Ví dụ như một người sống trong một gia đình có sự ngược đãi thân thể và lăng nhục bằng lời nói. Khi lớn lên, người này tin rằng họ sẽ bị người khác làm thương tổn thân thể bất cứ khi nào có ai la hét vào họ.

                Hôm nay chúng ta sẽ nói đến ba khuôn mẫu còn lại của sự Tự Nhủ Lệch Lạc, đó là: Sự phóng đại và tối thiểu hóa, Sự cá nhân hóa và Lối suy nghĩ chuyên chế, lưỡng phân, hay lưỡng cực.

                Trước hết hãy nói về khuôn mẫu thứ tư trong sự Tự Nhủ Lệch Lạc, là lối tự nhủ phóng đại và tối thiểu hóa. Người có lối suy nghĩ và tự nhủ theo dạng khuôn mẫu này thường giảm đến mức thấp nhất một phạm vi rộng lớn các chứng cớ và rồi thổi phồng một khía cạnh nhỏ của một sự kiện. Ví dụ, cô Mary đã dành trọn buổi sáng để lau dọn nhà cửa, nhưng trước khi cô có thể hoàn tất chi tiết cuối cùng trong quá trình lau dọn mà cô thường làm thì có một người bạn ghé qua. Mary bối rối, lúng túng, và áy náy xin lỗi bạn về “căn nhà bề bộn” của mình. Không có ai, ngoại trừ Mary, nhận thấy chỗ ấy chưa được lau sạch; nhưng bởi vì việc lau dọn mà cô hoạch định sẽ làm chưa được hoàn tất như cô dự tính, nên Mary đã phóng đại những điều chưa được làm và giảm thiểu đến mức thấp nhất những điều đã được thực hiện.

                Hoặc như Tom, người đã từng làm ra nhiều đồ đạc bằng gỗ trong nhà thật đẹp. Bạn bè đề nghị trả tiền cho anh để làm vài món đồ gì đó cho họ. Tom không chỉ từ chối, song giờ thì anh cũng bỏ cả việc làm đồ đạc cho chính mình, vì mỗi lần anh nhìn một món đồ nào đó mà anh đã làm ra, tất cả những điều anh có thể nhìn thấy là một vết trầy nhỏ nào đó trên món đồ ấy. Trong mắt anh, vết trầy ấy đã làm hỏng cả món đồ của anh.

                Kính thưa quý độc giả,

                Khuôn mẫu thứ năm trong khuôn mẫu tự nhủ lệch lạc là Sự cá nhân hóa. Một số người trong chúng ta, hoặc qua việc huấn luyện cá nhân hay của gia đình, có khuynh hướng liên hệ đủ mọi loại sự kiện bên ngoài với bản thân mình, ngay cả khi chúng ta biết không có bất cứ nền tảng nào cho một mối liên hệ như thế. Tiên tri Giê-rê-mi đã làm điều này trong chương 3 của sách Ca-thương. Phần lớn nỗi tuyệt vọng của ông đến từ việc ông cho rằng Đức Chúa Trời đã lìa bỏ ông khi quốc gia Giu-đa sụp đổ. Ông cho đó là lỗi lầm của ông, rằng ông đã không rao giảng rõ ràng về sự kêu gọi của Chúa trên dân tộc mình, hoặc sự rao giảng của ông không đủ thường xuyên, hoặc không đủ mạnh mẽ. Bằng cách này hay cách khác, ông đã hạ thấp Đức Chúa Trời xuống. Và trong tiến trình cá nhân hóa này, Giê-rê-mi quên rằng chính dân sự là những người đã chọn việc lìa bỏ Đức Chúa Trời.

                Khuôn mẫu thứ sáu là Lối suy nghĩ chuyên chế, lưỡng phân hay lưỡng cực. Khuôn mẫu này là khởi nguồn của chủ nghĩa cầu toàn, và chủ nghĩa cầu toàn là một con đường chắc chắn dẫn tới sự ngã lòng, suy nhược thần kinh. Trong khuôn mẫu này chúng ta có khuynh hướng chia thế giới ra thành một trong hai phạm trù trái ngược nhau: ví dụ như, thật hoàn hảo hoặc chẳng có chút giá trị nào, sạch tinh không chút tì vết hoặc hoàn toàn bẩn thỉu, thật tốt hoặc thật xấu, thánh nhân hoặc tội nhân. Khi ngã lòng, sự đối thoại bên trong, tức là sự Tự-Nhủ của chúng ta, sẽ tiếp nhận sự phân hai lưỡng cực này, và chúng ta áp dụng phần bất lực, vô vọng, kinh khủng cho bản thân mình và chỉ có thể quy hành động và năng lực tích cực cho một người nào khác. Lối suy nghĩ lưỡng phân này làm chúng ta tê liệt trong sự bất lực của mình và rồi đưa chúng ta vào sự ngã lòng ngay sau đó.

                Kính thưa quý độc giả,

                Con người thường lấy sáu khuôn mẫu Tự-Nhủ Lệch Lạc này của mình để áp dụng chúng vào sự đánh giá bản thân, đánh giá thế giới quanh ta, đánh giá những người khác, và ngay cả đánh giá Đức Chúa Trời nữa. Tôi đã từng trò chuyện với những người bị ngã lòng, bị suy nhược thần kinh, bị trầm cảm và cố gắng cho họ thấy một số lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho những kẻ bị “sờn ngã.” Nhưng lối suy nghĩ lệch lạc của họ về Đức Chúa Trời chỉ có thể khiến họ nhìn thấy Ngài như một đấng hay đoán phạt. Họ than thở rằng “Đức Chúa Trời đang trừng phạt tôi vì một điều gì đó mà tôi đã làm.”

                Có lẽ chúng ta ai cũng đã có lần cố gắng vạch ra những lãnh vực đầy hy vọng khi khuyên nhủ một người thân yêu bị ngã lòng, để rồi chỉ nghe người ấy nói hết lần này đến lần khác, rằng “Đúng vậy, nhưng mà... vân vân và vân vân.” Khi chúng ta hiểu lối suy nghĩ lệch lạc này ảnh hưởng sự Tự-Nhủ của mình như thế nào, chúng ta có thể thấy vì sao thật hết sức khó khăn để thoát ra khỏi sự ngã lòng. Khi ngã lòng, suy nghĩ của chúng ta bị chi phối bởi sự tiêu cực tràn ngập. Lúc đó, bởi vì chúng ta dùng sự suy luận độc đoán hoặc một khuôn mẫu nào đó của sự tự nhủ lệch lạc, chúng ta chỉ tập trung vào những sự kiện và những nhận thức tiêu cực đó để hỗ trợ cho sự tiêu cực của mình. Chúng ta giảm thiểu tới mức thấp nhất mọi thứ khác. Khi chúng ta tin tưởng điều tồi tệ nhất, mọi sự sẽ thường thật sự trở nên tồi tệ hơn, là điều chỉ càng làm cho sự ngã lòng và tuyệt vọng của chúng ta gia tăng thêm.

                Khi nhìn lại những gì đã trải qua trong quá khứ của mình, chúng ta chỉ thấy mọi thất bại của bản thân và những điều khiến chúng ta có mặc cảm tội lỗi. Khi hướng về tương lai, chúng ta chỉ thấy trống vắng và vô vọng, rồi chúng ta nói với chính mình, rằng “Sẽ chẳng có điều gì thay đổi!” Khi nhìn vào hiện tại, chúng ta chỉ thấy những điều nặng trĩu, tiêu cực ấy vốn làm gia tăng thêm những ý tưởng khủng khiếp chúng ta đã tin là thật. Trong thơ Rô-ma chương 7 câu 24, Phao-lô tranh chiến với cảm giác bị mắc bẫy này. Không ngạc nhiên gì khi cuối cùng ông kêu lên, “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này?”

                Phá vỡ sự Ngã Lòng bằng sự Tự-Nhủ

                Kính thưa quý độc giả,

                Khi xem xét kinh nghiệm mà tiên tri Ê-li đã từng trải qua, chúng ta có thể nhận ra sáu việc mình có thể làm để phá vỡ chu kỳ của sự ngã lòng trong đời sống mình. Khi chúng ta bị ngã lòng, sự tự nhủ lệch lạc trong suy nghĩ của chúng ta sẽ hoạt động nhằm cầm giữ chúng ta không thể thực hiện bất cứ bước nào trong những bước tích cực này. Nhưng, với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, nếu chúng ta có thể làm một bước nhỏ theo chiều hướng thực hiện từng bước một, chúng ta có khả năng khởi đầu một chu kỳ khác trong sự Tự-Nhủ của mình-một chu kỳ tích cực vốn sẽ khiến chúng ta tìm thấy thậm chí tia hy vọng nhỏ nhất.

                Sáu việc mà chúng ta có thể làm trong sự tự nhủ của mình là gì? Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày cùng quý thính giả thân yêu trong bài nói chuyện tuần tới. Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng tôi ước mong quý thính giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý thính giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý thính giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn