17:39 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 10

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 9


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267390

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22996797

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Sự Căng Thẳng

Thứ ba - 03/07/2018 21:21
Sự Căng Thẳng

Sự Căng Thẳng

Kính thưa quý thính giả, Trong những tuần qua chúng ta đã cùng nhau theo dõi 2 chương đầu của sách “Sức Khỏe Đơn Giản”. Hai tác giả Harrold G. Koenig và Dave B. Biebel đã nêu lên sự quan trọng của lòng vui vẻ và sự luyện tập tâm trí qua tính sáng tạo đối với sức khỏe của chúng ta.



              Kính thưa quý thính giả,

              Trong những tuần qua chúng ta đã cùng nhau theo dõi 2 chương đầu của sách “Sức Khỏe Đơn Giản”. Hai tác giả Harrold G. Koenig và Dave B. Biebel đã nêu lên sự quan trọng của lòng vui vẻ và sự luyện tập tâm trí qua tính sáng tạo đối với sức khỏe của chúng ta. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau xem chương thứ ba với tựa đề “Làm Chủ Sự Căng Thẳng’” hay nói một cách khác là “Học Tự Thư Giãn”.

              Trong sách Mác 6:31 của Kinh Thánh Tân Ước thì có ghi lại lời của Chúa Giê-xu như sau:

              “Hãy cùng ta đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ nghỉ ngơi một chút”

              Thưa quý thính giả,

              Sau đây có lẽ là lịch trình một ngày của người mà bạn quen biết:

              6:00 giờ sáng: Thức dậy, bắt đầu nhảy theo băng video, tắm, thay đồ, nốc cạn tách cà phê thứ nhất.

              7:00 giờ sáng: Làm món ăn sáng cho chồng con, nuốt ực thêm tách cà phê thứ hai, bắt đầu giặt áo quần, cho ông xã ăn rồi tiễn chàng đi làm, kêu bọn trẻ dậy và thay đồ, ép chúng ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa, gom đồ cho hội thánh bán hàng cũ gây quỹ từ thiện.

              8:00 giờ sáng: Thay phiên lái xe đưa bọn trẻ tới trường.

              9:00 giờ sáng: Bắt đầu tách cà phê thứ ba, bắt đầu giặt đồ, trả lời điện thoại (nghe mẹ chồng than phiền), rồi hàng xóm tới uống cà phê và cần nói chuyện.

              9:30 sáng: Chó bị ói.

              9:35 sáng: Hàng xóm về.

              10:00 sáng: Đưa chó tới bác sĩ thú y; trả 296 đô tiền khám chó, chụp quang tuyến X, và điều trị; loay hoay làm mất toi hai thẻ tín dụng đầu tiên.

              11:00 sáng: Trở lại với đồ giặt, lau nhà bếp, hệ thống thải rác bị nghẹt, gọi chồng nhờ mua đồ phụ tùng sửa chữa mang về.

              12:00 trưa: Vồ lấy khoai tây chiên ăn với nước chấm cho buổi ăn trưa, trong khi đồ giặt khô, trả lời điện thoại và những lời than phiền về người phụ trách bán đồ cũ ở nhà thờ, nghĩ tới một tách cà-phê nữa, hoặc đậm đặc hơn, nhưng rồi quyết định uống trà xanh.

              1:00 trưa: Giao cho nhà thờ đồ cũ để bán, nghe thêm vài lời than phiền.

              2:00 chiều: Mua đồ ăn đặc biệt, làm cơm chiều thật ngon, vì sáng mai chồng sẽ đi công tác năm ngày, quyết định làm mái tóc để chồng thấy mình đẹp tối nay.

              3:00 chiều: Đón con, đưa đi tập bóng đá, mưa làm hỏng mái tóc đẹp vừa mới làm.

              4:30 chiều: Ghé nhanh vào siêu thị Wal-Mart trên đường về nhà để mua đồ rửa nhà, bọn trẻ khóc la đòi kẹo lúc ở quầy tính tiền và cãi cọ giữa đám đông.

              5:00 chiều: Bắt đầu bữa ăn tối hải sản sành điệu, nấm portobello nướng với cá hồi dồn rau trong khi làm trọng tài cho bọn trẻ đang cãi nhau về trò chơi video game của chúng.

              6:00 chiều: Dọn ăn tối, những món chồng thích nhưng con lại ghét không ăn; bọn trẻ mang phần ăn của mình đổ cho chó khi mẹ không nhìn chúng.

              7:00 tối: Dọn dẹp nhà bếp trong khi giúp chồng sửa đồ thải rác, xem bài làm ở nhà của bọn trẻ, gọi điện thoại nói chuyện bán đồ cũ ở nhà thờ, dẹp ý định rầy la người khác.

              8:00 tối: Lo chuẩn bị thật lâu cho bọn trẻ đi ngủ, đọc truyện cho chúng, cầu nguyện.

              9:00 tối: Ủi và xếp đồ giặt, giúp chồng dọn va-li cho chuyến đi công tác, ngậm môi cắn lưỡi, khi chàng khám phá một số áo quần đẹp nhất mặc không vừa nữa vì năm nay lên tới cả chục cân.

              9:30 tối: Ngồi vào chiếc ghế thật êm ái lần đầu tiên trong suốt cả ngày, chó lại ói ngay ra, lần này là cá hồi với nấm, cho chó uống thuốc an thần, chồng cố gắng xích lại gần, tính chuyện cũng cho chồng uống viên an thần luôn, nhưng đổi ý sau đó…

              10:00 tối: Cùng xem phim ngắn với chồng trên giường, và sau đó...

              11:30 tối: Để đồng hồ báo 5:00 sáng để đưa ông xã ra phi trường, ngủ thiếp đi trong lúc lè nhè... Mẹ đã nói khi lấy chồng sẽ có nhiều ngày giống như vậy.

              Quý thính giả thân mến,

              Căng thẳng, ưu phiền và sức khỏe liên quan với nhau như thế nào?

              Có lẽ bạn có thể nhận ra một ngày giống như vậy, hoặc có lẽ không nhận ra, nhưng cuộc sống hiện đại đầy căng thẳng, cho dù bạn không phải là bà mẹ năng động. Ai cũng có căng thẳng. Kẻ ít, người nhiều. Phần lớn căng thẳng đến từ những nguồn ngoài vòng kiểm soát của chúng ta, nhưng đôi khi căng thẳng đến từ những lãnh vực trong cuộc sống chúng ta có thể học cách kiểm soát được. Bạn há chẳng thích có cuộc sống bình lặng, không căng thẳng sao? Thậm chí bạn có nghĩ là bạn kiểm soát được sự căng thẳng không? Được đấy, và bạn cũng chẳng cần phải tốn hàng ngàn đô cho phòng điều trị của bác sĩ mới kinh nghiệm được điều này!

              Trước hết chúng ta hãy phân biệt các sự căng thẳng. Có hai loại căng thẳng là: căng thẳng cấp tính và căng thẳng mãn tính.

              Một số căng thẳng là cấp tính, ngụ ý xảy ra bất chợt rồi tan biến trong vòng một thời gian ngắn. Thí dụ, bạn ra ngoài dạo chơi tình cờ gặp một con chó thật lớn, không thân thiện. Sự kiện diễn ra theo qui trình như sau:

              1. Phản ứng khi thấy con chó, và chờ đợi cuộc gặp thù địch, bạn với tay lấy bình xịt hơi cay, chỉ để nhớ ra là mình bỏ nó ở nhà.

              2. Con chó tru lên, và một phần nào đó trong não bạn (gọi là hệ thượng thận-tuyến yên – hypothalamic, gọi tắt là HPA) bắt đầu khởi động.

              3. Hệ HPA khởi động và thải ra chất kích thích trong đó có chất cortisol, giống như cơ quan trung ương của cơ thể bạn, điều động binh lính để giúp bạn cách tránh né hoặc xử lý khi bị chó cắn.

              4. Hệ HPA phóng các sứ giả hóa chất tới não bộ, yêu cầu quyết định “đánh hay chạy” vì bạn hoặc sẽ phải chống lại con chó hoặc phải bỏ chạy như điên.

              5. Khi chó tới gần, nhịp tim và huyết áp bạn gia tăng.

              6. Lượng máu lưu thông gia tăng thật cao, 300 phần trăm hoặc hơn nữa.

              7. Lá lách thải ra hồng huyết cầu và bạch huyết cầu..

              8. Hệ miễn nhiễm chuẩn bị khả năng tấn công.

              9. Miệng bạn bị khô, và cổ họng cảm thấy thắt lại.

              10. Da mát lạnh, ướt, và đẫm mồ hôi, da đầu co lại khiến tóc bạn dựng đứng lên.

              11. Sự tiêu hóa dừng hẳn.

              12. Bạn bước vào tâm trạng lấn bấn, chống-hoặc-chạy, tìm một viên đá hoặc cành cây. Sau đó khi con chó có vẻ không quan tâm, bạn ra khỏi chỗ đó càng nhanh càng tốt.

              13. Sau vài phút ở nơi an toàn, mọi hệ trong cơ thể bạn trở lại bình thường.

              Hiển nhiên, phản ứng của cơ thể bạn đối với căng thẳng cấp tính không nhất thiết là xấu. Trong thời con người sống nơi hang động, khi “chó” trong ví dụ trên là loài cọp răng nanh chẳng hạn, thì phản ứng của bạn đã có thể cứu mạng mình. Ngày nay thì phản ứng đó giúp bạn khỏi bị chó cắn và khỏi tốn kém đi cấp cứu.

              Quý thính giả thân mến,

              Loại căng thẳng thứ hai gọi là căng thẳng mãn tính.

              Căng thẳng mãn tính hay căng thẳng kéo dài, là vấn đề khác. Căng thẳng mãn tính đến từ những chuyện như áp lực cao kéo dài hoặc hoàn cảnh làm việc khó chịu, những rắc rối trong mối quan hệ lâu dài, bịnh hoạn, cô đơn, lo lắng tài chánh, hoặc những chuyện khác trì kéo bạn xuống. Nó tạo phản ứng nơi cơ thể bạn tương tự như khi bạn gặp chó, nhưng chừng nào hoàn cảnh gây căng thẳng vẫn còn trên nét mặt hay trong tâm trí bạn, thì toàn bộ hệ thống trong bạn cứ ở mãi tình trạng ‘chống hay chạy’.

              Căng thẳng mãn tính có thể khiến bạn bị bịnh hoặc giết chết bạn, trừ khi bạn biết làm chủ nó thật tốt. Sau đây là bảng liệt kê những triệu chứng liên quan tới căng thẳng mãn tính, được liệt kê theo vần mẫu tự. Tuy nhiều người thỉnh thoảng kinh nghiệm một hoặc nhiều điểm trong thời gian ngắn, nhưng nếu bạn gặp nhiều điều cách thường xuyên, thì có thể bạn cần làm chủ căng thẳng tốt hơn, kể cả làm theo lời khuyên cùng cách điều trị của bác sĩ bạn:

              - Đau bụng.

              - Luôn cảm thấy bồn chồn căng thẳng hoặc bối rối; suy nghĩ lung tung.

              - Luôn luôn bận rộn, và thường trễ hẹn đã định kế tiếp.

              - Nổi giận khi phải chờ đợi.

              - Tiêu chảy.

              - Khó tập trung, thậm chí vào những sự việc thuộc linh như đọc sách bồi linh.

              - Khó thấy điểm hài hước trong vấn đề ngay cả khi người khác thấy.

              - Chóng mặt, run rẩy, hoặc co giật cơ bắp.

              - Vấn đề ăn: ăn quá nhiều làm tăng cân hoặc quá ít khiến sụt cân.

              - Mệt mỏi hoặc yếu đuối, dù không ráng sức.

              - Cảm thấy choáng ngợp, nhưng vẫn không thể nói không để từ chối bớt việc.

              - Chăm chú vào những điều tiêu cực, như cảm giác tội lỗi hoặc ân hận.

              - Loét bao tử bộc phát hoặc bịnh đường ruột.

              - Nhức đầu.

              - Tim hồi hộp.

              - Nhịp thở bất thường.

              - Bực dọc, đôi lúc bột phát giận dữ có vẻ vượt mức kiểm soát.

              - Buồn kéo dài.

              - Có vấn đề về kinh kỳ.

              - Tâm trạng dao động.

              - Đau khớp và cơ bắp.

              - Ói mửa.

              - Hành động bất ổn (giậm chân, cắn móng tay, nghiến răng)

              - Đổ mồ hôi đêm.

              - Đau vùng chậu.

              - Cảm giác nghẹn ở cổ họng.

              - Co thắt thực quản, bàng quang, hoặc ruột.

              - Đè nén tình cảm.

              - Lạm dụng chất kích thích (cà phê, thuốc lá, rượu)

              - Đau thắt vùng ngực.

              - Khó ngủ.

              - Cố gắng làm mọi chuyện thật hoàn hảo.

              - Có vấn đề hô hấp phần trên.

              - Chán nản vì lo âu tài chánh.

              - Lo người khác nghĩ về mình.

              - Lo mình có thể ốm nặng.

              Những triệu chứng như vậy khi kéo dài, có thể làm gia tăng hoặc khiến những bịnh nào đó tồi tệ thêm, gồm các bịnh sau đây:

              - Suyễn.

              - Bịnh tim mạch.

              - Hội chứng mệt mãn tính.

              - Vấn đề tuần hoàn máu ở tay chân.

              - Trầm cảm lâm sàng.

              - Fibromyalgia (đau lan rộng mãn tính)

              - Thường xuyên bị cảm.

              - Bịnh thức ăn trào ngược lên do viêm dạ dày thực quản (GERD)

              - Cao huyết áp.

              - Hội chứng đau ruột.

              - Đau nhức nửa đầu.

              - Loét bao tử.

              - Đột quỵ.

              - Hội chứng khớp (temporomandibular- TMJ)

              Kính thưa quý thính giả,

              Chúng ta cần phải làm gì để xác định và kiểm tra mức căng thẳng của mình hầu có thể làm chủ được nó? Đó là điều mà chúng tôi mời quý vị tiếp tục cùng theo dõi vào thứ bảy tuần sau. Kính hẹn gặp lại quý vị.
 

David B. Biebel, DMin & Harrold G. Koenig, MD
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn