22:01 EDT Thứ tư, 01/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 40

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 38


Hôm nayHôm nay : 2934

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 8413

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23017446

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 2)

Thứ hai - 11/06/2018 20:48
Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 2)

Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 2)

Kính thưa quý thính giả, Châm ngôn, ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ hay ca dao, là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu dễ nhớ, lại bóng bẩy và súc tích, chứa đựng những kinh nghiệm và chân lý sống, được thử nghiệm lâu dài với thời gian và những hoàn cảnh khác nhau.



                Kính thưa quý thính giả,

                Châm ngôn, ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ hay ca dao, là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu dễ nhớ, lại bóng bẩy và súc tích, chứa đựng những kinh nghiệm và chân lý sống, được thử nghiệm lâu dài với thời gian và những hoàn cảnh khác nhau. Châm ngôn, ngạn ngữ, ca dao là kho tàng văn hóa quý giá, được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác.

                Trong tuần qua, chúng ta đã thưởng thức những câu châm ngôn, thành ngữ, ca dao Việt Nam, đối chiếu với lời trong Kinh Thánh, qua các đề tài như lòng rộng rãi, tánh tham lam, lời ăn tiếng nói, chữ hiếu và cách dạy con. Thật là thú vị, vì châm ngôn, ca dao hay thành ngữ Việt chứa đựng những chân lý sống và lời dạy khuyên đi song hành với những lời trong Kinh Thánh, cho dầu nền văn hóa Việt rất ít tiếp cận với Kinh Thánh. Điều này minh chứng rằng có một Đấng Tạo Hóa, đã ghi khắc những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối trong lương tâm mỗi con người và cũng chính Thượng Đế cũng đã bày tỏ về chính Ngài qua lời trong Kinh Thánh.

                Trong tuần này, chúng tôi xin mời quý vị tiếp tục khám phá những tương đồng giữa lời Kinh Thánh và châm ngôn, thành ngữ, ca dao Việt, qua các đề tài khác thật thú vị.

                Qua vẻ đẹp của trời mây sông núi với những quy luật vận hành thật diệu kỳ trong thiên nhiên, người Việt nhận biết có một Đấng Tạo Hóa, như ca dao có ghi:

                Núi kia ai đắp nên cao,
                Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?

                Còn Kinh Thánh bắt đầu với lời khẳng định:

                Ban đầu, Thượng Đế sáng tạo trời đất. (Sáng Thế Ký 1:1)

                Không những người Việt mình biết có một Đấng Tạo Hóa, nhưng còn nhận biết Ngài là một Đấng Sáng Tạo siêu việt và tài hoa nữa, như chúng ta thường nghe:

                Đố ai biết lúa mấy cây,
                Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?

                Còn vầng thơ Thi Thiên trong Kinh Thánh có chép:

                Bầu trời phản ánh vinh quang,
                Không gian phô diễn tài năng Chúa Trời. (Thi Thiên 19:1)

                Nói về sự chăm sóc của Thượng Đế, người xưa đã kinh nghiệm:

                Trời sinh voi, Trời sinh cỏ.

                hay

                Trời sinh, Trời dưỡng.

                Còn Kinh Thánh bày tỏ Thượng Đế là người Cha thương yêu, luôn quan tâm đến nhu cầu của muôn loài sống và trên hết là mỗi con người chúng ta, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã nói:

                Hãy nhìn loài chim trời. Chúng nó không trồng trọt, chẳng gặt hái, cũng không có vựa kho gì, nhưng Thượng Đế còn nuôi chúng nó. Các con đáng giá hơn chim chóc nhiều. Hãy xem loài hoa huệ; chúng nó chẳng vất vả cũng không may mặc gì, nhưng ta cho các con biết là dù vua Sô-lô-môn giàu sang đến đâu đi nữa cũng chưa được mặc đẹp bằng một trong những đóa hoa huệ ấy. Hoa cỏ ngoài đồng là loài nay sống mai bị ném vào lửa để chụm mà Thượng Đế còn cho chúng mặc đẹp như thế, thì Ngài lại không mặc đẹp cho các con sao? (Lu-ca 12:24-28)

                Người mình thừa nhận chính Thượng Đế chu cấp mọi sự cho con người, từ không khí để thở, nước để uống, vật thực để ăn, như lời cầu khẩn:

                Lạy Trời mưa xuống,
                Lấy nước tôi uống,
                Lấy ruộng tôi cày,
                Lấy đầy bát cơm..

                Kinh Thánh thì khẳng định ban cho “mưa thuận gió hòa” là quyền của Thượng Đế, như tiên tri Giê-rê-mi có ghi:

                Bầu trời tự nó làm sao sa mưa móc xuống? Chỉ có Chúa, Đấng Hằng Hữu, có quyền làm mưa làm gió. Ngài là Chân Thần của chúng tôi. (Giê-rê-mi 14:22)

                Và bí quyết để được sung mãn và an bình, đó là tôn trọng luật lệ của Ngài, như chính Ngài đã phán:

                Nếu các ngươi tuân giữ luật lệ Ta, Ta sẽ cho mưa thuận gió hòa, làm cho đất sinh sản hoa màu, cây trái sum suê. Mùa đập lúa kéo dài cho đến mùa hái nho; mùa hái nho kéo dài đến mùa gieo mạ. Các ngươi sẽ no đầy, hưởng an ninh trong xứ. (Lê-vi Ký 26:3-5)

                Nói về luật lệ của Đấng Tạo Hóa, ông bà xưa đã kinh nghiệm:

                Ở hiền gặp lành,
                Ác giả, ác báo.

                hay

                Gieo gió gặt bão.
                Gieo gì gặt nấy.

                Còn Kinh Thánh khẳng định quy luật công bằng bất biến của Đấng Tạo Hóa như sau:

                Tai họa đuổi theo kẻ tội ác,
                Phước hạnh bám sát người thiện lành. (Châm Ngôn 13:21)

                hay

                Đừng bị lừa: Thượng Đế không thể bị xem thường. Ai gieo gì thì gặt nấy. (Ga-la-ti 6:7)

                Mà thật vậy, dầu có người mánh khóe tinh vi tới đâu cũng không thể che đậy trước Thiên nhan, như thành ngữ có nói:

                Thiên bất dung gian.
                Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.

                Còn Kinh Thánh có ghi:

                Con mắt của CHÚA ở khắp mọi nơi,
                Quan sát kẻ ác cũng như người thiện. (Châm Ngôn 15:3)

                Khi gặp đau đớn, khổ sở, chúng ta thường than trách rằng:

                Kêu Trời không thấu.

                Tuy vậy, những vầng thơ của thi sĩ Đa-vít mô tả Thượng Đế yêu thương và gần gũi với mỗi chúng ta như thế nào:

                Chúa Hằng Hữu ôi,
                Ngài đã quan sát và biết con.
                Chúa biết khi con ngồi hay đứng
                Dù ở xa Chúa hiểu tư tưởng con.
                Chúa xét xem lộ trình, quán trọ,
                Ngài quen thuộc từng hành động con.
                Lời con nói chưa ra khỏi miệng
                Chúa của con đã biết hết rồi.
                Chúa che chở phía sau phía trước,
                Đặt tay Ngài trên con. (Thi Thiên 139:1-5)

                Người Việt mình cảm nhận con người là một loài thọ tạo lạ lùng nhất, vượt trên tất cả muôn loài khác, như thành ngữ có ghi:

                Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh.

                Mà thật vậy, chỉ duy con người chúng ta là tạo vật duy nhất, được mang ảnh tượng của Đấng Sáng Tạo, có ý chí, năng lực, óc sáng tạo, khao khát tự do và tình yêu, mang linh hồn sống để có thể giao thông với Đấng tạo ra mình, như Kinh Thánh có ký thuật công trình sáng tạo loài người như sau:

                Thượng Đế phán: "Hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta, để quản trị các loài cá dưới biển, loài chim trên trời, cùng các loài gia súc, dã thú và bò sát trên mặt đất." Vậy Thượng Đế sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Dựa theo hình ảnh Thượng Đế, Ngài dựng nên loài người. Ngài sáng tạo người nam và người nữ. (Sáng Thế Ký 1:26,27)

                Bên cạnh việc nhìn nhận con người là tạo vật cao quý nhất trong muôn loài, ca dao cũng mô tả tâm địa con người cũng là “cái hố sâu thẳm nhất” trong tất cả các hố thẳm, như chúng ta thường nghe:

                Dò sông dò biển dễ dò,
                Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

                Còn Chúa Hằng Hữu có tuyên phán:

                Ai dò được lòng người, gian dối hơn mọi vật, bại hoại đến mức vô phương cứu chữa? (Giê-rê-mi 17:9)

                Trong cách xử thế mỗi ngày, người mình nằm lòng lời Khổng Tử có dạy:

                Điều gì mình không muốn thì chớ làm cho người khác.

                Nhưng luật yêu thương của Thượng Đế đòi hỏi chúng ta nhiều hơn vậy, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu khẳng định:

                Hãy làm cho người khác điều các con muốn người ta làm cho mình. (Ma-thi-ơ 7:12)

                Thông thường, chúng ta chỉ “thương người thương mình, ghét người ghét mình”, như ca dao có ghi lại:

                Thương người lại thương ta,
                Ghét người người lại hóa ra ghét mình.

                Nhưng luật yêu thương của Thượng Đế không dừng ở đó, như Chúa Giê-xu có giải thích:

                “Người ta thường nói: ‘Yêu bạn ghét thù.’ Nhưng Ta bảo các con: phải yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho người khủng bố hành hạ các con. Có như thế, các con mới xứng đáng làm con cái Cha trên trời. Vì Ngài ban nắng cho người ác lẫn người thiện, ban mưa cho người công chính lẫn kẻ bất công. Nếu các con chỉ yêu những người yêu mình thì tốt đẹp gì đâu? Người gian ác cũng yêu nhau lối ấy. (Ma-thi-ơ 5:43-46)

                Có người tỏ vẻ đạo đức qua lời nói bên ngoài miệng mà thôi, nhưng không thực hành, như thành ngữ có viết:

                Năng thuyết bất năng hành.

                Còn Chúa Cứu Thế Giê-xu lên án nặng nề những người đó như sau:

                “Họ dạy thật giỏi nhưng không thực hành. Họ đặt ra bao nhiêu luật lệ khắt khe buộc người khác phải vâng giữ, nhưng chính họ không giữ một điều nào! Khốn cho … hạng giả nhân giả nghĩa!” (Ma-thi-ơ 23:4,27)

                Có người mong muốn làm điều tốt lành, mà dường như không đủ sức lực và ý chí, như người xưa thường than:

                Lực bất tòng tâm.

                Đúng như trong Kinh Thánh, khi mô tả tình trạng bất lực của mình, dễ bị tội lỗi xui khiến và điều khiển, hiền triết Phao-lô có ghi lại như sau:

                Chúng ta chỉ là người trần tục yếu đuối, làm nô lệ cho tội lỗi. Tôi không hiểu nổi hành động của mình: tôi không làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình không muốn. (Rô-ma 7:14,15)

                Có người nhìn nhận, việc “tu tâm, sửa tánh” thật là nhiêu khê, trắc trở, như ca dao có ghi:

                Ngựa quen đường cũ

                Hay

                Trời nắng rồi lại trời mưa,
                Chứng nào tật ấy, có chừa được đâu.

                Còn Thiên Chúa thì khẳng định, dầu tu tập, sửa đổi, gắng công đến mấy, con người chẳng làm chi được để tự hoàn toàn xóa đi bản chất tội lỗi trong mình, như Kinh Thánh có ghi:

                Người Ê-ti-ô-bi có thể đổi màu da, hay con beo có đổi được vằn nó không? (Giê-rê-mi 13:23)

                Người mình biết có Thượng Đế, cảm nhận được luật công bình của Ngài, có truyền thống “ăn hiền, ở lành, làm lành, lánh dữ”, nhưng sâu thẳm trong tận đáy lòng, mỗi người đều nhận biết mình vẫn có thiếu sót đối với Trời và với người, như thành ngữ có chép:

                Nhân vô thập toàn.

                Còn Kinh Thánh khẳng định:

                Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế. (Rô-ma 3:23)

                Ai ai cũng biết, một ngày chắc phải đến, mình phải ứng hầu trước Thượng Đế, như ta thường nghe:

                Chết về chầu Trời.
                Trời kêu ai nấy dạ.

                Kinh Thánh thì tuyên bố:

                Theo như đã định cho loài người, ai cũng phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. (Hê-bơ-rơ 9:27)

                Quý thính giả thân mến,

                Những câu ca dao, châm ngôn, thành ngữ là kho tàng vô giá, chuyên chở tình tự của dân tộc Việt, gói ghém những chân lý sống, chan chứa những lời dặn dò về lối sống nhân nghĩa và kính sợ Thượng Đế. Cho nên, lẽ tất nhiên, ca dao, ngạn ngữ Việt cũng phản ánh những lời dạy khuyên của Kinh Thánh, là lời của Thượng Đế gởi cho con người.

                Tuy vậy, châm ngôn ngạn ngữ dừng lại ở một cuộc hẹn với Thượng Đế mà ai cũng phải đối diện, trong tình trạng “nhân vô thập toàn” hay “thiếu sót” trước mặt Đấng Tối Cao. Trong khi đó, Kinh Thánh tiếp tục bày tỏ, vì yêu và muốn tránh cho chúng ta một cuộc đoán phạt ghê gớm, Thiên Chúa Ngôi Hai cách đây hơn 2000 năm, đã tự nguyện giáng trần, trở nên một con người mang tên Giê-xu.

                Chúa Cứu Thế Giê-xu đã hạ sinh với mục đích chính là để bị chết thật đau thương và nhục nhã trên cây thập tự, lãnh thế cho quý vị và tôi món nợ tội và bản án phạt đời đời. Khi chúng ta nhìn nhận sự bất toàn của mình trước Đấng Tạo Hóa, quý vị và tôi chỉ cần tin vào sự chết thế của Con Trời, thì mọi vi phạm của chúng ta sẽ được Thượng Đế xóa bôi, như Thánh Kinh khẳng định: “Tất cả những người tin Chúa Cứu Thế Giê-xu đều được Thượng Đế tha tội và coi là công chính, không phân biệt một ai.”(Rô-ma 3:22)

                Ca dao Việt có câu:

                Yêu nhau đắp điếm mọi bề,
                Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

                Thượng Đế vì yêu chúng ta quá đỗi, đến nỗi đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu, để hầu cho hễ ai tin nhận vào sự chết thế của Chúa Giê-xu, thì dòng huyết vô tội của Con Trời sẽ xóa bôi, khỏa lấp, đắp điếm những vi phạm của quý vị và tôi, khiến cho chúng ta dầu lệch lạc, cũng trở nên ngay thẳng, trọn vẹn trước Thiên nhan, xứng đáng nhận lấy sự sống phước hạnh muôn đời, như Kinh Thánh có ghi:

                Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thế đã chết thay cho chúng ta. (Rô-ma 5:8)

                Ước mong quý vị sớm tiếp nhận sự tha thứ và món quà thiên đàng từ Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Trân sưu tầm
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn