05:33 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 27


Hôm nayHôm nay : 12713

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 261287

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22990694

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Tiếng Nói Của Lương Tâm

Thứ ba - 13/03/2018 23:39
Tiếng Nói Của Lương Tâm

Tiếng Nói Của Lương Tâm

Tờ “Nữu Ước Thời Báo” (The New York Times) số ra ngày 27 tháng 8 năm 1905, có đăng một tin như sau: “Carl Zable, một người làm công trong nông trại, đã tự nộp mình đầu thú với cảnh sát trưởng của quận Gloucester. Zable tự khai là đã giết chết một người tại Virginia vào tháng giêng vừa qua.

               

               Tờ “Nữu Ước Thời Báo” (The New York Times) số ra ngày 27 tháng 8 năm 1905, có đăng một tin như sau:

               “Carl Zable, một người làm công trong nông trại, đã tự nộp mình đầu thú với cảnh sát trưởng của quận Gloucester. Zable tự khai là đã giết chết một người tại Virginia vào tháng giêng vừa qua.

               Nhà chức trách tại Virginia đã phối kiểm và xác nhận lời khai của Zable là sự thật. Theo lời khai này, thì vào ngày 19 tháng giêng năm 1905, trong khi cãi cọ gay gắt, Zable đã giết James Jeffries tại Virginia và sau đó y đã bỏ trốn lên phương bắc. Tuy vậy, lương tâm của y không chịu để y được yên và đã thúc đẩy y ra đầu thú. Zable hiện đang bị giam tại Woodbury để chờ tòa án Virginia xét xử”.

               Kính thưa quý thính giả,

               Quý vị và tôi đã từng nghe một vài tin tức tương tự như vậy: một người cố ý giết người hay lỡ tay ngộ sát, hay một người đã thực hiện một điều gì ám muội, mặc dù đã bỏ trốn hay khéo léo che đậy, không bị ai khám phá, nhưng cứ bị lương tâm dằn vặt không thôi, đến nỗi cuối cùng phải tự nộp mình đầu thú, như trường hợp của Carl Zable.

               Nhưng cũng có trường hợp hoàn toàn ngược lại, như mới đây tại vùng thôn quê La Trobe Valley, thuộc tiểu bang Victoria, Úc Đại Lợi, cảnh sát đã khám phá một sự việc gây chấn động lương tâm mọi người: đó là một người đàn ông trên 60 tuổi, đã giam cầm con gái ruột của mình và hãm hiếp cô này hầu như mỗi ngày trong 30 năm qua, đến nỗi cô đã có 4 đứa con với cha ruột của mình. Làm sao một người có thể hành xử vô luân với con ruột của mình như vậy trong suốt 30 năm trường? Theo như sự ban cho của Thượng Đế, trong mỗi con người luôn luôn có lương tâm đi kèm. Như vậy lương tâm của người đàn ông này có bao giờ lên tiếng hay không? Hay lương tâm của ông đã bị chai lì và điều gì khiến cho lương tri của ông trở nên đen tối như vậy?

               Quý thính giả thân mến,

               Lương tâm chính là sự ghi khắc của Thiên Chúa vào trong tâm khảm mỗi chúng ta những đạo đức thiên nhiên. Qua lương tâm, Đấng Tạo Hóa nhắc nhở và hướng chúng ta về những luật lệ và tiêu chuẩn tuyệt đối của Ngài.

               Những người nhìn nhận sự hiện diện của Ngài, biết rõ các luật lệ thiên thượng, cũng như những người vô thần, đều được Đấng Tối Cao khắc ghi những luật lệ trong lòng qua lương tâm, như Kinh Thánh có khẳng định:

               “Những người không có Luật Môi-se; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Môi-se. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rô-ma 2:14-15)

               Lương tâm làm việc không ngừng, tuy vậy sức mạnh và khả năng của lương tâm ảnh hưởng khác nhau trên những cá nhân khác nhau. Tiếng nói của lương tâm trong từng người, thay đổi từng lúc, khi êm dịu, khuyên lơn nhưng cũng có khi thật dữ dội, đầy phán xét.

               Trong khi chúng ta chỉ đang dự định thực hiện một điều gì, lương tâm sẽ thử xét xem hành động mà chúng ta đang suy tưởng là đúng hay sai. Vào thời điểm này, lương tâm vật lộn với bao rối reng của những toan tính, những so đo, những động cơ, những ham muốn của quý vị và tôi. Hễ càng chú tâm và suy tưởng về một điều gì, thì lương tâm cũng sẽ càng tập trung để phán quyết về điều đó. Lương tâm đấu tranh để cho sự trong sạch, cho lẽ phải và cho lòng chân thật. Lương tâm làm việc theo nguyên tắc “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, tức là lương tâm sẽ ngăn chận và dập tắt những “toan tính” không đoan chính ngay trong tâm trí, bởi vì khi một “dự định”, nếu để “chín muồi” trong suy nghĩ, khi gặp cơ hội, thế nào cũng sẽ “bắt lửa” để trở nên “hành động”.

               Một khi một dự định không tốt lành đã trở nên hành động, ảnh hưởng của lương tâm đang ở mức độ yếu ớt nhất. Lý do là tâm trí của một người đã quá tập trung vào hành động, cho nên người đó không còn nhạy bén hay có thể nghe được tiếng kêu gào của lương tâm nữa. Khi một hành động sai trật đang thực sự xảy ra, lòng ham muốn càng gia tăng, cộng với ngoại cảnh thúc đẩy, khiến lương tâm khó lòng mà xoay ngược hay cản trở hành động sai trật nữa.

               Những cám dỗ bất chính bắt đầu từ trong tâm trí, từ những ước muốn trong lòng của một người, chứ không phải từ ngoại cảnh, như Chúa Cứu Thế Giê-xu khẳng định: “Chính điều phát xuất từ tâm địa mới làm cho người bị ô uế, vì từ bên trong, vì từ lòng con người mà ra những ác tưởng, gian dâm, trộm cắp, sát nhân, ngoại tình, tham lam, độc ác, lừa dối, phóng đãng, ganh ghét, phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những việc xấu xa này đều phát xuất từ bên trong và làm ô uế con người.”(Mác 7:20-23)

               Do vậy, trận chiến của lương tâm, thành hay bại, là ở ngay trong tâm trí một người, khi suy nghĩ chỉ vừa nhen nhúm. Bởi vì sau khi một dự định đã “chín muồi”, không sớm thì muộn, sẽ biến thành hành động và lúc đó lương tâm khó lòng mà “cản bước” nó.

               Để khỏi sa vào tội ác, cách tốt nhất là chúng ta phải giữ cho tâm trí ngay từ đầu không chú ý đến cám dỗ hay không để bị cám dỗ lôi cuốn. Để tâm trí khỏi bị vướng mắc vào những cám dỗ, cách tốt nhất là phải tránh xa những hoàn cảnh hay môi trường đưa đến cám dỗ, theo nguyên tắc “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, nhưng Chúa Cứu Thế Giê-xu có hướng dẫn trong lời cầu nguyện như sau: “Xin đừng để chúng con bị cám dỗ” (Ma-thi-ơ 6:13)

               Kính thưa quý thính giả,

               Sau khi một hành động sai trật đã xảy ra và đã hoàn tất, là lúc một người nghe lương tâm nói lớn tiếng nhất, để tuyên bố sự phán xét về hành vi đó. Lúc này, lương tâm lớn tiếng đòi hỏi người đó phải chịu trách nhiệm hay phải bồi hoàn cho hành vi sai trật của mình. Những cá nhân khác nhau đáp ứng tiếng gọi của lương tâm lúc này cũng khác nhau.

               Như A-đam và Ê-va đã bất tuân mạng lịnh của Thượng Đế, giơ tay hái trái cấm mà ăn, vì tham muốn khôn ngoan ngang hàng với Đấng Tối Cao, theo lời dụ dỗ đường mật của quỷ vương, đội lốt trong con rắn. Sau khi phạm tội, A-đam và vợ cảm thấy hổ thẹn và sợ hãi, khiến họ vội ẩn núp giữa các lùm cây khi nghe tiếng chân của Thượng Đế bước vào vườn.

               Còn Ca-in vì lòng ghen tức, nên đã ra tay giết em mình là A-bên. Khi Thượng Đế gạn hỏi về việc này, thì Ca-in vẫn khăng khăng phủ nhận “Con không biết! Con đâu phải người trông nom nó!” (Sáng Thế Ký 4:9)

               Trong trường hợp của vua Đa-vít, vị vua thứ nhì của dân tộc Do-thái, mặc dầu đã được khuyến cáo không được tiến hành kiểm tra dân số, có lẽ vì Thiên Chúa không muốn vua dựa vào dân đông, ỷ vào quân số nhiều mà đâm ra tự mãn và tự cao với thành tích của mình, tuy vậy vua vẫn ra lệnh tiến hành việc kiểm tra. Sau khi mọi ước vọng đã được thỏa mãn, thì lương tâm lên tiếng dày vò khiến vua Đa-vít đã phải hối hận và thú tội, như Kinh Thánh ký thuật “Kiểm tra dân số xong, Đa-vít bị lương tâm cắn rứt, và thưa với Chúa: "Lạy Chúa Hằng Hữu! Con đã phạm một trọng tội; xin Chúa tha tội cho con, vì con thật điên rồ!"(2 Sa-mu-ên 24:10).

               Quý thính giả thân mến,

               Lương tâm phán xét nhiều phương diện trong đời sống của mỗi chúng ta.

               Đầu tiên, lương tâm phán xét về lời nói của quý vị và tôi, về những gì chúng ta nói và cách chúng ta nói những lời này. Nguyên tắc phán xét của lương tâm là xem những lời nói có chân thật, có ân hậu, có tử tế khi chúng ta truyền thông với người khác. Lương tâm sẽ khiển trách khi lời nói mang tính thô lỗ, dối trá, cay đắng hay giận dữ.

               Lương tâm cũng dò xét những suy nghĩ của bạn và tôi. Chúng ta thường che dấu hay “qua mặt” lương tâm trong giai đoạn suy nghĩ, vì lúc này chưa có một hành động cụ thể nào xảy ra, cộng với những tư tưởng của chúng ta cũng còn mơ hồ và ngắn ngủi. Tuy vậy, lương tâm sẽ dò xem những tư tưởng nào thường lập đi lập lại trong đầu, những tư tưởng nào đang chiếm hữu trong suy nghĩ của chúng ta, để đưa ra lời nhận định hay cảnh cáo, trước khi những tư tưởng này trở nên “chín muồi” để sớm trở nên một hành động.

               Lương tâm xem xét thái độ, hay chính là những cảm nghĩ bên trong, những ý kiến, những quan điểm của quý vị và tôi về một sự việc hay về một cá nhân nào đó. Những thái độ như yêu, ghét, cảm thông, quan tâm hay hận thù, mặc kệ được lương tâm xem xét và nhắc nhở rằng đó có phải là một thái độ đúng đắn hay không.

               Cuối cùng, lương tâm phán xét về động cơ, hay là lý do thúc đẩy chúng ta tiến tới một hành động. Một hành động, xem bên ngoài dường như tử tế hay nhân nghĩa, nhưng mang một dụng ý xấu xa bên trong, có thể không qua mặt được lương tâm. Trong trường hợp ngược lại, một số hành động dường như “không hợp pháp”, thí dụ như trước đây, người ta tìm cách qua mắt nhà chức trách, chuyển lậu vô số Kinh Thánh vào Trung Quốc, thì hành động “bất hợp pháp” này vẫn được lương tâm tha bỗng vì động cơ tràn đầy tình thương của nó. Nói như vậy, không có nghĩa là khi chúng ta có một động cơ tốt, thì mặc nhiên hành động ra sao tùy ý, theo như kiểu lý luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bởi vì mục đích cuối cùng của lương tâm là xem xét những hành động của mỗi chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến sự lợi ích và an vui của những người khác.

               Kính thưa quý thính giả,

               Lương tâm đến từ Đấng Tạo Hóa, là tiếng nói và sự hướng dẫn trong tâm hồn của mỗi chúng ta, để hướng dẫn quý vị và tôi đối xử tốt đẹp với những người khác, theo như luật yêu thương và công bình của Thượng Đế.

               Tuy vậy, lương tâm thay đổi theo từng cá nhân, tùy theo quan niệm và kinh nghiệm sống của người đó. Do vậy, lương tâm trong từng cá nhân có giới hạn và có thể sai lầm. Cũng vì vậy, lương tâm cần được trau giồi mỗi ngày, nếu không sẽ trở nên lầm lẫn, thậm chí chai lì và vô hiệu quả.

               Kính mời quý vị và các bạn cùng khám phá với chúng tôi trong chương trình phát thanh tuần tới, làm cách nào để chúng ta trau giồi và cải thiện lương tâm, vì nhờ vậy mà lương tâm chúng ta được nhạy bén, có thể kịp điều chỉnh ngay bây giờ những hành động và suy nghĩ của mình. Vì một ngày không xa, tất cả chúng ta phải khai trình những gì mình làm, những điều thiện cùng điều ác, trong ngày quý vị và tôi trở về với Đấng tạo dựng ra mình.

               Kính chúc quý vị một cuối tuần vui vẻ và những ngày thanh thản trong tâm hồn. Thân chào quý vị và các bạn.
 

Tùng Tri
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn