19:26 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Tin Tức

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 13

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 11


Hôm nayHôm nay : 17466

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 267755

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 22997162

Trang nhất » Dưỡng linh » Thuyết Trình

Bài Mới

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

Kiên Nhẫn Giúp Đỡ Lẫn Nhau

“Nhưng, hỡi anh em, xin anh em hãy răn bảo những kẻ ăn ở bậy bạ, yên ủi những kẻ ngã lòng, nâng đỡ những kẻ yếu đuối, phải nhịn nhục đối với mọi người. Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ” (câu 14-15).

Xem tiếp...

Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 1)

Thứ sáu - 16/03/2018 20:22
Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 1)

Ba Tính Cách Của Con Người (Bài 1)

Kính thưa quý độc giả, Tuần vừa qua chúng ta đã bắt đầu Chương 10 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ.



                Kính thưa quý độc giả,

                Tuần vừa qua chúng ta đã bắt đầu Chương 10 trong quyển sách NGHĨ SAO, THÀNH VẬY của Tiến sĩ David Stoop. Chương này nói về Lối Sống Khẳng Định Qua Sự Tự Nhủ. Tại Hoa Kỳ, hầu hết các chương trình giáo dục dành cho người lớn thường tổ chức một khóa dạy học viên về tính quả quyết. Mặc dù các học viên không thường xuyên sử dụng các kỹ năng về tính quả quyết và tự tin mà họ đã học, song họ vẫn cảm thấy thích thú khi am hiểu sâu sắc hơn về các quyền hạn cũng như các cảm xúc của bản thân mình. Có sự khác biệt giữa ba cách mà con người tiếp cận với cuộc sống, đó là: tính thụ động, tính gây hấn, và tính quả quyết, còn gọi là tính khẳng định. Tuần trước chúng ta đã nói về Tính Thụ động. Những người đã từng thụ động về cuộc sống khám phá rằng họ có một số quyền hạn nào đó trong bất kỳ tình huống nào họ đối diện và họ thấy phấn khích.

                Điều đáng tiếc là khuôn mẫu thụ động của họ lúc trước đã đưa họ đến chỗ chất chứa sự giận dữ trong lòng, giờ đây đang sôi trào lên tận đỉnh của cảm xúc. Vì thế, người thân trong gia đình và bạn bè của những con người trầm lặng này thấy họ bỗng nhiên tỏ ra hung hăng, công kích. Hành vi cư xử mang tính gây hấn này, cùng với sự nhận thức về cơn giận của họ, khiến họ lúng túng và sợ hãi. Họ nào có muốn nóng giận hay gây hấn đâu, nhưng những kỹ năng về tính cách quả quyết của họ bị lẫn lộn với tính hung hăng gây hấn. Kết quả là họ nản lòng, rút lui trở lại vào những khuôn mẫu hành vi cư xử thụ động của mình.

                Những phương cách tiếp cận với cuộc sống thụ động thường gắn liền với cảm xúc lo sợ hay sợ hãi. Như chúng ta đã nhìn thấy, các cảm xúc được tạo nên bởi sự Tự-Nhủ của chúng ta. Vì thế người thụ động thường xuyên nói trong sự Tự-Nhủ của mình những điều như sau:

  • Mình không thể nói không. Mình sẽ cảm thấy thật có lỗi.
  • Mình không thể bảo chồng mình dành nhiều thời gian hơn cho mình. Anh ấy sẽ chỉ nổi giận thôi.
  • Mình không thể bảo bà xã mình dành nhiều thời gian hơn cho mình. Cô ấy sẽ chỉ nổi giận thôi.
  • Mình không thể đem cái áo này trả lại cửa hiệu được. Họ sẽ phàn nàn, bảo mình lần sau phải biết chắc là mình chọn đúng kích cỡ trước khi mua.
  • Mình không muốn làm ầm ĩ lên, vì thế mình sẽ chỉ việc thuận theo chính sách mới của công ty mình thôi.
  • Mình không thể than phiền với người quản lý về sự phục vụ; không ai khác có vẻ quan tâm cả.
  • Không cần phải bênh vực cho bản thân mình và xử sự như một đứa ngốc nghếch. Có thể là mình sẽ không bao giờ gặp lại cái người kia một lần nào nữa.

                Bởi việc xin lỗi và tự hạ mình, họ đã cho phép người khác xúc phạm họ. Điều mà sự Tự-Nhủ của họ thật sự đang nói chính là, “Tôi không quan tâm! Vì thế cứ tiếp tục đi và hãy lợi dụng tôi!” Theo cách đó, những người thụ động vi phạm các quyền hạn của riêng mình bởi việc không thể đối diện với những cảm xúc và ý nghĩ chân thành của mình. Rồi chẳng bao lâu, những người thụ động mất đi mọi ý thức về sự tự-trọng—hoặc họ tạo nên một lòng chảo lúc nào cũng sôi sục sự giận dữ và căm ghét bên trong.

                Tính Gây Hấn

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ nghe về một tính cách khác của con người trong việc tiếp cận với người khác ngoài xã hội, đó là tính gây hấn. Bao lâu mà người ta có thể duy trì thái độ thụ động, mục tiêu của họ là nhân nhượng những người khác và né tránh bất cứ sự xung đột nào, bất chấp giá phải trả là gì đi nữa. Dầu vậy, đôi lúc, sự giận dữ và căm ghét chất chứa trong lòng thực sự bộc phát ra, và rồi chúng ta có một người hung hăng gây hấn. Sự Tự-Nhủ của người này nghe giống như những điều sau đây:

  • Đừng hòng mình sẽ làm điều đó! Và hơn nữa, mình chán ngấy việc mọi người trông mong mình nói đồng ý!
  • Anh làm sao thế? Anh không biết là em cũng có các quyền hạn sao? Tốt hơn anh nên dành nhiều thời gian hơn với em nếu không thì sẽ biết!
  • Một nhân viên bán hàng ngốc nghếch nào đó đã đưa cho mình kích cỡ sai. Mình yêu cầu phải trả tiền lại cho mình ngay bây giờ!
  • Hãy nghĩ thử xem anh là ai mà lại đang nói chuyện với tôi kiểu đó?
  • Tôi chán ngấy cách thức mọi việc được thực hiện quanh đây. Hãy cứ tiến hành và cho tôi nghỉ việc đi; xem thử tôi có sợ không!

                Ít ra là những người gây hấn đứng lên đòi hỏi quyền của họ, nhưng cách thức họ thực hiện việc đó tồi tệ biết dường nào! Họ bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc của mình cách tồi tệ, và đồng thời họ cũng vi phạm các quyền và cảm xúc của người khác. Ao ước của những người gây hấn là thống trị trong một cách thức mà họ có thể chắc chắn là mình sẽ thắng. Sự Tự-Nhủ đầy giận dữ của họ đưa họ đến việc sử dụng các chiến thuật làm cho người kia bẽ mặt, xem thường, hoặc áp đảo người kia—nghĩa là bất cứ điều gì để giành lấy chiến thắng. Sự Tự-Nhủ của họ giờ đây bị chế ngự bởi ý nghĩ, “Bọn họ không đáng được quan tâm đến!”

                Kính thưa quý độc giả,

                Những người thụ động thường đang cố gắng hoặc là che giấu những cảm xúc của họ hoặc chỉ việc kiềm chế và chối bỏ điều họ cảm nhận. Khi chúng ta cố gắng xử lý những cảm xúc của mình theo cách này, kết quả sẽ giống như việc nhồi nhét ngày càng nhiều món đồ vào một chiếc túi. Chẳng bao lâu một món gì đó đổ xuống, và những cảm xúc của chúng ta tuôn tràn ra khắp nơi ấy.

                Đôi khi những người thụ động, trong sự Tự-Nhủ của họ, bào chữa cho sự bộc phát cơn giận nhất thời của họ bằng những ý tưởng và lời nói, cho rằng họ có quyền để nổi giận. Điều đó như thể họ đã từng bị lạm dụng quá mức, và đã từng để cho các quyền hạn của riêng họ bị xâm phạm quá nhiều lần, đến nỗi giờ đây họ có một quyển sách đầy phiếu mua hàng giảm giá và sẵn sàng để được đền bù lại. Và phần thưởng họ muốn đạt được chính là cái quyền được nổi giận. Điều vẫn thường xảy ra đó là có một gánh nặng đặt trên phần thưởng ấy, được gọi là tội lỗi.

                Những người gây hấn không còn phủ nhận hay che giấu những cảm xúc của họ nữa; giờ thì họ đang bộc lộ chúng ra một cách ồn ào và rõ rệt. Nếu bạn đang ở phía phải nhận chịu sự bộc lộ của những người gây hấn ấy, bạn có cảm nhận là suốt thời gian họ trút đổ cơn giận của mình, họ đang đưa ngón tay chỉ vào chính bạn. Sự bộc lộ cảm xúc thường đi kèm với yếu tố buộc tội. Đó là lý do vì sao chúng ta phản ứng một cách thật phòng thủ khi ai đó đang tỏ ra hung hăng gây hấn với mình.

                Thông thường, người ta phản ứng cách gây hấn khi bản thân họ cảm thấy bị đe dọa. Sự Tự-Nhủ của họ thôi thúc họ “dồn” người kia “vào thế bí” trước khi người kia có được lợi thế. Vào những lúc khác, người ta có thể hành xử cách gây hấn bởi vì tình huống hiện thời nhắc họ nhớ lại một trải nghiệm về cảm xúc trong quá khứ vốn vẫn chưa được giải quyết.

                Trong những phản ứng thụ động lẫn gây hấn trước con người hoặc các tình huống, những người bị bắt gặp trong những mẫu hành vi cư xử này không cảm thấy thoải mái về bản thân họ sau đó. Điều này là do bởi hành vi cư xử thụ động và hành vi cư xử gây hấn là những phản ứng trước các biến cố hoặc người khác. Bất cứ khi nào chúng ta phản ứng trước một điều nào đó, chúng ta trải nghiệm cảm giác không-kiểm soát-được xưa cũ ấy. Tình huống ấy đang quyết định hành vi cư xử của chúng ta—chúng ta chỉ có thể phản ứng mà thôi.

                Tính Quả quyết / Khẳng định

                Tính quả quyết thì khác hẳn. Nó không thụ động cũng không gây hấn. Nó không bị thúc đẩy bởi nỗi lo sợ hay cơn giận dữ. Hành vi cư xử quả quyết đúng nghĩa được thúc đẩy bởi cảm xúc của tình yêu thương. Bạn quan tâm đủ về chính mình và về những người khác đến mức bạn sẽ thẳng thắn bênh vực các quyền hạn của mình và đồng thời thận trọng để không xâm phạm các quyền hạn của bất cứ ai khác. Trong công tác của tôi với Tiến Sĩ Frank Freed, chúng tôi miêu tả việc xử lý các cảm xúc này là sự thú nhận. Chúng ta không đè nén, che giấu, hay bộc lộ những cảm xúc của mình. Chúng ta thú nhận chúng.

                Trong tiếng Hy-lạp, ý nghĩa của từ thú nhận là “đồng ý với.” Khi bạn thú nhận những cảm nghĩ và cảm xúc của mình, bạn đang diễn đạt bằng lời việc bạn đồng ý với điều bạn cảm nhận bên trong. Khi bạn thú nhận những cảm xúc và cảm nghĩ này, bạn đang miêu tả với một người khác những điều đang diễn tiến bên trong con người bạn.

                Kính thưa quý độc giả,

                Hôm nay chúng ta sẽ tạm dừng tiết mục đọc sách tại đây. Tuần sau chúng ta sẽ tiếp tục nói thêm về tính quả quyết trong tiến trình tìm hiểu làm thế nào để có lối sống khẳng định qua sự tự nhủ. Phát Thanh Hy vọng xin kính chúc quý độc giả một tuần thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình cùng bạn bè. Hẹn gặp lại quý độc giả trong chương trình phát thanh lần tới.
 

Tiến sĩ David Stoop
Nguồn: phatthanhhyvong.com

Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn