11:29 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12


Hôm nayHôm nay : 5012

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 271052

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23000459

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

Tiền Công Của Tội Lỗi Là Sự Chết

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-xu Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23).

Xem tiếp...

Bí Quyết Của Phao-lô

Thứ ba - 13/02/2018 20:42
Bí Quyết Của Phao-lô

Bí Quyết Của Phao-lô

Kính thưa quý thính giả, Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng.


              Kính thưa độc thính giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chương thứ chín trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới Chương Đề: Kiểm Soát Sự Căng Thẳng. Sự căng thẳng là một tình trạng phổ biến tấn công hết thảy chúng ta, cho dù ở lứa tuổi nào đi nữa. Không phải sự căng thẳng nào cũng tồi tệ, vì nó bao hàm một yếu tố đòi hỏi con người phải thay đổi hoặc thích nghi với sự thay đổi. Vì lý do này, yếu tố gây ra căng thẳng có thể bao gồm hai mặt tích cực lẫn tiêu cực.

              Tuần qua chúng ta đã cùng nhau phân tích kết quả Thang Đánh Giá Sự Tái Điều Chỉnh Về Mặt Xã Hội sau khi liệt kê các “biến-cố-thay-đổi-đời-sống” của quý thính giả trong 12 tháng vừa qua. Những biến cố trong đời sống có chỉ số căng thẳng trung bình tương đương, và kết quả của chỉ số này cho thấy các biến cố trong đời sống của con người có liên hệ tới sự tấn công hay xâm nhập của bệnh lý. Nói cách khác, điểm tổng cộng của Thang Đánh Giá có khả năng dự đoán đáng lưu ý đối với sự tấn công của bệnh tật và sự suy nhược.

              Chúng ta đã phân tích tình trạng của anh Ken như một trường hợp điển hình. Ken vừa được thăng chức, được tăng lương theo chức vụ, nghĩa là Ken phải gánh thêm nhiều trách nhiệm hơn trong công việc. Vợ của Ken cũng bắt đầu đi làm việc. Rồi vì có thêm tiền từ mức lương của cả hai, nên vợ chồng Ken quyết định mua căn nhà mơ ước của họ. Mua nhà, đồng nghĩa với việc mượn nợ ngân hàng. Tiền trả nợ mua nhà sẽ được chi trả bởi tiền lương của vợ anh và mức lương tăng của anh. Trách nhiệm mới của Ken lại đòi hỏi việc thường xuyên tiếp đãi khách, vì thế Ken phải tuân theo chế độ kiêng cử khắt khe để không bị lên cân.

              Không may thay, sự căng thẳng được thêm vào trên công việc đã tạo nên những áp lực trong hôn nhân của họ. Ken và vợ anh cãi lẫy nhiều hơn, điều đó đã có ảnh hưởng bất lợi đến mối quan hệ chăn gối của họ. Nếu chúng ta dừng lại ở đó, Ken đã tích lũy 224 điểm, đủ để đặt anh ta trong khung 50-50. Nếu Ken có đi nghỉ hè, hoặc gặp một nhà tư vấn hôn nhân để tiến hành sự giải hòa giữa vợ chồng anh, hoặc xin quay trở lại với công việc cũ của mình, thì những điều này sẽ vẫn bao gồm các sự thay đổi thêm nữa và sự căng thẳng gia tăng.

              Nếu sự Tự-Nhủ của Ken chỉ toàn những điều tiêu cực, đổ lỗi và tự trách theo kiểu “tại sao, đáng lý ra, lẽ nào, tốt nhất là…” vân vân và vân vân, thì anh ta đang gặp rắc rối lớn. Sự tự nhủ theo chiều hướng ấy sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng của anh bởi việc kết nối những cảm xúc giận dữ gắn chặt với những đòi hỏi anh đang áp đặt trên vợ anh và trên cuộc sống. Ken đang tự mở cửa ngõ cho sự ngã lòng bởi vì anh đang đặt để quá nhiều đòi hỏi trên bản thân mình. Và rồi theo cách đó, anh chỉ đang làm gia tăng những cảm xúc mất-tự-chủ mà anh đang tranh chiến.

              Kính thưa quý độc giả,

              Bởi vì yếu tố chính trong sự căng thẳng là yếu tố thuộc lãnh vực tâm lý, nên sự Tự-Nhủ của Ken chính là điều anh đang kiểm soát vốn có thể giúp anh vượt qua được những yếu tố gây căng thẳng trong đời sống mình. Ken cũng có thể suy nghĩ những ý tưởng theo chiều hướng tích cực như sau:

  • Có lẽ sự thăng tiến đó không phải là tất cả những gì mình đã nghĩ đến, nhưng mình lại nỗ lực hết sức để đạt được nó.
  • Hẳn nhiên mình mong ước vợ mình hiểu được áp lực mình trải qua.
  • Mình vui là bọn mình có thể nhận được sự giúp đỡ cho cuộc hôn nhân của mình. Bà xã là người rất quan trọng đối với mình, và mình mong muốn làm mọi thứ trong khả năng mình có để giúp giải quyết tình huống hiện nay.
  • Bằng cách này hay cách khác bọn mình sẽ vượt qua được những điều đang xảy ra, bởi vì cuộc sống là tốt đẹp và mình yêu thương gia đình của mình.

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ đến với một nhân vật trong Thánh Kinh, xem cách người ấy đối phó với sự căng thẳng trong đời sống mình như thế nào. Đó chính là Sứ đồ Phao-lô, người đã nhận biết sâu sắc về tầm ảnh hưởng lớn lao của sự căng thẳng. Sứ đồ Phao-lô là người đã nhiều lần bị tống giam, bị đánh đập tàn nhẫn rồi bỏ mặc cho chết đi sống lại. Ông còn bị đắm tàu, bị những người anh em cùng niềm tin của mình từ bỏ nữa. Tuy nhiên, chẳng những Sứ đồ Phao-lô chịu đựng được từng thời điểm căng thẳng trong đời sống mình, mà thái độ của ông trong những gian nan thử thách ấy lại trở nên nguồn cảm hứng thôi thúc các hội thánh ở nhiều thế kỷ sau nữa.

              Trong thơ Cô-rinh-tô 2, chương 4 Phao-lô viết, “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất” (câu 8-9). Phao-lô đã có thể dừng lại tại đó, đặt bút xuống, và suy nghĩ về biết bao nỗi khó nhọc mà cuộc đời ông đã từng nếm trải. Nếu sự Tự-Nhủ của ông là kiểu tự nhủ thương hại bản thân, thì rất có thể ông đã nói thật nhiều, thật tỉ mỉ về sự căng thẳng trong những gian khổ mà ông miêu tả. Nhưng đó không phải là sự đáp ứng của Phao-lô.

              Phao-lô viết tiếp trong câu 16 rằng, “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn”. Phao-lô gần như cung cấp cho chúng ta định nghĩa của Selye về sự căng thẳng khi ông nói về việc con người bề ngoài của ông, tức thân thể ông, đang hư nát. Sứ đồ Phao-lô phải chịu đựng nhiều sự hư hao về thể lực. Thế nhưng ông không chịu thua trước sự căng thẳng, vì ông viết thêm rằng con người bề trong của ông, tức tâm trí và tâm linh ông, đang được đổi mới mỗi ngày. Chúng ta thấy Phao-lô đổi mới tâm trí ông bằng cách nắm bắt mọi ý tưởng của mình rồi quy tụ nó vào việc vâng phục Đấng Christ. Phao-lô biết làm thế nào để bắt lấy những yếu tố gây căng thẳng trong đời sống ông và khiến chúng trở lại làm ích cho mình. Bí quyết của Phao-lô nằm trong sự Tự-Nhủ của ông.

              Kính thưa quý độc giả,

              Chúng ta có thể thấy điều này thể hiện bằng hành động khi chúng ta dõi theo Phao-lô trong Sách Công Vụ. Ở chương 16 ông cùng với bạn đồng hành của mình là Si-la bị bắt giam ở một trong những nhà tù tại xứ Ma-xê-đoan. Đang khi bị giam, Phao-lô làm chủ ý tưởng của mình bằng cách tập trung vào những điều đáng ngợi khen. Ông cùng Si-la dùng thời gian của họ trong việc cầu nguyện và hát thánh ca dâng lên Đức Chúa Trời. Ông đổi mới con người bề trong của mình khi đối diện với sự căng thẳng bằng sự Tự-Nhủ của mình.

              Phao-lô đã nhiều lần bị đánh đập. Ông bị đắm tàu và rồi bị giam giữ tại thành phố Rô-ma. Trong khi ở tù tại đó, ông đã viết nhiều lá thư được liệt kê trong Kinh Thánh Tân Ước. Một trong số đó là lá thư gửi cho tín hữu tại thành Phi-líp. Trong bức thư ấy Phao-lô đã nhiều lần khuyên giục tín hữu tại thành Phi-líp hãy vui mừng trong mọi sự. Ông giải thích thêm rằng ông đã học biết cách thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ mình trải qua (Phi-líp 4:11)! Nhờ đâu ông làm được điều đó khi bản thân ông đối diện với quá nhiều sự căng thẳng như thế? Chỉ nhờ một cách duy nhất—đó là bởi sự đổi mới của tâm trí ông.

              Cũng trong thư tín gửi cho tín hữu tại thành phố Phi-líp, Phao-lô miêu tả loại thái độ ông mong muốn độc giả của mình trải nghiệm. Ông viết trong thơ Phi-líp, chương 2:5-7 rằng, “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời nhưng chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.” [Những câu này có nghĩa là, “Thái độ anh em cần có, là loại thái độ được bày tỏ cho chúng ta bởi Chúa Jesus Christ, vì Ngài, dù là Đức Chúa Trời, đã không đòi hỏi và nắm giữ quyền bình đẳng với Đức Chúa Trời của Ngài, nhưng đã từ bỏ quyền phép cùng sự vinh hiển lớn lao ấy, mặc lấy hình dạng của một tôi tớ và trở nên giống như loài người”] (Phi-líp 2:5-7).

              Đây là vũ khí bí mật, là bí quyết của Phao-lô để đối phó với sự căng thẳng. Trong sự Tự-Nhủ của mình, ông nhắm vào việc phát huy cùng thái độ mà ông nhìn thấy nơi Chúa Jesus. Trong thái độ ấy, mọi đòi hỏi về quyền hạn của ông được đặt để sang một bên. Ông đã sống trong thái độ của một người hầu. Sự Tự-Nhủ của Phao-lô được tập trung vào gương mẫu và tính cách của Chúa Jesus Christ. Và như tiên tri Ê-sai đã ghi lại, người nào để tâm trí mình nương dựa (hay tập trung) vào Đức Chúa Trời thì sẽ kinh nghiệm sự bình an trọn vẹn.

              Sự bình an trọn vẹn giữa lúc đối diện với sự căng thẳng! Làm thế nào chúng ta có thể học tập để trở nên những người sống còn trong một nền văn minh đầy sự căng thẳng? Làm thế nào chúng ta có thể phát huy cùng thái độ mà Chúa Jesus Christ đã bày tỏ cho chúng ta?

              Kính thưa quý độc giả,

              Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ nói đến một số bước mà quý độc giả có thể thực hiện để bắt đầu thay đổi sự Tự-Nhủ của mình và nắm quyền kiểm soát trước sự căng thẳng. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn