15:57 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 17


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267058

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996465

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Món Quà Giáng Sinh Quý Nhất

Thứ hai - 03/12/2018 20:10
Món Quà Giáng Sinh Quý Nhất

Món Quà Giáng Sinh Quý Nhất

Nhiều năm trước đây, bác sĩ sản khoa Frederic Loomis phải đối diện với một thách thức lớn nhất trong đời ông. Một bệnh nhân của ông, một phụ nữ trẻ thật yếu đuối mảnh khảnh, đang mang thai đứa con đầu lòng.



                  Nhiều năm trước đây, bác sĩ sản khoa Frederic Loomis phải đối diện với một thách thức lớn nhất trong đời ông. Một bệnh nhân của ông, một phụ nữ trẻ thật yếu đuối mảnh khảnh, đang mang thai đứa con đầu lòng. Ông đã cố tìm mọi cách để giúp cô vượt qua những khủng hoảng về tình cảm và tinh thần mà cô đang cố gắng một cách thật khó khăn để ổn định chúng.

                  Một tháng trước khi đứa bé được sanh ra, trong một cuộc xét nghiệm thường lệ, người ta khám phá ra là đứa bé nằm sai vị trí trong bụng mẹ. Thay vì chào đời với cái đầu ra trước, là cách ra đời an toàn nhất cho mọi hài nhi, thì đứa bé này sẽ đưa chân hay mông của nó ra trước. Điều nguy hiểm ở những trường hợp như thế này là dây nhau của bầu thai có thể bị chèn ép giữa đầu đứa bé và xương chậu của người mẹ khiến cho ống dẫn bé xíu cung cấp oxygen cho đứa bé sẽ bị tắc nghẽn và nó sẽ chết ngay chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi. Thời gian từng giây, từng phút là yếu tố chính quyết định việc sống còn của đứa trẻ trong trường hợp sinh đẻ như vậy.

                  Trường hợp này lại là bị “sai vị trí hoàn toàn” vì đôi chân và bàn chân của đứa bé thì gập lại như thể là người ta gập áo quần vậy. Khi đứa bé sắp ra khỏi bụng mẹ thì bác sĩ Loomis kéo thật nhẹ nhàng cái bàn chân nhỏ xíu đầu tiên. Tiếp sau đó ông kéo bàn chân thứ hai, nhưng bàn chân này không phản ứng gì cả. Khi thân hình của đứa bé trồi xuống hơn một chút nữa, ông nhận ra rằng đây là một đứa bé gái. Và rồi ông nhìn thấy rằng đứa bé đã mất hẳn chiếc đùi từ bên mông xuống đến đầu gối bên một chân. Ông liền vội vàng dùng chiếc khăn ấm, có sẵn để giữ cho đứa bé không bị lạnh trong lúc nó vật lộn để chào đời, và cuốn chung quanh một bên chân lành lặn còn lại của đứa bé.

                  Sau đó là một cuộc chiến đấu khủng khiếp nhất trước nay mà bác sĩ Loomis phải đương đầu. Ông hình dung ra một đứa bé gái lớn lên, khác thường so với những bạn bè đồng trang lứa, ngồi lẻ loi một mình, bị khinh dễ, chẳng bao giờ có thể tham gia một hoạt động thể thao nào, chẳng bao giờ có được những cuộc hẹn hò, thật cô đơn, bất an và chìm trong khổ đau tuyệt vọng.

                  Ông cũng có thể hình dung ra nỗi thống khổ của người mẹ trẻ này khi phải mang một gánh nặng đến như thế. “Đừng đem sự đau khổ đến trên họ” một tiếng nói đầy biện luận vang lên trong tâm tưởng ông. “Đứa nhỏ này chưa hề hít thở lần nào hết, hãy đừng để con bé này làm được chuyện đó.”

                  Vị bác sĩ nhìn lên chiếc đồng hồ trên tường. Ba phút trong số bảy hay tám phút quy định đã trôi qua. Chẳng ai trong phòng sanh này biết được cuộc chiến đấu nội tâm và ý định của ông. Ông có thể kéo dài việc đỡ đẻ này ra. Chẳng một ai có tài nào mà biết được. Chỉ cần một vài phút thôi mọi sự sẽ chấm dứt. Người mẹ sẽ than khóc một ít lâu nhưng rồi sẽ cảm thấy được trút bỏ một gánh nặng vì cô ấy sẽ không phải có trách nhiệm nuôi dưỡng một đứa con tật nguyền.

                  Ngay lúc ấy, cái bàn chân nguyên vẹn, không bị tật của đứa bé bỗng tuột ra khỏi cái khăn bọc và thúc vào lòng bàn tay của vị bác sĩ. Rồi cả thân hình của nó bỗng như trào lên sức sống vì nó muốn được sinh ra đời.

                  Vị bác sĩ đã không thể thực hiện việc ông đã toan tính. Ông đành phải đỡ cho đứa con gái chào đời với một cái chân nhỏ thó khuyết tật trông thật là thương tâm.

                  Bác sĩ Loomis kể lại: “Tất cả những gì mà tôi tiên liệu đã thành sự thật hoàn toàn. Người mẹ đã ở lại trong bệnh viện một vài tháng gì đó. Tôi đã gặp cô ấy một đôi lần và trông cô ta như một cái xác không hồn so với hình ảnh của một người phụ nữ trẻ trung ngày nào. Lâu lâu tôi có được nghe người ta nói lại về tin tức của mẹ con họ... Rồi cuối cùng tôi cũng mất mọi liên lạc, dấu tích của họ”.

                  “Bao năm trời càng trôi qua thì tôi vẫn càng tự trách mình một cách cay đắng rằng mình đã yếu đuối không có can đảm mà làm theo sự xúi dục của lòng mình.”

                  Nhiều năm sau đó, theo như thông lệ của các y tá ở bệnh viện mà bác sĩ Loomis làm việc, một buổi liên hoan mừng Chúa Giáng Sinh được tổ chức thật là long trọng dành cho tất cả các nhân viên và bác sĩ tại đấy. Năm ấy lại đặc biệt hơn ở chỗ là tất cả các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện đều đã đến dự đầy đủ.

                  Khi các y tá trong những bộ đồng phục thật đẹp đẽ tinh tươm bước vào thành một đoàn diễn hành thì tất cả mọi người đều đồng đứng lên để bày tỏ lòng kính trọng đối với họ. Rồi từ phía sau của khán giả, có hai mươi y tá trẻ nữa bước vào, mỗi người cầm trên tay một ngọn nến nhỏ và cùng đồng thanh ca bài hát Giáng Sinh quen thuộc “Đêm yên lặng, đêm an bình...”

                  Ánh đèn rọi lúc đó tập chú vào một cây Nô-ên đã được trang hoàng thật tỉ mỉ công phu và nay sáng rực lên lấp lánh với một vẻ đẹp thật lạ lùng. Rồi ánh đèn rọi tiếp tục di chuyển đến chính giữa sân khấu khi bức màn nhung được từ từ vén mở ra để cho thấy ba người chơi đàn trẻ đẹp trong áo dạ hội màu trắng lấp lánh. Một người thì chơi đàn hạc, một người thì chơi đàn xê-lô còn người thứ ba thì chơi vĩ cầm. Hòa với tiếng đàn ống organ âm điệu du dương của tiếng nhạc mà họ trình tấu đã khiến nhiều người rưng rưng nước mắt.

                  Cô nhạc sĩ chơi đàn hạc đã biểu diễn thật xuất sắc, cho nên bác sĩ Loomis đã cố nán lại đến cuối chương trình để có dịp mà khen tặng cô.

                  Trong lúc ông đang ngồi một mình chờ đợi, thì một thiếu phụ chạy vào giữa hàng ghế, nhào về phía ông với đôi tay dang rộng vừa kêu lên hớn hở: “Ông đã thấy cháu nó rồi đó. Chắc chắn là bác sĩ đã phải nhận ra đứa con gái mà bác sĩ đã giúp nó chào đời. Con gái tôi là đứa chơi đàn hạc đó thưa bác sĩ, tôi đã thấy bác sĩ nhìn nó. Bộ bác sĩ không còn nhớ đứa bé gái được sinh ra với chỉ một cái chân nguyên vẹn, cách đây mười bẩy năm về trước? Chúng tôi đã thử mọi cách khác trước đây, nhưng bây giờ thì nó có cả một cái chân nhân tạo ở một bên đó kìa, hổng chừng bác sĩ cũng không biết nó mang chân giả đâu, có phải vậy không, thưa bác sĩ? Con gái tôi bây giờ có thể đi đứng, bơi lội và dám nó còn có thể khiêu vũ nữa đó”.

                  “Nhưng bác sĩ biết không, cái hay hơn tất cả là, trong suốt những năm tháng mà con gái tôi chưa thể đi đứng, bơi lội hay khiêu vũ, thì nó đã học xử dụng đôi bàn tay của nó thật là tuyệt vời... Bây giờ thì nó thật là sung sướng... Và con gái tôi đây kìa!”

                  Và họ đã gặp lại nhau... Như theo bản năng tự nhiên, bác sĩ Loomis mở vòng tay ra ôm vào lòng người con gái mà trước đây chỉ trong tích tắc sự sống còn của cô đã có thể bị tàn diệt ngay trước khi cô có được cơ hội chào đời.

                  “Cháu ơi, cháu không thể nào hiểu hết,” bác sĩ nói, “cháu không thể nào biết được, cũng như tất cả mọi người trên thế giới này không có thể nào biết được, ý nghĩa của buổi tối hôm nay đối với ta. Cháu hãy đi đến cái đàn hạc của cháu một chập nữa đi và xin cháu hãy chơi lại cho riêng mình ta thôi bài thánh ca “Đêm Yên Lặng” vừa rồi. Ta đã từng mang một gánh nặng nề bấy lâu nay mà không ai thấy được, cái gánh nặng mà chỉ có một mình cháu mới có thể cất khỏi ta.”

                  Đời sống thật là một món quà quý báu. Nhưng có một món quà còn quý giá hơn nữa, đó là món quà sự sống vĩnh hằng.

                  Cách đây không lâu, một trong những đứa con trai của tôi đã tức giận với tôi về một chuyện gì đó. Tôi đã làm gì sau đó thì tôi không còn nhớ nữa, nhưng tôi không thể nào quên được cái câu mà con trai tôi đã nói với tôi. Trong cơn thất vọng nó đã gào lên với tôi: “Tại sao ba sanh con ra làm gì vậy?”

                  Tôi đã lặng người trong một lúc rồi tôi nhẹ nhàng trả lời con tôi với câu nói xuất phát từ sâu thẳm đáy lòng tôi: “Bởi vì con nằm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời đó con.”

                  Và điều này cũng là sự thật cho bạn và chính mình tôi. Ngay từ khi chúng ta được cưu mang trong lòng mẹ, Chúa đã biết tên gọi của chúng ta. Và chúng ta cũng nằm trong chương trình kế hoạch đời đời của Ngài. Nhưng lúc chúng ta được sinh ra, chỉ một mình Ngài trông thấy sự tàn tật của chúng ta. Chúng ta đều bị méo mó, không phải thể xác méo mó mà là tâm linh của chúng ta đã lệch lạc. Bởi vì mang trong người bản chất tội lỗi, chúng ta đã được sanh ra với một tâm linh chết và cách biệt hẳn với Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho muôn loài sự sống. Nhưng vì chúng ta được là những tạo vật quý giá và được Ngài thương yêu nhất, đến nỗi Ngài đã sai Con Một của Ngài, là Chúa Cứu Thế Giê-xu, giáng thế trong đêm Giáng Sinh đầu tiên, để rồi chịu chết thay cho tội lỗi của mỗi chúng ta, giải cứu chúng ta ra khỏi sự chết đời đời, và ban cho chúng ta món quà quý báu hơn hết mọi món quà, đó là sự sống vĩnh hằng. Đức Chúa Trời cũng muốn dành món quà quý báu này cho bạn nữa. Bạn có làm gì thì mặc lòng, nhưng xin bạn hãy đừng lìa trần gian này mà không mang theo món quà này. Bởi vì nếu bạn không có được món quà này trong tay, bạn phải đối diện với một thảm họa ghê rợn hơn bất kỳ mối thảm họa nào trên thế gian này, như lời của Đức Chúa Trời luôn nhắc nhở: “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh phúc; ai không chịu vâng phục Con thì chẳng được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn còn trên người đó!” (Giăng 3:36)
 

“His Greatest Christmas Gift” by Dick Innes – Hữu Đại chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn