LẬP KẾ HOẠCH CHO CƠ ĐỐC GIÁO DỤC (Phần III)
Một trong những thành tố khiến Chúa Giê-xu trở thành vị thầy vĩ đại là việc Ngài sử dụng nhiều phương pháp, công cụ khác nhau cho các nhóm đối tượng.
Không có sự quản lý đúng đắn thì những tài nguyên, trang thiết bị, kế hoạch và những điều kiện thuận lợi của chúng ta có thể không được lưu tâm đúng mức và gây trở ngại cho công tác dạy dỗ.
Chúng ta không lập kế hoạch chỉ để trình bày, giới thiệu nhưng để có thể thực hiện một cách hiệu quả. Chúng ta đã đề cập đến 5 bước đầu tiên của chu trình giáo dục. Xác định mục đích, chiến lược cũng như cách thức để thực hiện là những yếu tố quan trọng trong việc lập kế hoạch. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, kế hoạch của chúng ta sẽ không có giá trị gì. Hôm nay, chúng ta sẽ đề cập đến yếu tố quan trọng trong việc thực hiện: yếu tố con người.
6. Tổ Chức – Hoạt Động Quản Lý
Khi thực hiện bước này, chúng ta đang trả lời cho câu hỏi: Tổ chức thế nào cho công tác được hiệu quả?
Chúng ta cần xác định:
- Cấy trúc tổ chức của một mục vụ.
- Xác định mục vụ của mục vụ, việc tuyển mộ lãnh đạo, nhân sự là những người có ân tứ để thực hiện kế hoạch.
- Hệ thống các trách nhiệm và nhiệm vụ của từng thành viên trong ban điều hành và nhân sự.
Công tác tổ chức và quản lý thường là lãnh vực bị bỏ quên, đặc biệt trong công tác giảng dạy cho thiếu nhi nhưng lại là yếu tố góp phần khá quan trọng. Không có sự quản lý đúng đắn thì những tài nguyên, trang thiết bị, kế hoạch và những điều kiện thuận lợi của chúng ta có thể không được lưu tâm đúng mức và gây trở ngại cho công tác dạy dỗ. Những điều cần quan tâm tron công tác tổ chức và quản lý:
- Cơ cấu tổ chức: bao gồm việc định hình cấu trúc và nguyên tắc hoạt động của ban ngành, mục vụ. Cơ cấu tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc đường lối và cách thức thực hiện công tác.
- Thành phần nhân sự: Người chịu trách nhiệm chung từng lãnh vực, người thực hiện. Dùng đúng người, đúng việc, đúng lúc là một nguyên tắc vàng trong lãnh đạo nói chung và vẫn được áp dụng cho công tác lãnh đạo trong Hội Thánh.
- Tuyển mộ nhân sự: nguyên tắc tuyển mộ, đào tạo nhân sự, …
- Quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên vốn có một cách hiệu quả: cơ sở vật chất, nhân lực vốn có, trang thiết bị, tài liệu… hỗ trợ cho việc thực hiện mục vụ.
- Khai thác các nguồn tài nguyên tiềm ẩn: tìm kiếm các cơ hội và tận dụng.
Tuy nhiên, việc tổ chức, quản lý phải được thực hiện trong sự kết hợp và phù hợp với cơ cấu, đường lối chung của Hội thánh. Ngoài ra việc tuyển chọn nhân sự cũng cần được kết hợp chặt chẽ với các ban ngành khác.
7. Phương Pháp – Tài Liệu
Đây là phần sẽ trả lời cho câu hỏi: phương tiện nào tôi có thể dùng để thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả nhất?
Phương pháp: nghiên cứu và lựa chọn những phương thức và kỹ thuật để truyền đạt thông tin, chuyển tải những nội dung chúng ta muốn đối tượng của mình tiếp nhận.
Tài liệu: khi đã lựa chọn phương pháp, chúng ta cũng cần quan tâm đến những phương tiện hay tư liệu cần thiết để thực hiện.
Ví dụ: khi sử dụng phương pháp kể chuyện, chúng ta có thể cần dùng đến sự thay đổi của giọng điệu, cử điệu, hình ảnh hay người hỗ trợ,… Để tránh trường hợp, khi “ra trận” giảng dạy, chúng ta mới phát hiện mình để quên “vũ khí” ở nhà, khi lên kế hoạch chúng ta cần liệt kê tất cả những công cụ hỗ trợ cần thiết dù nhỏ như bút lông, bảng trắng, giấy trắng,… đến những yếu tố khác như hình ảnh, bản đồ,…
Từ ngữ phương pháp (method) mô tả quá trình và kỹ thuật mà người giáo viên dùng để truyền đạt thông tin cho học viên của mình. Vì cớ tính chất khác biệt về sự quan tâm, khả năng, tri thức và thời gian tập trung, người giáo viên phải lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng trường hợp, nhóm đối tượng. Để lựa chọn được những phương pháp phù hợp nhất, có nhiều yếu tố quan trọng để đánh giá, xem xét như lứa tuổi của học viên, mục tiêu của bài học, nội dung của bài học, những nguồn tài nguyên sẵn có, kinh nghiệm của học viên, thời gian cho phép,… và khi nói đến những yếu tố này, chúng ta lại quay lại với các bước trong chu trình giáo dục.
Trong giới hạn của bài hôm nay, tôi chỉ trình bày một số nguyên tắc khi lựa chọn phương pháp cũng như khái quát về các nhóm phương pháp khác nhau. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận chi tiết về các phương pháp cụ thể trong việc giảng dạy lời Chúa cho các nhóm đối tượng khác nhau trong Hội thánh.
Một số nguyên tắc:
1.Tất cả các phương pháp đều tốt nếu biết sử dụng phù hợp.
2.Phương pháp mới chưa hẳn là phương pháp tốt nhất.
3.Hãy sử dụng một cách quân bình, không lạm dụng, cũng không xem nhẹ.
4.Để sử dụng phương pháp một cách thành thạo, hiệu quả, bạn cần có thời gian thực tập.
5.Các phương pháp không bao giờ được phép làm lu mờ sứ điệu, nội dung bài học
6.Phương pháp tốt nhất có thể trở thành phương pháp tệ nhất nếu đó là phương pháp duy nhất bạn sử dụng.
Công cụ tốt không làm nên giáo viên giỏi, nhưng người giáo viên giỏi biết các sử dụng phương pháp tốt nhất để tạo nên phương pháp tốt.
Một trong những thành tố khiến Chúa Giê-xu trở thành vị thầy vĩ đại là việc Ngài sử dụng nhiều phương pháp, công cụ khác nhau cho các nhóm đối tượng. Chúa đã dùng các câu hỏi đòi hỏi các học viên của Ngài phải so sánh, kiểm nghiệm, hồi tưởng và lượng giá (Mác 8:27-32). Ngài dùng những ngụ ngôn để kích thích học viên suy nghĩ, tìm thấy được chân lý (Mác 4:2). Ngài cũng dùng nhiều phương pháp khác như sự cường điệu (Mác 5:29-30), Châm ngôn (Mác 6:4); nghịch lý (Mác 12:41-44); Sự châm biếm (Math 16:2-3); phép ngoa dụ (Mat 23:23-24), câu đố, sự ví von, chơi chữ, ám chỉ, ẩn dụ,…
Có thể nói các phương pháp là vô hạn, nhưng chúng ta có thể liệt kê theo các nhóm phương pháp.
Việc phân chia các nhóm phương pháp khác nhau tùy theo tính chất. Kenneth Gangel đã phân chia thành 4 nhóm như sau:
1.Giao tiếp từ giáo viên đến học viên. Các phương pháp có thể được liệt kê trong nhóm này bao gồm: thuyết giảng, kể chuyện đơn thuần,… nhiều người ngày nay thường cho rằng phương pháp một chiều là phương pháp tệ nhất mà giáo viên cần tránh sử dụng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng tất cả các phương pháp đều tốt nếu biết sử dụng hợp lý. Chỉ có một phương pháp tệ là phương pháp mà giáo viên sử dụng nó trong mọi lúc mọi nơi. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-xu cũng sử dụng phương pháp này khi dạy dỗ các môn đồ, giảng dạy cho đoàn dân.
2.Giao tiếp từ học viên đến giáo viên. Đây cũng là loại phương pháp độc thoại nhưng theo chiều hướng khác. Trong nhóm này, học viên trình bày, thuyết trình, báo cáo,… giáo viên đóng vai trò lắng nghe. Lẽ đương nhiên, việc trình bày của học viên cần được lên kế hoạch, tư vấn giúp đỡ từ phía giáo viên, nhưng về tính chất vẫn là độc thoại một chiều.
3.Giao tiếp hai chiều giữa giáo viên – học viên. Nhóm phương pháp này tập trung vào sự dự phần, cộng tác của cả giáo viên và học viên để đạt đến mục đích của giáo dục. Trong nhóm này, có thể có phương pháp vấn đáp, các loại phương pháp thảo luận,…
4.Hoạt động nhóm. Đây là loại phương pháp có thể bao gồm sự tham gia của nhiều thành phần. Các loại hình như hội thảo, tranh luận, thảo luận nhóm nhỏ, các loại hình đóng vai, diễn kịch có thể được liệt kê vào nhóm phương pháp này.
Trích BTMV - số 35 của HTTL VN (MN)
(còn tiếp)