11:39 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 5039

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271079

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000486

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Tuổi Thiếu Niên

Thứ hai - 20/05/2019 21:24
Tuổi Thiếu Niên

Tuổi Thiếu Niên

Trong tuần trước, qua câu chuyện thật của em gái Sharon 15 tuổi, tiến sĩ Ross Campbell đã minh họa cho chúng ta rằng, thật là quan trọng để cha mẹ khẳng định tình yêu vô điều kiện đến với con cái qua cái nhìn và cử chỉ thân mật suốt những năm tháng trước khi các em bước vào lứa tuổi thiếu niên, là lúc có sự thay đổi lớn lao trong tâm sinh lý của các em. Tiến sĩ Campbell cũng chỉ ra vai trò quan trọng của người cha để giúp các em gái đang trong tuổi thiếu niên nhận ra bản thân và giá trị giới tính của mình.


Tuổi Thiếu Niên
 

          Kính thưa quý thính giả,
 

          Trong tuần trước, qua câu chuyện thật của em gái Sharon 15 tuổi, tiến sĩ Ross Campbell đã minh họa cho chúng ta rằng, thật là quan trọng để cha mẹ khẳng định tình yêu vô điều kiện đến với con cái qua cái nhìn và cử chỉ thân mật suốt những năm tháng trước khi các em bước vào lứa tuổi thiếu niên, là lúc có sự thay đổi lớn lao trong tâm sinh lý của các em. Tiến sĩ Campbell cũng chỉ ra vai trò quan trọng của người cha để giúp các em gái đang trong tuổi thiếu niên nhận ra bản thân và giá trị giới tính của mình.
 

          Trong tuần này, Tiến sĩ Campbell sẽ chia xẻ với chúng ta kinh nghiệm thật của mình trong việc bày tỏ tình thương và sự quan tâm đến con trong tuổi thiếu niên như sau:
 

          Cũng giống như bất cứ người cha nào khác, tôi thấy thật khó khăn để có thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu tình cảm cho các con mình khi chúng đã lớn, đặc biệt là việc bày tỏ bằng hành động và sự quan tâm đối với Carey, đứa con gái đang ở tuổi thiếu niên của tôi. Đa số các buổi tối, tôi trở về nhà cùng với sự mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau một ngày làm việc thì tôi còn đâu sức lực và năng lượng để dành cho gia đình mình những lúc họ cần, nhất là đối với con gái tôi. Con bé cần đến tôi những khi nó có xích mích với bạn bè. Chẳng hạn một lần nọ, một bạn gái khác trong trường có thái độ với con tôi. Con tôi vì không hiểu được nguyên nhân khiến người bạn đó trở nên thù ghét nó nên đã cố gắng tìm ra những lỗi lầm của mình. Trong những trường hợp như thế tôi biết mình cần phải làm gì. Tôi đến phòng của con và nói chuyện với nó về tất cả những điều nó đang suy nghĩ ngay lúc ấy. Tôi bày tỏ những ánh mắt, cử chỉ mà tôi nghĩ con mình đang cần lúc đó và kiên nhẫn đợi đến lúc cháu sẵn sàng để chia sẻ với tôi về sự tổn thương và bối rối của mình. Sau đó, tôi mới giải thích để giúp cháu thông suốt toàn bộ vấn đề. Một lúc sau, cháu cũng nhận ra rằng mình không có lỗi gì để phải tự dày vò bản thân. Cháu cũng đã hiểu rõ vấn đề để có thể tránh được những rắc rối tương tự.
 

          Đó là cách mà tôi thích làm. Nhưng tôi hiếm khi có đủ sức lực và lòng nhiệt tình để thực hiện điều đó. Tôi thường chỉ muốn thưởng thức bữa tối, rồi ngồi vào chiếc ghế mà mình ưa thích để đọc báo và thư giãn.
 

          Dưới đây là nhưng suy nghĩ đã giúp tôi vượt qua sự ù lì và thiếu sinh lực đó. Khi con gái hoặc (một trong hai đứa con trai của tôi) cần đến cha nó, mà lúc đó cả thân thể tôi như một thanh nam châm bị hút chặt vào chiếc ghế hay cái giường, thì tôi lại nghĩ đến một người bạn của mình. Đó là một vị thẩm phán rất liêm chính làm việc tại tòa án vị thành niên. Tôi rất trân trọng và nể phục vị thẩm phán đó. Tôi nghĩ đến một tình huống tệ hại nhất, tồi tệ nhất và kinh khủng nhất có thể xảy ra cho mình và gia đình mình, chẳng hạn như chúng tôi phải ra trước tòa án đó vì một trong các con tôi bị buộc tội sử dụng ma túy. Tôi tự nhủ với mình: “Campbell, nếu anh muốn con cái của mình không phải là một trong sáu bị cáo phải đứng trong phiên tòa vị thành niên của ông thẩm phán đó, thì ngay bây giờ anh mau ngồi dậy và mang đến cho con mình những gì chúng cần thay vì lo cho sức khỏe của mình”. Chỉ cần nghĩ đến việc các con tôi phải ra hầu tòa vì phạm tội gì đó thì tôi cũng đã không thể nào chịu nổi. Suy nghĩ đó rất có tác dụng. Tôi bật dậy khỏi vỏ ốc của mình và bắt tay vào làm những gì mà một người cha cần phải làm.
 

          Kính thưa quý thính giả,
 

          Chúng ta trở lại với vấn đề tiếp xúc bằng cử chỉ. Trong những năm tháng nuôi dạy con cái của mình, một ngày nọ, tôi đã suy nghĩ và thấy rằng sự tiếp xúc bằng cử chỉ thật sự là điều cần thiết nhưng hầu như các bậc phụ huynh đã quá xem nhẹ và đơn giản hóa điều đó. Chúng ta cho rằng mình vẫn đang tiếp xúc với con cái qua cử chỉ, nhưng sự thật là chúng ta rất ít khi làm đúng như điều mình nói. Khi tôi đang lục tìm một ví dụ để minh họa cho vấn đề này thì vợ tôi tình cờ đọc được một bài báo viết về những hình thức sùng bái tín ngưỡng, trong đó có nhắc đến Giáo Phái Hòa Hợp (Unification Church hay còn gọi là Moonies) Một thanh niên nọ khi được phỏng vấn trong bài báo đó đã nói rằng anh ta bị tẩy não bởi những người thuộc giáo phái Moonies.
 

          Trong một bầu không khí ngập tràn cảm xúc, anh thanh niên này bị vây quanh bởi một đám người thuộc giáo phái Moonie. Họ bảo anh hãy nhớ lại tuổi thơ của mình và những kỷ niêm gây cho anh tổn thương. Anh đã kể cho họ nghe một biến cố khi anh được 3 tuổi. Lúc đó, vì cảm thấy rất cô đơn và chán nản nên anh đã tìm nhiều cách để được mẹ quan tâm chăm sóc. Nhưng do người mẹ không có thời gian để dành cho con nên anh ta cảm thấy mình bị bỏ rơi. Kế đó, những người trong giáo phái Moonie bước đến và ôm anh (tiếp xúc bằng cử chỉ) và liên tục nói rằng họ yêu thương anh (ngụ ý của họ ở đây là mẹ anh đã không yêu thương anh).
 

          Đáng sợ quá phải không các bạn? Sự thật là ngày nay có rất nhiều những kiểu sùng bái tôn giáo như thế và nhiều sự ảnh hưởng khác nữa đang lăm le chiếm đoạt tâm trí của con cái chúng ta. Chỉ như thế thôi cũng đã là đáng báo động. Nhưng sự thật còn tệ hơn vì những giáo phái này có khả năng làm được điều đó. Tất cả là do nhiều bậc cha mẹ ngày nay đang thất bại trong việc đáp ứng những nhu cầu tình cảm cơ bản cho con cái mình thông qua một tình yêu vô điều kiện.
 

          Thế nhưng, đa số các bậc cha mẹ đều yêu thương con. Lại một lần nữa, chúng ta thấy rằng nan đề căn bản ở đây là mỗi chúng ta đã không nhận thức được mình cần phải để cho trẻ thấy cha mẹ yêu thương chúng trước khi làm bất cứ một việc gì khác, chẳng hạn như: dạy dỗ, khuyên nhủ, nêu gương, hoặc kỷ luật con cái. Tình yêu vô điều kiện phải là thứ chính yếu mà cha mẹ dành cho con mình; nếu không, chúng ta sẽ không thể đoán trước được điều gì có thể xảy ra, nhất là không hình dung được trẻ sẽ có thái độ và cách cư xử như thế nào.
 

          Tuy nhiên chúng ta đừng quá bi quan về điều này. Điều đáng khích lệ là chúng ta đã nhìn thấy rõ vấn đề ở đây là gì và cần phải phòng tránh điều đó như thế nào vì vẫn có những lời giải đáp hợp lý. Tôi tin rằng phần lớn các bậc làm cha mẹ luôn yêu thương con cái mình nên họ sẽ học để thực hành tình yêu vô điều kiện nói trên. Vấn đề khó khăn ở đây là làm sao chúng ta có thể giúp tất cả (hoặc ít ra là hầu hết) những bậc làm cha mẹ nhận thức điều này? Đây là điều mà tất cả những ai thật sự quan tâm đến con cái mình phải xem xét. Nó cũng đòi hỏi nhiều người phải cùng chung sức và hành động.
 

          Bên cạnh việc học để sử dụng ánh mắt và cử chỉ của mình, cha mẹ cần phải học biết cách quan tâm chú ý đến trẻ. Và đó cũng là điều chúng ta sẽ học hỏi với nhau trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.

 

Dr. Ross Campbell
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: các em

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn