12:23 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 85


Hôm nayHôm nay : 16902

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 265476

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22994883

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Định Nghĩa Mới về Tình Yêu

Thứ ba - 26/06/2018 21:28
Định Nghĩa Mới về Tình Yêu

Định Nghĩa Mới về Tình Yêu

Kính thưa quý thính giả, Cơ-Đốc giáo là một tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay, với ước tính có khoảng từ 1.5 tỷ cho đến 2.1 tỷ người xưng nhận mang niềm tin Cơ-Đốc.



                Kính thưa quý thính giả,

                Cơ-Đốc giáo là một tôn giáo lớn nhất thế giới hiện nay, với ước tính có khoảng từ 1.5 tỷ cho đến 2.1 tỷ người xưng nhận mang niềm tin Cơ-Đốc.

                Trong Cơ-Đốc giáo, có khoảng 1.1 tỷ người theo Công Giáo, 510 triệu người Tin Lành, 84 triệu tín hữu Anh quốc giáo, 216 triệu người theo Chính Thống giáo và số còn lại thuộc vào các giáo phái khác.

                Niềm tin của Cơ-Đốc giáo đặt nền tảng trên Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Thiên Chúa Ngôi Hai đã tự nguyện giáng thế làm người cách đây hơn 2000 năm, để rồi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, đền nợ tội thế cho mọi người, làm của lễ chuộc tội cho cả dòng nhân loại hư vong. Sau khi chịu chết trên cây thập tự, Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đặt trong mộ đá, nhưng sau ba ngày, do quyền năng thiên thượng, Ngài đã đắc thắng tử thần, sống lại từ cõi chết. Sau khi phục sinh, Ngài đã xuất hiện với các môn đệ và với rất nhiều người. Sau đó Chúa Cứu Thế Giê-xu đã thăng thiên về trời, để chuẩn bị chỗ ở phước hạnh đời đời nơi thiên đàng cho bất kỳ ai biết ăn năn về tội lỗi của mình trước Đấng Tạo Hóa và mở lòng tin nhận vào sự chết thế của Ngài. Chúa Cứu Thế Giê-xu thăng thiên với lời hứa sẽ quay trở lại thế giới này để tiếp trước những ai thuộc về Ngài.

                Kể từ đó, tức là cách đây khoảng 2000 năm, Cơ-Đốc giáo đã được hình thành và lan rộng ra khắp nơi trên thế giới.

                Tháng sáu của năm 2011 đánh dấu đúng 100 năm kể từ ngày các nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance - C&MA) đặt chân đến Đà Nẵng để truyền bá Tin Lành đến Việt Nam.

                Trong dịp kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, chúng tôi xin mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu những nét chính yếu về niềm tin Cơ-Đốc giáo mà trong đó bao gồm Tin Lành nữa.

                Những người xưng nhận niềm tin của Cơ-Đốc giáo thì được gọi là Cơ-Đốc nhân. Thực ra, những tín hữu thời kỳ đầu tiên không tự gọi mình là “Cơ-Đốc nhân”. Chính dân chúng quan sát những tín hữu đầu tiên này và nhận ra ở nơi họ có một lối sống riêng biệt, một lối sống dựa trên lời giảng dạy của Chúa Cứu Thế Giê-xu, cho nên người ta gọi những tín hữu này là “những người theo Chúa Giê-xu” hay “Cơ-Đốc nhân”, như sử gia Phao-lô có ký thuật trong sách Công Vụ 11:21&26 rằng “Quyền năng Chúa ở cùng các tín hữu ấy nên có rất đông người tin nhận và quay về cùng Ngài. Tại An-ti-ốt, lần đầu tiên các tín hữu được gọi là Cơ-đốc-nhân”. Xin chú thích thêm rằng, từ “Cơ-Đốc” là một từ Hán Việt, phỏng theo cách phiên âm Hoa Ngữ của danh xưng “Đấng Christ”, hay có nghĩa là “Đấng được xức dầu”, hay chính là Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                Thế thì, Chúa Cứu Thế Giê-xu giảng dạy những điều gì? Điều gì khiến người ta có thể nhận ra đâu là một Cơ-Đốc nhân?

                Chủ đề trọng tâm trong mọi lời giảng của Chúa Giê-xu là tình yêu thương.

                Khi một giáo sư Do-thái đến chất vấn Chúa Giê-xu rằng: “Thưa thầy, mệnh lệnh nào quan trọng nhất trong luật pháp?” thì Ngài bèn đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết trí não mà yêu mến Chúa là Thượng Đế ngươi. Đó là mệnh lệnh đầu tiên và quan trọng nhất. Còn mệnh lệnh thứ hai cũng tương tự như vậy: Hãy yêu người láng giềng như mình. Tất cả luật pháp và các lời viết của các nhà tiên tri đều dựa vào hai mệnh lệnh đó.” (Ma-thi-ơ 22:36-40)

                Trong bữa ăn tối cuối cùng, biết trước mình sẽ bị người ta bắt, hạch tội, đánh đập rồi đem xử chết treo trên thập tự giá, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã ân cần dặn dò các môn đệ của Ngài lời khuyên cuối cùng như sau: “Hỡi các con thân yêu, Ta còn ở với các con không bao lâu nữa. Ta cho các con một điều răn mới: Phải yêu nhau. Như Ta đã yêu các con thể nào thì các con cũng hãy yêu nhau thể ấy. Các con có yêu nhau, thì mọi người mới biết các con là môn đệ Ta” (Giăng 13:33-35)

                Như vậy, Chúa Giê-xu khẳng định với các môn đệ rằng, dấu hiệu để mọi người nhận ra họ là các người theo Ngài, là các Cơ-Đốc nhân, không phải vì họ được trang bị với vốn kiến thức thần học siêu cao, cũng chẳng phải bởi họ thấu hiểu những triết lý tôn giáo siêu phàm, nhưng chỉ duy qua lối sống và cách xử sự của họ trong tình yêu thương.

                Một điểm rất đáng để ý trong lời dặn dò cuối cùng này của Chúa Giê-xu; đó là khi Ngài nói rằng đây là “một điều răn mới”. Có phải trong suốt ba năm kề cận với các môn đệ, Ngài luôn luôn khuyên bảo và giảng dạy họ về tình yêu thương? Lần này, cũng như mọi lần khác, Ngài cũng dạy họ về tình yêu thương, thế nhưng tại sao trong lần cuối cùng này, Ngài lại nói đây là “một điều răn mới”? Lời khuyên về tình yêu thương lần này tại sao lại là “mới”; lời khuyên này có điều gì “mới” hơn với những lời khuyên trước đó không?

                Quý thính giả thân mến,

                Trở lại với khung cảnh của buổi ăn tối cuối cùng, trong lúc đang ăn, Chúa Giê-xu đứng dậy, ra khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài, lấy khăn quấn ngang lưng, rồi đổ nước vào chậu, lần lượt rửa chân cho các môn đệ, và dùng khăn lau cho họ. Theo phong tục Do-thái, khi một người khách đến nhà, người chủ nhà thường sai đầy tớ của mình ra rửa chân cho khách, vừa để làm sạch chân người khách đi đường xa bụi bặm bám đầy, vừa bày tỏ thái độ hoan nghênh tiếp đón; tuy vậy chỉ có người đầy tớ, kẻ cấp dưới mới đi làm công việc rửa chân cho người khác.

                Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-xu nhắc lại, Ngài chính là Thầy của họ, là Chúa, hay chính là Đấng Tạo Hóa cao cả trong thân xác con người, mà đã làm gương hạ mình để rửa chân và phục vụ họ. Đây là một tấm gương mới của tình yêu thương, vì trong lối suy nghĩ cũ và truyền thống lâu đời của xã hội con người, chỉ có người dưới phục vụ người trên mà thôi.

                Sau bữa ăn tối, Chúa Giê-xu bị bắt và chịu hy sinh chết trên cây thập tự để đền nợ tội thế cho nhân loại. Trong khi nhân loại quay mặt, không nhìn nhận ra Đấng tạo dựng ra mình, sống theo tư dục, phạm tội với Trời và với người, xứng đáng với bản án chết đời đời, thì Thiên Chúa Ngôi Hai đã âm thầm giáng trần làm người, để rồi lãnh thay bản nợ tội, chết thế cho mọi người, để bất kỳ ai biết ăn năn, tin nhận vào sự chết thế của Con Trời thì được tha tội và nhận được sự sống đời đời.

                Đây cũng là một điều hoàn toàn mới, vì từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chẳng có một tôn giáo nào có giáo chủ chịu chết thay cho những người theo mình. Đây là một điều hoàn toàn mới, vì bậc thánh nhân nếu phải hy sinh, thì chỉ hy sinh cho người xứng đáng, chứ đời nào lại chịu thiệt mạng cho người tội lỗi hay vô ơn. Thế nhưng tình yêu thương của Chúa Cứu Thế Giê-xu vượt trên mọi thành kiến, trên mọi biên giới và trên mọi tình trạng tội lỗi của con người, như Thánh Kinh có khẳng định: “Dù là người tốt đi nữa, cũng ít ai chịu hy sinh tính mạng để cứu người khác. Nhưng Thượng Đế đã tỏ tình yêu lớn lao của Ngài như sau: Trong khi chúng ta đang là tội nhân thì Chúa Cứu Thế chịu chết vì chúng ta” (Rô-ma 5:7-8).

                Điều răn cuối cùng của Chúa Giê-xu gởi đến cho các môn đệ là điều răn mới, vì Ngài muốn họ sống theo như tấm gương mới của Ngài, là Đấng đã mang một định nghĩa mới về tình yêu thương, bày tỏ một thái độ hoàn toàn mới trong lối sống đầy yêu thương, như chính Ngài nói: “Các con nên bắt chước Ta, vì Ta đến trần gian không phải để cho người phục vụ, nhưng để phục vụ người, và hy sinh tính mạng cứu chuộc nhiều người.” (Ma-thi-ơ 20:28)

                Kính thưa quý thính giả,

                Trong quyển sách “The Rise of Christianity”, nhà xã hội học Rodney Stark trình bày lý do nào mà phong trào Cơ-Đốc giáo, trong giai đoạn đầu tiên, lại có thể tăng lên thật nhanh chóng, chỉ từ độ vài ngàn Cơ-Đốc nhân, lên đến khoảng 30 triệu người, tức là khoảng một nửa dân số của đế quốc La-mã, chỉ trong vòng vỏn vẹn có 300 năm thôi.

                Nhà xã hội học Rodney Stark cho biết, trong những thế kỷ đầu tiên sau khi Cơ-Đốc giáo được hình thành, có hai trận dịch rất lớn, cướp đi mạng sống của khoảng 1/3 dân số thuộc đế quốc La-mã. Trong tình trạng kinh hoàng này, những nhà lãnh đạo chính trị và các tôn giáo khác đã bỏ chạy ra khỏi các thành phố đang bị cơn dịch hoành hành. Hệ thống cứu tế xã hội duy nhất còn sót lại trong các thành phố là do những Cơ-Đốc nhân đảm trách, đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, cho tín đồ và cả những người không phải là tín đồ. Mọi người, kể cả những người không mấy cảm tình với Cơ-Đốc giáo, cũng phải công nhận rằng, các Cơ-Đốc nhân đã bày tỏ tình thương với mọi người chung quanh, đối xử với họ như là người thân trong gia đình vậy. Điều này làm thay đổi toàn bộ quan niệm của chính quyền La-mã đối với Cơ-Đốc giáo, không bởi do sức ép hay ảnh hưởng chính trị, nhưng bằng chính đời sống yêu thương của các tín đồ theo Chúa Giê-xu.

                Suốt trong hai mươi thế kỷ qua, Cơ-Đốc giáo đã ảnh hưởng tích cực trên toàn thế giới. Các quốc gia chọn Cơ-Đốc giáo làm quốc giáo, như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc Đại Lợi vv, đặt nền tảng luật pháp trên Mười Điều Răn của Thánh Kinh và trên điều răn mới của Chúa Giê-xu, không những đã trở thành những quốc giàu mạnh văn minh bậc nhất, nhưng cũng là thành trì của dân chủ, tự do và lòng nhân đạo của toàn thế giới. Các cuộc thiên tai, các cuộc khủng hoảng chính trị, các làn sóng người tỵ nạn, được các quốc gia theo Cơ-Đốc giáo cứu giúp, bảo trợ, tiếp tế và nuôi dưỡng, vì làm theo điều răn mới của Chúa Cứu Thế Giê-xu, từ lâu đã trở thành lối sống của riêng họ.

                Để tìm hiểu thêm về lối sống yêu thương của Cơ-Đốc nhân, xin mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình đọc sách “Yêu Thương Như Một Lối Sống”, đang được phát thanh mỗi tuần trong chương trình Phát Thanh Hy Vọng.

                Đôi khi, lịch sử có nhắc lại các cuộc thánh chiến đẫm máu, các cuộc tranh chấp tôn giáo thật gay gắt của những người nhân danh Cơ-Đốc giáo, tuy vậy, những hành động thiếu yêu thương này thật xa lạ và hoàn toàn đi ngược lại với điều răn mới của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

                Quý thính giả thân mến,

                Người Việt chúng ta công nhận sự hiện hữu của ông Trời hay Thượng Đế và Ngài là Đấng ban ơn mưa móc, như ca dao có chép:

                Lạy Trời mưa xuống,
                Lấy nước tôi uống,
                Lấy ruộng tôi cày,
                Lấy đầy bát cơm.

                Người Việt chúng ta cũng biết luật Trời công minh, như ông bà xưa có truyền dạy:

                Ở hiền, gặp lành.
                Ác giả, ác báo

                Hay như:

                Thiên bất dung nhan,
                Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.

                Người mình cũng biết, rồi ai cũng phải chết, để về ứng hầu trước mặt Đấng Tối Cao, như ta thường nghe:

                Chết về chầu Trời.
                Trời kêu ai nấy dạ.

                Tuy biết vậy và cố công tu sửa để chuẩn bị cho cuộc hẹn không sao tránh được này, người mình cũng thừa nhận, bản thân mình không sao đủ sức để làm được những điều tốt lành và thánh thiện mà mình mong muốn, như có lời than rằng:

                Lực bất tòng tâm.

                Tuy không nói ra, nhưng ai cũng biết trong thâm tâm rằng, ngày chúng ta chầu Trời, bạn và tôi sẽ ra mắt Đấng Tạo Hóa còn trong cảnh “nhân vô thập toàn”, hay đầy dẫy thiếu sót và tội trạng.

                Cơ-Đốc giáo phù hợp với truyền thống thờ Trời của dân tộc Việt, vì Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là Đấng Tạo Hóa giáng sinh thành người, như Thánh Kinh có khẳng định: “Chúa Cứu Thế đã sáng tạo vạn vật; mọi loài trong vũ trụ đều do tay Chúa tạo nên. Chúa Cứu Thế đã đến thăm thế giới do chính Ngài sáng tạo” (Giăng 1:3&10)

                Cơ-Đốc giáo cũng khẳng định thực trạng vô vọng của mỗi con người, không làm sao tự tu tâm tích đức mà có thể thay đổi bản chất, hay để trở nên hoàn toàn trắng án được, như Kinh Thánh có ghi: “Người Ê-ti-ô-bi có thể đổi màu da, hay con beo có đổi được vằn nó không?” (Giê-rê-mi 13:23)

                Do vậy, Thiên Chúa Ngôi Hai đã phải giáng sinh làm người, trong một con người Giê-xu, để rồi lãnh bản án tội thế cho con người trên cây thập tự, hầu cho hễ ai công nhận tình trạng bất toàn của mình, không làm sao sửa đổi được, bằng lòng tin nhận vào sự chết thế của Con Trời, thì người đó được Đấng Tối Cao tuyên bố là vô tội và nhận lãnh được sự sống đời đời, như chính Chúa Giê-xu công bố: “Vì Thượng Đế quá yêu nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài, để ai đặt niềm tin vào Con ấy sẽ không bị chết mất nhưng được sống đời đời” (Giăng 3:16).

                Trong khi tất cả các tôn giáo là nỗ lực của con người để đạt đến Trời, thì Cơ-Đốc giáo là Đức Chúa Trời hạ xuống và đến với con người.

                Do vậy, Cơ-Đốc giáo không phải là một tôn giáo, nhưng thực ra là sự loan báo về một tin thật mới và thật vui, một tin tức thật tốt lành và cũng đầy bất ngờ, hay ngắn gọn hơn, là một Tin Lành, về tình yêu thương vô điều kiện của Đấng Tối Cao, thể hiện qua sự hy sinh cao quý của Chúa Cứu Thế Giê-xu, đến với quý vị và tôi.

                Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn