11:10 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 58


Hôm nayHôm nay : 16042

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 264616

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22994023

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 2)

Thứ ba - 20/03/2018 20:49
Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 2)

Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 2)

Kính thưa quý độc giả, Chúng ta đang ở Chương 10 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ.



               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta đang ở Chương 10 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ. Trong hai tuần qua, chúng ta đã nghe về sự khác biệt giữa ba tính cách mà con người tiếp cận với cuộc sống, đó là: tính thụ động, tính gây hấn, và tính quả quyết, còn gọi là tính khẳng định. Có thể thấy rõ ràng, rằng bao lâu mà một người có thể duy trì thái độ thụ động, thì mục tiêu của họ là nhân nhượng người khác và né tránh mọi sự xung đột. Những phương cách tiếp cận với cuộc sống thụ động thường gắn liền với cảm xúc lo sợ hay sợ hãi. Dầu vậy, đôi lúc, sự giận dữ và căm ghét chất chứa trong lòng thực sự bộc phát ra, và rồi chúng ta có một người hung hăng gây hấn.

               Loại người thụ động thường cố gắng che giấu những cảm xúc của họ, hoặc cố gắng kiềm chế và chối bỏ điều họ cảm nhận. Đáng tiếc là khi cố gắng xử lý những cảm xúc của mình theo cách này, kết quả lại giống như việc cố sức nhồi nhét ngày càng nhiều món đồ vào một chiếc túi. Chẳng bao lâu một món gì đó đổ xuống, và những cảm xúc của chúng ta tuôn tràn ra khắp nơi. Lời bào chữa cho sự bộc phát cơn giận nhất thời của người mang tính thụ động là họ có quyền nổi giận, rằng họ đã từng bị lạm dụng quá mức, và từng để cho các quyền hạn của riêng họ bị xâm phạm quá nhiều lần, đến nỗi giờ đây phần thưởng họ muốn đạt được chính là cái quyền được nổi giận. Điều vẫn thường xảy ra đó là có một gánh nặng đặt trên phần thưởng ấy, được gọi là tội lỗi.

               Kính thưa quý độc giả,

               Chúng ta cũng đã nghe trình bày về tính cách của những người mang tính gây hấn. Tuy loại người mang tính gây hấn này có sự mạnh dạn khi đứng lên đòi hỏi quyền lợi của họ, nhưng cách thức họ thực hiện việc đó lại khá tồi tệ. Không những họ bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách tệ hại, mà họ còn vi phạm quyền hạn và cảm xúc của người khác. Nói cách khác, người gây hấn không còn phủ nhận hay che giấu những cảm xúc của họ nữa; nhưng họ bộc lộ chúng ra một cách ồn ào và hung hăng. Sự Tự-Nhủ đầy giận dữ của loại người có tính gây hấn đưa họ đến việc sử dụng các chiến thuật làm bẽ mặt, xem thường, hoặc áp đảo đối tượng mình đang công kích nhằm dành lấy chiến thắng về phần mình. Bởi lý do này, sự bộc lộ cảm xúc của người có tính cách gây hấn thường đi kèm với yếu tố buộc tội. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường phản ứng một cách thật phòng thủ khi bị người khác hung hăng gây hấn với mình.

               Kính thưa quý độc giả,

               Tuần qua, chúng tôi đã trình bày sơ qua về tính quả quyết. Tính quả quyết khác hẳn với tính thụ động và tính gây hấn, bởi vì nó không bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ hay cơn giận dữ. Hành vi cư xử quả quyết đúng nghĩa được thúc đẩy bởi cảm xúc của tình yêu thương. Bạn quan tâm đủ về chính mình và về những người khác đến mức bạn sẽ thẳng thắn bênh vực các quyền hạn của mình, và đồng thời cũng cẩn thận để không xâm phạm quyền hạn của bất cứ ai khác.

               Khi cùng làm việc với Tiến Sĩ Frank Freed, một nhà tư vấn tận tâm, đồng thời cũng là giáo sư lâm sàng về ngành tâm lý học, chúng tôi miêu tả việc xử lý các cảm xúc này là sự thú nhận. Nghĩa là chúng ta không đè nén, che giấu, hay bộc lộ những cảm xúc của mình. Chúng ta thú nhận chúng. Khi bạn thú nhận những cảm nghĩ và cảm xúc của mình, bạn đang diễn đạt bằng lời việc bạn đồng ý với điều bạn cảm nhận bên trong. Khi bạn thú nhận những cảm xúc và cảm nghĩ này, bạn đang miêu tả với một người khác những điều đang diễn tiến bên trong con người bạn.

               Một trong những lỗi lầm thường gặp trong các thái độ liên quan tới tính quả quyết đó là nó là một cách để có được điều bạn muốn. Bạn không thể làm như vậy với tính quả quyết! Có lẽ bằng cách gây hấn, bạn có thể đạt được mục tiêu ấy. Nhưng với tính quả quyết, lý do chủ yếu cho việc hành xử một cách quả quyết chính là bạn có lại được ý thức về sự tự chủ. Bạn không đang thúc ép người khác cách bất lợi cho họ, và bạn cũng không để bản thân mình bị người kia thúc ép—làm ngược lại hai cách này sẽ gây ra phản ứng trong cuộc sống.

               Giờ đây bạn đang trải nghiệm sự tự chủ và có thể hành xử theo cách bạn chọn, chứ không phải phản ứng! Điều này, cuối cùng sẽ đưa bạn đến những cảm giác tuyệt vời hơn của sự tự-tin và tự-chủ, vốn làm giảm đi nhu cầu thụ động hay gây hấn. Và bởi vì tính quả quyết được thúc đẩy bởi cảm xúc của tình yêu thương, mục tiêu của bạn trong việc hành xử cách quả quyết là nâng cao khả năng khiến mọi người có liên quan trong cùng tình huống hay sự kiện ấy đều có thể đạt được mục tiêu của mình một phần nào đó. Điều này dẫn đến một kiểu quan hệ thân thiết hơn, thỏa mãn hơn với những người khác. Một lần nữa, trận chiến để có hành vi cư xử quả quyết bắt đầu trong tâm trí bạn—nghĩa là trong sự Tự-Nhủ của bạn. Những người thiếu quả quyết thường bị thống trị trong sự Tự-Nhủ của họ bởi lối suy nghĩ “I should”, “tôi cần phải, tôi nên thế này thế nọ”, và rồi kiểu suy nghĩ này sẽ dẫn đến cảm nghĩ bế tắc kiểu “I can’t”, “tôi không thể.”

               Kính thưa quý độc giả,

               Bất cứ khi nào bạn nói hay suy nghĩ bằng loại tự nhủ “I should” trong tiếng Anh, nghĩa là “Mình nên thế này, hay mình cần phải thế nọ” một cách không quả quyết, thì bạn làm cho một số hành động hay sự việc sau đây hoạt động. Chúng ta có thể lấy từng mẫu tự trong cụm từ “I should” để làm mẫu tự đầu cho các từ ngữ hay cụm từ khác như:

               I, là Immobilization, nghĩa là “làm cho bất động, hay cố định”
               “Should” bắt đầu bằng mẫu tự S, là “Saying—not doing”, nghĩa là “Đang nói, chứ không phải đang làm”
               Kế đó là mẫu tự H, là “Hung up on guilt”, nghĩa là “Bị mắc kẹt trong tội lỗi”
               Mẫu tự thứ ba trong từ “should” là O, là “Overly anxious”, nghĩa là “Lo âu thái quá”
               Mẫu tự thứ tư trong từ “should” là U, là “Underlying anger”, nghĩa là “Cơn giận ngấm ngầm”
               Kế đó là mẫu tự L, là “Lowered self-esteem”, nghĩa là “Lòng tự-trọng bị hạ thấp”
               Mẫu tự cuối cùng trong từ “should” là D, Depression, nghĩa là “Sự ngã lòng, phiền muộn, chán nản”

               Quý độc giả thấy đấy, những từ đơn hay cụm từ chúng tôi vừa nhắc đến không phải là một khuôn mẫu đem lại sự thỏa mãn cho chúng ta. Những khuôn mẫu hành vi cư xử thiếu tính quả quyết thường dẫn chúng ta vào cảm xúc của tội lỗi, giận dữ, lo lắng, phiền muộn lo âu và ngã lòng. Kết quả của những cảm xúc ấy dẫn đến việc ta bị hạ thấp lòng tự-trọng, cùng cảm giác thấy bản thân mình bị tê liệt. Bạn ngồi một chỗ và nói chuyện với chính mình về những điều lẽ ra bạn đã phải làm, hay nghiền ngẫm về những điều lẽ ra bạn đã không nên làm. Và rồi sẽ không có gì xảy ra để thay đổi bạn hoặc thay đổi tình huống ấy—nghĩa là bạn đã bị làm cho tê liệt.

               Những câu ‘tôi nên, tôi cần phải’, “I should” luôn dẫn đến những câu ‘tôi không thể.’ “I can’t.” Nếu chúng ta lại lấy những mẫu tự đầu của câu nói ‘tôi không thể’, nghĩa là “I can’t” trong Anh Ngữ, thì những mẫu tự này lại tạo ra khuôn mẫu như sau:

               I, là “Inadequate feelings about myself”, nghĩa là “Cảm giác bất xứng về bản thân”
               Động từ mang tính phủ định CAN’T viết tắt của hai chữ CAN và NOT cho chúng ta bốn mẫu tự là C, A, N và T. 
               C là mẫu tự đầu, có thể được dùng để chế tác ra cụm từ “Controlled instead of being in control”, nghĩa là “Bị khống chế thay vì có khả năng kiềm chế”
               Kế đó là mẫu tự A, là “Apathetic” nghĩa là “Lãnh đạm, thờ ơ, hờ hững”
               Mẫu tự thứ ba là N, là “Negative results”, nghĩa là “Những kết quả tiêu cực”
               Mẫu tự cuối cùng là T, là “Total despair”, nghĩa là “Tuyệt vọng hoàn toàn”

               Với kết quả như vậy, chẳng đáng ngạc nhiên chút nào khi bạn thốt lên câu “Tôi không thể!” Bạn không đủ tốt, thiếu năng lực, mất kiểm soát, và chán ngấy về những kết quả tiêu cực trước những điều bạn thử thực hiện. Những việc này dẫn bạn đến chỗ trở nên thậm chí lãnh đạm hơn, cho đến khi bạn bỏ cuộc vì hoàn toàn tuyệt vọng.

               Kính thưa quý độc giả,

               Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng tôi sẽ trình bày cùng quý thính giả “Bốn Chữ D của Lối Sống Khẳng Định và Quả Quyết”. Chúng tôi ước mong quý độc giả sẽ tiếp tục lắng nghe tiết mục đọc sách hàng tuần để chúng ta cùng nhau sánh bước trên hành trình tìm hiểu bản thân, học cách chuyển đổi tư duy theo chiều hướng tích cực nhằm xây dựng một cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn