23:48 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 30


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268521

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997928

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Chương 10: Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ

Thứ tư - 07/03/2018 20:24
Chương 10: Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ

Chương 10: Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ

Kính thưa quý độc giả, Trong vài tuần qua, ở chương thứ 9 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop, chúng ta đã bàn về cách kiểm soát sự căng thẳng trong cuộc sống con người.


               Kính thưa quý độc giả,

               Trong vài tuần qua, ở chương thứ 9 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop, chúng ta đã bàn về cách kiểm soát sự căng thẳng trong cuộc sống con người. Chúng ta chẳng có cách gì để tách rời sự căng thẳng ra khỏi đời sống cá nhân. Sự căng thẳng có khả năng làm người bạn đồng hành nguy hiểm cứ bám chặt lấy đời sống chúng ta, khiến chúng ta sống trong tâm trạng luôn căng thẳng, kiệt quệ về tư duy, hao mòn thân thể. Việc này khiến nảy sinh ra nhiều bịnh tật – nhất là những loại bệnh như cao huyết áp và tim mạch. Trong phương cách kiểm soát sự căng thẳng tôi đã nói đến bốn bước quý thính giả có thể thực hiện để bắt đầu thay đổi sự Tự-Nhủ và nắm quyền kiểm soát sự căng thẳng trong đời sống mình.

               Bước thứ nhất là chúng ta cần Nhận diện những tình huống gây căng thẳng trong đời sống mình. Bạn cần suy nghĩ và liệt kê tất cả mọi điều, rồi phân loại và đưa những điều tương tự trong danh sách đã khiến bạn căng thẳng vào một chủ đề chung với nhau.

               Bước thứ hai chọn lấy một trong những biến cố ấy, hoặc một chủ đề, và bắt đầu thực hành với sự Tự-Nhủ của bạn. Bạn có thể nói gì với bản thân mình qua sự Tự-Nhủ khiến dấy lên những cảm giác khiến bạn lo sợ, e ngại và căng thẳng? Thường thì bạn có loại suy nghĩ và tự nhủ tiêu cực khiến bạn chùn bước. Đúng không?

               Bước thứ ba sẽ giúp bạn hóa giải những kiểu tự nhủ tiêu cực khiến gây căng thắng, bằng cách dùng trí tưởng tượng của bạn để hình dung bản thân bạn sẽ xử sự ra sao trong tình huống ấy nếu bạn không bị căng thẳng hay lo sợ. Bạn có thể chọn một trong những tình huống gây căng thẳng mà bạn muốn thay đổi rồi cho phép mình có thì giờ riêng tư để bản thân mình cảm thấy thoải mái, tập trung vào việc hít thở sâu và từ từ thả lỏng toàn thân, hình dung trong tâm trí bạn một quang cảnh đẹp đẽ, yên tịnh mà bạn yêu thích. Kế đó bạn tập trung vào tình huống gây căng thẳng và thay đổi những khuôn mẫu của ý tưởng bạn, hãy nghĩ đến chính mình đang đối phó với sự căng thẳng cách thành công. Hãy hình dung bản thân bạn sẽ làm gì trong tình huống ấy nếu bạn không bị căng thẳng. Chắn chắn bạn sẽ hành xử tốt hơn nhiều khi trong bạn trải nghiệm cảm giác của một người tự chủ và tự tin.

               Kính thưa quý độc giả,

               Nếu tình huống gây căng thẳng của bạn có liên quan đến các thành viên trong gia đình, bạn cần cố gắng nhìn tình huống theo quan điểm của họ. Người thân yêu của bạn nhìn thấy điều gì đang xảy ra trong tình huống ấy? Hãy cố hình dung điều họ đang cảm nhận. Rất có thể là người thân của bạn đang bị hoảng sợ và bị tổn thương. Khi làm điều này, bạn có thể để ý những nhận thức riêng của mình về tình huống ấy đang thay đổi. Đó là một bước chủ yếu trong quá trình kiềm chế sự căng thẳng. Việc nhìn thấy bản thân mình đang đối phó với sự căng thẳng cách thành công có thể bao gồm việc cố gắng để hiểu những cảm xúc và thái độ của những người có liên quan đến tình huống khiến bạn thấy căng thẳng. Hoặc bạn có thể cố gắng nhận diện những lời Tự-Nhủ mà bạn có thể nói với bản thân mình vốn sẽ giúp bạn đối đầu với sự căng thẳng dễ dàng hơn.

               Bước thứ tư là bạn hãy quay trở lại tờ giấy ban đầu. Ở phía bên phải hãy viết lại những lời Tự-Nhủ tiêu cực thành những lời Tự-Nhủ tích cực. Giờ bạn có thể làm điều này bởi vì trong trí tưởng tượng của mình bạn đã nhìn thấy bản thân bạn đối phó với tình huống gây căng thẳng ấy cách thành công. Giờ thì hãy ghi ra danh sách những lời Tự-Nhủ tích cực của bạn.

               Bạn cũng có thể dành thời gian, mỗi ngày, thực hiện một sổ nhật ký về những tình huống gây căng thẳng để nhận diện sự Tự-Nhủ tạo nên căng thẳng. Kế đó hãy dành thời gian sử dụng trí tưởng tượng của bạn, qua hình ảnh được điều khiển cách chủ động, và hãy quan sát bản thân bạn đối phó với hoặc thay đổi những tình huống ấy. Dần dần, bạn sẽ có thể làm giảm đi những ảnh hưởng tiêu cực của sự căng thẳng trong đời sống mình và sử dụng sự căng thẳng như một sức mạnh tích cực, giúp bạn có thể đạt được những ước mơ của mình trong cuộc sống. Sự căng thẳng vừa là một mối nguy hiểm vừa là một cơ hội, một người bạn lẫn một kẻ thù. Qua việc quan sát sự Tự-Nhủ của mình, bạn có thể quyết định điều nào trong những điều này là tốt cho bạn.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu Chương 10 dưới Chương Đề: Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ. Huấn luyện tính quả quyết, hay tính khẳng định là một trong những áp dụng lý thú nhất của ngành tâm lý học thịnh hành được tìm thấy trong các hội nghị chuyên đề tổ chức khắp Hoa Kỳ hiện nay. Hầu hết các chương trình giáo dục dành cho người lớn đều tổ chức một khóa dạy học viên về tính quả quyết, và những người đã từng tham dự khóa huấn luyện loại này đều say mê thích thú. Ngay cho dù nhiều người trong số những học viên đã tốt nghiệp không thường xuyên sử dụng các kỹ năng về tính quả quyết và tự tin mà họ đã được dạy, song họ vẫn cảm thấy phấn khích về khóa huấn luyện bởi vì họ có được sự am hiểu sâu sắc hơn về các quyền hạn cũng như các cảm xúc của bản thân mình.

               Không may thay, việc huấn luyện tính quả quyết hay tính khẳng định, thường bị phê phán bởi các vấn đề nó gây ra. Bởi vì phần lớn việc huấn luyện tính quả quyết bỏ qua vai trò của sự Tự-Nhủ, nên những học viên tham dự khóa học thường thấy bản thân họ bị mắc vào một trong những cạm bẫy khiến họ lúng túng. Khi điều này xảy ra, thì thông thường chính gia đình của những học viên đã tham dự khóa học cuối cùng đều mong ước rằng phải chi khóa huấn luyện đã chẳng bao giờ được tổ chức. Những thành viên trong gia đình này xem tính quả quyết dường như ngang hàng với việc trở nên giận dữ. Một người chồng nản lòng gần đây đã nói với tôi rằng: “Mọi điều họ đã làm là chỉ cho vợ tôi cách để bộc lộ cơn giận của cô ấy mà thôi!” Anh ta đang ám chỉ những sự thay đổi đã diễn ra nơi người vợ vẫn thường điềm tĩnh và thỏa lòng của anh. Theo cái nhìn của anh ta, vợ anh đang biến đổi trở thành một cơn lốc xoáy, kể cho mọi người biết chính xác những gì cô suy nghĩ. Kinh nghiệm này của người chồng thật phổ biến đến nỗi người ta thường đặt hành vi cư xử khẳng định ngang hàng với hành vi cư xử gây hấn.

               Điều xảy ra trong những tình huống ấy chính là những người đã từng thường xuyên khá thụ động về cuộc sống bỗng nhiên khám phá rằng họ có một số quyền hạn nào đó trong bất kỳ tình huống nào họ đối diện. Nhưng khuôn mẫu thụ động của họ đã đưa họ đến chỗ chất chứa sự giận dữ của mình, là điều mà giờ đây đang sôi trào lên tận đỉnh của cảm xúc trong lòng họ. Những con người trầm lặng này bỗng nhiên tỏ ra hung hăng, công kích. Và hành vi cư xử mang tính gây hấn của họ, cùng với sự nhận thức về cơn giận của họ, khiến họ sợ hãi. Họ không muốn nóng giận hay gây hấn. Rất nhanh chóng, họ làm cho những kỹ năng về tính cách quả quyết của họ bị lẫn lộn với tính hung hăng gây hấn, và trong sự nản lòng họ rút lui trở lại vào những khuôn mẫu hành vi cư xử thụ động của mình.

               Để đặt tính quả quyết vào cách nhìn đúng đắn thích hợp, chúng ta hãy xem xét sự khác biệt giữa ba cách tiếp cận với cuộc sống này, đó là: tính thụ động, tính gây hấn, và tính quả quyết, còn gọi là tính khẳng định.

               Tính Thụ Động

               Kính thưa quý độc giả,

               Những phương cách tiếp cận với cuộc sống thụ động thường gắn liền với cảm xúc lo sợ hay sợ hãi. Như chúng ta đã nhìn thấy, các cảm xúc được tạo nên bởi sự Tự-Nhủ của chúng ta. Vì thế người thụ động thường xuyên nói trong sự Tự-Nhủ của mình những điều như sau:

  • Mình không thể nói không. Mình sẽ cảm thấy thật có lỗi.
  • Mình không thể bảo chồng mình dành nhiều thời gian hơn cho mình. Anh ấy sẽ chỉ nổi giận thôi.
  • Mình không thể bảo bà xã mình dành nhiều thời gian hơn cho mình. Cô ấy sẽ chỉ nổi giận thôi.
  • Mình không thể đem cái áo này trả lại cửa hiệu được. Họ sẽ phàn nàn, bảo mình lần sau phải biết chắc là mình chọn đúng kích cỡ trước khi mua.
  • Mình không muốn làm ầm ĩ lên, vì thế mình sẽ chỉ việc thuận theo chính sách mới của công ty mình thôi.
  • Mình không thể than phiền với người quản lý về sự phục vụ; không ai khác có vẻ quan tâm cả.
  • Không cần phải bênh vực cho bản thân mình và xử sự như một đứa ngốc nghếch. Có thể là mình sẽ không bao giờ gặp lại cái người kia một lần nào nữa.

               Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những điều đã trở thành một cách sống đối với nhiều người. Trong cách tiếp cận thụ động của họ với người khác và với các biến cố xảy ra, cuối cùng họ đều vi phạm các quyền hạn của riêng mình bởi việc không thể đối diện với những cảm xúc và ý nghĩ chân thành của mình. Bởi việc xin lỗi và tự hạ mình, họ đã cho phép những người khác xúc phạm họ. Điều mà sự Tự-Nhủ của họ thật sự đang nói chính là, “Tôi không quan tâm! Vì thế cứ tiếp tục đi và hãy lợi dụng tôi!” Theo cách đó, những người thụ động chẳng bao lâu mất đi mọi ý thức về sự tự-trọng—hoặc họ tạo nên một lòng chảo lúc nào cũng sôi sục sự giận dữ và căm ghét bên trong chỉ đang chực sẵn để phun trào ra.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục nói về hai tính cách khác của con người là tính gây hấn và tính quả quyết trước khi tìm hiểu làm thế nào để có lối sống khẳng định qua sự tự nhủ. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn