00:14 EDT Thứ ba, 07/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 37

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 36


Hôm nayHôm nay : 3569

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 60308

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23069341

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Lún Sâu

Lún Sâu

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi” (Giăng 8:34).

Xem tiếp...

Sức Mạnh Của Thói Quen (Bài 1)

Thứ ba - 14/07/2015 21:57
Sức Mạnh Của Thói Quen (Bài 1)

Sức Mạnh Của Thói Quen (Bài 1)

Kính thưa quý thính giả, Trong dân gian có truyền miệng một câu như sau: “Gieo một ý tưởng sẽ gặt lấy một hành động, gieo một hành động sẽ gặt lấy một thói quen, gieo một thói quen sẽ gặt lấy một cá tính, gieo một cá tính sẽ gặt lấy một chung kết cho cuộc đời”.



                Kính thưa quý thính giả,

                Trong dân gian có truyền miệng một câu như sau: “Gieo một ý tưởng sẽ gặt lấy một hành động, gieo một hành động sẽ gặt lấy một thói quen, gieo một thói quen sẽ gặt lấy một cá tính, gieo một cá tính sẽ gặt lấy một chung kết cho cuộc đời”. Thực vậy, thói quen ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống và thói quen quan trọng vì tương lai chúng ta phụ thuộc vào những thói quen mà chúng ta đang có trong ngày hôm nay.

                Nếu quý vị đang phàn nàn rằng “Tôi bực mình quá vì dường như tôi không thể lựa chọn điều tốt đẹp cho mình. Khi tụm năm, tụm bảy với bạn bè, là tôi bị lôi cuốn vào những gì bạn bè tôi làm”. Hoặc nếu có em học sinh nào đang than thở “Tôi học không khá. Điểm toàn dưới trung bình. Tôi không chu toàn bài tập ở nhà và tôi thấy bực bội với chính tôi”. Những vấn đề trên có một nguyên nhân giống nhau, đó là những sự lựa chọn sai lầm. Khi sự lựa chọn sai lầm cứ tiếp tục xảy ra, nó sẽ trở nên những thói quen xấu. Theo một cuộc thăm dò 24,700 học sinh trung học tại Hoa Kỳ vào năm 2004 cho thấy có 62% số học sinh đã gian lận trong các kỳ thi, và khoảng 27% các em học sinh đã ăn cắp tại các cửa hàng trong vòng 12 tháng qua. Đây là những sự lựa chọn sai lầm trong đời sống, rồi nếu tiếp diễn, sẽ trở thành những thói quen xấu trong đời sống.

                Theo định nghĩa, thói quen là những điều chúng ta làm một cách tự động không cần suy nghĩ – kể cả điều tốt hay điều xấu. Người ta đánh răng buổi sáng do thói quen. Người ta mang máy nghe nhạc khi đi bộ hay chạy bộ là do thói quen. Người ta ăn vặt trước khi đi ngủ là do thói quen. Thói quen là sự tự động. Và càng lớn tuổi, càng khó bỏ được thói quen. Khi một người đã có thói quen lịch sự và tử tế trong nhiều năm, thì rất dễ để tiếp tục lịch sự và tử tế. Khi một người đã quen lọc lừa gian dối nhiều năm rồi, thì hầu như bất khả dĩ để cho cho người đó trở lại thành thật và ngay thẳng.

                Chúng ta có cần thói quen không? Câu trả lời là thói quen là cần thiết để giúp chúng ta hoạt động mỗi ngày. Nếu làm một việc gì vài lần mà chúng ta không thâu thập được kinh nghiệm, hay làm một việc gì đến lần thứ 100 mà vẫn thấy khó như lần đầu, thì đời sống sẽ vô cùng khó khăn. Mời quý vị nghĩ xem: nếu ở tuổi 19 đã vẫn thấy cái chuyện cài nút áo còn khó như khi vừa lên 4, lên 5 thì quả thật đời sống thật là gian nan. Nếu đã trưởng thành mà chưa cột được dây giày thì quả là đang vật lộn với đời sống. Nói một cách khác, nếu không có sự trợ giúp của thói quen, thì chúng ta không có nhích được bước tiến nào trong quá trình trưởng thành.

                Do vậy, nếu không có thói quen, hay không có quả năng tự động hóa những hành động lập đi lập lại thường xuyên, chúng ta không bao giờ tiến xa hơn những động tác đơn giản. Chúng ta sẽ khó mà đi đứng được, chứ đừng nói chi tới chuyện làm được hai ba việc cùng một lúc, thí dụ như vừa nhai chewing gum vừa tản bộ. Không có thói quen trợ giúp, phần não tỉnh thức của chúng ta sẽ luôn luôn bận rộn để chú ý tới những công việc đơn giản mỗi ngày. Nhưng khi các công việc đã trở thành thói quen, các công việc này được thực hiện mà chúng ta không cần phải tập trung suy nghĩ cho lắm. Nếu không có sự trợ giúp của thói quen, mọi quá trình học hỏi phải bắt đầu lại từ đầu, mỗi lần chúng ta bắt tay làm một việc gì.

                Kính thưa quý độc giả,

                Nhưng làm sao thói quen có thể ảnh hưởng đến cá tính của mỗi chúng ta? Có một quyển sách rất nổi tiếng của Stephen Covey với tựa đề “The Seven Habits of Highly Effective People”, tạm dịch là “Bảy Thói Quen Của Những Nhân Vật Có Hiệu Quả Cao” đề cập những nhân vật thành công và có năng suất cao trong các công việc họ làm, thường là những người có mục đích rõ ràng trong đời sống và có cùng chung một số thói quen nào đó. Cuốn sách này không bàn đến những thói quen thông thường như thói quen nghe nhạc hay xem tin tức mỗi ngày. Ở đây tác giả Stephen Covey đề cập đến những thói quen trong cách cư xử và trong phạm vi đạo đức. Ngay tựa đề cuốn sách cũng cho thấy có sự liên hệ giữa những thói quen và sự hiệu quả trong đời sống.

                Tác giả cuốn sách này nói gì về những thói quen đạo đức? Cũng giống như đánh răng mỗi buổi sáng đã trở thành thói quen, các thói quen về đạo đức chỉ có được khi ta thực hành thường xuyên. Không thực hành thì không có thói quen.

                Hãy thử tưởng tượng nếu không có thói quen thành thật. Mỗi lần nói ra chuyện gì ta cũng phải tập trung để quyết định là có nên nói thật hay không. Nội chuyện này không cũng đã phát mệt rồi, nhưng trong thực tế, nếu ta không tập thói quen thành thật, thì ta sẽ có khuynh hướng nhiễm thói quen ngược lại là nói dối. Chúng ta có lẽ cũng đã đụng chạm với một số người có thói quen nói dối và những người này thật đáng sợ, phải không quý vị.

                Như vậy, chỉ qua những thói quen, là sự tự động hóa những quyết định về đạo đức, đã hình thành nên nếp sống của mỗi chúng ta. Nếu không có những thói quen, nghĩa là, mỗi lần làm chuyện gì, ta phải vận dụng tập trung trí não để quyết định, thì chắc chúng ta sẽ phát điên lên mất! Bộ não chúng ta không làm việc theo cách này. Do vậy, những quyết định đạo đức rồi sẽ trở nên thói quen và hình thành nên cá tính của mỗi chúng ta.

                Từ ngữ “cá tính” hay “nhân tính” được dùng để chỉ chúng ta là ai và là gì. Danh từ “cá tính”, định nghĩa một cách rõ ràng hơn, là bao gồm những phẩm chất bày tỏ nhân sinh quan và giá trị đạo đức của mỗi chúng ta. Sự nhận định về điều gì đúng, điều gì sai được dựng khuôn sau nhiều quyết định chúng ta thực hiện từ giờ này qua giờ khác, từ ngày này qua ngày nọ. Và khi nhìn vào cá tính của người khác hay xét lại nhân cách của mình, chúng ta biết rằng chúng ta có một số thói quen xấu cần phải được loại bỏ khỏi đời sống.

                Kính thưa quý độc giả,

                Chúng ta thường nghe nói “Chứng nào tật đó” hay “Ngựa quen đường cũ”. Những câu này nói lên một sự thật là những thói quen rất khó bỏ và những thói quen xấu càng khó bỏ hơn. Là con người, chúng ta đã bị làm quen và lệ thuộc vào sự kích thích và dễ chịu của các thói quen. Thực ra, thói quen là cách thức dễ dàng để thực hiện các công việc. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta hành động theo thói quen. Trong một vài trường hợp, chúng ta làm nô lệ cho những phần thưởng, những món hối lộ mà thói quen mang đến và do vậy thói quen cứ càng ngày vây chặt lấy ta và rất khó dứt bỏ. Như nhà thơ Tú Xương đã vướng một số thói quen đã làm phiền toái cuộc đời ông không ít và chúng ta hãy nghe ông than thở về những thói quen này như sau:

                Một trà, một rượu, một đàn bà,
                Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta,
                Bỏ được thứ nào, hay thứ nấy.

                Không biết là Tú Xương cuối cùng có bỏ được cái tật rượu chè và đam mê tửu sắc của mình không. Nhưng rõ ràng là cuộc đời của chúng ta sẽ vô cùng lận đận nếu vướng phải những thói quen xấu. Do vậy câu hỏi đặt ra là nếu vướng phải tật xấu, có quá muộn màng để từ bỏ chúng không, liệu chúng ta có thể loại bỏ chúng được không và bằng cách nào. Đó là điều chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi trong tuần tới. Xin hẹn gặp lại quý vị.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn