23:39 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268484

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997891

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Nụ Cười

Thứ hai - 30/04/2018 22:20
Nụ Cười

Nụ Cười

Len lõi qua những dãy hàng dài trong siêu thị, anh Tư rảo bước đi tìm cháu Dung, con anh. Nó kìa! Bé mãi mê nhìn chăm chăm một bà đang soi mặt trước tấm gương. Bực tức anh Tư cười gằn và nắm tay bé Dung dẫn đến chỗ chị Lan, vợ anh, và ông ngoại bé đang đứng chờ.



                Len lõi qua những dãy hàng dài trong siêu thị, anh Tư rảo bước đi tìm cháu Dung, con anh. Nó kìa! Bé mãi mê nhìn chăm chăm một bà đang soi mặt trước tấm gương. Bực tức anh Tư cười gằn và nắm tay bé Dung dẫn đến chỗ chị Lan, vợ anh, và ông ngoại bé đang đứng chờ.

                Bé Dung vừa đi vừa phân bua:

                - Con muốn xem bà ấy nhăn răng cười một mình!

                Chị Lan mĩm cười, xoa đầu bé:

                - Con ơi là con, con tôi khờ quá, nhe răng để soi kiếng chứ đâu phải là cười.

                Bé quay qua cầu cứu ông ngoại:

                - Cười là gì hở ông ngoại?

                Dường như bất ngờ trước câu hỏi thơ ngây của bé, ông cười cười vuốt chòm râu bạc hồi lâu như để tìm câu giải đáp:

                - Cười là vui. Lúc nào người ta vui, người ta cười.

                Bé Dung phá lên cười toe toét, thắc mắc nêu câu hỏi tiếp:

                - Hôm qua tại sao em Tân khóc không chịu bú bình sữa mới. Mẹ cù vào chân nó, nó cười sằng sặc, lúc đó nó buồn chứ đâu có vui?

                Nghe xong câu hỏi ngây thơ của bé Dung, cả nhà cười rộ lên. Những người xung quanh đi qua, cũng xoay vào nhoẻn miệng cười, như thể chung vui cùng gia đình anh Tư.

                Kính thưa quý thính giả,

                Như vậy cười là gì? Theo Đại Nam Quốc Âm Tư Vị, thì tác giả Huỳnh Tịnh Của định nghĩa cái cười như sau: “Cười, ấy là cách hả miệng, nhích mép hoặc có tiếng hoặc không có tiếng, tỏ ra sự mình vui hay có ý gì. Nó cũng có nghĩa là chê bai như khi nói rằng “Nó cười tôi! ”.

                Còn theo Việt Nam Tự Điển thì tác giả Lê Văn Đức định nghĩa: “Cười là bày tỏ một sự vui vẻ, thích thú, chê bai hay chế diễu một người khác ”. Thí dụ như trong câu:

                “Cười người chớ có cười lâu, 
                Cười người hôm trước hôm sau người cười”.

                Hai câu vừa rồi ngụ ý khuyên bất cứ ai trước khi chê cười một người nào hãy ngẫm nghĩ xem: liệu sẽ có lúc mình cũng bị người khác chê cười hay không?

                Kính thưa quý thính giả,

                Tiếng cười trong dân gian vô cùng phong phú. Tiếng Việt nước ta không những giàu tứ mà còn giàu từ; ghép thêm một tiếng đệm hay thêm một vài thuộc từ mà mỗi “kiểu cười” có một hàm ý rất khác nhau như:

                - cười cười: cũng là cười, song để giảm mức độ thì ghép hai chữ “cười” với nhau.

                - cười bò: cũng giống như cười lăn, nghe một câu chuyện gì đó không nhịn cười được, phải bò, phải lăn ra mà cười.

                - cười gằn: để trút sự giận dữ lên trên người khác để giải tỏa sự bực tức của mình

                - cười giòn: cười thoải mái, vô tư.

                - cười góp: còn gọi là cười chầu rìa, cười nịnh, cười để hùa theo, nhằm lấy lòng người đối diện.

                - cười bĩu môi: cười chế nhạo chọc giận, khinh khi, trêu tức người khác.

                - cười hả hê: cười cách thích thú

                - cười hề hề: cái cười của người dễ tính, bị bè bạn lấn lướt mà anh ta vẫn không giận, vẫn cười hề hề.

                - cười lềnh lệch: cười không chủ đích

                - cười híp mắt: thích thú quá nên khi cười hai mắt nhắm lại. Khi đang lái xe không nên cười kiểu này.

                - cười hở mười cái răng: thái độ bất chấp không cần đến những người xung quanh.

                - cười khà, cười khì: cười thành tiếng nhưng không có chủ đích chỉ cười cho vui.

                - cười khan: cười bực bội, thí dụ: thấy vợ cứ cằn nhằn hoài một cách thật vô lý, ông ta chỉ biết cười “khan” để nuốt giận.

                - cười khanh khách: cười vui vẻ, lớn tiếng thoải mái.

                - cười khẩy: cười trong lúc buồn bực, giận dữ, ngượng ngùng, chỉ hơi nhếch mép lên một chút.

                - cười khúc khích: cười ý nhị trước một chuyện vui.

                Kính thưa quý thính giả,

                Khi nào thì người ta bật ra tiếng cười? Theo như phần giải thích ở trên thì người ta có thể phát tiếng cười ở bất cứ trạng huống xúc cảm nào: hỷ, nộ, ái, ố v.v. Thông thường thì khi vui ta cười, khi buồn ta khóc phải không? Nhưng có khi cười chưa hẳn là vui, và khi khóc chưa hẳn là buồn, như được ghi lại trong câu thơ sau đây:

                “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”

                Có ai trong chúng ta mà không có lần đọc qua vần thơ nổi tiếng trong truyện Kiều sau đây:

                “Hoa cười ngọc thốt đoan trang
                Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”

                hay là:

                "Cùng trong một tiếng tơ đồng
                Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”

                Chắc hẳn quý vị đã biết bốn câu thơ ấy của ai rồi? Vâng chính đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả những uẩn khúc của lòng người qua nụ cười và tiếng khóc.

                Kính thưa quý thính giả,

                Con người ai cũng cười. Nhưng đối với người Việt nam ta, cái cười có một cái gì lạ lùng hơn những dân tộc khác. Theo như nhận định của nhà báo và dịch giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh, đã được đăng trong Đông Dương Tạp Chí, trong bài báo nổi tiếng với tựa đề “Gì Cũng Cười!”. Nhà văn tiền phong này đã bắt đầu bài báo như sau: “Việt nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, phải cũng hì mà quấy cũng hì. Nhăn răng ra hì một tiếng”.

                Đứng trước hiện tượng “lúc nào cũng hì” của dân tộc Việt, bác sĩ Dương Tấn Tươi đã cho một câu giải đáp:

                “Trước hết, hiện tượng nhà văn tiền phong mô tả “Nhăn răng hì một tiếng” không phải là “cười ” theo định nghĩa của chúng ta, vì thiếu yếu tố quan trọng là sự thở ra đứt đoạn. Nếu không phải là cười thì đó là gì?”

                Bác sĩ Tươi nhấn mạnh:

                “Nó đã trở thành tiếng nói”. Bác sĩ đưa ra một thí dụ: “Được một bạn làm trung gian, hai kẻ chưa từng quen biết nhau vừa gặp mặt lần đầu tiên, vồn vả đưa tay ra nhăn răng hì một tiếng”. Hai cử chỉ đó chứng tỏ cho đối phương biết, tay chân chẳng có khí giới nào và lòng dạ thì lại sẵn sàng”. Dẫu là người ngoại quốc, dù không cùng ngôn ngữ nhưng qua tiếng “hì” cũng thông cảm được ngay. Vì lẽ ấy nó đã trở thành một tiếng nói quốc tế không cần thông dịch viên. Nhăn răng hì một tiếng theo lối tả chân của ông Vĩnh đã thành một lời chào.”

                Kính thưa quý thính giả,

                Còn các dân tộc khác thì họ cười như thế nào?

                Phương Tây có nụ cười lúc ẩn lúc hiện của nàng Mona Lisa trong họa phẩm trứ danh La Joconde của Leonardo Da Vinci; phương Đông cũng có nụ cười của nàng Bao Tự thời Trung Quốc xưa. Sử sách có ghi rằng vua nhà Chu là U Vương, cho đem cả kho lụa ra xé, mà cũng không ép được tiếng cười của ái phi Bao Tự. Nịnh thần Thạch Phủ hiến kế đốt phong hỏa đài trên núi Ly Sơn và kết quả là nụ cười được mệnh danh “Nhất Tiếu Thiên Kim” đã nở đúng như quan niệm của triết gia người Pháp Pascal về tiếng cười như sau: “Cười là khi lý trí nhận thấy một sự mâu thuẫn” hay là “Không có chi đưa đến cái cười bằng sự bất đồng giữa nghe và thấy”. Hoặc chúng ta có thể diễn nghĩa ra là: “Cười là nhận ra mâu thuẫn giữa điều ta biết với chuyện trước mắt”. Đó là tiếng cười của nàng Bao tự, xưa đã từng nghe đồn đại về lực lượng hùng hậu của chư hầu, mà khi nàng thấy chỉ còn là một món đồ chơi. Trong lòng nàng nổi lên một niềm thích thú vô biên, một niềm vui ích kỷ. Xét ra nụ cười này còn đắt hơn ngàn vàng, đã làm sập đổ cả một triều đại.

                Xét về phương diện sinh lý, cười là sự thở ra bị đứt đoạn, là phản ứng của hai nhóm cơ của đường hô hấp và nhóm cơ nơi mặt, dù chúng ta thấy nụ cười chỉ nở ra trên vành môi. Mỗi cặp cơ đều có phận sự riêng, khi cười nếu chúng ta chú ý vào một việc thì do cơ trán biểu hiện sự lưu tâm, còn bày tỏ mối suy tư là cơ mi trên làm cho nhíu mày. Chúng ta đã thấy cơ trán đem lại sự chú ý, nhưng nếu nhấn mạnh thì hóa ra ngạc nhiên, còn tăng cường độ nữa thì sự lo âu xuất hiện. Còn có mấy ai rõ là, khi cười ta phải vận dụng 16 bắp thịt trên mặt, nhưng người ta phải vận dụng đến 50 bắp thịt để nhăn nhó! Như vậy thì quý vị thích cười hay thích nhăn?

                Quý thính giả thân mến,

                Bác sĩ và các nhà tâm ký cho biết cười là một liều thuốc bổ. Khoa thần kinh tâm lý chứng minh rằng cảm xúc làm thay đổi nhịp tim và chức năng của tim. Một trái tim vui vẻ là một thần dược. Tiếng cười vui vẻ có một sức mạnh vô song ngăn ngừa kịch phát tim (heart attack) và nhiều bịnh hiểm nghèo khác. Tim kết hợp với tiếng cười, tiếng cười làm nhẹ nhõm tim và cũng làm lành vết thương tim. Vua Sa-lô-môn so sánh lợi hại của một tâm hồn vui vẻ và một đời sống buồn rầu như sau:

                “Niềm vui vẻ như thang thuốc bổ,
                Nỗi thảm sầu phá hoại tủy xương.” (Châm Ngôn 17:22)

                Như vậy, “hãy vui vẻ lên, cười lên với tâm hồn thanh thoát các bạn ạ!”

                Kính thưa quý thính giả,

                Các nhà vẽ tranh hí họa, nghệ nhân hài hước, người kể chuyện tiếu lâm, nhà viết văn thơ trào phúng, chỉ có một việc là làm sao cho người ta cười. Thế nhưng khi một “người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”? Rồi nếu có chọc được ai cười, thì chính người chọc cười đó, có được nụ cười trong tâm hồn mình không? Trên báo chí, ti vi đều có mục vui cười rất ăn khách, nhưng cũng chỉ đem đến những nụ cười tạm bợ, trong phút chốc mà thôi. Như vậy, nhiều khi thấy cười cợt bên ngoài nhưng trong lòng lại đang chất chứa nhiều phiền muộn, như vua Sa-lô-môn đã diễn tả:

                “Miệng cười lòng vẫn tái tê,
                Nụ cười tắt ngấm, lòng sầu mênh mang” (Châm Ngôn 14:13)

                Khi so sánh giữa cười và khóc, thì “khóc với người khóc” dễ hơn “vui với người vui”. Giáo phụ Chryssoton đã viết: “Vui với kẻ vui đòi hỏi một tinh thần Cơ-đốc cao hơn là khóc với kẻ khóc. Vì khóc với kẻ khác là một bản tính tự nhiên và không có ai quá cứng lòng đến nỗi không chảy nước mắt trước người lâm vào cảnh đau thương; còn vui với kẻ vui đòi hỏi một tấm lòng quảng đại, không ganh tị”. Bạn bè chí thiết với nhau thì phải biết “chung một niềm vui, chia xẻ nỗi buồn”, như Chúa Giê-xu có hướng dẫn rằng: “Hãy vui với người đang vui, khóc với người đang khóc.” (Rô-ma 12:15).

                Kính thưa quý thính giả,

                Nụ cười có nở hoài trên môi được hay không, là do trong lòng có sự vui vẻ và bình an hay không. Một người được vui vẻ khi tâm hồn thanh thản, không bị lương tâm day dứt, như sách Châm Ngôn có ghi như sau:

                “Người ác bị tội mình sập bẫy,
                Nhưng người ngay ca hát vui mừng.” (Châm Ngôn 29:6)

                Một người vui vẻ khi đang có mối liên hệ tốt đẹp với những người quanh. Có lẽ không ai vui nổi khi vợ chồng đang hờn giận nhau, cha mẹ, con cái đang bất hòa, bạn bè đang ruồng bỏ, xa lánh. Nhưng người nào tìm kiếm sự thuận hòa với mọi người thì có được niềm vui trong tâm hồn, như vua Sa-lô-môn có viết:

                “Lòng của người tạo nên hòa giải có sự vui mừng” (Châm Ngôn 12:20)

                Kính thưa quý thính giả,

                Niềm vui sâu thẳm tận từ đáy lòng sẽ cứ tiếp tục trào dâng khi một người đang sống trong mối liên hệ tốt đẹp và gần gũi với Thiên Chúa. Thật là vui cho những ai, một ngày nào đó, khi phải đối diện với Đấng Tạo Hóa, biết được rằng mọi vi phạm của mình được Ngài bôi xóa và thứ tha. Thật là hạnh phúc cho người nào có Thiên Chúa nhân từ ở cùng, nâng đỡ và bênh vực cho, như lời Kinh Thánh có chép:

                “Con hân hoan trong Chúa Hằng Hữu
                Mừng rỡ vì được Ngài giải cứu” (Thi thiên 35:9)

                Mọi vi phạm sẽ được tha thứ khi quý vị tin nhận Chúa Giê-xu, chính là Thiên Chúa với tình thương bao la, đã bằng lòng giáng thế làm người và sau đó đã chết đớn đau trên thập tự, đền nợ thế của cả nhân loại, trong đó có quý vị và tôi. Chính Cứu Chúa Giê-xu là niềm hoan ca bất tận cho tất cả chúng ta, như thiên sứ đã loan báo, khi Ngài hạ sinh cách đây hơn 2000 năm trước như sau:

                “Tôi báo cho các anh một tin mừng, sẽ là niềm vui lớn cho toàn dân” (Luca 2:10)

                Quý vị có muốn đón nhận niềm vui lớn này vào trong lòng, để nụ cười cứ nở mãi trên môi quý vị không?

                Kính chúc quý thính giả một tuần lễ mới với niềm vui trọn vẹn trong tâm hồn.
 

Nguyễn Thanh
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn