01:15 EDT Thứ năm, 02/05/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 42

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 40


Hôm nayHôm nay : 4789

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9864

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 23018897

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Dạy Con Cháu Theo Chúa

Dạy Con Cháu Theo Chúa

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2).

Xem tiếp...

Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 1)

Thứ ba - 05/06/2018 21:51
Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 1)

Châm Ngôn Ngạn Ngữ (Bài 1)

Kính thưa quý thính giả, Châm ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ hay thành ngữ là những câu nói ngắn gọn nhưng thật súc tích và dễ nhớ, được truyền miệng trong dân gian, từ đời này sang đời khác. Châm ngôn, thành ngữ hay ca dao là kho tàng văn hóa của một dân tộc, chứa đựng những triết lý, kinh nghiệm và chân lý của đời sống, đã trải qua sự thử nghiệm lâu dài của thời gian và thời cuộc.



               Kính thưa quý thính giả,

               Châm ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ hay thành ngữ là những câu nói ngắn gọn nhưng thật súc tích và dễ nhớ, được truyền miệng trong dân gian, từ đời này sang đời khác. Châm ngôn, thành ngữ hay ca dao là kho tàng văn hóa của một dân tộc, chứa đựng những triết lý, kinh nghiệm và chân lý của đời sống, đã trải qua sự thử nghiệm lâu dài của thời gian và thời cuộc.

               Trong tiếng Anh, một phần châm ngôn, ngạn ngữ xuất phát từ dân gian, một phần từ các kiệt tác văn chương như của William Shakespeare, và phần còn lại là từ Kinh Thánh. Do vậy, có nhiều ngạn ngữ trong tiếng Anh nghe rất giống những lời trích từ Kinh Thánh, thí dụ như câu ngạn ngữ “laughter is the best medicine”, hay “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” là xuất phát từ câu Kinh Thánh “Niềm vui vẻ như thang thuốc bổ” (Châm Ngôn 17:22).

               Kinh Thánh, là lời của Thượng Đế gởi đến cho con người, chứa đựng những chân lý sống. Thật ngạc nhiên, mặc dầu nền văn hóa Việt Nam chưa được tiếp cận nhiều với Kinh Thánh, nhưng châm ngôn, ngạn ngữ và ca dao Việt chứa đựng nhiều sự dạy dỗ gần giống như trong Kinh Thánh. Thực ra, điều lạ lùng này không chỉ giới hạn ở châm ngôn ngạn ngữ Việt, nhưng cũng đúng với đại đa số những nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

               Điều này minh chứng rằng có một Đấng Tạo Hóa của cả nhân loại, với những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi văn hóa, chủng tộc hay thời gian. Chính Thượng Đế, tác giả của Kinh Thánh, cũng đã đặt những tiêu chuẩn đạo đức vào tâm trí mỗi con người, mà ta gọi là “lương tâm” để giúp con người phân biệt thiện ác trong lề lối cư xử mỗi ngày. Chính lương tâm kết hợp với kinh nghiệm sống đã thể hiện qua kho tàng châm ngôn ngạn ngữ của từng nền văn hóa khác nhau.

               Trong chương trình phát thanh hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị cùng thưởng thức những dẫn chứng trong châm ngôn ngạn ngữ Việt Nam đi đôi với sự dạy dỗ trong Kinh Thánh.

               1./ Khuyên về lòng rộng rãi, biết chia sớt cho người khác.

               Ca dao Việt có câu:

               Ở xởi lởi Trời gởi của cho,
               Ở quanh co Trời gò của lại.

               Chính Chúa Giê-xu đã từng khuyên: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh (Công Vụ 20:35)

               Mà thật vậy, kinh nghiệm người xưa cho biết:

               Người ăn thì còn, con ăn thì hết.

               Đúng như nhà hiền triết Sa-lô-môn trong Kinh Thánh có nói:

               Người nào tung của cải ra để bố thí, sau này sẽ thu lại. Khi bố thí, nên phân phát rộng rãi cho nhiều người, vì biết đâu sẽ có ngày mình gặp tai nạn. (Truyền Đạo 11:1,2)

               Ông bà mình dạy rằng chẳng có nghĩa cử nào là nhỏ mọn cả, như ca dao có ghi:

               Miếng khi đói, gói khi no,
               Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng.

               Mà thật vậy, Thượng Đế không phân biệt nghĩa cử lớn hay nhỏ, nhưng Ngài nhìn vào tận tấm lòng người ban cho, như chính Chúa Cứu Thế Giê-xu khẳng định:

               Nếu các con cho một người hèn mọn này uống một chén nước lạnh vì người ấy là môn đệ Ta, chắc chắn các con sẽ được tưởng thưởng. (Ma-thi-ơ 10:42)

               2./ Khi nói về lòng tham lam, châm ngôn Việt có khuyến cáo:

               Tham thì thâm hay Tham thực cực thân hay Tham có, tham giàu, đâm đầu vô lưới.

               Kinh Thánh thì giải thích thật tường tận:

               Người ham làm giàu thường mắc vào những cám dỗ và cạm bẫy, bị lôi cuốn vào những “lòng chảo” tham dục dại dột và tai hại, bị nhận chìm xuống đáy “biển” hư hoại và diệt vong. Vì lòng ham mê tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác. (1 Ti-mô-thê 6:9,10)

               Kinh Thánh cũng cho biết của cải chỉ là tạm bợ, như hiền triết Phao-lô có ghi: Vì con người ra đời tay trắng, khi qua đời cũng chẳng đem gì theo được, nên đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi. (1 Ti-mô-thê 6:7,8)

               Đúng như người xưa có nói:

               Của Trời, Trời lại lấy đi,
               Trơ trơ hai mắt, làm chi được Trời.

               Con người chúng ta thường ít thỏa mãn với những gì mình đang có, như tục ngữ có ghi:

               Đứng núi này trông núi nọ

               Mà thực ra, vì không thỏa nguyện với những gì đang có trong tay, xui khiến con người không ngừng tranh chấp, giành giựt, gây khổ cho chính mình và những người khác. Do vậy, Thượng Đế đã ban cho loài người lời khuyên thứ mười trong Mười Điều Răn như sau:

               Không được tham muốn nhà cửa của người khác. Không được tham muốn vợ, tôi trai, tớ gái, bò lừa hay bất cứ thứ gì của người khác. (Xuất Ê-díp-tô ký 20:17)

               Tục ngữ có khuyên đừng chèn ép, bóp chắt người làm công cho mình:

               Trâu đạp lúa phải cho ăn cỏ

               Còn Kinh Thánh có chép:

               Đừng khớp miệng một con bò đang đạp lúa (Phục Truyền 25:4)

               Kinh nghiệm cho thấy, làm giàu bất chánh, như cướp đoạt, buôn lậu, lường gạt vv. thì của cải sẽ không được bền lâu, như chúng ta thường nghe:

               Của thiên trả địa

               hay

               Hoạnh tài bất phú
               Của phù vân sớm họp tối tàn

               Còn Kinh Thánh có ghi:

               Của phi nghĩa là của phù vân
               Tiền mồ hôi nước mắt, mới còn bền lâu (Châm Ngôn 13:11)

               Giá trị một người không dựa vào của cải, như tục ngữ Việt có ghi:

               Tốt danh hơn lành áo

               Hiền triết Sa-lô-môn trong Kinh Thánh cho biết được người khác yêu mến, kính trọng đáng kể hơn sự giàu có:

               Danh thơm, tiếng tốt, hơn giàu có,
               Kẻ mến, người yêu, vượt bạc vàng. (Châm Ngôn 22:1)

               Ấy vậy mà, chạy theo đồng tiền, bỏ quên tình nghĩa, vẫn là tình trạng phổ thông của con người, như ca dao Việt có mỉa mai như sau:

               Khi hèn thì chẳng ai nhìn,
               Đến khi đỗ Trạng, chín nghìn anh em.

               hay:

               Vai mang túi bạc kè kè,
               Nói bậy nói bạ, chúng nghe rầm rầm.

               Còn Kinh Thánh có mô tả:

               Khi giàu có thu hút nhiều bè bạn,
               Lúc khốn cùng, bạn thiết cũng lánh xa. (Châm Ngôn 19:4)

               Cũng có người tằn tiện quá mức, khư khư giữ lấy đồng tiền, như châm ngôn có mô tả:

               Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi,
               Bo bo giữ lấy của đời làm chi.

               Còn hiền triết Sa-lô-môn trong Kinh Thánh thì khuyên phải làm lụng lương thiện và rồi tận hưởng công lao, sức lực của mình:

               Tôi mới cho rằng ở đời chẳng gì bằng cứ hưởng vui sướng, ăn và uống. Như vậy, một người theo lệnh Thượng Đế làm lụng vất vả suốt đời thì sẽ được thụ hưởng. (Truyền Đạo 8:15)

               3./ Luận về lời ăn, tiếng nói với nhau hằng ngày, ca dao Việt có câu:

               Lời nói không mất tiền mua,
               Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

               Kinh Thánh thì khuyên:

               Lời nói anh em phải luôn luôn ân hậu, mặn mà, để anh em đối xử xứng hợp với mọi người. (Cô-lô-se 4:6)

               Vợ chồng mà biết nhường nhịn nhau trong lời ăn tiếng nói thì giữ được hạnh phúc lâu bền, như chúng ta thường nghe:

               Chồng giận thì vợ bớt lời,
               Miệng cười chúm chím, thưa anh giận gì.

               Còn Kinh Thánh thì khuyên:

               Đối đáp êm dịu làm nguôi cơn giận,
               Trả lời xẵng xớm, như lửa thêm dầu. (Châm Ngôn 15:1)

               Mà thiệt vậy, “đối chát” chỉ chuốc nhiều ân oán, nhưng “nhịn nhục” thì có cơ giữ tình cảm được lâu bền, như tục ngữ Việt có nói:

               Một câu nhịn, chín câu lành

               Sứ đồ Phao-lô thì có khuyên:

               Đừng hận thù nhau; hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau, như Chúa đã tha thứ anh em. (Cô-lô-se 3:13)

               Nếu không biết rõ, đừng lắm lời, chuốc hại vào thân, như người xưa có dạy:

               Biết thì thưa thốt,
               Không biết thì dựa cột mà nghe.

               Còn Kinh Thánh có chép:

               Biết im lặng, dại cũng thành khôn,
               Biết hãm cầm miệng lưỡi được coi là sáng suốt. (Châm Ngôn 17:28)

               Chúng ta thường nghe nói:

               Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần

               Còn Kinh Thánh mô tả sự lợi hại của cái lưỡi như sau:

               Cái lưỡi tuy rất nhỏ, nhưng có thể gây thiệt hại lớn lao. Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả khu rừng rộng lớn. Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa. (Gia-cơ 3:5,6)

               Ấy vậy mà, khi “thần ve-chai” đã nhập, thì chẳng mấy ai biết giữ lưỡi, giữ lời, như tục ngữ Việt có mô tả:

               Rượu vào lời ra,
               Tửu nhập ngôn xuất.

               Còn Kinh Thánh có cảnh cáo:

               Rượu nồng sinh nhạo báng, men say tạo ồn ào,
               Kẻ nào vướng vào đó, đâu còn là người khôn. (Châm Ngôn 20:1)

               Rồi khi nóng giận, người ta thường tuôn ra lời “độc địa”, gây hại nghìn thu, như châm ngôn có ghi:

               Cả giận mất khôn

               Còn sứ đồ Phao-lô trong Kinh Thánh khuyên ta phải cẩn thận khi đang nóng giận và cũng đừng giận dai:

               Lúc nóng giận, đừng để cơn giận đưa anh em đến chỗ phạm tội. Đừng giận cho đến chiều tối. (Ê-phê-sô 4:26)

               4./ Nói về chữ hiếu với cha mẹ, người Việt chúng ta xem đây là đạo đức hàng đầu, như ca dao có ghi:

               Công cha như núi Thái Sơn,
               Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
               Một lòng thờ mẹ kính cha,
               Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

               Trong Kinh Thánh có ghi lại Mười Điều Răn, là mạng lịnh của Thượng Đế gởi cho con người. Bốn điều răn đầu nói về sự tôn kính mà con người phải có trước mặt Đấng Tạo Hóa. Sáu điều răn còn lại nhắc nhở trách nhiệm yêu thương với người đồng loại, và mạng lệnh đầu tiên trong sáu điều răn này là:

               Phải hiếu kính cha mẹ, như vậy ngươi mới được sống lâu trên đất mà Chúa Hằng Hữu Thượng Đế ban cho. (Xuất Ê-díp-tô ký 20:12)

               Con cái phải vâng lời cha mẹ, như ca dao có nhắc nhở:

               Cá không ăn muối cá ươn,
               Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư.

               Kinh Thánh có chép:

               Ai cãi lời cha là con ngu dại,
               Ai nghe sửa dạy mới là con ngoan. (Châm Ngôn 15:5)

               hay

               Con ơi, phải nghe lời cha khuyên dạy,
               Đừng bỏ khuôn phép của mẹ con. (Châm Ngôn 1:8)

               5./ Bàn về phương thức dạy con trẻ, các bậc cha mẹ, dầu thương con lai láng, nhưng cũng không nên bỏ qua việc sửa trị khi chúng lầm lỗi, như tục ngữ có nhắc nhở:

               Yêu cho roi, cho vọt,
               Ghét cho ngọt, cho bùi.

               Kinh Thánh có dạy rằng:

               Ai kiêng roi vọt ghét con trai mình,
               Người biết thương con không quên sửa trị nó. (Châm Ngôn 13:24)

               Nghệ thuật dạy con là từ khi còn thơ, như người xưa có nhắc:

               Dạy con từ thuở còn thơ

               Hay

               Uốn cây từ thuở còn non,
               Dạy con từ thuở con còn ngây thơ.

               Nếu không sửa trị nghiêm khắc khi còn nhỏ, thì hậu quả về sau có thể không biết đâu mà lường, như chúng ta thường nghe nói:

               Bé ăn trộm gà,
               Già ăn trộm trâu,
               Lâu nữa làm giặc.

               Còn Kinh Thánh có chép:

               Dạy trẻ thơ nẻo chính đường ngay,
               Dù đến già, nó chẳng đổi thay. (Châm Ngôn 22:6)

               Kính thưa quý thính giả,

               Qua những đối chiếu vừa rồi, chắc hẳn quý vị và các bạn cũng nhận thấy rằng, những câu ca dao, châm ngôn hay thành ngữ Việt lại đi đôi với những lời dạy dỗ trong Kinh Thánh, cho dầu nền văn hóa Việt rất ít tiếp cận với Kinh Thánh. Thoạt tiên, đây có thể là điều khá ngạc nhiên. Tuy vậy, xét ra thì đây cũng là điều tự nhiên thôi, vì ca dao, châm ngôn hay thành ngữ là những đúc kết của kinh nghiệm sống, chứa đựng những chân lý được thử nghiệm qua thời gian, thì chắc phải giống như Kinh Thánh, là lời chân lý, là lời luôn luôn thật, luôn luôn đúng, bởi vì Kinh Thánh là lời đến từ Thượng Đế.

               Ca dao, châm ngôn, thành ngữ hay tục ngữ là kho tàng vô giá của nền văn hóa Việt Nam, tuy vậy, vẫn chỉ là sự khôn ngoan của con người, trong khi Kinh Thánh là lời chân lý của Đấng Tạo Hóa, của Đấng đã dựng nên vũ trụ và con người chúng ta.

               Cho nên, ca dao, châm ngôn, thành ngữ hay tục ngữ vẫn không có những điều vô cùng quan trọng khác mà chỉ duy Kinh Thánh mới bày tỏ. Đó là điều mà chúng tôi xin mời quý vị và các bạn cùng khám phá với chúng tôi trong tuần tới.

               Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Trân sưu tầm
Nguồn: phatthanhhuvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn