06:05 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 23

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 22


Hôm nayHôm nay : 3855

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 269895

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22999302

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Ao Ước Hay Tham Muốn?

Thứ tư - 28/02/2018 20:27
Ao Ước Hay Tham Muốn?

Ao Ước Hay Tham Muốn?

Kính thưa quý thính giả, Bản tính hay so đo với người khác, để rồi ghen tỵ, chất chứa trong lòng bao điều tham lam thèm muốn, là bản tính tự nhiên cố hữu, nằm sâu kín trong mỗi tâm hồn của tất cả mọi con người chúng ta.

               

                Kính thưa quý thính giả,

                Bản tính hay so đo với người khác, để rồi ghen tỵ, chất chứa trong lòng bao điều tham lam thèm muốn, là bản tính tự nhiên cố hữu, nằm sâu kín trong mỗi tâm hồn của tất cả mọi con người chúng ta.

                Người Hy Lạp có một câu chuyện về một người có tính so đo ghen tỵ như vầy. Zeus là vị thần lớn nhất trong các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, một ngày kia đến với người này, cho biết thần sẵn sàng ban tặng cho anh ta mọi thứ trên đời mà anh ham thích; bất cứ điều gì trên thế gian này, thần đều có thể ban cho anh. Nhưng thần Zeus có đi kèm với một điều kiện: đó là những gì anh nhận được, thì người láng giềng của anh cũng sẽ nhận được như vậy và nhận được gấp đôi. Anh này suy nghĩ thật lâu về đề nghị ban tặng này của thần Zeus và anh không thể nào chịu đựng nỗi cảm giác ghen tức khi nghĩ về người láng giềng của mình sẽ nhận được tới gấp đôi những gì mình nhận được. Cuối cùng anh này đã đến với thần Zeus với một lời đề nghị vô cùng kỳ lạ. Đó là anh xin thần Zeus khiến anh bị mù một con mắt!

                Bản tính hay so đo, để rồi ghen tỵ, nảy sinh ra bao tham muốn, nằm sẵn trong bản chất của mỗi chúng ta và bộc lộc ra khi còn chúng ta còn rất nhỏ. Tại Anh quốc, một cô giáo cho mười em tuổi mới lên hai, mỗi em một món đồ chơi và sau đó cô quay phim xem các em phản ứng ra sao trong 15 phút sau đó. Chỉ trong vòng một phút, hai em kia đã bỏ đồ chơi của mình qua một bên để đi giựt đồ chơi của các em khác, còn một em thứ ba mau mắn chộp lấy món đồ chơi của hai em kia vừa bỏ qua một bên. Cuối cùng sau 15 phút, qua nhiều lần giành giựt, có ba em có hai món đồ chơi trên tay, ba em khác không có gì cả, hai em có món đồ chơi khác với món ban đầu và hai em còn lại thì trốn trong góc phòng, tay nắm chặt lấy món đồ chơi của mình trên tay, còn mắt thì nhìn các em khác với cái nhìn canh chừng thận trọng.

                Bản tính hay so đo, để rồi đâm ra ghen tỵ và tham muốn, không biến mất đi khi chúng ta lớn lên hay trưởng thành, nhưng ẩn náu thật tinh vi, thậm chí qua mặt được lương tâm, qua mặt được chính chúng ta, cho đến khi chúng ta thấy một người nào đó thân thiết gần gũi đang có được một điều gì tốt hơn, đẹp hơn, may mắn hơn điều mình đang có.

                Bản tính hay so đo ghen tỵ khiến cái nhìn của chúng ta trở nên thiển cận và lệch lạc. Khi nhìn đến sự thành công của một người thân hay người quen biết, bạn và tôi thường chỉ thấy những hào quang của nó, rồi đâm ra thèm muốn, nhưng không nhận biết cái giá mà người đó phải trả. Ưa so đo ghen tỵ khiến chúng ta không thỏa lòng với những gì mình đang có, khiến bạn và tôi không thể tận hưởng những gì mình đã nhận được trong tầm tay, vì lòng chúng ta đang sôi sục thèm muốn những điều không thuộc về mình. Bản tính hay so đo ghen tỵ khiến những người bạn thân, những người quen biết của chúng ta trở nên “đối thủ” của bạn và tôi, trong cuộc chạy đua không bao giờ chấm dứt để xem ai tốt hơn, đẹp hơn, có phước hơn, may mắn hơn!

                Có nhiều tôn giáo và trường phái triết học nhận ra bản tính so đo ghen tỵ làm nảy sinh ra bao tham muốn tranh chấp, cho rằng đây là nguyên nhân của tất cả đau khổ triền miên của con người. Do vậy, một số tôn giáo Đông Phương chủ trương phải loại trừ tất cả những tham muốn trong con người chúng ta để đạt đến giác ngộ. Những tôn giáo này chủ trương một người cần phải diệt mọi ham muốn, kể cả những ao ước chính đáng, cho đến khi một người không còn thèm muốn bất cứ điều gì nữa, thì mới đạt đến sự siêu thoát hoàn toàn.

                Tuy vậy, Kinh Thánh là lời của Đấng Tạo Hóa, cho biết Thiên Chúa dựng nên mỗi con người chúng ta theo như bản tánh của Ngài; có nghĩa là bạn và tôi là những con người có ao ước, có ý hướng, thích vươn tới những điều tốt, hay hơn, đẹp hơn. Không như những tôn giáo khác chủ trương loại trừ mọi ham muốn và ao ước, Kinh Thánh thừa nhận Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ này thật tốt lành và ban chúng ta niềm ước ao được vui hưởng, như Thi Thiên 106:5 có chép:

                “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, 
                Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng hoàng.”

                Trong khi tham muốn bất chính do so đo ghen tỵ là một bản tính xấu, do tội lỗi gây nên, kể từ khi hai con người đầu tiên là A-đam và Ê-va đã bất tuân mạng lệnh của Thiên Chúa mà phạm tội; thì ao ước chính đáng là một bản chất tốt lành mà Đấng Tạo Hóa ban cho bạn và tôi, để giúp chúng ta vươn tới một đời sống ngày càng tốt đẹp hơn, để có thể tận hưởng Ngài và tận hưởng nhau. Nhà triết học Aristotle nhận định rằng, nếu không có ao ước chính đáng, thế giới này sẽ chết mất vì tình trạng “ì ạch, dậm chân một chỗ”. Chính những mơ ước tốt đẹp đã đem con người từ lạc hậu đến tri thức, từ nghèo đói đến dư dật, từ bệnh tật đến khỏe mạnh. Trong khi đó, những tham muốn bất chính, muốn chiếm đoạt những gì của người khác về cho mình, đã đẩy con người vào những khổ đau bất hạnh triền miên.

                Thế nhưng làm sao bạn và tôi có thể nhận ra và phân biệt, khi nào chúng ta đang ước ao chính đáng, khi nào chúng ta đang thèm muốn bất chính chỉ vì đang ganh tỵ so đo?

                Quý thính giả thân mến,

                Để phân biệt khi nào chúng ta đang ước ao chính đáng hay đang thèm muốn vì ganh tỵ so đo, trước hết hãy xét mục tiêu chúng ta muốn đạt tới có chính đáng hay không. Muốn chiếm đoạt tài sản của người khác, muốn “hất cẳng” ai đó để chiếm lấy địa vị của người đó, lòng thèm muốn vợ người hay chồng người, rõ ràng là những mục tiêu không chính đáng.

                Sách Sáng Thế Ký 3:4 ký thuật rằng, trong vườn Ê-đen năm xưa, đứng trước cây trái mà Thiên Chúa đã ngăn cấm, con rắn đã dụ dỗ Ê-va như sau:

                “Các người chắc chắn không chết đâu! Vì Đức Chúa Trời biết rằng khi nào các người ăn trái cây đó thì mắt mở ra, và các người sẽ giống Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.”

                Ê-va vì tham muốn trở nên “giống Đức Chúa Trời”, muốn được ngang hàng với Đấng tạo dựng ra mình, nên đã đưa tay hái trái cấm mà ăn, mở cửa cho tội lỗi xâm chiếm vào dòng nhân loại kể từ đó.

                Điều thứ nhì là phải xem phương tiện hay cách thức để đạt đến mục tiêu có chính đáng hay không. Mơ ước có một mái nhà là một ước mơ chính đáng, nhưng sẵn sàng hy sinh mọi thời giờ, mọi sức lực, mọi mối quan hệ, “làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm”, rồi mượn nợ ngân hàng quá nhiều, để mua nhà thật sang trọng, để sắm sửa bàn ghế vật dụng thật đắt tiền, có thể là do lòng đua đòi tham muốn. Mơ ước có một người chồng là điều thật chính đáng, nhưng nếu ăn mặc thiếu kín đáo để quyến rũ, đi sớm về khuya, không e dè thận trọng trong tiếp xúc giao tế, có thể là dấu hiệu của lòng so đo ganh tỵ.

                Điều thứ ba là lý do tại sao chúng ta muốn đạt đến mục tiêu này. Chọn một nơi ở, chọn một kiểu xe, chọn trường cho con học, ép con học lấy bằng bác sĩ dược sĩ, chọn một kiểu áo quần để mặc vv., là để đem đến lợi ích cho bản thân, đáp ứng với nhu cầu của gia đình hay của con cái, phù hợp với khả năng và ngân sách của chính mình; hay là bởi vì một người thân hay bạn bè của mình đã chọn như vậy, đã được như vậy, cho nên bạn và tôi so sánh để chọn sao cho được “ngang hàng” hay là để “nổi bật” hơn?

                Điều thứ tư là thái độ trong tiến trình đạt đến mục tiêu. Nếu chúng ta phàn nàn, cay đắng, giận dữ, không biết ơn trong lúc đang ra sức tiến đến mục tiêu, rất có thể là bạn và tôi đang ganh tỵ thèm thuồng ham muốn. Nhưng khi chúng ta bình an, kiên nhẫn, đầy niềm vui và có lòng biết ơn, chúng ta đang ra sức vươn tới cho một mục tiêu chính đáng và tốt đẹp.

                Nói một cách tổng quát, nếu có phương diện nào hay lãnh vực nào trong đời sống mà bạn và tôi chưa thấy thỏa lòng, thiếu vắng niềm vui, có những cay đắng buồn giận, rất có thể đó là nơi chúng ta đang so đo ganh tỵ và lòng đầy tham muốn.

                Kính thưa quý thính giả,

                Tuy biết sự tàn phá vô song do lòng so đo ganh tỵ đem đến, tuy biết nguyên tắc để phân biệt giữa ước ao chính đáng và sự tham muốn vì ghen tức, nhưng ứng dụng nguyên tắc này vào đời sống thực tế thì vô cùng khó khăn. Sự ham muốn do ghen tỵ ẩn núp rất tinh vi, nhiều khi được che đậy bằng những ước ao nghe rất dường như chính đáng, thí dụ như “Tôi xứng đáng làm giám đốc hơn người ấy, vì chỉ có tôi mới có thể giúp cho công ty thăng tiến được” hay “Tôi phải ép con tôi phải học ra làm bác sĩ, cũng vì tương lai của chính nó đó thôi” vv.

                Con người chúng ta vô phương kháng cự hoàn toàn lại được sự khống chế của tội lỗi vô cùng sâu sắc, vô phương loại bỏ hết những ham muốn bất chính ra khỏi đời sống, vô phương sống sao cho trọn vẹn với tiêu chuẩn đạo đức toàn hảo của Đấng Tạo Hóa và do vậy, vô phương thoát được bản án phạt đời đời khi bước ra khỏi cuộc đời này để đối diện với Đấng tạo dựng ra mình.

                Cảm thương trước số phận tuyệt vọng của con người, cho nên cách đây hơn hai ngàn năm, Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng trần, sinh ra làm một con người mang tên Giê-xu. Chúa Cứu Thế Giê-xu lớn lên với đời sống thánh khiết vô tội, chẳng hề tham muốn bất chính, nhưng dành trọn tình yêu và lòng cảm mến đến với tha nhân. Cũng bởi lòng ghen ghét mà người ta đã treo và đóng đinh con người mang tên Giê-xu trên cây thập tự cho đến chết. Thực ra, đây cũng là lý do Chúa Cứu Thế Giê-xu đã giáng trần làm người: Ngài đã đến để hy sinh chịu chết trên cây thập tự, làm của lễ chuộc tội cho cả dòng nhân loại đắm chìm trong bao tội lỗi.

                Khi bạn và tôi ý thức mình là những người bất toàn và có tội với Đấng Tối Cao và với tha nhân, khi chúng ta biết ăn năn những vi phạm của mình, tin vào sự đền tội thế của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên cây thập tự năm xưa, thì Ngài sẽ xóa sạch mọi vi phạm, tuyên bố chúng ta là vô tội và cất đi bản án phạt đời đời.

                Giây phút bạn và tôi thành tâm tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đức Thánh Linh là Ngôi Ba của Thiên Chúa sẽ đến trong tâm linh của chúng ta, để thanh tẩy, để tái tạo, để đổi mới mỗi ngày con người của bạn và tôi, từ sâu thẳm bên trong ra đến bên ngoài.

                Đức Thánh Linh sẽ rọi ánh sáng chân lý vào tâm linh tăm tối, giúp chúng ta phân biệt và từ bỏ những ham muốn bất chính do ghen tỵ so đo đem đến, hàn gắn các mối quan hệ đổ vỡ, cũng như giúp chúng ta đeo đuổi những ước ao chính đáng, đem đến niềm vui cho đời và cho người.

                Ước mong quý vị và các bạn nhận được mối liên hệ với Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì chúng ta sẽ được thỏa lòng an vui; những rễ đắng ganh tỵ, những dây gai so đo không còn đất sống. Đời sống chúng ta trở nên sống động trong những ước ao công chính, tận hưởng mối quan hệ với Thiên Chúa và với nhau, ngập tràn hương vị thiên đàng ngay trên thế gian này trong bất kỳ hoàn cảnh nào, y như lời Ngài có tuyên bố, được ghi trong sách Giăng 10:10 rằng:

                “Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn”.

                Thân chào quý vị và các bạn.

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn