01:21 EDT Chủ nhật, 28/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 10


Hôm nayHôm nay : 2917

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 268957

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22998364

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Chương 11: Sự Tự-Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định?

Thứ ba - 10/04/2018 20:55
Chương 11: Sự Tự-Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định?

Chương 11: Sự Tự-Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định?

Kính thưa quý độc giả, Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu Chương 11 trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK - NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới chương đề: Sự Tự Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định của Cá Nhân.



                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu Chương 11 trong quyển sách YOU ARE WHAT YOU THINK - NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop dưới chương đề: Sự Tự Nhủ: Đức Tin hay Sự Giả Định của Cá Nhân.

                Năng lực được phóng thích từ sự Tự-Nhủ của chúng ta thật đáng kinh ngạc biết bao. Ý tưởng và lời nói của chúng ta không chỉ tạo nên cảm xúc trong chúng ta, mà chúng còn có năng lực khiến chúng ta thấy mạnh khỏe hoặc đau yếu và định đoạt tương lai chúng ta nữa.

                Sự nhấn mạnh mới về năng lực của tâm trí phản ảnh một sự quay trở lại của những ý tưởng cổ xưa liên quan đến mối tương quan giữa thân thể và tâm trí. René Descartes, một triết gia người Pháp ở thế kỷ 17, đã thách thức sự giảng dạy đang chiếm ưu thế vào thời ấy. Trong khi đa số người đương thời cho rằng tinh thần thống trị thể chất, thì Descartes lại dời sự chú ý đến tầm quan trọng của cơ thể con người. Descartes nhấn mạnh rằng cơ thể người ta giống như một cỗ máy, “được dựng nên và cấu tạo bởi các hệ thần kinh, các cơ bắp, các tĩnh mạch, máu và biểu bì, theo một cách thức tuyệt vời đến độ mọi cơ phận cứ tiếp tục hoạt động theo từng chức năng của chúng, cho dù chẳng hề đặt chút tâm trí nào trong đó cả.”

                Đối với Descartes, tinh thần bị giới hạn trong tư tưởng và ý thức, vốn bao gồm ý chí, cảm nghĩ, trí tuệ, và điều mà ông gọi là tình cảm—như yêu thương, khao khát, hận thù, hy vọng. Tinh thần lệ thuộc vào lý trí và chịu phục dưới Đức Chúa Trời, nhưng cơ thể thì chỉ lệ thuộc vào các định luật máy móc. Ngay cho dù tinh thần và thể chất có tương tác với nhau đi nữa, thì đó chỉ đơn thuần là một tiến trình máy móc. Nói tóm lại, Descartes cho rằng trên thực tế, hai phần này tách biệt nhau.

                Trong nhiều năm kể từ đó, hệ tư tưởng của Descartes đã thống trị nhiều lãnh vực trong ngành y và tâm lý học. Kết quả là người ta đã phải vật lộn với những vấn đề phát sinh trong tâm trí và trong cơ thể, tự hỏi liệu có nên điều trị về mặt tâm lý trước hay điều trị về mặt cơ thể trước, nhưng rồi họ luôn tiếp cận vấn đề với một thái độ hoặc thế này, hoặc thế kia. Khi y học không thể tìm ra nguyên nhân sinh học cho một căn bệnh, thì căn bệnh này bèn được đặt vào danh mục bệnh tâm thần. Điều này thường gây ra vấn đề khó khăn cho bệnh nhân, vì chẩn đoán kiểu ấy thường được hiểu như là một căn bệnh tưởng tượng.

                Kính thưa quý độc giả,

                Tuy nhiên, ngày nay chúng ta không chỉ thấy rằng thể chất và tinh thần có liên hệ với nhau, mà chúng ta còn thấy cả hai quyện vào nhau một cách vô cùng phức tạp nữa. Tinh thần có thể làm cho căn bệnh chuyển biến trầm trọng hơn, nhưng cũng có thể đem lại sự hồi phục sức khỏe. Tinh thần có thể tạo ra cảm xúc tức giận và sự thù địch mãnh liệt vốn không chỉ kích hoạt cơ thể mà còn có khả năng gây tổn hại cho cơ thể nữa. Một cuộc nghiên cứu gần đây về thần kinh học do các nhà nghiên cứu thuộc phân khoa Y, Viện Đại Học Iowa tiến hành, đã nhận dạng điều được gọi là “những hướng đi có thể theo dõi được về mặt vật lý” vốn chịu trách nhiệm cho những phản ứng về mặt xúc cảm của con người. Những cảm nghĩ bao gồm sự nhận thức về mọi thay đổi của cơ thể, lẫn những thay đổi liên quan đến nhận thức được khơi dậy bởi sự đánh giá chủ quan của chúng ta về một biến cố dựa trên các biến cố tương tự đã xảy ra trước đó. Một phần nhỏ trong não bộ được gọi là amygdala - tức là hạch hạnh nhân - đóng một vai trò quan trọng cho chúng ta khả năng trải nghiệm những cảm xúc riêng tư, cũng như khả năng để nhận diện cảm xúc mà người khác đang trải nghiệm. Dựa trên bản báo cáo, thì cuộc nghiên cứu này đã lật đổ sự phân đôi giả tạo giữa tinh thần và thể chất mà Descartes đã khởi xướng.

                Kính thưa quý độc giả,

                Một cuộc nghiên cứu khác cho thấy sự ràng buộc giữa thể chất với tinh thần, đặt trọng điểm vào chứng bệnh mất thị lực của những phụ nữ Cam-bốt đã từng là nạn nhân còn sống sót trong cuộc diệt chủng tại Cam-bốt. Vào những năm cuối thập niên 1970, trong một đất nước chỉ có tám triệu dân, dưới sự cai trị của Pol Pot và Khờ-me Đỏ, gần như toàn thể dân chúng đều đã bị tra tấn kinh khiếp, và trên một triệu người đã bị thảm sát. Một số nạn nhân đã trốn thoát đến Thái Lan và sau đó được nhận đến định cư tại Hoa Kỳ. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 150 phụ nữ Cam-bốt ở lứa tuổi trung niên được định cư tại Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu nguyên nhân gây nên bệnh mù lòa của họ. Những phụ nữ từng là nạn nhân chiến tranh này đã đến các dưỡng đường tại Hoa Kỳ trong khoảng năm 1982 đến 1989 để được điều trị bệnh mất thị lực. Tất cả phụ nữ Cam-bốt này đều là nạn nhân của Khờ-me Đỏ, nhưng họ không hề quen biết nhau. Thường thì những chứng bệnh có thể gây ra bệnh mù lòa đều có thể được phát hiện, vì vậy các bác sĩ đều lấy làm kinh ngạc về con số nữ bệnh nhân bị mù lòa nhưng lại chẳng có bất kỳ một cơ sở sinh lý học nào được xem là nguyên nhân gây ra bệnh mất thị lực nơi quá nhiều phụ nữ Cam-bốt đến thế. Bản tường trình nêu lên rằng “trong những biên niên sử về chiến tranh, không tìm thấy những mô tả nào khác về việc một số người bị cô lập với nhau đã bị mất đi thị lực vì những lý do mà không ai có thể giải thích được.” Nếu không có cơ sở vật lý nào gây ra bệnh mù lòa, thì chỉ có tinh thần, tức tâm trí, mới có thể cáng đáng trách nhiệm này. Càng ngày tinh thần càng được nhận diện như là trung tâm của sự tự chủ.

                Hội chứng Đức Chúa Trời-Là-Thần-Đèn Của tôi

                Kính thưa quý độc giả,

                [Trong phần này chúng ta sẽ nói đến lối suy nghĩ xem Đức Chúa Trời như vị thần đèn của Alađin trong thần thoại ngàn lẻ một đêm]

                Với lối nhấn mạnh mới này về sức mạnh của tâm trí và vai trò của tư tưởng cùng lời nói, chúng ta dễ bị rơi vào một số nan đề. Chúng ta có thể bị lừa phỉnh để tin rằng nếu chúng ta có thể làm chủ các ý tưởng của mình, thì chúng ta có thể là vị thuyền trưởng lèo lái con tàu vận mệnh của chính mình! Và nếu chúng ta nhấn vào điểm này đủ xa, chúng ta có thể sớm tin tưởng rằng nếu chúng ta muốn có một chiếc Cadillac mới, chúng ta có thể truyền lệnh cho điều ấy trở thành hiện thực. Hoặc nếu chúng ta muốn mình giàu có, chúng ta suy nghĩ đúng cách và trở nên giàu có. Nếu chúng ta mắc bệnh, chúng ta hình dung bản thân mình đang khỏe mạnh trở lại — và thế là chúng ta trở nên khỏe mạnh! Đột nhiên, chúng ta thấy mình có loại xúc cảm giống như Aladdin khi anh ta khám phá rằng cây đèn mà anh tìm ra có chứa trong đó một vị thần đèn đầy những phép thuật nhiệm mầu. Muốn gì thì được nấy!

                Điều này nghe thật tuyệt vời — và càng tuyệt vời hơn nữa khi bạn nghe điều này từ một ông “thầy của đức tin” hoặc một người giảng đạo đầy năng động tích cực. Và thông điệp kiểu ấy sẽ hiệu quả. Ít nhất là một đôi lúc nào đó.

                Trong văn phòng của tôi hồi gần đây, tôi có trò chuyện với một cặp vợ chồng nọ, là những người đã từng tham dự cái mà họ gọi là tiến trình “lời nói đức tin”. Họ đã lắng nghe một nhóm giảng viên và giáo viên, là những người đã kết hợp nhiều câu tương tự như những câu mà tôi đã từng đề cập đến trong Kinh Thánh. Nhưng trong quá trình này họ đã tạo ra một hệ thống vốn có thể dễ dàng được sử dụng trong nỗ lực biến Đức Chúa Trời thành một ông thần giống như là thần đèn của Alađin vậy.

                Khi trò chuyện về những từng trải của cặp vợ chồng này, họ thuật lại thể nào họ đã được dạy rằng lời nói có năng quyền, và rằng bất cứ điều gì họ nói sẽ trở thành sự thật. Trong suốt một thời gian, cả hai ông bà đều rất vui mừng về các nguyên tắc của kiểu lời nói đức tin, vì nó đã mang lại niềm tin cho đức tin của họ.

                Nhưng khi họ ngồi nói chuyện với tôi, tôi có thể thấy rằng hiện nay họ đang cay đắng và bối rối. Họ kể cho tôi nghe về cô con gái tên là Lori của họ. Cô vừa mới bỏ học nửa chừng. Trong vài năm qua, ông bà đã từng lo ngại về cách hành xử và thái độ của cô con gái. Cô đã có một mô hình trong việc chọn những người bạn có giá trị hoàn toàn mâu thuẫn với các giá trị của cô cũng như những giá trị của cha mẹ cô. Nhưng Lori đã hoàn tất bậc trung học với điểm số khá tốt và thậm chí đã lên kế hoạch học đại học.

                Kính thưa quý độc giả,

                Điều gì đã xảy ra khiến cha mẹ của Lori thấy bối rối và cay đắng? Điều gì đã thật sự xảy ra với Lori? Cô có bước vào ngưỡng cửa đại học như cô đã hoạch định và bước đi trên con đường tốt đẹp như cha mẹ cô mong đợi không? Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Chúng ta sẽ tìm thấy câu giải đáp vào tuần sau. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn