Hồi còn nhỏ, tôi được nhiều người thương lắm, nhưng tôi thật là được phước vì bà ngoại tôi thương tôi theo kiểu rất khác với những người kia. Hầu hết những mối quan hệ trong cuộc đời tôi gói trọn trong một số quy luật mà tôi tự đặt ra hay tôi hiển nhiên chấp nhận mà không hề thắc mắc. Những quy luật này cũng dễ theo mà cũng hoàn toàn hữu lý. Đó là nếu có người thương yêu tôi, như vậy là tôi thật đáng yêu. Nếu tôi làm vừa lòng ai, tôi cảm thấy mãn nguyện. Nếu tôi làm phiền lòng ai, thì người đó có quyền buồn phiền về tôi.

              Nhưng đó không là tình thương mà bà ngoại tôi dành cho tôi. Tôi biết bà thương tôi bởi vì bà thường xuyên nói với tôi là bà thương tôi, bởi vì bà bày tỏ tình thương đó trong mỗi lần bà cháu gần bên nhau, và bởi vì khi tôi đổ tháo vụng về, bà vẫn quý mến tôi. Đối với bà, tôi được hiển nhiên chấp nhận mà không bị yêu cầu phải đạt tới một tiêu chuẩn nào hay bị đòi hỏi một điều khoản đặc biệt nào, và do vậy, mà tôi không cần phải ra sức để làm bà hài lòng hay phải cố công để làm bà thương. Dưới ánh mắt của ngoại tôi, tôi hiển nhiên là niềm vui của bà. Do vậy, mà tôi cũng thương lại bà ngoại của tôi một cách thật tự nhiên và thật dễ dàng.

              Nhưng khi càng lớn lên, tôi càng cảm thấy thật là khó tin về những lời khen thật tốt đẹp mà bà ngoại đã dành cho tôi. Có thể là tôi quá bận rộn trong đời sống mỗi ngày nên không còn được gần gũi với ngoại nữa, hay là tiếng nói của bà giờ đây đã bị chìm mất trong bao nhiêu tiếng nói khác chung quanh tôi. Có thể là tôi đang cảm thấy thoải mái với thế giới bên ngoài, bởi vì những quy luật của tôi dường như cũng ăn khớp lắm. Tôi đang ra công, gắng sức và do vậy mà mọi người đang để ý, lưu tâm đến tôi. Có thể là tôi đang mang một ít mặc cảm vì vấp phạm một ít lỗi lầm. Nhưng dầu lý do nào đi nữa, mỗi khi bà ngoại khen tôi, tôi không dám đón nhận phước lành từ bà, đôi khi cũng chống cự lại lời khen tặng của bà, bởi vì tôi nghĩ rằng những nhận định tốt đẹp về tôi mà bà dành cho tôi, không thể nào là đúng với sự thật được.

              Nhưng thật là phước hạnh cho tôi dường bao, vì tình thương bà ngoại dành cho tôi mạnh hơn cả ý chí chống cự lại của tôi. Thậm chí khi ngoại tôi bắt đầu lâm vào tình trạng mất trí nhớ vì chứng bịnh Alzheimer, tình thương của bà chẳng bao giờ dứt cả, và điều này thật là quý giá cho tôi, bởi vì tôi cần tình thương này hơn lúc nào hết, nhất là sau khi đứa con đầu tiên của tôi chào đời.

              Khi con gái tôi chào đời, tôi đặt tên cháu là Hương, cũng là tên của bà ngoại tôi. Tôi mường tượng con gái của tôi nhảy tung tăng trong chiếc áo đầm xinh đẹp với chiếc nơ thật khéo thắt trên tóc. Dĩ nhiên là con gái tôi là đứa trẻ đầu tiên sẽ biết nói trước, biết đi trước hơn hết trong những đứa trẻ cùng tuổi với nó. Dĩ nhiên là con gái của tôi sẽ khiến thầy cô trong lớp mẫu giáo rất hài lòng vì nó thật là đặc biệt, vì nó khôn ngoan trước tuổi. Con bé Hương của tôi nhất định có tư cách thật đàng hoàng, áo quần thì ngay ngắn, đầu tóc gọn gàng. Nó sẽ thật ngọt ngào với những đứa trẻ nhỏ hơn nó, nhưng cũng đủ khôn ngoan để đối đáp với người lớn trong bất kỳ trường hợp nào. Nó chắc chắn là một học sinh ưu tú, luôn luôn đạt điểm A, được bầu là lớp trưởng, được bầu là hoa khôi của lớp, đoạt giải giọng ca hay nhất trường, và cũng là một người lãnh cúp cho một hay hai môn thể thao. Và dĩ nhiên, làm mẹ bé Hương, tôi sẽ vô cùng sung sướng và hãnh diện về con gái của tôi.

              Nhưng khi bé Hương tỏ ra là một đứa trẻ không màng người khác nghĩ gì về mình, có nhìn ra làm sao cũng được, không cần phải bày tỏ hay chưng diện như thế nào, thì tôi cảm thấy mình đã thất bại. Nó nhìn giống hệt tôi, nhưng lại khác tôi một trời một vực. Thực ra, khi tôi không gây gỗ hay đang cáu giận với nó, tôi có thầm ghen tị với nó. Tôi đã không cảm nhận sự tự do được như nó trong khi kề cận bên bà ngoại tôi khi tôi còn nhỏ, ấy vậy mà tôi lại chống trả lại sự tự do ấy của nó như để trả thù. Núp dưới lớp vỏ bọc bên ngoài để giúp bé Hương trở nên một đứa bé thích hợp hơn, đáng yêu hơn trước mặt những người khác, tôi ép buộc nó phải làm theo nguyện vọng của tôi. Kỳ thực, tôi đang ra sức để khiến con gái tôi thích hợp cho tôi; tôi đang ép buộc nó để nó trở nên đáng yêu cho chính mình tôi.

              Khi nào tôi muốn làm nó nhìn giống như một con búp bê tuyệt hảo, thí dụ như bắt nó mặc đầm và thắt nơ thật đẹp, thì nó lại vùng vằng, và như vậy là tôi quát tháo và sỉ vả nó. Chắc chắn đây không phải là cách mẹ đối xử với con mà tôi mong muốn, và điều này khiến tôi có cảm tưởng rằng mình đã thất bại trong vai trò làm mẹ. Thực ra tôi đã thất bại khi không yêu bé Hương như chính con người thật của chính nó mà Thượng Đế đã tạo dựng nên, nhưng lại mong mỏi nó trở nên mẫu người mà tôi hằng mong đợi.

              Có lần, bé Hương van nài trong sự bực dọc đã lâu ngày “Mẹ ơi, sao mẹ không cho phép con là con, hả mẹ?”

              Đôi khi, tôi có cảm giác rằng tôi không thích nó và điều này khiến tôi giật mình sợ hãi. Không biết từ lúc nào, tôi không còn nhận ra một sự thật là những mong mỏi sâu kín nhất của tôi về con gái của tôi đã được thỏa mãn hết rồi: nó khỏe mạnh, tính tình thật ngọt ngào, cũng là điều mong đợi trên tất cả những điều khác khi nó còn bé xíu. Nhưng khi con gái tôi càng ngày càng lớn, tôi càng áp đặt nhiều kỳ vọng hơn ở nơi nó.

              Trong những năm tháng đó, trí nhớ của bà ngoại tôi càng ngày càng sa sút. Có đôi lúc, vì thương ngoại, tôi cầu nguyện cho bà sớm bước ra khỏi trần gian này. Vì dầu gì, bà cũng đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, chẳng có gì ân hận hay nuối tiếc và chúng tôi biết rằng bà cũng sẽ về nơi thiên đàng. Chắc là chẳng còn một mục đích nào còn lại cho bà ở chốn trần gian này nữa, nhất là khi bà bị giam hãm trong khu vực những người mắc bệnh mất trí nhớ trong nhà dưỡng lão.

              Khi thăm bà ngoại, bà cháu thường ngồi yên lặng bên nhau thật lâu như đến vĩnh cửu, rồi bà bắt đầu nói. Giống như những người bị mất trí nhớ, ngoại tôi và tôi cứ lập đi lập lại những điều mình đã nói nhiều lần rồi. Ngoại tôi dường như không còn nhớ tôi là ai, hay bà không còn nhớ những điều gì về tôi, do vậy, tôi không biết có phải chính Thiên Chúa đang nói với tôi qua những lời nói rất quen thuộc mà bà thường hay nói: “Bà thương cháu lắm. Bà sung sướng về cháu lắm” hay là “Cháu bà đẹp quá. Cháu bà thiệt là giỏi quá. Nè, Chúa thấy cháu bà thật tốt và cũng là người mẹ tốt nữa”.

              Sau đó, một phép lạ thật nhiệm mầu đã xảy ra. Đó là tôi bắt đầu thực sự tin vào những điều bà nói về tôi. Và tôi cũng bắt đầu tin vào những điều tốt lành ở nơi con gái tôi nữa.

              Từ bấy lâu nay, tôi không thể tuôn tràn tình thương của mình trên bé Hương bởi vì nó không giống tôi, thực ra bắt nguồn từ trở ngại là tôi không thích chính bản thân mình. Cả cuộc đời tôi, tôi chỉ thương mến những người, nếu những người đó chứng minh là họ thật đáng yêu dưới đôi mắt tôi. Nhưng bé Hương của tôi không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn hay kỳ vọng từ người khác. Đúng ra là, cả bé Hương và bà ngoại Hương của tôi sống mà không bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn của người khác và tôi không còn thể chống cự lại cả hai con người này.

              Đó có thể là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi, tôi đã biết yêu là thể nào và tôi đã yêu thật là mãnh liệt, giống như bà ngoại của tôi đã yêu thương tôi. Dỗ ngọt con để nó thực hiện theo ý mình, để có thể thương con dựa theo thành quả của nó, không phải là tình thương thực sự chút nào cả, nhưng đó là kiểm soát, ép buộc con và tôi không muốn thương con kiểu như vậy nữa.

              Một buổi sáng tháng hai, khi bé Hương bắt đầu đi học lớp một, tôi quyết định cởi trói, không ràng buộc con với những sợi xích kỳ vọng của chính mình nữa. Tôi muốn cho con được tự do để trở nên chính con người thật của nó mà Thượng Đế đã tạo dựng nên.

              Kể từ buổi sáng hôm ấy cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, dĩ nhiên đôi khi có nhiều khó khăn thử thách, nhưng tôi có thể nói tôi đã thương con gái tôi với một tình thương chân thật và trọn vẹn. Tôi thích nó lắm. Nó thật là đáng yêu dường bao, không phải là tại tôi nhào nặn nó nên như vậy, nhưng bởi vì nó được sinh ra như vậy.

              Cuối cùng, tôi thấy những lời quen thuộc mà bà ngoại tôi nói với tôi, cũng phù hợp cho con gái của tôi nữa: “Mẹ thương con lắm. Mẹ sung sướng về con lắm” hay là “Con mẹ đẹp quá. Con mẹ thiệt là giỏi quá. Nè, Chúa thấy con mẹ thật tốt và ngày sau cũng là người mẹ tốt nữa”.

              Khi tôi bắt đầu nói những lời này với con gái tôi với cả tấm lòng, nó như chiếc tàu cứu sinh cho cả hai mẹ con tôi. Tôi cả đời chịu ơn bà ngoại tôi vì đã thương tôi và tin tưởng trọn vẹn nơi tôi, không hề áp đặt kỳ vọng hay điều kiện trên tôi, trong suốt cả cuộc đời tôi, cho dầu chính tôi có lúc đã không tin vào tình yêu vô điều kiện đó. Tôi có thể nói là tôi mắc nợ con gái tôi vì đã giúp tôi thoát khỏi những ràng buộc của quy luật trao đổi hời hợt, mà tôi cứ tưởng là tình thương. Nhưng cũng theo như tình thương mà tôi học được từ bà ngoại tôi và từ con gái tôi, thì tôi cũng hoàn toàn tự do chứ chẳng mắc nợ bà ngoại tôi hay con gái tôi điều gì hết.

              Kính thưa quý thính giả,

              Tình thương tinh khiết nhất khi không bị những sợi dây kỳ vọng ràng buộc.

              Mà thật vậy, mỗi cá nhân được Thiên Chúa tạo dựng nên một cách riêng biệt và độc đáo. Mỗi cá nhân đều có một mục đích trong cả một chương trình kéo dài đến vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa. Mỗi người được sinh ra với bản tính riêng biệt, đóng góp một vai trò quan trọng trong toàn bộ công trình sáng tạo của Đấng Tối Cao. Khi thực sự yêu ai, chúng ta chấp nhận con người đó với toàn bộ cá tính của người đó.

              Chúng ta không kỳ vọng ở nơi người khác một bản sao chép cá tính của chúng ta.

              Yêu có nghĩa là đem đến sự tự do, chứ không phải trói buộc người đó theo những tiêu chuẩn hay kỳ vọng của chính mình.

              Quý vị và tôi đã nhận lãnh vô số những ơn phước từ Trời một cách vô điều kiện, cho dầu chúng ta có công nhận hay phủ nhận.

              Quý vị và tôi đã từng được ôm ấp, yêu thương bởi tình thương vô điều kiện của những người thân yêu trong gia đình.

              Do vậy, quý vị và tôi cũng đừng ra giá cho tình yêu, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu, hay Thiên Chúa Ngôi Hai, Đấng Tạo Hóa, cũng là Đấng ban tặng tình yêu cho con người đã nói: “Các con đã nhận lãnh miễn phí, hãy tặng miễn phí” (Ma-thi-ơ 10:8).

              Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu đã bày tỏ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người, khi Ngài bằng lòng giáng trần, để rồi chết thay trên cây thập tự, đền nợ tội thế cho mọi người, cho dù loài người đã phủ nhận Đấng tạo dựng ra mình, như sứ đồ Phao-lô có trình bày: “Trong khi chúng ta còn yếu đuối, thì theo đúng kỳ hạn, Đấng Cứu-thế đã chịu chết thay cho những người có tội. Vì dễ gì có ai chịu chết thay cho một người công chính; họa hoằn lắm mới có người chịu chết thay cho một người đạo đức ngay lành. Còn Đức Chúa Trời đã biểu lộ tình yêu Ngài đối với chúng ta trong khi chúng ta còn là người có tội, Đấng Cứu-thế đã thay cho chúng ta mà chịu chết” (Rô-ma 5:6-8)

              Thân chào quý vị và các bạn.
 

“When Sara Taught Me Freedom” by Nancy Page Sheek - Tùng Trân chuyển ngữ
Nguồn: phatthanhhyvong.com