05:26 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 64

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 63


Hôm nayHôm nay : 12681

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261255

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22990662

Trang nhất » Dưỡng linh » Tư liệu Tham khảo

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA- BÀI SỐ 3 CHARLES G. FINNEY: MỘT LUẬT GIA BÊNH VỰC ĐẠO CHÚA (Leslie K. Tarr)

Thứ tư - 24/03/2021 21:29
NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA- BÀI SỐ 3 CHARLES G. FINNEY: MỘT LUẬT GIA BÊNH VỰC ĐẠO CHÚA (Leslie K. Tarr)

NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA- BÀI SỐ 3 CHARLES G. FINNEY: MỘT LUẬT GIA BÊNH VỰC ĐẠO CHÚA (Leslie K. Tarr)

Một thân chủ bước vào văn phòng của luật sư Charles G.Finney vào một ngày của mùa thu năm 1821. Người đó hỏi xem ông có sẵn sàng dự phiên tòa vào lúc 10h về vụ của mình không.


NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA- BÀI SỐ 3

CHARLES G. FINNEY: MỘT LUẬT GIA BÊNH VỰC ĐẠO CHÚA

(Leslie K. Tarr)
 

      Một thân chủ bước vào văn phòng của luật sư Charles G.Finney vào một ngày của mùa thu năm 1821. Người đó hỏi xem ông có sẵn sàng dự phiên tòa vào lúc 10h về vụ của mình không. Câu trả lời của Finney làm người khách ngạc nhiên: “Thưa ông, tôi đã nhận tiền đặt cọc của Đức Chúa Giê-xu Christ để cãi cho vụ của Ngài rồi, nên không thể giúp ông được”. Trong suốt hơn 50 năm kể từ ngày hôm đó, Finney toàn làm như vậy mà thôi. Ước lượng có đến nửa triệu người đã tuyên xưng đức tin nơi Đấng Christ qua chức vụ của ông.
 

     Sinh ra ở Warren, bang Connecticut, ngày 29 tháng 8 năm 1792, Finney cùng với gia đình sớm dọn đến hạt Oneida ở trung tâm bang New York. Ông học hết trung học và ra dạy học ở địa phương cho đến năm 1818. Năm ấy, ông bắt đầu học luật ở thị trấn Adams. Hai năm sau, khi đã 28 tuổi, ông được nhận vào luật sư đoàn và mong muốn xây dựng sự nghiệp của mình trong ngành luật. Lúc còn đang học luật, ông nhận thấy trong các sách giáo khoa thường hay nhắc tới Luật Môi-se. Những tham chiếu đó làm nảy sinh tính tò mò của ông, thế là ông mua một quyển Kinh Thánh, lần đầu tiên trong đời ông mới có một quyển như thế.
 

     Trước đó, Finney vốn ít quan tâm đến tôn giáo. Cha mẹ ông không đi nhà thờ, và ông kể lại rằng chưa bao giờ nghe cầu nguyện trong gia đình. Việc ông tiếp xúc với Kinh Thánh làm khơi dậy lòng ham muốn được hiểu thông điệp căn bản của Kinh Thánh, thế là ông đến nhóm ở Hội Thánh Trưởng lão Adams, nơi đó ông trở thành người điều khiển ca đoàn. Những cuộc nói chuyện với Mục sư Quản nhiệm và với các tín hữu khác không làm cho ông thỏa mãn; những gì họ nói với ông dường như ngược lại với sự hiểu biết đang lớn dần của ông về sứ điệp của Kinh Thánh.
 

     Tháng 10 năm 1921, Finney đi đến kết luận rằng ông phải chọn lựa giữa hai con đường, một là tiếp nhận Đấng Christ, hai là cứ theo con đường như hiện nay, mà theo sự hiểu biết của ông về Kinh Thánh, thì sẽ dẫn ông thẳng đến địa ngục. Ngày 10 tháng 10 năm ấy khi trên đường đi đến văn phòng luật sư, ông bỗng khựng lại vì một tiếng nói từ bên trong khiển trách ông vì đã tìm kiếm sự cứu rỗi bởi việc làm của chính mình. Ông chợt hiểu ra rằng sự cứu rỗi chỉ có được khi từ bỏ tội lỗi và tin cậy vào công tác cứu chuộc đã hoàn tất của Đấng Christ. Finney đi tẻ sang một khu rừng ven thành phố. Sau đó, ông dành thì giờ cầu nguyện và suy gẫm. Với niềm tin chắc chắn rằng đức tin cá nhân căn bản chính là một hành động tin cậy chớ không phải là một sự hiểu biết trên lý trí, ông quyết định đầu phục Chúa. Ông ra về với tấm lòng bình an, song vẫn chưa chắc mình có phải là Cơ Đốc Nhân hay chưa. Ông thưa với Chúa rằng ông sẽ rao giảng Tin Lành nếu ông thật sự là Cơ Đốc nhân.
 

     Nhiều lần suốt ngày và tối hôm đó, ông kinh nghiệm điều ông mô tả là “những đợt sóng của dòng nước tình yêu” vây phủ lấy ông. Điều đó đối với ông là một sự xác nhận rằng ông đã tin Chúa thật sự lúc ông ở trong rừng. Người tân tín hữu đó đã quyết định ghi danh học một khóa huấn luyện rao giảng Tin Lành. Khi học xong chương trình, ông đã chịu sự kiểm tra của hội đồng trưởng lão, và tháng 12 năm 1823 ông được cấp giấy phép rao giảng Tin Lành của Hội Thánh. Ông được phong chức vào tháng 7 năm 1824. Finney lập tức khởi sự một chức vụ phục hưng cho các Hội Thánh nhỏ ở bang New York, nơi đó trong mấy tháng đầu, sự rao giảng của ông chỉ được tiếp đón một cách chừng mực. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi vào năm 1825. Khi đó người ta chen nhau dự các buổi truyền giảng của ông và đã có nhiều người tin Chúa. Trong các buổi truyền giảng của ông, Finney đã áp dụng một số “biện pháp mới”. Trong những cách mới đó có hai điều đặc biệt làm cho những người bảo thủ cảm thấy khó chịu: cho phép phụ nữ cầu nguyện trước công chúng có cả nam lẫn nữ; và việc dành ra những hàng ghế đầu cho những người có nan đề thắc mắc về ơn cứu rỗi của Chúa. Ông cũng áp dụng kiểu nhóm kéo dài (nhóm ban ngày thay vì các buổi nhóm truyền giảng hàng tuần trong Hội Thánh); tiếp nhận nhanh chóng các tân tín hữu làm thành viên của hội thánh và sử dụng ngôn ngữ bình dân trong cầu nguyện thay vì dùng ngôn ngữ kinh điển.
 

     Finney đưa các buổi nhóm truyền giáo đến các thị trấn nhỏ ở trung tâm bang New York, giữa Syracuse và Albany. Các cuộc phục hưng năm 1825 và 1826 đã đem rất nhiều người vào Hội Thánh. Nhưng cùng lúc đó, thành công cũng đi đôi với chỉ trích. Các nhà truyền giảng Tin Lành hàng đầu cùng với những nhà lãnh đạo hội thánh khác họp lại ở Lebanon, New York để xem xét các “biện pháp mới” của Finney. Nổi lên hàng đầu trong số những người chỉ trích là Asahel nettleton, một người rao giảng phục hưng của Hội Thánh Trưởng Lão ở New England; Lyman Beecher, mục sư truyền giảng phục hưng nổi tiếng của Hội Thánh Cộng Đoàn (Congregational). Đại hội đồng New Lebanon đã làm im lặng những lời chỉ trích, và cuối cúng “các biện pháp mới” được chuẩn nhận. Kết quả bất ngờ của Đại Hội đồng là Finney được nổi tiếng trong báo giới, và tin tức về cuộc phục hưng được đăng rộng rãi trong các báo Cơ Đốc cũng như thế tục ở vùng duyên hải Đại Tây Dương.
 

     Finney là một trong những nhà truyền giáo Tin Lành hàng đầu của Mỹ cho đến khi ông qua đời năm 1875. Ông đã dẫn đưa hàng trăm ngàn người đến với Đấng Christ và gây ảnh hưởng lớn qua các bài viết của ông. Ảnh hưởng của ông thật khó tin dù ông chỉ truyền giảng chủ yếu ở 8 bang mà thôi. Ông đã tổ chức nhóm ở miền Nam, nơi các hội thánh nói chung lấy làm khó chịu trước quan điểm công khai chống chế độ nô lệ của ông.
 

     Tháng 9 năm 1830, Finney phát động một chiến dịch truyền giảng kéo dài 6 tháng và có lẽ đánh dấu cao điểm của chức vụ ông. Sự thăm viếng thuộc linh đầy quyền năng này ảnh hưởng rất sâu rộng trong thành phố Rochester, New York và các vùng phụ cận. Trong suốt 6 tháng đó, Finney đã giảng hàng mấy chục địa điểm, chỗ nào cũng có mấy chục người tin Chúa và thêm vào Hội Thánh. Tin về cuộc phục hưng lan rộng, trở thành tiêu đề hàng đầu trên các báo tôn giáo cũng như thế tục. Lyman Beecher, người đã từng chống đối Finney, sau này mô tả 6 tháng của chiến dịch phục hưng ở Rochester bằng những lời rất lạc quan: “Đó là công việc lớn nhất của Đức Chúa Trời, và cuôc phục hưng tôn giáo lớn nhất mà thế gian thấy được trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”. Từ đó về sau, các buổi nhóm của Finney thu hút rất nhiều người, và ông trở thành một nhân vật hàng đầu trong chức vụ truyền giáo Tin Lành.
 

     Năm 1835, ông được mời làm giáo sư thần học ở Oberlin College, đông bắc Ohio, gần Cleveland. Thử thách này làm ông rất phấn khởi, vì thấy đó là cơ hội góp phần huấn luyện cho những nhà lãnh đạo tương lai của Hội Thánh. Ông đã nhận lời với điều kiện phải để ông tự do phát động các chiến dịch truyền giảng Tin Lành 4, 5 tháng mỗi năm. Finney cũng đóng góp hết mình cho công tác xã hội Cơ đốc của trường. Trái với phần lớn các trường thời đó, trường Oberlin hoan nghênh phụ nữ theo học. Trường Oberlin cũng mở rộng cửa cho sinh viên da đen, một sự xé rào căn bản khỏi chính sách chung được chấp nhận thời đó.
 

     Bản thân Finney cũng nói rõ quan điểm của mình về vấn đề chủng tộc. Finney có quan điểm rất thoáng về vấn đề chủng tộc và ông khuyên giục Cơ đốc nhân hãy có lập trường đúng đắn. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Không phải tôi nói như thế là bảo Hội Thánh tập trung sự chú ý vào vấn đề đó đến nỗi quên mất vấn đề chính là cứu vớt những linh hồn hư mất xung quanh mình”.
 

     Trường Oberlin dưới sự điều hành của Finney là một trạm trong cái gọi là “Đường xe lửa ngầm”, con đường đào thoát của nô lệ chạy từ miền Nam sang Canada. Quan hệ của Finney với trường Oberlin kéo dài 40 năm cho đến khi ông qua đời. Trong thời gian đó, ông đã uốn nắn cuộc đời và chức vụ của nhiều nhà lãnh đạo Hội Thánh đang theo học ở trường. Trong số những biến cố nổi bật trong phần cuối cuộc đời của Finney là hai chuyến đi truyền giáo của ông đến nước Anh- lần thứ nhất vào thập niên 1850, lần thứ hai là vào cuối thập niên đó. Các sách truyền giáo được phân phối rộng rãi khắp quần đảo Anh, dọn đường cho Finney đích thân đến đó. Từng đám đông chen chúc đến dự nhóm trong hai lần viếng thăm của Finney tại nước Anh. Bất kể sự bảo thủ của người dân Anh, các “biện pháp mới” của Finney tỏ ra có hiệu quả. Trong loạt truyền giáo tại nhà thờ Whitefield’s Tabernade ở London chẳng hạn, vị mục sư mời nhà truyền giáo kêu gọi dân chúng tin Chúa. Trước đó, ông mục sư đã nói với Finney là sẽ chẳng có mấy người tiến lên hàng ghế “thắc mắc nan đề” khi đưa lời kêu gọi cuối lễ đâu. Nhưng khi có hàng trăm người bước lên vào đêm đầu tiên, những lời phản đối của ông mục sư liền im tịt.
 

     Nền tảng luật gia và quan điểm uyển chuyển của Finney thể hiện rõ trong cách rao giảng Tin Lành của ông. Lời kêu gọi sắc bén hãy tin Chúa ngay của ông nhắm vào lòng và trí của từng người nghe. Finney truyền đạt Tin Lành rõ ràng, bức xúc, đầy quyền năng và đã đụng đến đời sống của mọi người ở từng giai cấp của xã hội. Năm tháng qua và khối lượng công việc to lớn cuối cùng cũng đã hạ gục Finney, nhưng ông vẫn cứ hầu việc Chúa cho đến cuối cùng, làm việc theo sức lực mà tuổi tác cho phép. Năm 1866, lúc ông 74 tuổi, ông đã từ chức viện trưởng trường Oberlin. Sau đó, năm 1872, lúc tuổi đã 80, ông từ chức Mục sư quản nhiệm Hội Thánh của trường. Trong ba năm cuối đời, ông vẫn tiếp tục giảng dạy thần học ở trường, và ông hoàn tất khóa giảng cuối cùng của mình vào tháng 7 năm 1875. Ngày 16 tháng 8 năm 1875, ông từ giã cuộc sống ở trần gian, chỉ hai tuần trước khi đến ngày sinh nhật lần thứ 83 của mình.
 

Vĩnh Phước ngày 25 tháng 3 năm 2021

(st- HT)

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn