07:48 EDT Thứ ba, 30/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13


Hôm nayHôm nay : 3454

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 278874

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23008281

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Cuộc Đời Thật Của Ông Già Nô-ên

Thứ ba - 27/11/2018 20:52
Cuộc Đời Thật Của Ông Già Nô-ên

Cuộc Đời Thật Của Ông Già Nô-ên

Kính thưa quý thính giả, Xuất xứ của “Santa Claus” hay “Ông Già Nô-ên”, thực sự không phải là từ vùng tuyết băng trắng xóa ở tận đỉnh đầu cực bắc của hành tinh này đâu, nhưng là đến từ một địa phận thuộc nước Thổ nhĩ kỳ ngày nay.


             Kính thưa quý thính giả,

             Xuất xứ của “Santa Claus” hay “Ông Già Nô-ên”, thực sự không phải là từ vùng tuyết băng trắng xóa ở tận đỉnh đầu cực bắc của hành tinh này đâu, nhưng là đến từ một địa phận thuộc nước Thổ nhĩ kỳ ngày nay. Những tài liệu cổ xưa còn lưu trữ trong các nhà thờ cho biết, nhân vật “Ông Già Nô-ên” là một người thấp bé, chỉ cao khoảng một thước rưỡi. Vì ông được phong chức hồng y giáo chủ, nên Nicholas của vùng Myra thường xuyên xuất hiện trước công chúng trong bộ áo choàng màu đỏ và những bức họa thời xưa có vẽ ông có bộ râu trắng với cái đầu còn rất ít tóc. Tuy nhiên, hình ảnh “Ông Già Nô-ên” đã trở nên một biểu tượng tốt lành của mùa Giáng sinh, không phải là do diện mạo hay phong thái của ông, nhưng do tinh thần ban cho, đi kèm với một trái tim tràn ngập tình thương và lòng trắc ẩn, cộng với sự rộng rãi không bờ bến của con người mang tên Nicholas này, đã trở nên nguồn cảm hứng về một nhân vật thật dễ thương, mà ai ai cũng biết đến khi mùa Giáng Sinh về, lan rộng khắp năm châu bốn biển trong biết bao nhiêu thế kỷ qua.

             Thời còn nhỏ, Nicholas được cha mẹ hướng dẫn rằng, một người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-xu thực lòng, thì phải bày tỏ niềm tin của mình, không chỉ bằng lời nói, nhưng còn thể hiện qua hành động thực tế nữa. Cha mẹ của Nicolas đã chu cấp cho các công cuộc truyền giáo, cũng như trợ giúp người nghèo. Họ cũng dẫn Nicholas đi nhà thờ và ghi danh cho con mình tham dự các lớp thần học và lịch sử. Thời đó, những người tin Chúa Giê-xu được dạy theo cẩm nang của mười hai vị sứ đồ, hướng dẫn về một lối sống đạo đức công bình, kêu gọi người tín đồ phải làm theo hai mệnh lệnh cao quý nhất, do chính Chúa Giê-xu tuyên phán: “Phải yêu thương Thượng Đế với cả tấm lòng, linh hồn và trí óc!’ Đó là điều răn thứ nhất và quan trọng nhất. Điều răn thứ nhì cũng giống như thế: ‘Phải yêu thương người đồng loại như chính bản thân! Hai điều răn ấy làm nền tảng cho tất cả luật pháp và lời tiên tri. Ai giữ hai điều răn ấy là giữ được toàn bộ luật pháp.” (Ma-thi-ơ 22:37-40)

             Những bài học này đã ảnh hưởng thật sâu đậm trong tâm hồn của Nicholas. Tuy chỉ mới ở tuổi thiếu niên, Nicholas đã biết chia sớt tiền túi của mình cho những đứa trẻ nghèo khó khác, không có đủ ăn. Nhưng những cử chỉ khiến cho cậu bé này trở này khác biệt hơn những người khác, bắt đầu thể hiện, khi một người bạn của gia đình Nicholas bị thất bại trong công việc làm ăn.

             Số là có một người cha, có ba đứa con gái, bị thất bại trong công việc làm ăn, mất hết tất cả, trở thành trắng tay, buộc vào dọn vào một khu nhà ổ chuột bên ngoài thành phố. Trong lúc túng quẫn, người cha không một xu dính túi này kiếm cách thương lượng với chủ một nhà chứa. Người cha này buộc phải đưa đứa con gái đầu lòng vào cảnh nô lệ, mong có một chút tiền mà nuôi hai đứa con còn lại.

             Khi cậu thiếu niên Nicholas biết được tình huống tuyệt vọng này, cậu cảm thấy bị thôi thúc phải hành động. Trong đêm trước khi cô gái đầu lòng bị bán vào nhà chứa, Nicholas đã đến ngôi nhà khu ổ chuột này, đợi cho đèn tắt, rồi thảy một túi tiền vàng qua cánh cửa sổ đang mở. Sau đó, cậu Nicholas vội vàng biến mất trước khi người cha kịp mở cửa để xem ai là người đã gởi tặng một món quà quý giá như vậy.

             Chắc cậu Nicholas có hỏi xin cha mẹ để tìm cách giúp đỡ gia đình này, hay được cha mẹ giao phó cho “sứ mạng” thực hiện công việc đó. Tuy vậy, dầu cho có ai đề nghị hay có ai cung cấp tài chính, hành động đầy nhân ái này là một thí dụ của tấm lòng tận hiến của gia đình Nicholas, quyết làm theo những lời dạy dỗ của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

             Món tiền mà Nicholas thảy qua cửa sổ, đã giúp gia đình cùng đường kia sống được một năm. Sau khi hết tiền, trong lúc người cha khốn khổ, một lần nữa đang tính kế để bán con mình, thì một túi vàng nữa được thảy qua cửa sổ trong ban đêm. Một năm sau đó, Nicholas trở lại lần thứ ba với một sứ mạng như trước, nhưng lần này, người cha đáng thương kia đã bắt được Nicholas. Ông thật vô cùng ngạc nhiên và quá đỗi xúc động khi thấy người đã cứu sống gia đình ông bấy lâu nay, chỉ là một cậu thiếu niên.

             Gạt nước mắt và ôm Nicholas vào lòng, ông hỏi: “Tại sao cháu cho gia đình bác những món quà này?”

             Cậu Nicholas trả lời thật thẳng thắn và đơn giản: “Bởi vì gia đình bác cần nó”.

             “Thế nhưng tại sao cháu không cho gia đình bác biết mặt cháu?”

             “Bởi vì khi ban cho mà chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi, thì mới thực là quý”.

             Câu trả lời của cậu bé Nicholas đã trở thành nền tảng để xây dựng nên cá tính của “Ông Già Nô-ên” sau này, một hình ảnh khiêm nhường, ban cho mà không hề trông chờ nhận lại, là hình ảnh đẹp đẽ mà bạn và tôi yêu thích và trông đợi, mỗi khi mùa Giáng Sinh lại về.

             Kính thưa quý thính giả,

             Đã ba lần cậu thiếu niên Nicholas trở lại khu nhà ổ chuột để lén giúp đỡ gia đình túng thiếu kia, xảy ra trong một giai đoạn khi Nicholas phải hứng chịu một hoàn cảnh thật đau thương phủ chụp lên đời mình. Khi chỉ vừa mới độ mười bốn tuổi, cha và mẹ của Nicholas đã qua đời, có lẽ vì có một cơn bịnh dịch tràn qua. Người chú, là một thầy tu, người mà Nicholas được mang tên, đã lãnh trách nhiệm để nuôi nấng cậu bé mồ côi này. Trong khi cả hai chú cháu khẩn thiết nguyện cầu để tìm hiểu ý hướng của Thiên Chúa cho tương lai, Nicholas được thúc dục phải sống theo những gì mà cha mẹ cậu đã dạy dỗ khi còn sống. Cậu cảm thấy rằng, cách tốt nhất để tưởng nhớ đến nguyện vọng của cha mẹ, là bán trọn số gia tài mà cậu được thừa hưởng, đổi hết thành tiền La-mã và ban cho những gia đình nghèo khó nhất trong vùng. Sau khi cảm thấy mãn nguyện vì đã làm được một việc để vinh danh cha mẹ mình và bày tỏ sự vâng lời theo như Thiên Chúa dạy, cậu Nicholas sau đó dành thời giờ để chuyên tâm học hành, vì cậu tin rằng, khi cậu càng hiểu về Thiên Chúa nhiều hơn, cậu sẽ ngày càng trở nên một tấm gương yêu thương như Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sau khi được người chú dạy dỗ một thời gian, Nicholas bắt đầu bước vào chủng viện.

             Nicholas có lẽ trở thành thầy tu trước khi bước qua tuổi hai mươi. Cuộc đời của một người sinh ra trong một gia đình khá giả, nay bắt đầu gặp nhiều thử thách khó khăn. Dưới quyền cai trị của hoàng đế Diocletian và Maximian, các Cơ-Đốc nhân bị săn đuổi và bị bắt bớ trong mười năm trời. Những ai không chối bỏ niềm tin của mình, thường bị tra tấn hay bị xử tử. Vì là người lãnh đạo hội thánh, Nicholas đã bị cầm tù. Tuy vậy, Nicholas nhận ra đây là cơ hội để chia sẻ về tin vui cứu rỗi đến cho các bạn đồng lao, kể cả những người cai ngục, trong các nhà tù đầy chuột bọ. Cảm động với tấm gương của sứ đồ Phao-lô cũng đã từng bị giam trong tù, Nicholas khích lệ những tín đồ bên ngoài nhà tù cầu nguyện, nâng đỡ và xin Thiên Chúa ban thêm nghị lực cho người ở trong tù trong sứ mạng rao giảng tin vui cứu chuộc.

             Sau khi được thả ra, Nicholas được bầu chọn làm giám mục của địa phận Myra. Giám mục Nicholas đã trông coi công trình tái thiết và phục hồi, như cứu đói người nghèo, xây nhà cho người vô gia cư, kiếm gia đình làm nơi nương tựa cho các trẻ mồ côi là nạn nhân của mười năm các tín đồ bị bắt bớ và xử tử. Giám mục Nicholas dành nhiều thời giờ mỗi ngày để hướng dẫn, cung cấp đồ ăn và áo quần cho các trẻ em trong các gia đình nghèo khó nhất. Qua cung cách thật tử tế, tràn đầy lòng trắc ẩn và tình thương, và cũng vì giám mục thường xuất hiện với một cái bao đầy kẹo và quà, cho nên chẳng có gì ngạc nhiên, hễ nơi nào có giám mục Nicholas xuất hiện trước công chúng, thì luôn có một bầy trẻ con thật đông, níu lấy chiếc áo khoác màu đỏ và bám theo sát những bước chân của ông.

             Quý thính giả thân mến,

             Do có một tầm ảnh hưởng rộng lớn với người dân trong vùng, nên chính quyền La-mã thường thỉnh cầu ý kiến của giám mục Nicholas trong những quyết định trị dân của họ. Chính nhờ những cơ hội này, giám mục Nicholas đã vận động để giúp đỡ những người dân bị cô thế, thấp cổ bé miệng. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy đã lợi dụng công quỹ nhà thờ để hưởng thụ xa hoa, xây nhà cao cửa rộng cho mình, ăn ngon mặc đẹp, ngược lại giám mục Nicholas lại lựa chọn con đường ban phát cho tha nhân. Mỗi khi đi công tác trong địa phận, ông thường bỏ tiền vào các cửa sổ hay vào các đôi giày để trước cổng của các gia đình nghèo. Mặc dù các nhân viên dưới quyền giám mục biết rằng chính ông là người ban tặng, nhưng giám mục Nicholas không cho phép bất cứ ai có quyền tiết lộ điều này ra bên ngoài công chúng. Do vậy, khi một người nào đó, mừng rỡ chạy đến khoe với giám mục Nicholas rằng họ vừa tìm thấy một mớ tiền dưới cửa sổ trong nhà họ, giám mục liền mỉm cười và nhắc với người ấy rằng, Thiên Chúa đã nghe lời cầu nguyện và đáp ứng cho.

             Giám mục thường tra hỏi các viên chức địa phương trong các làng mạc, để xem ai là người khó khăn thiếu thốn nhất. Giám mục thường đi đến những khu nhà nghèo nhất, dấu kín tông tích của mình, rồi cho tiền, thức ăn, quần áo, để rồi vội biến mất sau đó, trước khi người nhận có thể kịp cảm ơn. Hầu như chẳng ai biết người tặng quà là một tu sĩ, và lời đồn đại rằng, đó là một thiên thần với chiếc áo khoác đỏ.

             Thế nhưng điều khiến cho hình ảnh của giám mục Nicholas sống mãi cho đến ngày nay, là tình thương của ông đến với trẻ con. Khi tuổi đời càng chồng chất, giám mục địa phận Myra càng dành nhiều tiền bạc để mua quà cho con trẻ. Khi tặng quà hay bánh kẹo cho các em, giám mục Nicholas cũng kể cho chúng biết về câu chuyện giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, về món quà cứu rỗi mà Ngài mang đến cho mỗi người, qua sự hy sinh chết thế của Ngài trên cây thập tự, tự nguyện lãnh món nợ tội thế cho muôn người. Sau đó, giám mục Nicholas thường kết luận: “Chúa Giê-xu thương trẻ con và Ngài cũng thương các cháu lắm”. Qua những món quà và câu chuyện của giám mục Nicholas mà nhiều người đã chợt nhận ra món quà cứu rỗi của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

             Là một người hầu việc Đấng Tối Cao, giám mục Nicholas đặt mình trong trách nhiệm chăn những con chiên thiếu thốn và lạc mất. Ông đã tận hiến cả cuộc đời mình để nói thay cho những người khốn khổ này giữa một thế giới mà chẳng ai quan tâm đến họ. Giám mục Nicholas đã trở thành một biểu tượng cao ngất của niềm tin, khi ông đã đánh trận, đem phần chiến thắng cho người nghèo khổ, cũng như thuyết phục những nhà lãnh đạo đầy quyền thế thời bấy giờ ra tay cứu giúp những con người thiếu may mắn trong xã hội.

             Những hành động phục vụ tha nhân của giám mục địa phận Myra thật là cao quý, đến nỗi khi ông qua đời, nhiều người đã theo gương, tiếp tục công việc làm của ông. Chỉ trong vòng vài năm sau đó, trẻ em khắp nơi trong địa phận Myra nhận được quà trong đôi giày của mình trong ngày sinh nhật. Tiếng thơm về tấm gương của giám mục địa phận Myra càng ngày càng lan rộng, hàng trăm ngôi nhà thờ đã đặt tên là Nicholas. Tuy vậy, điều luôn luôn chói sáng là cuộc đời tràn ngập thương yêu của giám mục Nicholas đã làm xúc động biết bao linh hồn mỗi khi mùa Giáng Sinh về.

             Kính thưa quý thính giả,

             Thánh Nicholas không phải tình cờ tạo nên một truyền thống “Ông Già Nô-ên”, nhưng qua người ta vẫn duy trì truyền thống này để nhớ ơn và ghi nhận một con người với một tâm hồn thật phi thường và một trái tim thật vĩ đại. Nếu giám mục Nicholas còn sống để ngắm xem những khuôn mặt tràn đầy niềm vui, ở khắp mọi nơi chốn trên thế giới, mỗi khi mùa Giáng Sinh về, chắc hẳn ông sẽ rất hài lòng, vì bài học và tấm gương ban cho tha nhân, vẫn còn được nhắc nhở, vẫn còn được thực hiện cho đến ngày nay. Cũng qua truyền thống “Ông Già Nô-ên”, các em nhỏ thấy mình thật được yêu được quý trong ngày lễ tưng bừng kỷ niệm sự giáng sinh của hài nhi Giê-xu.

             Thánh Nicholas đã dành trọn cả cuộc đời để ban tặng cho mọi người những gì ông có và tinh thần đó vẫn còn được nhắc nhở mãi qua hình ảnh của “Ông Già Nô-ên” mỗi khi tiếng chuông giáo đường ngân vang chào đón mùa Giáng Sinh về.


“The Surprising True Story Behind the Legend of St. Nicholas”, by Ace Collins – Tùng Tri chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn